CHIA SẺ NHỮNG LỜI KHUYÊN

05:00, 11/08/2022 99
CHIA SẺ NHỮNG LỜI KHUYÊN

CHIA SẺ NHỮNG LỜI KHUYÊN

Tác giả: Azim Jamal & Harvey McKinnon

Trích: “Cho đi là còn mãi”. Người dịch: Huế Phượng. NXB TỔNG HỢP TP.HCM

---o0o---

  Nếu để ý bạn sẽ thấy mọi sinh vật đều có những lời khuyên cho đồng loại của mình. Chẳng hạn, kangaroo mẹ dạy cho kangaroo con cách nhảy, cách ăn và cách ẩn nấp, thậm chí cả cách làm thế nào để sống sót và sinh sản thêm nhiều kangaroo con. Mỗi loài động vật có một cách thức khác nhau dạy cho con cái mình, nhằm bảo đảm cho sự duy trì nòi giống. 

  Cuộc sống của con người cũng vậy. Chúng ta có thể trao tặng lời khuyên và cũng rất cần được đón nhận lời khuyên từ người khác. Khi chúng ta đưa ra lời khuyên, chia sẻ cảm xúc hay quan điểm, đó là dấu hiệu của sự quan tâm và lòng yêu thương dành cho nhau. Lời khuyên có thể chứa sức mạnh và lòng nhân ái giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng lời khuyên cũng có thể làm cho chúng ta lầm đường lạc lối, bị tổn thương và hiểu sai lệch. Do vậy, mỗi khi khuyên nhủ ai đó, hãy luôn tự hỏi xem lời khuyên của mình có đúng đắn hay không.

  Hầu hết mọi người đều thích đưa ra lời khuyên. Thế nhưng, chúng ta cũng cần học cách đón nhận lời khuyên. Bất cứ ai cũng có thể suy nghĩ rất chủ quan về những điều xảy ra quanh mình. Chúng ta thường giải quyết các tình huống theo kinh nghiệm riêng, suy nghĩ riêng, hoàn cảnh riêng và theo những mong muốn riêng tư của bản thân mình. Do đó, khi đưa ra lời khuyên, bạn cần biết chăm chú lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng bản chất của sự việc. Hãy dựa vào những kinh nghiệm từ cuộc sống để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn, hài hòa hơn. 

  Nếu nhìn lại đời mình, bạn sẽ thấy có nhiều người mà lời khuyên của họ đã góp phần làm nên sự thay đổi cuộc đời bạn, như quyết định nghề nghiệp, cách nuôi dạy con cái, nơi sinh sống hoặc chọn lựa cho mình một lĩnh vực học vấn chuyên sâu nào đó. Từ lời khuyên này, bạn đã mang ơn và xem họ như người dìu dắt đời mình, như bạn bè thân thiết hay đơn giản hơn - như những người bạn đáng quý. 

  Thật là khó để đánh giá khách quan về giá trị và sự hữu ích của những lời khuyên mà bạn dành cho người khác. Bên cạnh đó, làm thế nào để biết được lời khuyên người khác dành cho bạn có đáng giá hay không? 

  Trước tiên, bạn phải đánh giá kinh nghiệm sống của người đưa ra lời khuyên. Họ có kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết gì đặc biệt không? Tránh hoài nghi, giễu cợt, hãy kiểm tra động cơ của họ và cân nhắc xem lời khuyên đó có tốt cho bạn không. 

  Thứ hai, nếu lần nào đó bạn bắt gặp mình tự nhủ: “Đó là những gì tôi nên làm”, thì bạn có thể đoán rằng, thực ra bạn sẽ không thực hiện điều đó. Tiềm thức bạn không muốn thay đổi, cho dù điều đó có thể làm giảm đi nỗi buồn hay tăng thêm niềm vui cho bạn. Điều này cũng giống như việc khi bạn cho ai đó một lời khuyên hữu ích giúp họ vượt qua khó khăn trở ngại, nắm bắt được những cơ hội, hoặc thắt chặt thêm các mối quan hệ — nhưng rồi họ lại bỏ ngoài tai lời khuyên ấy, sau khi đáp lại bạn rằng: “Vâng, đó là lời đề nghị rất hay. Đó là điều tôi nên làm”. 

  Trong ngôn ngữ, “nên” là một từ hạn định, nó cũng tương đương với cách nói: “Tôi sẽ không làm điều đó, mặc dù đó là điều có ích”. Ban có thể thấy sắc thái ý nghĩa này trong những câu sau:

"Tôi nên kết thúc mối quan hệ này."

"Tôi nên đọc nhiều hơn."

"Tôi nên rời bỏ công việc này."

  Còn đây là những điều “không nên”:

"Tôi biết là tôi không nên uống rượu."

"Đừng nên tiêu phí số tiền đó."

"Đừng nên ăn thêm nhiều món tráng miệng."

  Nếu để ý, bạn sẽ thấy các câu “nên” và “không nên” thường có từ “nhưng” đi kèm theo. Khi người ta thốt lên chữ “nhưng” thì sâu thẳm trong tâm hồn họ đang muốn tranh luận lại vấn đề. Họ phủ nhận, vô hiệu hóa phần đầu của câu nói, kiểu như: 

"Tôi yêu bạn nhưng..."

"Bạn không lên cân nhiều nhưng..." 

"Tôi muốn bỏ thuốc nhưng..."

  Khi bạn đưa ra lời khuyên về vấn đề có liên quan đến tình cảm, bạn phải cẩn thận về tính nhạy cảm của vấn đề. Từ ngôn ngữ bạn dùng cho đến những cử chỉ và giọng điệu bạn diễn tả đều rất quan trọng. Hãy dùng những câu như “Tôi cảm thấy rằng ...”, thay vì nói “Bạn cần phải ...” hoặc “Bạn nên ...”. Điều này khiến người khác sẵn sàng lắng nghe những gì bạn sắp nói và khả năng họ làm theo lời khuyên của bạn sẽ cao hơn. Tất nhiên, để tăng thêm hiệu quả của lời khuyên cũng như để có được lòng tin ở người khác, bạn phải sống sao cho phù hợp với những gì bạn nói. 

  Việc nâng cao kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn thực hiện tốt lời khuyên cũng như đưa ra lời khuyên thiết thực để người khác nghe theo. Bạn sẽ tạo ra nhiều tác động nếu bạn hiểu được tính dễ xúc động cũng như sự nhạy cảm của người khác, về nền tảng học vấn, về sự giáo dục hay về văn hóa của họ... 

  Bí quyết để chia sẻ lời khuyên hữu ích đó là: bạn phải hiểu được hoàn cảnh, động cơ và cảm xúc của người mà bạn đang cho lời khuyên. Có như vậy, lời khuyên của bạn mới có tác dụng và được coi trọng.

CTV: Minh Khuê


Bình luận