BẢN CHẤT Ý CHÍ

BẢN CHẤT Ý CHÍ

BẢN CHẤT Ý CHÍ

Tác giả: ROS TAYLOR

Trích: Khi Nào Đã Có Chí, Hướng Nào Đi Cũng Được; Anh Tạ dịch; NXB Thế Giới.

---o0o---

Abby là tình nguyện viên của Hội Canal, thuộc Quỹ Tín thác Đường thủy Scotland chuyên giúp đỡ những người trẻ tuổi như cô có thêm các trải nghiệm để tiếp tục tiến xa hơn trong học tập và công việc. Hội Canal bảo vệ môi trường bằng cách mở thêm những con kênh ở Anh và các khu vực xung quanh. Cô ấy sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện của chính mình.

“Tôi bỏ học ở trường vào năm hai đại học và tiếp tục học ở nhà. Vấn đề sức khỏe cùng những lo lắng khiến tôi không thể tiếp tục đến trường. Tôi vẫn làm các bài kiểm tra, hoàn thành chương trình học, nhưng không phải ở trường. Nguyên nhân là do tôi không thể hòa nhập với mọi người. Trong ba năm liền tôi không hề giao lưu với các bạn cùng tuổi, điều đó khiến cho lo lắng của tôi ngày càng tệ hơn. Tôi không đi ra ngoài, không có bạn bè, tôi xa lánh mọi thứ đến cùng cực. Tôi không thể bắt chuyện với bất kỳ ai ngoài mẹ.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại nhà, tôi được gợi ý tới Hội Canal vì tôi là một người yêu thiên nhiên và hội này có nhiều hoạt động ngoài trời. Lần đầu tiên, tôi đã chùn bước. Tôi sẽ không làm, không có bất kỳ cơ hội nào cho tôi cả. Không! Tôi thừa nhận suy nghĩ đó đã khiến tôi bị một vài cơn đau đầu nhưng cuối cùng tôi vẫn tự nhủ: “Mình sẽ đăng ký, nhưng chắc không được nhận đâu.” Khi mọi thứ tưởng như đã bị dập tắt thì tôi lại được nhận. Ôi không, tôi không muốn làm điều này. Tôi đến phỏng vấn. Mặc dù luôn giữ im lặng nhưng họ vẫn sẵn lòng cho tôi một cơ hội. Đó là lý do vì sao tôi quyết định nắm bắt và bước tiếp dù điều đó thật đáng sợ. Tôi hỗn loạn giữa sợ hãi và phấn khích. Tôi hạnh phúc khi thấy mình đã làm được và quyết định sẽ vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Xen lẫn vào đó tôi vẫn cảm thấy lo lắng bởi vì tôi chưa bao giờ gia nhập một nhóm những người cùng tuổi. Đây thực sự là một bước tiến lớn.

Nhìn vào mắt ai đó là điều khó khăn với tôi. Tôi không thể bắt chuyện với mọi người. Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên tham gia hội, tôi ngồi ở góc phòng, không nói chuyện với bất cứ ai. Những người duy nhất cố gắng bắt chuyện với tôi là những người tư vấn. Họ muốn giúp những người trẻ.

Có những đêm, tôi không thể chợp mắt. Hôm sau, dù toàn thân run rẩy, tôi vẫn bắt bản thân phải đi ra ngoài. Tôi không bao giờ có thể quên những ngày như thế. Tôi thật sự bị ốm. Nhưng không sao, đây là cơ hội của mình. Tôi cứ tự nói như thế.

Trong suốt hai hay ba tuần liền, mọi người tìm cách nói chuyện với tôi, tôi thực sự cảm thấy điều đó rất có ý nghĩa gì tôi chắc chắn sẽ không chủ động nói chuyện với họ. Sau ba tuần, tôi bắt đầu nói chuyện lại với những người bắt chuyện với mình. Tôi không biết làm thế nào để kết thân với họ. Đôi khi tôi ngồi xuống và xem những gì họ làm, cách họ kết nối với những người khác. Việc này giúp tôi có những mẹo nhỏ để hòa nhập.

Khi làm việc tại Hội Canal, tôi bắt đầu tham gia các cuộc họp nhóm cho những người trẻ. Tôi nhận ra những điều mới mẻ, và tôi từ một người không có gì trong cuộc sống trở thành người không có đến thời gian để chăm sóc bản thân. Điều này xảy ra trong khoảng vài tuần. Đó là một thay đổi lớn. Dù sự thay đổi này không thoải mái cho lắm, thậm chí có phần kỳ dị nhưng tôi đã tìm được niềm vui; giống như bản thân không thích nhưng vẫn phải làm gì điều đó có ý nghĩa. Trước đây tôi chưa bao giờ nói trước đông người, còn hiện tại tôi làm điều đó thường xuyên trong hội, việc mà tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm tốt.

Trước khi đến với Hội Canal, tôi nghĩ mình đang ở ranh giới chuẩn bị bỏ cuộc. Trầm cảm bủa vây mà tôi không thể chống trả. Tôi chưa từng muốn trút bỏ nó trong vài năm. Đừng hiểu sai ý tôi. Khi mới bắt đầu tham gia Hội Canal, những cơn đau đầu vẫn tái phát nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua được. Lần đầu tiên trong đời tôi đi trượt tuyết cùng bạn bè trong nhóm.

Trong ba hoặc bốn năm tới, tôi sẽ quay trở lại trường đại học. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Có thể tôi sẽ thuê một căn hộ và sống cùng bạn, có thể tôi sẽ có một vài người bạn tốt và hy vọng sẽ có một công việc tốt.

Tôi chiến đấu với ý chí của mình bằng cách tưởng tượng hình ảnh một người nhảy bungee , họ phải từng bước ra khỏi chỗ nhảy và quăng mình xuống. Tôi hoàn toàn không lờ đi nỗi sợ hãi mà nhận thức được nó và chấp nhận phải vượt qua nó.”

Đây là một ví dụ sâu sắc về ý chí từ Abby. Bằng khả năng tự kiểm soát bản thân, cô ấy đã biến cuộc sống xung quanh mình trở nên tuyệt vời hơn vào đúng thời điểm bản thân định từ bỏ mọi thứ. Có rất nhiều thành phần tạo nên sức mạnh ý chí trong câu chuyện này. Chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả.

NHỮNG THÀNH PHẦN Ý CHÍ TRONG CÂU CHUYỆN CỦA ABBY:

• Thách thức của Abby có ý nghĩa to lớn đối với cô ấy. Đó là cơ hội cho một khởi đầu mới, một cuộc sống mới.

• Từ đầu đến cuối câu chuyện, cô ấy thường nói: “Tôi không thích điều đó nhưng tôi sẽ làm.” Trước một thách thức ý chí, bạn phải chấp nhận rằng bạn đang tham gia một đấu trường hoàn toàn mới. Có thể ban đầu bạn cảm thấy không thoải mái nhưng điều đó sẽ nhanh chóng qua đi.

• Cô ấy đã nói về mục tiêu của mình và chúng rất cụ thể. Có một mục tiêu rõ ràng là điều cần thiết.

• Cô ấy có một tầm nhìn rõ ràng về tương lai của mình. Sự hình dung về thành công cũng là một kỹ năng ý chí.

• Cô ấy cung cấp một ví dụ tổng quát tuyệt vời: Khi đối mặt với rào cản, Abby cảm thấy mình có thể chiến đấu bằng cùng một cách trong cùng một khoảng thời gian.

• Cô ấy có niềm tin mạnh mẽ rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết.

• Cô ấy cung cấp cho chúng ta một ví dụ tuyệt vời về định luật “Ba tuần” để hình thành một hành vi mới. Sau ba tuần, cô ấy đã nói chuyện với mọi người chứ không còn đợi họ đến chủ động bắt chuyện với mình.

Tất cả những thành phần của ý chí sẽ được đề cập xuyên suốt cuốn sách.

Trước khi chúng ta tiến xa hơn, tôi muốn bạn tự đánh giá ý chí của bản thân. Tôi luôn thích tự khám phá và khảo sát tỉ mỉ một vấn đề. Đừng vội đánh giá sức mạnh ý chí của bản thân cho đến khi bạn trả lời hết các câu hỏi và có điểm kết quả. Sau đó chúng ta có thể xây dựng hướng đi cho ý chí mỗi người.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận