THAY ĐỔI CÁCH NHÌN NHẬN

05:00, 01/02/2023 166
THAY ĐỔI CÁCH NHÌN NHẬN

THAY ĐỔI CÁCH NHÌN NHẬN

Tác giả: Hal Urban

Trích: Những Bài Học Cuộc Sống; NXB Trẻ.

---o0o---

“Khám phá vĩ đại nhất của con người chính là việc chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình

chỉ bằng cách thay đổi thái độ sống.”

- William James

Chúng ta trở nên như thế nào tùy thuộc vào suy nghĩ của chính mình
Cuộc sống của tôi bị đảo lộn năm tôi chỉ mới ba mươi hai tuổi, khi ấy cuộc hôn nhân của tôi bị tan vỡ. Trong khi tôi vẫn còn mang trong lòng nỗi đau khổ đó thì người ta bảo với tôi rằng một người đàn ông không thể chăm sóc ba đứa trẻ và thế là các con tôi được đưa đến sống ở một nơi cách xa bốn trăm dặm. Mọi lời nói của tôi lúc này đều không có ý nghĩa gì. Tôi đã đau đớn đến độ cảm thấy rằng cuộc sống này dường như muốn xô tôi xuống tận cùng của sự đau khổ.

Một thời gian sau, khi bắt đầu chậm rãi gắn lại những mảnh vỡ cuộc đời thì tình cờ tôi được đọc một cuốn sách có tựa là Ý nghĩa cuộc sống của con người, tác giả Victor Frankl. Những điều được nói đến trong quyển sách không thể hàn gắn cuộc hôn nhân đã tan vỡ hoặc giúp gia đình tôi sum họp, nhưng nó đã giúp tôi có một cách nhìn khác về hoàn cảnh của mình. Một trong những điều giá trị nhất mà tôi học được là: Người ta nghĩ và nhìn thế nào về những biến cố xảy đến quan trọng hơn chính bản thân những biến cố đó. Hoàn cảnh của Frankl còn tệ hơn tôi nhiều. Nhưng bằng sức mạnh của ý chí, ông đã vượt qua tất cả. Frankl là một trong hàng triệu người Do Thái bị nhốt trong trại tập trung Đức quốc xã trong Thế chiến thứ 2. Chế độ Hitler đã tước đi của ông một gia đình hạnh phúc, một ngôi nhà xinh xắn, một công việc đầy hứa hẹn. Ông bị ném vào trại tù, nơi ông bị buộc phải trở thành một trong những con người hèn kém nhất. Frankl tận mắt chứng kiến người bạn của mình bị giết, nhiều người đã phải tự tử, trong khi những người khác đang mất dần ý chí sống còn. Sau này, Frankl viết rằng: giữa sự tàn bạo và đau đớn, điều làm cho ông bực bội và thất vọng nhất là nhìn thấy những người bạn tù cho rằng mình chẳng còn lý do và cơ hội nào để được tồn tại nữa, và rồi họ nhụt dần ý chí và chấp nhận từ bỏ cuộc sống như một sinh vật sắp vào lò sát sinh.

Ông nhận ra rằng có một điều mà trại tập trung không thể nào tước đi được - đó là việc lựa chọn cho mình một thái độ sống, một ý chí - đây cũng chính là điều có thể giữ vững khát vọng sống của ông, bất kể hoàn cảnh xấu đến thế nào. Victor Frankl không chỉ đã sống sau khi trải qua sự tàn bạo của trại tập trung và của cả cuộc chiến, mà sau này ông còn trở thành một trong những nhà tâm lý học được kính trọng nhất thế giới. Ông đã giúp hồi sinh khát vọng sống của hàng ngàn người đang chực chờ từ bỏ cuộc sống này, bằng cách chỉ cho họ thấy rằng họ vẫn còn có những lựa chọn, và giữa những lựa chọn ấy họ có thể tìm ra ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình. Ông nói: “Chúng ta có thể từ bỏ tự do và phẩm cách của mình để mặc cho hoàn cảnh nhào nặn, ép buộc chúng ta hoặc chúng ta sẽ vượt lên trên hoàn cảnh bằng chính thái độ của mình. Điều cốt lõi là phải hiểu rằng, chúng ta sẽ trở nên như thế nào là tùy vào quyết định của chính chúng ta”.

Kể từ đó, tôi quyết định sẽ sống cùng với các con tôi. Tôi đã làm mọi thứ để chứng minh rằng,một người đàn ông có thể nuôi nấng tốt ba đứa trẻ. Kết quả là, hai năm sau ngày ly hôn, cả ba đứa trẻ được trở lại sống với tôi. Và tôi thấy vui vì đã làm tốt nhất trong hoàn cảnh của mình.

CTV:Minh Hoàng

 


Bình luận