CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI KHOA HỌC

19:22, 12/05/2022 164
CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI KHOA HỌC

CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI KHOA HỌC

Biên soạn: Rasmus Hoài Nam

Trích: Kể Chuyện Cuộc Đời Của Các Thiên Tài “ALBERT EINSTEN”; NXB Thanh Niên.

---o0o---

Năm 1900, Einstein tốt nghiệp trường Cao đẳng Bách khoa với tấm bằng loại ưu. Theo truyền thống của nhà trường, những sinh viên xuất sắc luôn được giữ lại làm trợ lý cho các giáo sư và sau đó họ tiếp tục được đào tạo lên bậc cao hơn. Nhưng đối với Einstein, học lực xuất sắc và tấm bằng loại ưu với mong muốn ở lại trường bỗng chốc trở thành vô nghĩa chỉ vì cậu là người Do Thái. Hơn nữa lúc này, thầy hiệu trưởng tốt bụng từng giúp đỡ Einstein đã nghỉ hưu. Hiệu trưởng mới và những giáo sư trong ban giám hiệu nhà trường đã cố tình tìm mọi cách đẩy cậu đi, trong khi các bạn cùng khóa của cậu đều được bố trí công việc đâu vào đấy. Tuy nhiên họ lại giải thích là do lối sống của Einstein quá đặc biệt nên không thể giữ cậu ở lại trường.

Với bản tính điềm đạm, khiêm nhường, Einstein đã không đến gặp bất cứ một người nào trong ban giám hiệu để đòi quyền lợi cho mình. Cậu lặng lẽ rời trường Cao đẳng Bách khoa Zurich, tự đi tìm việc làm. Cậu hy vọng với tấm bằng vừa nhận, cậu có thể dễ dàng xin vào làm giáo viên dạy toán hoặc vật lý ở một trường trung học nào đó. Nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy. Sau nhiều ngày gõ cửa các trường trung học, thứ cậu nhận được nhiều nhất chính là những lời từ chối nhã nhặn.

Hoàn cảnh gia đình Einstein lúc bấy giờ cũng không mấy sáng sủa, vì vậy cậu không thể để tình trạng thất nghiệp kéo dài. Cuối cùng, trong thời gian chờ đợi xin việc, cậu nhận làm gia sư cho một gia đình gốc Đức giàu có để kiếm sống qua ngày.

Sau mười lăm ngày nhiệt tình giảng dạy, Einstein đã đưa được cậu học trò bướng bỉnh vào khuôn khổ và khơi gợi lòng say mê học tập của cậu bé bằng những giờ học vật lý đầy hứng thú. Cùng thời gian đó, Einstein nhận được tiền lương từ bà chủ, không phải tiền thưởng mà là tiền bồi thường vì bị đuổi việc mà không được báo trước. Tận về sau, Einstein vẫn còn nhớ mãi ngày hôm ấy. Sau khi hết giờ dạy, bà chủ gọi cậu lại và nói:

- Đây là tiền lương của cậu, mặc dù cậu mới dạy con tôi được mười lăm ngày, nhưng tôi vẫn tính tròn một tháng. Tôi rất tiếc khi phải nói với cậu rằng từ mai cậu không cần phải đến dạy con tôi nữa!

Einstein rất ngạc nhiên, nhưng vẫn giữ vẻ mặt bình thản, lịch sự hỏi:

- Tôi đã làm chuyện gì khiến quý bà không hài lòng ư?

Người phụ nữ nói giọng mỉa mai:

- Tôi thiết nghĩ không cần phải nói thì cậu cũng tự hiểu được chứ? Chúng tôi là người Đức! Còn cậu, lẽ nào cậu lại quên mất nguồn gốc của mình?

Einstein đứng phắt dậy, nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ và tức giận nói:

- Xin lỗi bà, tôi không những không bao giờ quên nguồn gốc của mình mà ngược lại, tôi luôn tự hào vì mình là người Do Thái! Người Do Thái chúng tôi cũng tài giỏi như bất kỳ người Đức nào, cụ thể là tôi đã đến đây để giảng bài cho người Đức. Chúng tôi chỉ có một tội lỗi duy nhất là đã tốn sức truyền đạt sự hiểu biết của mình cho con của những kẻ có suy nghĩ thiển cận như bà!

Dứt lời, Einstein với lấy chiếc áo choàng rồi bước thăng ra ngoài cửa trước sự tức tối tột độ của bà chủ nhà.

Thêm một tuần thất nghiệp, Einstein lại xin làm gia sư cho một gia đình khác, và tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn. Với đồng lương gia sư ít ỏi, Einstein bị đối xử như kẻ “ăn nhờ ở đậu”. Vậy mà ngay khi biết cậu là người Do Thái, họ cũng lập tức tìm cách sa thải.

Giữa lúc Einstein đang buồn bã, thất vọng thì nhận được tin trường trung cấp chuyên nghiệp ở Viechtach đã đồng ý nhận cậu làm giáo viên toán. Ngay sau khi nhận được giấy gọi, Einstein thu xếp hành lý lên đường ngay. Đến nơi, cậu được biết là nhà trường sẽ thuê cậu làm giáo viên dạy toán khoảng hai tháng vì thời gian này giáo viên chính thức phải đi phục vụ quốc phòng. Mặc dù đây chỉ là một công việc tạm thời ngắn ngủi, nhưng Einstein cảm thấy rất vui. Trong một lá thư gửi cho người bạn thân Grossmann, Einstein viết:

“Tớ đã được nhận làm giáo viên toán trường trung cấp chuyên nghiệp ở đô thị Viechtach từ 15 tháng Năm đến 15 tháng Bảy, vì giáo viên chính thức phải đi phục vụ quốc phòng. Tớ không kiềm chế được vì quá vui mừng khi nghe tin người ta đã quyết định nhận tớ. Tớ không hiểu có người nào tốt bụng đã giới thiệu tớ với ban giám hiệu trường đó. Bởi vì rằng chẳng có ông giáo sư cũ nào ở trường Bách khoa Zurich lại tốt bụng giúp đỡ tớ, còn bản thân tớ cũng chẳng có đề nghị việc làm nào cả.

Cũng cần nói thêm rằng bây giờ tớ giống như một con chim họa mi đang vui hót và sẽ không phải phiền muộn vì cái dạ dày trống rỗng quấy rối tớ nữa.”

Một công việc ngắn hạn cũng đủ làm cho Einstein vui sướng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau hai tháng được nhận đồng lương đủ ăn đủ mặc, Einstein lại phải tìm một công việc khác vì người giáo viên chính thức đã trở về.

Một hôm, Einstein đang đi nộp đơn xin việc thì gặp Conrad Habicht – một người bạn cùng học ở Cao đẳng Bách khoa Zurich. Kể từ ngày ra trường, hôm ấy họ mới có cơ hội gặp lại. Conrad Habicht mừng rỡ kéo Einstein vào một tiệm cà phê ở góc phố, gọi hai ly cà phê nóng hổi, rồi vừa xuýt xoa kêu lạnh, vừa hỏi:

- Cậu khỏe chứ? Công việc có ổn không? Thế mà đã gần hai năm rồi, nhanh thật đấy!

Einstein vẫn giữ nguyên vẻ điềm đạm ngày nào đáp lời bạn:

- Ừ nhanh thật! Gần hai năm rồi mà tớ chưa làm được trò trống gì cả! Thế còn cậu?

- Tớ xin được chân dạy toán ở một trường trung cấp chuyên nghiệp phía Nam. Tuy hơi vất vả nhưng lương tháng cũng đủ sống!

- Chúc mừng cậu! Cậu thật may mắn!

- Cậu thì sao? Chắc là cũng đang gõ đầu trẻ ở trường nào chứ gì? – Conrad Habicht nóng lòng hỏi.

Nét mặt Einstein thoáng buồn. Cậu thở dài:

- Tớ vẫn còn đang loay hoay đi tìm việc đây!

Conrad ngạc nhiên:

- Thế nghĩa là sao? Cậu cứ đùa tớ mãi!

Einstein nói cho bạn biết là mình không hề đùa và nói sơ qua về tình hình công việc. Nghe xong, Conrad hóm hỉnh bảo Einstein:

- Thế thì cậu mời tớ thêm một ly cà phê nữa đi! Tớ sẽ giới thiệu cậu vào làm giáo viên cho một trung tâm luyện thi ở thành phố Schaffhausen! Cậu không từ chối chứ?

Einstein mừng rỡ:

- Cậu nói thật chứ? Sao cậu biết nơi ấy cần giáo viên mà giới thiệu?

- Họ mời tớ đến dạy toán, nhưng tớ làm gì có thời gian, công việc ở trường trung cấp đã bận tối mắt tối mũi rồi!

Thế là thông qua sự giới thiệu của Conrad, Einstein được nhận làm giáo viên ở trung tâm này. Công việc của cậu là chuẩn bị cho một số học sinh thi vào các trường Cao đẳng. Ngay từ khi còn nhỏ, Einstein đã ác cảm với cách dạy học nhồi nhét theo công thức định sẵn. Vì vậy, từ khi đi theo con đường sư phạm, cậu luôn phấn đấu khắc phục điều này để tạo nên phong cách giảng dạy của riêng mình. Phương pháp giảng dạy của Einstein là cố gắng phát triển khả năng tư duy và suy nghĩ độc lập của học sinh. Nhưng trung tâm này, ban lãnh đạo muốn Einstein phải dạy theo phương pháp truyền thống. Thế là một cuộc tranh luận nổ ra và kết quả là sau vài tháng, Einstein phải rời khỏi trung tâm.

Cuộc sống phũ phàng khiến Einstein cảm thấy bất lực vô cùng. Nhiều lúc nằm suy xét lại những sự việc đã xảy ra, cậu không thể kết luận chính xác rằng những biến cố trên đường đời thường xuyên đến với cậu là do đâu. Rồi cậu nhớ lại những ngày thơ ấu, khi còn là một thiếu niên mới bắt đầu đặt chân đến nước Ý, chú Jakob đã nói: “Cháu muốn gia nhập cộng đồng người không có quốc tịch à? Cháu có biết những người trong cộng đồng ấy muốn xin một việc làm để nuôi sống bản thân khó đến  mức nào không?”. Thế là Einstein chợt hiểu ra tất cả. Để có công ăn việc làm, cậu phải nhập quốc tịch Thụy Sỹ. Theo quy định, một người muốn trở thành công dân nước này cần phải nộp 1.000 franc để làm thủ tục. Số tiền đó đối với Einstein là quá lớn. Giữa lúc niềm hy vọng mong manh cuối cùng sắp vụt tắt thì Einstein nhận được thư của Grossmann. Trong thư, Grossmann thông báo là đã nhờ bố giới thiệu Einstein đến làm việc tại Cục liên bang về sở hữu trí tuệ ở thành phố Bern và yêu cầu cậu đến thử việc. Einstein mừng rỡ thu xếp hành lý rồi lên xe lửa đến thủ đô Thụy Sỹ.

Grossmann ra tận ga đón người bạn thân của mình và đưa cậu đến thẳng Cục liên bang về sở hữu trí tuệ. Sau ba ngày thử việc, Einstein được đảm nhận chức giám định viên kỹ thuật hạng III của phòng cấp bằng sáng chế kỹ thuật. Đây là một chân phụ tá, có trách nhiệm xem xét các báo cáo về mặt chuyên môn và đánh giá các phát minh để có những kết luận sơ bộ, đồng thời chuẩn bị giấy chứng nhận. Hôm ấy, Einstein vừa ra khỏi phòng làm việc thì đã thấy Grossmann đứng chờ. Grossmann hớn hở gọi:

- Einstein! Chúc mừng cậu!

Gương mặt Einstein lộ rõ vẻ vui mừng, nhưng cậu vẫn giữ thái độ điềm đạm thường ngày:

- Grossmann! Mình không biết nói gì để cảm ơn cậu và cả bố cậu nữa!

Grossmann xua tay:

- Thôi nào, cậu mà cứ như thế là tớ từ mặt cậu luôn ấy! Đã là bạn bè thì nói gì đến ơn với huệ! Thấy cậu không phải chạy ngược chạy xuôi nữa là tớ mừng rồi!

Nhìn nét mặt Einstein vẫn có vẻ lo lắng, Grossmann hiểu ngay bạn mình lại sợ bị đuổi việc vô cớ như những lần trước. Anh vỗ vai bạn nói một cách chân thành:

- Cậu không phải lo lắng gì nữa cả! Tuy công việc này không đúng với chuyên môn, nhưng nó có ba cái lợi: Thứ nhất là thu nhập tạm ổn, thứ hai là ở đây không phân biệt người Do Thái miễn là cậu có tài năng, thứ ba là cậu có thời gian rảnh để nghiên cứu thêm các tài liệu mà cậu vốn yêu thích!

Einstein xúc động nắm chặt tay Grossmann lắc mạnh:

- Cậu tốt với tớ quá, Grossmann ạ!

Hai người bạn ôm chầm lấy nhau mà không nói thêm một lời nào. Bằng hành động ấy, người này có thể thấu hiểu được tâm tư của người kia và ngược lại.

Thủ đô Bern tươi đẹp đã mỉm cười với Einstein. Với óc suy luận mạch lạc và tư duy logic chắc chắn của mình, Einstein làm việc tương đối dễ dàng. Những bạn đồng nghiệp rất ngạc nhiên về khả năng giải quyết công việc cực kỳ nhanh chóng, hiệu quả và đơn giản của Einstein, ngay cả khi đối mặt với những vấn đề phức tạp nhất. Đúng như Grossmann nói, Einstein còn dư khá nhiều thời gian để có thể suy nghĩ về những vấn đề hóc búa mà anh chưa tìm ra lời giải đáp. Đó là những thắc mắc về lý thuyết vật lý. Bên cạnh đó, mức lương 3.000 franc giúp Einstein có một cuộc sống tương đối dễ chịu. Thỉnh thoảng, Grossmann lại đến rủ Einstein đi tản bộ và hai người cùng bàn luận về khoa học. Có lần, đang tranh luận rôm rả, bỗng Grossmann dừng lại bảo Einstein:

- Thôi, hôm nay chúng mình hãy dừng ở đây đã! Cho dù cậu phản bác thế nào, tớ vẫn khẳng định rằng toán học là công cụ cho tất cả những môn khoa học tự nhiên khác!

Nhưng Einstein đáp lại:

- Điều cốt yếu chính là ở chỗ đó! Vì phạm vi của toán học quá rộng nên nó được chia ra làm nhiều lĩnh vực chuyên môn. Mỗi lĩnh vực này có thể chiếm trọn cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta! Tớ muốn nhắc nhở cậu điều ấy chứ không nói là toán học không hấp dẫn bởi chính bản thân tớ cũng có một thời đam mê toán học đến mức quên ăn quên ngủ!

Grossmann cười xòa:

- Thôi được rồi anh bạn! Tớ muốn chuyển chủ đề khác lãng mạn hơn một chút! Cậu làm tớ đau đầu quá!

- Bọn mình còn chủ đề nào khác nữa? Cậu đừng đánh trống lảng! – Einstein hỏi dồn.

Nhưng Grossmann không trả lời, nét mặt bỗng trở nên nghiêm nghị:

- Bây giờ tớ nói chuyện nghiêm túc đây! Cậu và Mileva thế nào rồi?

Einstein trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Tớ thật có lỗi với cô ấy! Hồi mới ra trường, tớ chỉ biết rằng cô ấy đã xin vào làm giáo viên trung học ở phía Bắc. Từ đó đến nay, tớ không liên lạc gì với cô ấy nữa!

- Cậu tệ quá! Thế Mileva có thư từ gì cho cậu không?

- Có! Ba lá thư liền nhau tớ không trả lời, thế là cô ấy cũng bẵng tin luôn!

- Sao cậu lại cư xử như thế? Cậu không có chút tình cảm nào với Mileva à?

Einstein không trả lời, lặng lẽ cúi xuống nhặt một hòn sỏi ném ra tận giữa hồ nước trước mặt. Grossmann thấy thế bảo bạn:

- Thôi đừng đi nữa! Ngồi xuống đây nghỉ một lát rồi nói chuyện cái đã! Hay là cậu muốn giấu tớ?

Nét mặt Einstein thoáng buồn:

- Tớ rất mến Mileva! Ở bên cô ấy, tớ cảm thấy vô cùng thoải mái. Có lẽ cô ấy là người con gái duy nhất dám đến gần một người Do Thái như tớ. Cô ấy thông cảm và thấu hiểu tất cả những tủi nhục mà tớ phải chịu đựng. Nhưng cậu biết đấy, suốt hai năm qua tớ phải long đong lận đận, chạy ngược chạy xuôi chỉ để kiếm được một công việc đủ nuôi sống bản thân. Thời gian còn lại, tớ chỉ miệt mài với những thí nghiệm và tài liệu đang nghiên cứu dở. Nhiều lúc tớ cảm thấy xấu hổ và hết sức tự ti. Đấy chính là lý do tớ không liên lạc với cô ấy nữa!

- Nghĩa là cậu cũng yêu Mileva? Thấy Einstein im lặng, Grossmann nói tiếp:

- Nhưng đây là trước kia, còn bây giờ đã khác nhiều rồi! Với mức lương 3.000 franc, cậu hoàn toàn có thể lập gia đình.

- Nhưng với ai mới được chứ? Cậu cũng thừa biết tớ là một người Do Thái đáng ghét trong mắt mọi người còn gì?

Grossmann điềm nhiên đáp:

- Mileva chứ còn ai nữa! Chẳng lẽ cậu quên rằng Mileva rất yêu cậu?

- Thôi, cậu đừng nói nhảm nữa! Bây giờ biết cô ấy ở đâu mà tìm? Vả lại đã hai năm trôi qua, không khéo cô ấy đã lập gia đình rồi! – Einstein nửa đùa nửa thật.

Grossmann cười lớn:

- Trời ơi, thế ra cậu cũng biết nghĩ như vậy kia đấy! Nếu tớ là Mileva, có lẽ tớ cũng đã làm như thế rồi, hơi đâu mà đi chờ đợi một kẻ gàn dở như cậu! Nhưng tớ tin rằng Mileva vẫn chưa lập gia đình! Trái đất tròn mà, nếu các cậu có duyên nợ, ắt sẽ có ngày gặp lại. Biết đâu lúc ấy cả hai người đầu đã bạc mà vẫn còn độc thân thì sao?

Cuộc nói chuyện giữa đôi bạn kết thúc bằng câu nói lấp lửng của Grossmann làm cho tâm hồn Einstein như sống lại thời sinh viên tươi đẹp ở trường Bách khoa Zurich. Thoáng chốc, gương mặt hiền lành, dịu dàng của cô bạn gái lại hiện lên trong lòng chàng trai trẻ Einstein.

Sau khi thăm dò tâm tư của Einstein, Grossmann viết thư cho Mileva, khi ấy đang làm giáo viên trung học một tỉnh xa. Trong thư, anh thông báo về tình hình công việc của Einstein và cho cô địa chỉ nơi Einstein làm việc. Kể từ ngày ra trường, những khó khăn chồng chất trên con đường sự nghiệp khiến Einstein không có thời gian để nghĩ đến chuyện tình cảm. Mặc dù không nhận được bất cứ một lá thư nào từ Einstein nhưng Mileva biết rất rõ công việc cũng như cuộc sống của anh thông qua người bạn tốt Grossmann.

Vào một ngày cuối thu, bầu trời trong trẻo không một gợn mây, Einstein rảo bước trên đường sau giờ làm việc, định bụng sẽ tạt vào chỗ nào đó ăn trưa. Bỗng có tiếng gọi giật lại từ phía sau:

- Einstein! Einstein!

Cậu giật mình quay lại và không tin nổi vào mắt mình: Mileva đang đứng ngay trước mặt, với đôi mắt sáng lấp lánh nổi bật trên gương mặt hiền từ ửng hồng dưới cái nắng cuối thu yếu ớt. Sau giây phút ngỡ ngàng, Einstein quên cả ngại ngùng, nắm chặt lấy tay Mileva hỏi dồn dập:

- Mileva! Sao cậu lại ở đây? Thời gian qua cậu sống thế nào? Công việc có tốt không?

Mileva cũng xúc động không kém. Cô nhẹ nhàng rút tay ra khỏi bàn tay thô ráp của Einstein trả lời thật khẽ:

- Mình vẫn khỏe! Mình đến đây thăm cậu!

Einstein sửng sốt:

- Cậu nói sao? Sao cậu lại biết mình ở đây?

Thấy Mileva xấu hổ, ngượng ngùng không trả lời, Einstein vội chuyển chủ đề:

- Ôi mình vô duyên quá, mải hỏi chuyện mà quên cả mời cậu đi ăn trưa!

Từ sau bữa cơm trưa ấy, Einstein và Mileva thường xuyên liên lạc với nhau. Biết Mileva vẫn luôn dõi theo từng bước đi của mình, Einstein rất cảm động. Tình cảm đôi lứa ngày càng mặn nồng, thắm thiết. Chàng sinh viên Einstein ngày nào giờ đã chững chạc hơn nhiều. Với một công việc ổn định, thu nhập tuy không cao nhưng cũng đủ để trở thành trụ cột gia đình, Einstein đã nghĩ đến việc kết hôn. Cậu không thể để Mileva biến mất một lần nữa nên đã mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn. Điều đó khiến Mileva vô cùng hạnh phúc.

Năm 1903, một năm sau ngày gặp lại, Einstein kết hôn với Mileva. Đám cưới được tổ chức rất đơn giản, khách mời là những đồng nghiệp và một vài người bạn thân của cả hai. Sau ngày cưới, họ dọn đến ở trên gác của căn nhà số 49 nằm trên đường Kramgasse chật hẹp của phố Bern. Đây là khu phố dành cho những người lao động nghèo. Một vài người hàng xóm của vợ chồng Einstein làm nghề bán hàng xén rong. Họ thường gọi Einstein một cách trịnh trọng: “Ngài Giáo sư”. Mỗi lần nghe thấy danh xưng này, Einstein lại ngượng ngùng nói với họ: “Ông đừng gọi tôi là Giáo sư, vì tôi hoàn toàn không phải là Giáo sư. Hơn nữa tôi quá nghèo, làm gì mà với được đến chức Giáo sư!”.

Sau khi lập gia đình, Mileva nghỉ dạy học, ở nhà nội trợ, tất cả mọi chi phí trong nhà đều trông cậy vào đồng lương của Einstein ở phòng cấp bằng sáng chế kỹ thuật. Cô phải khéo léo chi tiêu thì mới tạm ổn. Tuy vậy, Mileva không hề phàn nàn hay than vãn bất cứ điều gì với chồng mình. Cô cố gắng tạo mọi điều kiện để Einstein được thoải mái làm việc. Tối tối, cô lại dành một đến hai tiếng đồng hồ để tham gia bàn luận về những công trình khoa học mà Einstein đang nghiên cứu. Cuộc sống tuy còn vất vả, thiếu thốn, nhưng họ rất hạnh phúc. Ngôi nhà của họ không khi nào thiếu vắng tiếng cười. Rồi Mileva có thai. Cuộc sống vốn đã không dư dả này lại có nguy cơ khó khăn hơn vì họ phải lo chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Để có thêm thu nhập, Einstein phải tổ chức dạy vật lý ngoài giờ với học phí là 3 franc mỗi tiếng. Mức giá hết sức rẻ mạt, nhưng cũng chỉ có vài người đến nghe Einstein giảng bài. Trong số đó, Einstein đặc biệt chú ý đến một người xấp xỉ tuổi mình tên là Maurice Solovine - một người Rumani sang Bern để nghiên cứu thêm về vật lý. Anh ta tỏ ra rất am hiểu về triết học và lý thuyết vật lý và xem đó là một công cụ cần thiết để có thể hiểu và xây dựng được thế giới quan của mình. Do có cùng quan điểm nên không lâu sau, tình bạn giữa họ ngày càng gắn bó và trở nên thân thiết.

Một thời gian sau, Conrad Habicht cũng từ thành phố Schaffhausen đến Bern để hoàn thành chương trình toán đại học. Conrad đã đến gặp Einstein để gia nhập nhóm những người yêu khoa học và trở thành một bộ ba khăng khít: Einstein, Solovine và Habicht. Họ gặp nhau sau những giờ làm việc, cùng ăn trưa với nhau, cùng thảo luận rất say sưa về chủ nghĩa Mach, các công trình nghiên cứu khoa học và đôi khi là các tác phẩm văn học. Về sau, bộ ba này đã kết nạp thêm một thành viên mới là kỹ sư Michele Besso – một thanh niên người Ý có kiến thức sâu rộng về các môn khoa học tự nhiên. Nhóm bốn người đã bầu bạn với nhau suốt mấy năm trời trong cảnh nghèo khó nhưng đẹp đẽ và tự gọi vui là “Viện Hàn lâm Olympia”. Mileva cũng thường xuyên tham gia vào các buổi sinh hoạt của “Viện Hàn lâm” này nhưng chỉ ngồi nghe chứ không góp ý.

Năm 1904, vợ chồng Einstein đón con trai đầu lòng chào đời. Họ đặt tên con là Hans Albert Einstein. Tình hình kinh tế của gia đình Einstein mỗi lúc một khó khăn hơn, nhưng Mileva vẫn cố gắng khắc phục để Einstein yên tâm làm việc. Ngoài giờ làm việc ở phòng cấp bằng sáng chế và lúc dạy thêm, Einstein vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học.

CTV: Trịnh Thiện


Bình luận