KHI TRONG NHÀ KHÔNG CÓ CÁC GIỚI HẠN

20:35, 10/12/2022 118
KHI TRONG NHÀ KHÔNG CÓ CÁC GIỚI HẠN

KHI TRONG NHÀ KHÔNG CÓ CÁC GIỚI HẠN

Tác giả: SHULAMIT BLANK & ORLY FUCHS - SHABTTAI

Trích: Cha Mẹ Can Đảm - Phương Pháp Dạy Con Mới Mẻ Và Táo Bạo; Hoàng Kiên dịch; NXB Lao Động.

---o0o---

Vào ngày 20 tháng 4 năm 1999, tại trường Trung học Columbine bang Colorado, hai thiếu niên tên Eric Harris và Dylan Klebold đã sát hại giáo viên cùng 12 bạn học trong một cuộc xả súng điên cuồng đã được lên kế hoạch từ trước. Sau khi gây án, hai chàng trai đã tự sát. Đây là vụ bạo lực học đường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vậy, có những dấu hiệu nào cảnh báo trước thảm kịch này không?

Hai năm trước đó, tức năm 1997, một giám thị đã đình chỉ hai học sinh này vì tội đột nhập vào hệ thống máy tính của trường và ăn trộm các mã khóa. Trong tờ trình với cảnh sát, người giám thị nhấn mạnh rằng, cha mẹ của hai em đã phản đối quyết định cấm túc. Cũng trong năm 1997, cảnh sát đã tìm thấy trang web mà trên đó, hai chàng trai này đã khoe khoang là tự chế tạo ra bom ống. Cảnh sát đã có đủ quan ngại nên đã chuẩn bị đơn xin lệnh khám nhà, nhưng cuối cùng lại chẳng đệ trình nó.

Năm 1998, Harris và Klebold bị bắt vì đã đột nhập vào một chiếc xe tải và lấy cắp thiết bị điện trong đó. Trước tòa, hai thiếu niên đã biểu hiện tốt đến mức thẩm phán đã đề nghị xóa bỏ tội danh nếu cả hai cam kết tham gia chương trình cải tạo và không gây rắc rối nữa.

Theo thời gian, hai thiếu niên càng trở nên cuồng loạn. Chúng tiếp tục hành xử vô lối nhưng chỉ bị khiển trách nhẹ. Cũng vào năm 1998, Dylan Klebold tiếp tục phải gặp giám thị sau khi cố gắng cậy khóa tủ để đồ của học sinh trong trường. Hai thiếu niên này cũng cùng nhau dựng nên một video đồ họa rất bạo lực cho bài tập lớn ở trường. Ngoài những lời phàn nàn của giáo viên thì họ không bị kỷ luật.

Hai cặp phụ huynh này đều tỏa ra vô cùng bàng hoàng khi hay tin con mình là kẻ sát nhân. Tom Klebold kể lại rằng, ông hiếm khi vào phòng riêng của con trai và không nhận ra Harris đã không ngủ đêm trước khi vụ tấn công diễn ra. Thực tế, hai thiếu niên đã cùng dựng một video khoe khoang nơi tàng trữ vũ khí và lên kế hoạch giết người từ trước.

Theo các bài phỏng vấn đưa tin về vụ việc trên các phương tiện truyền thông, công chúng tưởng rằng, hai thiếu niên này được nuôi dạy trong các gia đình yên ấm và nhận được tình yêu thương đầy ấm áp từ cha mẹ. Hàng xóm và những người quen biết hai gia đình đều nói cha mẹ của hai chàng trai luôn ủng hộ con cái. Bà Susan - mẹ của Dylan trả lời phỏng vấn với tờ Thời báo New York như sau: “Dylan ra nông nỗi này không phải do chúng tôi không dạy dỗ cháu. Việc cháu đã làm đi ngược lại nguyên tắc dạy dỗ con cái của chúng tôi”. Có phải những bậc cha mẹ này đang phủ nhận trách nhiệm của mình không? Tại sao không ai biết hai chàng trai đó đang lao đầu vào rắc rối? Vì sao quá nhiều dấu hiệu trước đó đã bị bỏ qua?

Ông Tom Klebold cam đoan với các cảnh sát điều tra rằng, hai vợ chồng ông không phải là những bậc cha mẹ vô trách nhiệm, bởi họ yêu con và luôn bên khi cậu bé cần. Điều đó có đúng không, và nếu đúng, thì đã đủ chưa?

Cách thức tiếp cận tâm lý và giáo dục truyền thông trong xã hội của chúng ta đều nhấn mạnh quá sự ấm áp, tình yêu thương vào tầm quan trọng của sự ấm áp, tình yêu thương và sự ân cần, lòng vị tha và sự chấp nhận còn ngần ngại đặt ra các giới hạn cho con trẻ.

Nhưng tình yêu và sự ủng hộ đã đủ hay chưa? Và khi một vụ việc như thế này xảy ra, thì chúng ta đã sai ở đâu?

Lẽ nào phương pháp được chấp nhận lại là sai lầm?

