TẠI SAO LẠI BỎ CUỘC?

05:00, 11/01/2023 238
TẠI SAO LẠI BỎ CUỘC?

TẠI SAO LẠI BỎ CUỘC?

Tác giả: Teo Aik Cher

Trích: Tại Sao Lại Chần Chừ?; NXB Trẻ.

---o0o---

“Bỏ cuộc = Hành động từ bỏ hoặc đánh mất ý chí khi thực hiện 1 công việc nào đó”

1. Bỏ cuộc - Thiếu sức mạnh ý chí

Đã bao giờ bạn cảm thấy muốn từ bỏ hoặc tạm dừng công việc mà bạn đang thực hiện chưa?

Bạn biết không, chẳng phải chỉ mình bạn cảm thấy thế đâu. Rất nhiều người, kể cả bản thân tôi, cũng đã từng trải qua cảm giác này. Nguyên nhân của sự chần chừ là do ý chỉ chúng ta không đủ mạnh để thúc đẩy ta tiến về phía trước. Cảm giác muốn từ bỏ có thể bắt nguồn từ :

• Thất bại triền miên

• Thiếu khao khát và động lực

• Bị người khác đánh giá thấp

• Bị nhiều trở ngại bao vây

Dĩ nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác khiến ta nảy sinh ý định bỏ cuộc nhưng nguyên nhân chính là do ta đã nếm trải quá nhiều thất bại.

2. Nhưng tôi đã thất bại nhiều lần quá rồi

Trong đời mình, mỗi chúng ta đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thất bại. Điều đó khiến ta hoài nghi liệu có nên tiếp tục công việc được giao hay không? Đây là điều hoàn toàn tự nhiên thôi. Thử tưởng tượng bạn thi trượt hết lần này đến lần khác xem, chắc chắn là bạn sẽ cảm thấy thất vọng và không muốn thi nữa. 1 người bạn của tôi đã thi trượt bằng lái xe nhiều lần đến mức anh chán nản và không muốn thi thêm lần nào nữa. Lần cuối cùng tôi gặp anh, anh vẫn chưa có bằng lái.

Tôi cũng đã từng gặp nhiều thất bại, từ bị điểm kém trong các bài kiểm tra đến bị các nhà xuất bản từ chối in sách. Thực tế là cuốn sách bạn đang cầm trên tay đã được viết đi viết lại rất nhiều lần trước khi được phép xuất bản. Hẳn bạn cũng hình dung được cảm giác thất vọng của tôi như thế nào. Tuy nhiên, tôi đã không ngừng cố gắng để hoàn tất cuốn sách này và cuối cùng đã xuất bản được nó.

Thất bại là 1 phần tất yếu của cuộc sống. Có thể ở trường, bạn thi trượt hoặc bị người bạn thích từ chối 1 cách thẳng thừng. Hay khi ở nhà, bạn không được thông minh như các anh chị mình. 1 số thất bại lại mang ý nghĩa tích cực vì nó giúp ta nhận thức được sai lầm của mình và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhưng việc thất bại quá nhiều lần cũng có thể khiến trái tim rắn rỏi nhất tan vỡ.

Nếu bạn thất bại quá nhiều lần, mọi người sẽ bắt đầu đánh giá bạn và gán cho bạn cái mác chẳng lấy gì làm hay ho.

3. Bị gán mác

Nhà xã hội học Howard Becker là người đầu tiên sử dụng cụm từ “gán mác”. Việc bị gán mác có thể khiến 1 người gắn chặt với 1 đặc tính tiêu cực nào đó. Chẳng hạn, nếu Tom bị gán mác nói dối - giống cậu bé chăn cừu trong truyện ngụ ngôn - thì sẽ có rất ít người tin là cậu nói thật.

1 người bạn đã kể cho tôi nghe câu chuyện về Robert - 1 học sinh có học lực dưới mức trung bình và gặp nhiều khó khăn trong học tập. Dù rất cố gắng nhưng Robert vẫn không thể hiểu các bài giảng trên lớp và thường xuyên bị điểm kém trong các bài kiểm tra. Các giáo viên tích cực giúp đỡ Robert nhưng vẫn không thể cải thiện được điểm số của mình. Ít lâu sau, cậu bé bị bạn bè và giáo viên gán cho cái mác chẳng mấy tốt đẹp. Tệ hơn, chính Robert cũng tự xem mình là “kẻ vô vọng”. Kết quả là lòng tự tôn của cậu bé xuống đến mức thấp nhất. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với cha mẹ và bạn bè. Cậu sống khép kín với tất cả mọi người. Vì bị gán mác tiêu cực nên chẳng có gì lạ khi Robert có xu hướng chần chừ khi được giao 1 việc gì đó.

4. Phó mặc cho số phận

Tôi chắc rằng tất cả chúng ta đều đã từng xem những chương trình truyền hình hay những bộ phim về các cặp đôi tình cờ gặp nhau, yêu nhau và sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Nhưng đó là cuộc sống trên phim ảnh, còn trong đời thực thì điều này có xảy ra không?

Một số người luôn muốn phó mặc cuộc đời mình cho số phận. Họ cho rằng cuộc đời họ đã được định đoạt sẵn và thế là họ cứ để cho dòng đời cuốn đi, tựa như 1 con thuyền ra khơi không có cánh buồm vậy. Chính vì thế, họ không có động lực để làm việc và việc duy nhất họ làm là chần chừ trước mọi thứ.

CTV:Minh Hoàng


Bình luận