KHUYÊN NGƯỜI KHÁC SỬA SAI THÌ PHẢI KHEN ĐIỀU TỐT TRƯỚC ĐÃ

10:14, 12/10/2021 723
KHUYÊN NGƯỜI KHÁC SỬA SAI THÌ PHẢI KHEN ĐIỀU TỐT TRƯỚC ĐÃ

KHUYÊN NGƯỜI KHÁC SỬA SAI THÌ PHẢI KHEN ĐIỀU TỐT TRƯỚC ĐÃ

Tác giả: TỐNG MẶC

Trích: Nóng Giận Là Bản Năng Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh; Hà Giang dịch; NXB Thế Giới.

-----o0o-----

Khi khuyên ai, đừng nên chỉ vào lỗi sai của họ, mà phải khen điều tốt trước đã. Làm người khác vui thì cái gì cũng dễ lọt tai, làm người khác tức giận thì họ khó mà nghe theo. Người khéo hiểu lòng người sẽ luôn chân thành hòa nhã, nói năng uyển chuyển, khoan dung với thiếu sót của người khác, tha thứ cho lỗi lầm của họ, giận họ vô tri, nhưng cũng hiểu cho nỗi lòng của họ, ăn nói linh hoạt, tùy trường hợp mà khuyên nhủ.

Đại sư Hoằng Nhất – “Tuyển tập cách ngôn”

Thông thường, nếu như chúng ta khẳng định ưu điểm của người khác, sau đó mới uyển chuyển chỉ ra khuyết điểm của họ, thì kết quả sẽ khác nhiều. Ví dụ, một đứa trẻ đánh nhau với bạn học ở trường, điều đầu tiên mà người làm cha mẹ nên làm là khẳng định nó là một đứa trẻ ngoan, bình thường rất biết lý lẽ, ở nhà cũng quan tâm chăm sóc cha mẹ rồi nói với đứa bé rằng: “Mẹ biết, nếu không phải vì quá tức giận, thì con sẽ không đánh nhau.” Làm vậy sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ hiểu mình, lúc này, cho dù bạn không trách mắn, nó cũng biết hành động đánh nhau như vậy là không tốt và chủ động nhận lỗi. Đây chính là đạo lý mà đại sư Hoằng Nhất muốn nói: “Khi khuyên ai, đừng nên chỉ vào lỗi sai của họ, mà phải khen điều tốt trước đã. Làm người khác vui thì nói gì cũng dễ lọt tai, làm người khác tức giận thì họ khó mà nghe theo.”

Đại sư Đàm Hân trong bài viết ghi lại hồi ức về đại sự Hoằng Nhất có nhắc đến: Tôi nhớ có một lần, ở Tuyền Châu có người họ Hoàng rất giỏi vẽ tranh, nhiều lần mời đại sư đến ăn cơm. Được ông ấy mời nhiều quá, nên đại sư phá lệ bảo tôi chuẩn bị vài món ăn trên Tàng Kinh Các để đãi khách. Lúc đó đúng vào thời kỳ chiến tranh nên món ăn nào cũng cực kỳ quý hiếm, nhưng hồi ấy mấy món tôi làm cũng được xem là tươm tất. Trong bữa cơm, cư sĩ Hoàng mời đại sư đánh giá bức tranh của ông ấy. Đại sư trước giờ chưa từng trực tiếp phê bình người khác. Đại sư nhìn tranh của cư sĩ Hoàng, buột miệng nói: “Đẹp. Đẹp. Nhưng mà, người học vẽ thì nên học cách quan sát nhiều hơn. Xét nhiều tranh của người khác mới có thể học hỏi sở trường của họ. Học vẽ trước hết phải học vẽ hình tròn, vẽ xong hình tròn thì xé nó ra, nếu như 4 miếng đều trùng khớp với nhau thì mới xem như có sự chuẩn bị sơ bộ; tiếp đó là học cách vẽ đường thẳng; bước thứ ba là vẽ hình bằng một nét bút liền mạch, sau đấy xé ra, nếu 4 góc chồng khít lên nhau thì mới chuẩn.” Đại sư như nhấn mạnh, một người bắt đầu học vẽ nhất định phải hoàn thành các bước này, nếu không sau này sẽ khó mà vẽ được. Đại sư lại nói chuyện họa sĩ Phương Tây rất chú trọng kết cấu của bức tranh, đôi khi vẽ tranh phải để lại nhiều khoảng trống, bởi vì vốn dĩ những chỗ trống đó cũng có vai trò quan trọng trong bố cục tổng thể.

Đại sư còn bảo tôi nói với cư sĩ Hoàng, tốt nhất là đi mua các cuốn sách tranh để tham khảo các tác phẩm hội họa qua các thời đại, quan sát kỹ bút pháp của các tác giả, biết được ưu nhược điểm của họ, sau đó tự hình thành một phong cách riêng. Đại sư nói với tôi: “Ta không tiện nói những điều này với họa sĩ kia, nhờ con truyền lời cho ông ấy. Cảm nghĩ của ta là như vậy, đúng hay không là do ông ấy tự nghĩ.”

Khi chúng ta khuyên bảo người khác, nếu như luôn miệng nói đối phương không đúng, thì cho dù trong lòng họ biết rõ những lời bạn nói đều đúng hết, đều muốn tốt cho họ, họ cũng sẽ cảm thấy không thoải mái. Nếu như bạn phê bình quá nghiêm khắc, có thể họ còn ghét bạn. Như vậy vừa không thể giúp người khác hướng thiện, vừa gây ra những phiền phức không đáng có. Cho nên, chúng ta phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi khuyên bảo người khác, đừng nhìn thẳng vào lỗi lầm của họ mà hãy dùng cách kể chuyện để khuyên giải họ.

Người có xấu đến mấy cũng sẽ có ưu điểm. Nếu như chúng ta có thể nhìn nhận và tán dương ưu điểm của họ thay vì lấy khuyết điểm để phủ định người ta, thì lòng họ sẽ cảm kích bạn, từ đó cố gắng phát huy và khắc phục khuyết điểm.

Một tội phạm giết người đang trên đường bị giải ra pháp trường. Những người xung quanh đều quay ra nhìn, bỗng nhiên trong đám người có một bà lão nói: “Coi kia, tóc của thằng nhóc này đẹp thật đó!” Kể giết người này rơi nước mắt nói: “Nếu như có người nói câu này với tôi sớm hơn, thì tôi sẽ không tới nông nỗi như ngày hôm nay.”

Thật vậy, có lẽ chỉ cần chúng ta tán dương đối phương đúng lúc, họ sẽ dừng việc phạm tội đúng lúc. Còn nếu chúng ta buông lời mắng chửi hay chỉ trích, có thể sẽ làm cho một người tốt sinh lòng oán hận.

Mỗi người khi phạm lỗi đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan, một mực chỉ trích lỗi lầm sẽ chỉ khiến họ cảm thấy uất ức. Cái họ cần là được thấu hiểu, được bao dung, chứ không phải trách cứ. Nếu như có thể thông cảm, thì cho dù bạn không nói câu nào cũng đã khuyên được người khác hướng thiện rồi.

Chúng ta luôn khoan dung cho khuyết điểm của bản thân, nhưng lại luôn soi mói, khiển trách nặng nề đối với người khác. Nhưng việc buông những lời nhiếc móc cay nghiệt là không cần thiết, dù bạn có lý đi chăng nữa.

Trên đời này không có người xấu tuyệt đối, nhưng một khi người xấu phạm lỗi, chúng ta không nghe họ biện giải cũng không tha thứ cho họ, mà chỉ chăm chăm trách cứ lỗi lầm, làm cho họ nảy sinh tâm lý đề phòng và thù ghét người khác, từ đó càng chìm sâu vào vũng bùn tội lỗi, gây ra hành động trả thù nghiêm trọng hơn. Cho nên, dù đối phương tội ác tày trời, cũng không thể nói họ hoàn toàn sai. Việc tự cho rằng mình là người đạo đức cao thượng, thích đứng từ góc độ đạo đức để phán xét hành vi cử chỉ của người khác không thể chứng minh bạn cao thượng hơn họ mà ngược lại, chỉ càng cho thấy bạn hẹp hòi, khắt khe, khiến người khác phản cảm.

CTV: Minh Thư


Bình luận