CHUẨN BỊ CHO ĐẠI HỌC: NHÌN NHẬN ĐÚNG ĐẮN

05:00, 05/08/2022 120
CHUẨN BỊ CHO ĐẠI HỌC: NHÌN NHẬN ĐÚNG ĐẮN

CHUẨN BỊ CHO ĐẠI HỌC: NHÌN NHẬN ĐÚNG ĐẮN

Tác giả: Giáo sư John Vu

Trích: Lời khuyên dành cho các bậc Cha Mẹ; Ngô Trung Việt dịch; NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, First New.

---o0o---

Trước khi vào đại học, học sinh vừa tốt nghiệp trung học thường đối diện với khó khăn trong việc quyết định chọn trường nào và ngành nào để theo học. Một số em sẽ chọn bất kỳ trường đại học nào chịu nhận và học bất kỳ ngành nào các em thích. Tuy nhiên, một số em sẽ nghe theo lời khuyên và lựa chọn theo ý muốn của bố mẹ, nhưng vấn đề là liệu bố mẹ có biết trường nào là tốt nhất và ngành nghề nào đang có nhu cầu cao không? Ở Mỹ, nhiều phụ huynh thường xuyên theo dõi thị trường việc làm, thường dựa trên dự báo thị trường việc làm của Bloomberg và danh sách xếp hạng đại học của U.S News & World Report để khuyên con cái.

Nhưng ở châu Á, phụ huynh thường dựa trên danh tiếng các trường và những xu hướng xảy ra vào thời họ còn là sinh viên, thay vì theo dõi thị trường việc làm trong nước hiện thời. Khi đi dạy ở Trung Quốc, tôi thường nghe các phụ huynh nói: “Không có gì tốt hơn y khoa, nha khoa và dược khoa” và khuyến khích con cái họ “học càng cao càng tốt”.

Ngày nay, thời thế đã thay đổi vì thế giới đang bị tác động bởi nhiều thứ mà một số quy tắc ngày xưa có thể đã không còn hợp thời. Hiện nay, các ngành học tốt nhất là thuộc khối ngành STEM: khoa học y khoa, nha khoa và dược khoa,...), công nghệ (khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, quản lý hệ thông tin,...), kỹ thuật (điện, điện tử, hóa học,...), và toán học (thống kê,...). Tất nhiên, các ngành như y khoa, nha khoa và dược khoa đều là những ngành tốt nhất, nhưng những ngành đó có phải là sự đầu tư tốt nhất hiện nay không? Chúng ta hãy tính đến thời gian và nỗ lực mà sinh viên các trường đặc biệt này phải bỏ ra: mười năm cho y khoa; tám năm cho nha khoa; và bảy năm cho dược khoa, và hãy so sánh mức thu nhập của họ với các chuyên viên phát triển phần mềm có bằng cử nhân và có tám năm kinh nghiệm chuyên môn phân tích dữ liệu hay an ninh máy tính thì bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn.

Sai lầm tai hại nhất mà học sinh trung học có thể phạm phải là TRÌ HOÃN quyết định chọn ngành học cho đến khi vào đại học, học thử vài môn để xem môn học nào là phù hợp nhất. Những sinh viên này thường chọn những ngành dễ để có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống. Đến lúc tốt nghiệp, nhiều em mới biết rằng bằng cấp không phải là thứ đảm bảo cho việc làm và khi đó đã quá trễ, vì vậy mới có tình trạng nhiều người vừa tốt nghiệp đã thất nghiệp. Về căn bản, nếu không quyết định trước khi vào năm thứ nhất đại học, các em có thể bỏ lỡ những cơ hội tốt. Hầu hết các chương trình có định hướng nghề nghiệp chắc chắn như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thường giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu không ghi danh sớm, sau này các em có thể sẽ khó được nhận vào học. Lời khuyên của tôi là chuẩn bị sớm nhất có thể, vì các trường hàng đầu chọn lọc rất kỹ, các ngành học có định hướng nghề tốt thường chỉ nhận số sinh viên có hạn, nên các em phải được chuẩn bị KHI CÒN Ở TRUNG HỌC để chắc rằng sẽ được nhận. Bố mẹ hoặc các em cần trao đổi với các chuyên viên tư vấn tuyển sinh của trường để hiểu yêu cầu của họ và dự đoán được khả năng được chấp nhận vào đến đâu.

Sinh viên thường chia sẻ với tôi rằng các em không chắc mình có đam mê về công nghệ hay kỹ thuật không? Hoặc các em không chắc mình có thể vượt qua được những trở ngại và hoàn thành bậc đại học đầy cam go hay không. Tất nhiên, đó là những câu hỏi quá khó, vì nhiều học sinh trung học chưa đủ trưởng thành hay không thực sự biết bản thân muốn gì. Đây là chỗ bố mẹ cần can dự vào để khuyến khích và hỗ trợ vì phụ huynh sẽ hiểu tình huống và nhu cầu thị trường việc làm hơn.

Trong nhiều năm giảng dạy, tôi chưa bao giờ thấy một sinh viên cần cù nào không thể vượt qua những khó khăn trong học tập, vì hầu hết mọi trở ngại đều từ suy nghĩ của chúng ta mà ra. Nếu các em nghĩ lập trình khó thì sẽ không chọn học lập trình; nếu các em nghĩ toán khó thì sẽ né tránh toán học, nhưng nếu các em quyết tâm nỗ lực thì hầu như sẽ luôn thành công. Đây là lý do tại sao sinh viên cần xây dựng mối quan hệ tốt với các giảng viên. Các thầy cô sẽ dành thời gian hơn để hỗ trợ cho bất kỳ sinh viên nào, nếu các anh sẵn sàng học hành chăm chỉ. Tôi có gặp nhiều em sinh viên tới lớp kỹ thuật phần mềm của tôi với vẻ ngần ngại và nói với tôi rằng các em muốn thử xem mình có thể vượt qua được môn này không. Tôi bảo các em hãy nói chuyện với những sinh viên của tôi đã tốt nghiệp, đang làm việc trong lĩnh vực này và những người tốt nghiệp các ngành khác rồi hãy quyết định. Cuối cùng, phần lớn các em quay lại lớp tôi và cho biết sẽ quyết tâm học đến cùng. Tôi bảo các em: “Nếu các em học lớp của thầy chỉ để thử, các em sẽ thấy khó rồi bỏ nửa chừng. Nhưng nếu các em quyết tâm đi đến cùng thì sẽ thành công. Việc của thầy là hỗ trợ các em đi hết chặng đường nếu các em cũng dành hết nỗ lực vào đó”.

Khi con cái đang chuẩn bị cho tương lai, hãy đảm bảo con của bạn sẽ nghiên cứu mọi khả năng lựa chọn và cân nhắc dựa trên bốn tiêu chí của tôi: đúng trường, đúng chương trình đào tạo, đúng ngành học và thái độ đúng. Đó là bốn yếu tố sẽ quyết định tương lai và cả quãng đời còn lại của con cái bạn.

CTV: Thủy Tiên


Bình luận