MICHELANGELO BUONARROTI

05:00, 24/08/2022 108
MICHELANGELO BUONARROTI

 

MICHELANGELO BUONARROTI

Sưu tầm và biên soạn: Nguyễn Kim Lân

Trích: Truyện Kể Về Danh Nhân Thế Giới; NXB Giáo Dục;

---o0o---

Mi-ken-lăng-giơ là con của viên Thị trưởng thành phố Phơ-lo-ren-sơ nước I-ta-li-a. Mới 6 tuổi chú bé đã bị mồ côi mẹ. Chú được người vú nuôi nấng, dạy dỗ, nhiều hôm cả ngày chơi đùa ở nhà người vú nuôi. Chồng người vú nuôi là một người thợ đá tài hoa. Đôi bàn tay điêu luyện của ông đã tạo nên muôn vàn bức tượng đẹp, những phù điêu và hoa văn sống động. Mi-ken-lăng-giơ thường đứng lặng hàng giờ ngắm nhìn ông làm việc, đôi lúc cậu cũng cầm lấy dụng cụ bắt chước ông tạc tượng. Hai vợ chồng người vú nuôi thấy chú bé ham thích công việc liền sắm cho chú 1 bộ đục khắc đá nhỏ cho vừa tay chú. Dưới sự chỉ bảo tận tình của ông thợ, chú bé thực sự bắt tay vào làm những tác phẩm đầu tiên của mình. Công việc ngày càng lôi cuốn nhiều lúc chú quên ăn quên ngủ, chẳng muốn chạy đi chơi với bạn bè.

Cha của Mi-ken-lăng-giơ thấy vậy thì buồn lòng cho rằng công việc đục chạm đá chẳng có mấy tương lai và danh vọng và nhất là Mi-ken-lăng-giơ lại là con của ngài Thị trưởng! Do đó ông bắt chú bé về nhà và gửi cậu đi học trường dạy tiếng La tinh ở Phơ-lo-ren-sơ. Nhưng Mi-ken-lăng-giơ đã quá ham mê điêu khắc, nên ngay trong giờ học ở nhà trường, cậu vẫn vẽ hình và khắc vào các viên đá. Ông bố thấy vậy rất tức giận, ông muốn Mi-ken-lăng-giơ phải quên đi công việc điêu khắc, nên đã đập vỡ các tác phẩm của cậu, tịch thu bộ đồ chạm khắc đá. Nhưng Mi-ken-lăng-giơ vẫn không từ bỏ được công việc điêu khắc. Ông bố đành chịu thua chú bé, năm cậu 13 tuổi, ông gửi cậu đến học hội hoạ ở nhà hoạ sĩ danh tiếng Ghi-lan-đa của thành Phơ-lo-ren-sơ. Được sự dìu dắt tận tình của thầy, Mi-ken-lăng-giơ tiến bộ rất nhanh, chẳng bao lâu đã nắm vững các kĩ xảo hội họa, sáng tác được nhiều tác phẩm xuất sắc, có những tác phẩm còn xuất sắc hơn cả của thầy giáo. Mi-ken-lăng-giơ được thấy rất yêu mến và khen ngợi.

Sau đó, Mi-ken-lăng-giơ bắt đầu học điêu khắc dưới sự bảo trợ của Công tước Me-di-xi, một Mạnh Thường Quân của giới Văn học nghệ thuật. Cung điện của Công tước là nơi hội tụ các nhân vật thượng lưu của thành Phơ-lo-ren-sơ, các nhà văn, học giả, thi nhân, nghệ thuật gia nổi tiếng trong vùng. Trong cung điện có nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng, hết sức phong phú. Các tác phẩm của cung điện rất lôi cuốn Mi-ken-lăng-giơ. Cậu phát hiện ra rằng, các tác phẩm nổi tiếng đều có sự thống nhất hài hoà giữa cái đẹp và thần thánh. Đó cũng là chuẩn mực của sự sáng tạo nghệ thuật mà sau này cả đời mình, Mi-ken-lăng-giơ luôn luôn tuân theo.

Tháng 6 năm 1496, Mi-ken-lăng-giơ mới 22 tuổi, đã là một điêu khắc gia xuất sắc, đến Rô-ma. Tại đây Mi-ken-lăng-giơ sáng tác những tác phẩm đầu tiên Thần rượuTruy điệu chúa Jê-su. Trong tác phẩm Thần rượu, Mi-ken-lăng-giơ thể hiện vẻ đẹp cơ thể con người trong trạng thái say rượu, làm cho người xem cảm nhận sức hấp dẫn nghệ thuật rất sinh động, Còn bức tượng Truy điệu Chúa Jê-su thể hiện cảnh Chúa Jê-su sau khi được hạ xuống từ cây chữ thập, Đức Mẹ Ma-ri-a đau đớn ôm thi thể con, than khóc. Vẻ đẹp bi tráng và thánh thiện làm rung cảm lòng người của bức tượng Truy điệu Chúa Jê-su đã chinh phục được cả những khán giả khó tính nhất của thế phố.

Nhưng lúc bấy giờ tên tuổi của Mi-ken-lăng-giơ còn chưa nổi tiếng ở Rô-ma. Mọi người không biết tác giả bức tượng là ai. Người nói hoạ sĩ này, người cho là hoạ sĩ kia. Mi-ken-lăng-giơ nghe thấy thế, liền ngay trong đêm chạy đến khắc lên dải áo của Đức Mẹ mấy chữ Mi-ken-lăng-giơ người Phơ-lo-ren-sơ. Từ đó tên tuổi của Mi-ken-lăng-giơ nổi tiếng khắp nơi. Những tác phẩm sau này, thậm chí không cần đề tên, mọi người cũng nhận ra nghệ thuật riêng biệt của ông.

Năm 1501, quay về Phơ-lo-ren-sơ, ông phát hiện trong nhà thờ lớn ở thành phố có một khối đá hoa lớn để quên đã gần nửa thế kỉ. Như bắt được vàng, ông liên dành 3 năm ròng tạo nên bức tượng Đa-vít tuyệt diệu, người anh hùng vừa cương nghị vừa thánh thiện, được người xem rất ưa thích. Bức tượng được dựng tại quảng trường lớn trước Tòa thị chính thành phố. Ngày nay bức tượng được bảo quản trong Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố Phơ-lo-ren-sơ.

Mi-ken-lăng-giơ còn sáng tác rất nhiều tác phẩm hoành tráng như Cuộc chiến đấu của người La-pi-the và thân đầu người mình ngựa sáng tác năm 1490. Tượng Đức Mẹ đồng trinh ở nhà thờ Xanh Pi-e (1498 1499); bức bích họa lớn Quảng trường Ca-pi-to-le; Ngày phán xử cuối cùng;...

Các tác phẩm của ông được xem là di sản vô giá của nhân loại, được toàn thể nhân dân yêu mến.

CTV:Minh Hoàng

 

 

 

          


Bình luận