ĐẠO HIẾU CỦA GIA ĐÌNH 

19:00, 14/08/2022 129
ĐẠO HIẾU CỦA GIA ĐÌNH 

ĐẠO HIẾU CỦA GIA ĐÌNH 

Trích: Tủ Sách Sống Tử Tế “Hiếu Thảo”; NXB Thông Tin và Truyền Thông.

---o0o---

Tăng Điểm và Tăng Sâm là hai cha con lại cùng theo học Khổng Tử. Một hôm, trong lúc giúp cha dọn cỏ ruộng dưa, Tăng Sâm lơ đễnh thế nào lại cuốc đứt hết quả dưa non này đến quả dưa non khác khiến người cha tức giận, ông cầm cái cây thật to quất túi bụi khiến Tăng Sâm đau điếng ngất đi. Một lúc sau mới tỉnh, Tăng Sâm vội vàng xin lỗi cha, lại vừa đàn vừa hát cố ý để cha yên lòng. Khổng Tử biết chuyện tỏ vẻ không hài lòng nên phạt không cho Tăng Sâm vào lớp, anh chàng ngây ngô không rõ vì sao mình bị thầy phat nên nài nỉ gặp thầy Khổng Tử giải thích: “Thầy đã nhiều lần dạy rằng con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, mà chăm sóc cha mẹ chỉ là bậc thấp nhất của hiếu thảo, điều khó nhất là không để cha mẹ buồn phiền. Cho nên, làm sai thì phải chấp nhận cho cha phạt, không tỏ ra đau đớn để cha mẹ lo lắng”.

Khổng Tử từ tốn nói tiếp: “Con là một đứa con hiếu thảo ngốc nghếch! Ngày xưa vua Thuấn cũng hiếu thảo với cha mình, nhưng khi cha dùng roi nhỏ đánh thì ông im lặng chịu đựng, dùng roi lớn thì tìm cách chạy thoát ngay. Vua Thuần làm vậy giúp cha mình không phạm tội giết người mà ông ấy cũng không đánh mất đạo hiếu. Còn trò, nếu lỡ chết đi thì sự đau khổ sẽ day dứt ông ấy suốt quãng đời còn lại vì đã làm việc bất nghĩa với con lại bị pháp luật trừng phạt. Con làm như thế là có hiếu hay bất hiếu?”

Tăng Sâm ấp úng vã mồ hôi ướt trán. Kế đó, Khổng Tử quay qua răn dạy Tăng Điểm: “Con đã theo học với ta từ sớm sao không hiểu lẽ làm người? Con mình phạm lỗi nhỏ sao đánh nó tàn nhẫn thế? Con đánh nó vì muốn răn dạy con hay vì sự tức giận của bản thân mình? Nên nhớ rằng, cốt lõi của việc làm người là sửa mình cho tốt sau đó mới đến sửa người!”

Tăng Điểm cũng vã mồ hôi ướt trán, xin hứa sẽ sửa cho bằng được tính khí nóng nảy của mình.

BÀI HỌC RÚT RA 

Chữ hiếu có nhiều dạng. Dạy con vâng lời không bằng dạy con biết nhận thức đúng sai. Áp đặt chữ hiếu trên nền tảng đòi hỏi, sĩ diện để con sống đúng ý ba mẹ, sẽ làm con mất dần khả năng nhận thức đúng sai là gây đau khổ cho con và cho chính mình.

CTV: Phương Vy


Bình luận