KÍNH THIÊN VĂN PHẢN XẠ

18:22, 06/09/2022 454
KÍNH THIÊN VĂN PHẢN XẠ

KÍNH THIÊN VĂN PHẢN XẠ

Trích: Kể Chuyện Cuộc Đời Các Thiên Tài; ISAAC NEWTON; Biên soạn: Rasmus Hoài Nam; NXB Thanh Niên.

---o0o---

Newton đóng cửa phòng làm việc lại. Những chiếc rèm sẫm màu cũng được kéo kín mít. Cả căn phòng lập tức tối om. Ông có ý để chửa một lỗ rất nhỏ trên rèm che sao cho ánh sáng có thể chiếu xuyên qua.

Sau đó, ông giơ chiếc lăng kính đón lấy chùm tia sáng đang lọt vào phòng. Bỗng một dải bảy màu rực rỡ hiện lên trên tờ giấy trắng mà ông để sẵn trên mặt bàn.

Khi Newton mang chiếc lăng kính ra khỏi lỗ chiếu sáng trên tấm màn che, lập tức dải sắc bảy màu cũng biến mất, chỉ còn lại tia sáng màu trắng bên ngoài chiếu vào tờ giấy. Ông lại đưa lăng kính trở lại để đón lấy tia sáng trắng, lập tức dải ánh sáng màu lại hiện ra.

Newton biết rõ từ lâu Marci đã nói về hiện tượng lăng kính phân tích ánh sáng trắng Mặt Trời thành các màu thành phần. Từ điêu Marci nêu ra, ông giả định ánh sáng Mặt Trời gồm nhiều tia sáng có màu sắc tạo thành. Để chứng minh được giả định đó, ông cần phải tiến hành thí nghiệm tổng hợp các tia sáng màu tạo thành ánh sáng Mặt Trời.

Ông suy nghĩ về thí nghiệm này từ rất lâu rồi. Bởi hàng trăm năm nay, con người đã khám phá được rất nhiều điều bí mật của vũ trụ. Từ chiếc kính thiên văn của Galileo, các nhà khoa học đã có dụng cụ hữu ích để nghiên cứu bí mật trên bầu trời đầy sao.

Newton tự tay mài thấu kính rồi lắp từng chi tiết vào ống kính thiên văn. Đêm đêm ông chĩa ống kính quan sát bầu trời. Từ lâu ông vẫn chưa hài lòng về những vệt sáng màu xuất hiện trong ống kính khi quan sát Mặt Trăng và các hành tinh.

Bây giờ ông đã có thể giải thích vì sao lại có những dải ánh sáng màu ấy. Các thấu kính thiên văn do nhiều lăng kính ghép lại đã phân tích ánh sáng từ các vật cần quan sát thành những tia sáng màu.

Khi phát hiện ra một cách quá bất ngờ, Newton sung sướng kêu lên:

- Cách giải thích thật đơn giản!

Newton sững sờ, ông bất chợt nhớ lại ngày loại kính này được giới thiệu lần đầu tiên tại trường Đại học Trinity.

Hôm đó vui như ngày hội, gần như tất cả xe ngựa của kinh đô London đều đổ về đây. Những chiếc xe ngựa được trang hoàng lộng lẫy, bên cạnh là những chiếc gia huy đầy kiêu hãnh của các quận công và hầu tước. Ngoài ra còn có những chiếc xe ngựa sang trọng, hiện đại của các thương nhân thành đạt. Xe đỗ chật kín cả một khu quảng trường. Trong khi đó từng đoàn người vẫn nối đuôi nhau nườm nượp kéo đến để nghe giáo sư Isaac Barrow giới thiệu chiếc kính thiên văn, một kì quan của thế kỉ 17.

Sinh viên và nhân viên trong trường tuy mệt, nhưng họ vô cùng phấn khởi và vui vẻ. Họ tự hào vì mình là thành viên của một trường đại học nổi tiếng.

Chiếc kính thiên văn làm cho tất cả mọi người bàn tán xôn xao. Họ trầm trồ kinh ngạc khi nhìn qua ống kính thấy được những vết đen trên bề mặt Mặt Trời.

Từ xa xưa, Mặt Trời vẫn được các giáo sĩ ca ngợi là toàn mĩ. Một số người nhất định không chịu nhìn thử vào “chiếc ống kính ma quỷ” làm mê hoặc con người bằng những điều trái với lời dạy trong kinh thánh. Thậm chí có người còn đòi các nhà khoa học tháo tung ống kính ra để ho tận mắt kiểm tra xem có ai giấu một mảnh giấy hoặc dải lụa nào vào đó không.

Khi ấy mọi người vẫn tỏ ra nghi ngờ về sự hiện diện của vết đen trên Mặt Trời. Song họ không đủ căn cứ để phản bác lại những thứ mà họ nhìn thấy qua ống kính.

Giờ đây Newton đã biết được mấu chốt của vấn đề. Ông tháo tung chiếc kính thiên văn ra và cầm trên tay chiếc thấu kính. Ông nghĩ thầm:

- Nếu các tia sáng màu là thành phần chủ yếu của ánh sáng tự nhiên và thấu kính là những lăng kính ghép lại, thì việc ánh sáng đi qua thấu kính cho các vệt sáng màu là hiện tượng khó có thể thay đổi được. Phải chăng muốn khử đi hiện tượng này, chỉ có một cách là... không dùng thấu kính trong ống kính thiên văn?

Nhưng nếu bỏ thấu kính đi thì có cách nào phóng đại được các vật thể và làm sao tập trung được ánh sáng yếu đến từ các ngôi sao xa thẳm?

Câu hỏi ấy cứ như xoáy nước lôi cuốn toàn bộ suy nghĩ của Newton. Ông lại miệt mài đọc, ghi chép, đưa ra các giả định, rồi cặm cụi thực hiện những thí nghiệm và kiểm tra tỉ mỉ từng kết quả.

Cuối cùng, tính chất hội tụ ánh sáng của gương cầu lõm tương tự như thấu kính đã gợi cho Newton một ý tưởng để đi đến kết luận: Phải thay thấu kính trong ống kính thiên văn bằng một gương cầu.

Ông lập tức lao vào thực hiện ý định đó.

Với đôi bàn tay khéo léo, chẳng bao lâu sau Newton đã chế xong một mẫu kính thiên văn dùng gương và đặt tên là “Kính thiên văn phản xạ” để phân biệt với “Kính thiên văn khúc xạ” dùng thấu kính.

Ống kính thiên văn của Newton chỉ dài 15 cm, được coi là ống kính tí hon so với những ống kính thiên văn chuyên dùng dài tới 10 m.

Chỉ ít lâu sau, Newton chế tạo ra kính thiên văn phản xạ thứ hai để gửi tới Hội Khoa học Hoàng gia Anh. Kèm theo đó là một bản báo cáo lí thuyết về màu sắc và ánh sáng. Nhờ chiếc kính thiên văn này, năm 1672, Newton đã được bầu làm hội viên chính thức của Hội Khoa học Hoàng gia Anh và được giới khoa học Anh công nhận là nhà bác học.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận