KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG BỔN NGUYỆN VÀ THƯA HỎI PHẬT

06:02, 28/05/2021 456
KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG BỔN NGUYỆN VÀ THƯA HỎI PHẬT

KINH BỒ TÁT HƯ KHÔNG TẠNG BỔN NGUYỆN VÀ THƯA HỎI PHẬT

LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH

KINH ĐẠI TẬP - BỘ III

–––––o0o–––––

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Bậc trí giải thoát các kiến chấp
Đầy đủ phước đức trong sinh tử
Trụ vào thiền định, lìa các tướng
Hồi hướng Bồ-đề không cùng tận.

Đầy đủ hành trang Nhất thiết trí
Trí vô biên, tánh tựa hư không
Không có sắc, tướng, không có pháp
Thì đạt đầy đủ Nhất thiết trí.

Nên niệm Phật vượt qua sinh tử
Tâm ý vị ấy không tán loạn
Không chấp sắc tướng và dòng họ
Như vậy gọi là niệm Như Lai.

Thể tánh các pháp lìa tham dục
Trong lặng, tịch tĩnh thường vô tướng
Nếu xa lìa đối tượng duyên dựa
Như vậy mới chính là niệm pháp.

Vô vi, chẳng nhiễm, thường giải thoát
Như vậy gọi là niệm Tăng-già
Tất cả của cải và vật dụng
Đều đem bố thí không tham đắm.

Thanh tịnh, không tư duy, phân biệt
Như vậy gọi là niệm về xả
Giới vô vi không còn lậu, hoặc
Lìa thân, miệng, ý chẳng đổi dời.

Chẳng sinh ba cõi, không chỗ nương
Là chánh niệm về giới vô lậu
Chư Thiên Tịnh cư thể trong sạch
Ở trời Đâu-suất nối Pháp vương.

Như vậy là niệm thiên thanh tịnh
Chẳng bao lâu nữa, ta cũng vậy
Nếu giữ gìn chánh pháp của Phật
Không nên chấp giữ tạo phiền não.

Pháp và phi pháp đều giải thoát
Đó là giữ gìn pháp chư Phật
Như Phật đã chứng tướng Bồ-đề
Giữ gìn pháp ấy cũng như vậy.

Biết được “bản tế” không cấu nhiễm
Đó là giữ gìn pháp chư Phật
Ngã thanh tịnh, nên chúng sinh tịnh
Bậc trí tu hành pháp thanh tịnh.

Biết tâm chúng sinh luôn trong lành
Nhờ hành như vậy để thành tựu
Chẳng làm đoạn diệt cõi hữu tình
Cũng chẳng thấy có tăng hay giảm.

Vì họ thuyết pháp, trừ kiến chấp
Độ vô lượng chúng được thanh tịnh
Nên nói các cảnh giới thế gian
Chẳng khác với cảnh giới Như Lai.

Cảnh giới của Phật như hư không
Cảnh giới thế gian cũng như vậy
Tất cả ngôn ngữ và văn tự
Đều như tiếng vang nơi hang rỗng.

Trong ấy chẳng có đối tượng nghe
Như vậy là đã đạt “Tổng trì”
Thọ giữ, tu tập và đọc tụng
Giảng nói hết ý nghĩa các pháp.

Không có ngã, nhân và tướng pháp
Đó là an trụ Đà-la-ni
Giữ gìn tất cả pháp chư Phật
Khéo giảng nói, người nghe hoan hỷ.

Chánh niệm chẳng rời Tam-ma-địa
Do đấy nhất định được “Tổng trì”
Tâm không loạn động đối với pháp
Cũng không nghi hoặc ở nơi pháp.

Giống như Long vương tuôn mưa lớn
Vị ấy thuyết pháp cũng như thế
Không còn vướng buộc chẳng chướng ngại
Có thể nói ngàn ức kinh điển.

Chẳng có pháp tưởng về chúng sinh
Được biện tài, công đức thù thắng
Nương oai thần Phật nói diệu pháp
Trong ngàn ức kiếp luôn thuận hợp.

Khiến tâm chúng sinh thường hoan hỷ
An trụ biện tài, công Đức Phật
Nếu biết nghĩa lý tất cả pháp
Thể tánh đều giống như hư không.

Chẳng có người, mạng và thọ quả
Đó là giữ gìn chánh pháp Phật
Bản tánh chúng sinh đều tịch tĩnh
Các pháp rốt ráo vốn không sinh.

Cảnh giới Ta-bà chẳng nhơ, sạch
Được vậy gọi là không buông lung
Quán thấy các uẩn đều như huyễn
Tức thấy tánh chân thật các pháp.

Rõ sáu xứ cũng như cõi vắng
Có thể vượt qua ma năm uẩn
Như mây nổi lên giữa không trung
Tất cả lậu hoặc cũng như vậy.

Siêng năng quan sát lý chân chánh
Thì vượt qua được ma phiền não
Nếu biết vô sinh thường chẳng sinh
Thì biết tịch diệt cũng chẳng diệt.

Pháp không quá khứ và vị lai
Chắc chắn không bị tử ma hại
Chẳng động, chẳng tư duy nơi pháp
Chẳng trụ Bồ-đề, tưởng giác ngộ.

Khởi tâm cứu giúp, không ngã, nhân
Quyến thuộc thiên ma bị hàng phục
Thấy thức và trí đều bình đẳng
Chẳng trụ vô vi và hữu vi.

Biết thế gian tâm như huyễn hóa
Gọi là dũng mãnh, khó khuất phục
Không còn chấp giữ nơi bờ giác
Nói pháp, tu tập đều tương ưng.

Độ chúng sinh, chẳng tưởng có nhân
Đó là bậc thầy của Bồ-tát
Quán xét ba cõi như đồng trống
Cũng như tánh Không, chẳng đổi dời.

Không còn đường hướng, người cứu giúp
Đó là đại thương chủ thuyết pháp
Khéo giảng pháp hữu, vô, chân thật
Biết pháp xưa nay thường thanh tịnh.

Bi và lý tịch diệt tương ưng
Gọi là bậc Thầy của Bồ-tát
Tâm lưu chuyển trước sau nối tiếp
Hai tâm như vậy, không hòa hợp.

Rõ tánh của tâm là thay đổi
Là sự dũng mãnh của Bồ-tát
Thấu tánh các pháp vốn thanh tịnh
Như trăng đáy nước, như hư không.

Chẳng đắm nhiễm nơi các phiền não
Bồ-tát thanh tịnh thường khen ngợi
Nếu biết một pháp, đồng các pháp
Như huyễn, dợn nắng, không chấp thủ.

Hư vọng, vắng lặng, chẳng thường còn
Người ấy sẽ mau thành Chánh giác.

–––––o0o–––––

Trích “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tập 52”

Hán dịch: Đời Đường Sa Môn Tam Tạng Bất Không

Việt dịch; Linh Sơn Pháp Bảo

Nhà Xuất Bản Hồng Đức


Bình luận