TIN VÀO CHÍNH MÌNH

05:00, 18/01/2023 168
TIN VÀO CHÍNH MÌNH

TIN VÀO CHÍNH MÌNH

Tác giả: David Niven.

Trích:Bí Mật Của Hạnh Phúc; NXB Trẻ.

---o0o---

Trong bất kỳ tình huống nào, hãy đừng đánh mất sự tự tin. Nếu không có niềm tin vào chính bản thân mình, bạn sẽ không làm được gì cả. Cuộc sống chỉ bế tắc thực sự nơi sự tự tin không còn nữa. Chúng ta từng hiểu rõ triết lý giản dị: "mất tiền, bạn có thể kiếm lại được tiền, mất sức khoẻ bạn vẫn có thể phục hồi được sức khoẻ, mất danh dự bạn có thể khôi phục lại được danh dự nếu có thời gian và lòng quyết tâm, mất niềm tin bạn vẫn có thể tìm lại được niềm tin bằng tình cảm con người. Và bạn có thể sẽ mất tất cả khi bạn buông xuôi và không còn tin vào mình nữa".

Năm 1972, Steve Blass được đánh giá là một trong những cầu thủ chơi giỏi nhất cho giải đấu bóng chày quốc gia. Một năm sau, anh từ giã sự nghiệp này. Anh có bị chấn thương không? Hoàn toàn không. Điều gì đã khiến anh đi đến quyết định như thế? Chỉ có một: Steve Blass đã đánh mất sự tự tin của mình. Khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, Blass lo sợ anh sẽ có một ngày mọi chuyện trở đi xấu hơn, đó là khi anh không còn là cầu thủ trụ cột nữa. Quả nhiên chúng đến thật, anh không còn được coi là cầu thủ chính trong giải thi đấu. Blass buồn bã nói: "Khi sự tự tin ra đi, có thể nó sẽ ra đi mãi mãi".

Để có khả năng làm bất cứ điều gì, bạn phải luôn vững tin rằng mình có thể làm được điều đó. Việc tin vào chính mình cũng quan trọng như chuyện bạn làm được việc vậy. Người ta vẫn thường nói rằng: "Dù tin mình có khả năng hay không có khả năng, trong cả hai trường hợp bạn đều đúng".

Đối với mọi lứa tuổi và mọi thành phần xã hội, có một niềm tin vững chắc vào năng lực bản thân sẽ làm tăng khả năng thành công và mức độ hài lòng về cuộc sống. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống, trong gia đình cũng như trong công việc.

Tin vào bản thân có nghĩa là nghĩ mình có khả năng chứ không phải nghĩ người khác thấy đi hoặc nghĩ rằng mình không bao giờ mắc sai lầm. Đừng cho rằng mình tài giỏi nên không cần phải học hỏi người khác hoặc sẽ không bao giờ bị chỉ trích.

Cách đây không lâu, một người rất giàu ra tranh cử thống đốc tại một bang miền Nam nước Mỹ. Ông không thích nghe theo lời hướng dẫn của người khác mà quyết định làm theo cách của mình. Trước đây, ông đã rất thành công nhờ tự thân vận động, vì thế bây giờ ông nghĩ rằng sẽ chẳng ai có thể dạy ông điều gì nữa bởi ông đã biết mọi thứ ông cần rồi.

Điểm đáng nói là niềm tin này dẫn tới hai hệ quả. Thứ nhất, mọi người cho rằng ông là một người tự mãn, khó chịu và ông không xứng đáng để họ đặt hết niềm tin. Thứ hai, trong một cuộc tranh luận được phát sóng trực tiếp trên toàn bang, ông đã không thể trả lời câu hỏi về việc thông qua ngân sách của bang. Điều này khiến người ta cảm thấy hình ảnh tự đắc của ông chỉ là chiếc mặt nạ giả che đập một sự thật - là ông không có năng lực như ông đã cố tình thể hiện. Dĩ nhiên, người đàn ông này đã không trở thành thống đốc hay thượng nghị sĩ hay bất cứ chức vụ nào khác mà ông tranh cử. Ông vẫn luôn tuyên bố rằng mình đã quá giỏi nên không cần phải lắng nghe và học hỏi thêm điều gì nữa. Trong khi đó mọi người lại nói rằng ông ta chỉ thiếu đúng hai yếu tố đó.

CTV:Minh Hoàng


Bình luận