Phải chăng hành vi bạo lực, phạm pháp và coi thường các tiêu chuẩn đạo đức lại đến từ sự dễ dãi và e ngại của cha mẹ cùng thầy cô?

Vụ xả súng ở trường Columbine và tình trạng bạo lực được biểu hiện trong gia đình, trường học, trên đường phố ở nhiều nước phương Tây đã thôi thúc tất cả chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi đầy thách thức này.

Uy quyền! Khả năng kiểm soát! Suốt thời thơ ấu, trẻ em luôn thử nghiệm các giới hạn của uy quyền và tham gia vào những trận tranh đấu để chống lại cha mẹ, giáo viên và các hình thái quyền lực khác. Lẽ nào trẻ có hành vi bạo lực và gây ra tội ác là do cha mẹ cũng như giáo viên đã xa lánh, bỏ bê, rồi đầu hàng chúng? Lẽ nào cha mẹ trong thế giới hậu hiện đại này đang phủ nhận việc con mình là ai hay lo sợ đặt ra nghi vấn?

Hãy xem xét vụ thảm sát gần đây ở Newtown. Rất nhiều bài học từ thảm kịch ở Columbine đã có thể giúp chúng ta ngăn chặn vụ việc ở Newtown. Chúng ta phải thừa nhận rằng, não bộ con người có khả năng hình dung ra những cảnh tượng rùng rợn, và việc biết được toàn bộ lý lịch của thủ phạm từ xuất thân gia đình, các phép tắc hắn phải tuân theo, trải nghiệm xã hội, và nơi cư trú của hắn sẽ thực sự trả lời được cho câu hỏi: “Vì sao?” theo nhiều khía cạnh mà có thể tạo ra chính sách thích hợp để cuối cùng giải quyết được vấn đề.

Vì sao nhà Klebold đã không xem xét phòng riêng của Dylan và tìm ra những ghi chép của cậu ta, hay theo dõi cậu để tìm ra nơi cất giấu súng? Vì sao bà Nancy Lanza, mẹ của kẻ xả súng ở Newtown không quan tâm con trai mình sát sao hơn? Theo quan điểm của chúng tôi, việc thiếu sự quan tâm sát sao và thiết lập các giới hạn trong gia đình đồng nghĩa với hành động thờ ơ với con cái.

Trong xã hội phương Tây ngày nay, phương pháp nuôi dạy trẻ thông thường luôn nhấn mạnh vào sự ấm áp, dịu dàng, lòng vị tha và sự chấp nhận hơn là những giới hạn và yêu cầu nghiêm khắc. Rõ ràng là, ba thiếu niên được đề cập ở trên đều được nuôi dạy bởi những bậc cha mẹ luôn dành cho con sự ấm áp và tình yêu thương, và cũng rất hay tha thứ và dễ dãi với con mình. Liệu Có thể hiểu rằng sự ấm áp và tình yêu thương là chưa đủ, còn sự dễ dãi cùng lòng vị tha sẽ có thể gây bạo lực hay không?

Lẽ nào phương pháp được chấp nhận lại là sai lầm?

Hai vụ thảm sát ở Colorado và Newtown, cùng nhiều biểu hiện của tính hung hăng và bạo lực khác trong gia đình, nhà trường, trên đường phố tại các nước phương Tây đang cấp thiết yêu cầu sự phối hợp của các tổ chức giáo dục, tâm lý để tìm ra giải pháp cho vấn nạn bức bối này.

Cố bác sĩ tâm lý học nổi tiếng Milton Erikson (1901 - 1980), người Mỹ, nhờ phương pháp tâm lý trị liệu phi truyền thống của mình đã không hề hối hận khi chỉ ra vấn đề trên và phát triển một phương pháp khác với phương pháp quen thuộc vốn được chấp nhận.

Theo Erikson, việc thiết lập các giới hạn là điều tối quan trọng tới quá trình phát triển của trẻ. Nếu không đặt ra bất kỳ giới hạn nào, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình mạnh hơn cha mẹ, và mặc dù đang run lên vì cảm xúc ngất ngây này, trẻ vẫn phải trả một cái giá rất đắt vì từ tận sâu thẳm trong tâm hồn trẻ cảm thấy mình không thể tự đương đầu được với thực tại. Erikson tin rằng, sự yếu đuối của cha mẹ sẽ ngầm phá hoại cảm giác an toàn của con và khiến con phải đương đầu với nguy cơ mắc chứng lo âu nghiêm trọng. Erikson đã không ngần ngại khi khuyên các bậc cha mẹ áp dụng những biện pháp cứng rắn để phục hồi lại uy quyền của họ.

Trường hợp tiếp theo là đại diện tiêu biểu cho cách tiếp cận của Erikson.

Một phụ nữ trẻ ly hôn và có ba con đã đến gặp ông để xin giúp đỡ về việc nên cư xử thế nào với cậu con trai tám tuổi của cô ấy. Cô thuật lại với Erikson rằng, chỉ một thời gian ngắn sau khi cha mẹ ly dị, hành vi của con trai cô đã thay đổi hoàn toàn. Cậu bé bắt đầu cư xử vô lễ ở trường, cố ý phá hoại đồ đạc cả ở trường và trong nhà, chửi bới bạn học, không chịu làm bài tập về nhà, cư xử thô lỗ với mẹ, gây sự với các chị gái, đập vỡ cửa kính của cửa hiệu gần nhà, quấy rầy hàng xóm và phá phách vườn tược. Mọi nỗ lực trừng phạt từ người mẹ đều không có tác động gì tới cậu bé, và cậu tuyên bố không gì có thể khiến cậu dừng lại được. Đế nước đó, người mẹ tuyệt vọng đã phải tìm đến và làm theo lời khuyên của ông.

Một sáng thứ Bảy nọ, người mẹ để các con gái đến nhà ông bà ngoại, và ở nhà một mình với con trai. Cô đặt một bình cà phê lên bàn phòng khách, cùng với một hộp nước hoa quả, một chiếc điện thoại, một quyển sách và một cái khăn bông. Cậu con trai bước vào phòng khách và đòi ăn sáng. Khi được yêu cầu phải chờ thêm một lúc, cậu phản ứng bằng cách giơ cao một vật đáng giá và đe dọa ném nó xuống sàn nếu không được ăn sáng ngay lập tức. Người mẹ giữ tay con trai lại và ép cậu nằm sấp xuống sàn rồi cố định tư thế của con. Trong hai giờ đầu, cậu cố vùng vẫy thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ, lúc nguyền rủa, lúc lại cầu xin được thả ra. Sau đó, cậu ngừng vùng vẫy và bắt đầu dùng giọng nói bình tĩnh hơn để khẩn cầu mẹ đứng dậy và thả cậu ra. Mẹ cậu từ chối và cho biết chưa tới lúc cậu được thả ra. Cô cầm lấy cuốn sách và bắt đầu đọc, thậm chí còn gọi điện cho bạn bè. Một giờ nữa trôi qua, và cậu bé xin đi vệ sinh nhưng người mẹ vẫn từ chối. Cậu bé bắt đầu khóc lóc và cầu xin. Nhưng mẹ cậu không mềm lòng và nói rằng, nếu tè dầm cậu có thể dùng khăn để lau. Một lần nữa, nỗ lực thoát khỏi mẹ không thành công và quần cậu bé ướt sũng. Một tiếng sau, người mẹ đồng ý thả cậu ra.

Ngày hôm sau, lần đầu tiên trong nhiều tháng, cậu bé đã ngồi vào bàn làm bài tập về nhà, dọn phòng và nói chuyện lịch sự với mẹ cùng các chị. Trong cùng ngày, cậu bé chủ động đến gặp những người hàng xóm và ông chủ cửa hàng gần nhà mà cậu từng gây rối để xin lỗi họ. Mọi người chấp nhận việc làm này của cậu bé và từ đó trở đi cậu vẫn duy trì sự lễ độ. Nhiều năm sau đó, cậu không còn bộc lộ bất kỳ vấn đề về hành vi hay cảm xúc nào nữa.

Không lâu sau sự kiện này, người mẹ quyết định tái hôn, và cậu con trai xin được gặp bác sĩ Erikson để được tư vấn về người đàn ông mà mẹ cậu đã chọn làm chồng và sẽ là bố dượng của cậu. Mặc dù biết mẹ mình đã làm theo lời của bác sĩ Erikson, nhưng trải nghiệm khó chịu đó không hề khiến cậu coi bác sĩ như một người có tư tưởng bạo hành hay xúc phạm cậu, mà trái lại, cậu coi ông là người có thể cho cậu lời khuyên, người cậu có thể tin tưởng và trông cậy.

Có phải uy quyền mà người mẹ tác động lên con trai mình đã khiến hành vi của cậu thay đổi rõ rệt chỉ sau một ngày hay không?

Chúng ta có thể giải thích sự thay đổi chóng vánh này của cậu bé như thế nào, khi từ một người cư xử hoàn toàn ngỗ ngược lại trở thành một người lịch sự và có đạo đức, và vì sao cậu lại muốn nghe ý kiến của vị bác sĩ, người đã yêu cầu mẹ cậu “chống lại” cậu?

Liệu có mối liên hệ nào giữa việc thiết lập giới hạn và quá trình phát triển những kiềm chế đạo đức hay không?

Làm sao để những giới hạn hỗ trợ trẻ hướng các nguồn năng lượng của mình vào các hành vi tích cực và hữu ích?

Những câu hỏi trên sẽ được trả lời chi tiết trong cuốn sách này.

Đầu tiên, chúng ta sẽ nghiên cứu ý nghĩa của các giới hạn và làm sao để thiết lập chúng, cũng như thử tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhiều bậc cha mẹ gặp khó khăn khi áp dụng các giới hạn cho con cái. Chúng ta cũng sẽ phân tích những “đóng góp” của xã hội hiện đại với những khó khăn này.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận