KỸ NĂNG, NĂNG LỰC TỐT MANG LẠI NHIỀU CƠ HỘI VÀ VIỆC LÀM

KỸ NĂNG, NĂNG LỰC TỐT MANG LẠI NHIỀU CƠ HỘI VÀ VIỆC LÀM

KỸ NĂNG, NĂNG LỰC TỐT MANG LẠI NHIỀU CƠ HỘI VÀ VIỆC LÀM

Tác giả: Giáo sư John Vu

Trích: Kiến Tạo Thế Hệ Việt Nam Ưu Việt; Công Ty First News - Việt Trí xuất bản.

---o0o---

Bạn không cần học kinh tế bạn vẫn có thể hiểu luật cung cầu: Khi có nhu cầu cao về kỹ năng đặc biệt những nguồn cung cấp còn thiếu và còn yếu sẽ dẫn tới sự cách biệt về lương bổng và lợi tức giữa những người có kỹ năng và những người không có kỹ năng. Ngày nay ở khắp mọi ngành nghề trên thế giới, các nhà tuyển dụng đều có nhu cầu tìm kiếm những người có kỹ năng tốt trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học) nhưng do nguồn cung hạn chế, chất lượng sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thực sự của thị trường nên tỷ lệ người thất nghiệp mới không ngừng tăng lên trong khi các vị trí cần người càng lúc càng nhiều.

 

Đòi hỏi từ phía các nhà tuyển dụng cho thấy chỉ có kỹ năng chuyên môn thôi KHÔNG đủ. Để có thể thành công, bạn cần các kỹ năng mềm. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, các bạn cần có thêm nhiều kỹ năng mềm cần thiết mới có thể đảm bảo tìm được việc làm, duy trì và thích ứng với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu.

 

Hầu hết các dự án phần mềm thành công đều có hai yếu tố quan trọng: người quản lý dự án giỏi và nhóm có kỹ năng cao. Về cơ bản, cả hai yếu tố này đều liên quan đến vấn đề con người và kỹ năng của họ. Qua 40 năm làm việc trong ngành công nghiệp phần mềm, tôi chưa bao giờ gặp một dự án phần mềm thất bại vì vấn đề kỹ thuật nhưng tôi đã thấy nhiều dự án thất bại vì vướng tới “vấn đề con người”. Trong khi đó, hầu hết các trường chỉ tập trung dạy sinh viên kỹ thuật chuyên môn chứ chưa bao giờ chuẩn bị cho sinh viên kỹ năng để giải quyết các “vấn đề con người” trong cả môi trường công việc và cuộc sống riêng tư.

 

Ý nghĩ cho rằng người làm kỹ thuật chỉ làm việc với máy tính là hoàn toàn sai lầm. Nhiều sinh viên đã nghĩ chừng nào họ còn có thể viết được mã, họ vẫn có thể đáp ứng yêu cầu của công việc và làm việc tốt, đó là nhận thức sai lầm. Ngay khi sinh viên gia nhập vào thị trường lao động và được tuyển dụng, họ sẽ nhận ra một nửa thời gian làm việc của họ dùng để trao đổi với những người khác: tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng, thảo luận và thiết kế, phân bổ công việc, tranh luận để bảo vệ quan điểm chuyên môn... Cách mà mọi người tương tác trong một nhóm sẽ quyết định việc dự án thành công hay thất bại.

 

Mọi người đều muốn được đối xử một cách lịch sự và nhã nhặn. Nhưng không phải ai cũng hiểu, rằng nếu họ muốn được đối xử tốt thì bản thân họ cũng phải cư xử thật tốt với những người xung quanh. Chính điều này dẫn tới các mâu thuẩn trong quá trình làm việc. Khi không khí làm việc trở nên căng thẳng và không thuận lợi, các thành viên trong nhóm sẽ dễ phạm sai lầm nhiều hơn. Khi mọi người cảm thấy không thoải mái, họ đã nổi giận và khiến dự án trở nên đình trệ hoặc thất bại.

 

Người có kỹ năng chuyên môn cao có thể vượt qua các vấn đề kỹ thuật và làm cho dự án thành công nhưng họ KHÔNG vượt qua các vấn đề liên quan đến con người trong trường hợp dự án bị quản lý kém. Quản lý kém phá hủy mọi thứ. Nếu người quản lý dự án ước lượng thiếu thời gian, mọi người sẽ không có đủ thời gian để hoàn thành tốt công việc và ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Nếu người quản lý không biết cách quản lý nhân sự, nhóm dự án sẽ xảy ra xung đột nội bộ và dự án sẽ thất bại. Nếu người quản lý không đối xử với mọi người một cách công bằng, nhóm sẽ rơi vào trạng thái bất bình, các thành viên sẽ mâu thuẫn và tranh cãi với nhau thay vì tập trung vào công việc... Đây chính là lý do nếu nhà trường không dạy bạn thì bạn phải tìm cách để tự mình học thêm và trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết.

 

Có một cuốn sách nhan đề “Đắc Nhân Tâm” do Dale Carnegie viết, xuất bản năm 1936. Cuốn sách này đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và tôi thường khuyên các sinh viên nên đọc nó, không chỉ một lần mà nhiều lần. Tôi đã đọc cuốn sách này khi tôi là một học sinh trung học và vẫn còn đọc nó cho đến nay. Nếu bạn thể áp dụng phần lớn những điều cuốn sách này nhắc tới thì bạn đã có mọi “kỹ năng mềm” cần thiết cho sự thành công của bạn.

 

Có một số khóa học ngắn hạn về kỹ năng mềm ở khắp nơi. Trong trường hợp bạn không tin tưởng việc đọc sách có thể giúp bạn phát triển một kỹ năng cụ thể, bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học này. Bên cạnh các khóa học thu phí, sinh viên có thể tìm tới các khóa học miễn phí do các nhóm hoạt động phi lợi nhuận tổ chức. Tất cả những thông tin cần thiết đều có thể tìm thấy trên mạng.

 

Tất nhiên là không có lớp học nào mang tên “kỹ năng mềm” trong chương trình đại học bởi phần lớn các kỹ năng đó sẽ được tích hợp vào các bài giảng và các hoạt động học tập của sinh viên. Bạn có thể nhận thấy nhiều hoạt động liên quan đến “kỹ năng mềm” khi lên lớp. Chẳng hạn, một số lớp yêu cầu sinh viên tham gia thảo luận nhóm, làm bài tập lớn, chuẩn bị và thực hiện thuyết trình trước lớp... Đây đều là những hoạt động đòi hỏi các kỹ năng mềm.

 

Để có thể hoàn thành tốt những hoạt động này, sinh viên buộc phải tương tác và làm việc với nhau. Nhưng hầu hết các sinh viên thường không nhận thức được cơ hội rèn luyện “kỹ năng mềm” thông qua các hoạt động trên lớp nên không thích tham gia hoặc tham gia một cách miễn cưỡng, không tích cực. Nhiều người hiếm khi đặt câu hỏi hay bày tỏ quan điểm của bản thân mà thường thu mình trong im lặng. Làm như vậy, họ đã bỏ lỡ cơ hội phát triển các kỹ năng mềm cần thiết.

 

Có nhiều “kỹ năng mềm” như kỹ năng trao đổi, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng thương lượng, kỹ năng tư duy chiến lược, kỹ năng xây dựng nhóm, kỹ năng bán hàng... Sinh viên cần lưu ý, “kỹ năng mềm” không phải là cái gì đó bạn có thể học và thành thạo trong một khoảng thời gian ngắn mà cần sự tích lũy và phát triển liên tục suốt cuộc đời. Có vài “kỹ năng mềm” bạn có thể học ngay trong trường như: kỹ năng trao đổi, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,... Bên cạnh đó, cũng có những kỹ năng bạn chỉ có thể học được khi tham gia vào môi trường làm việc (thông qua các buổi thực tập) như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác với người khác kỹ năng đàm phán, kỹ năng nâng cao hiệu quả làm việc...

 

Dưới đây là một số kỹ năng, năng lực quan trọng cần thiết cho việc tạo dựng công việc và phát huy thế mạnh bản thân:

 

• Kỹ năng giao tiếp

- Nghe

- Nói

- Ngôn ngữ cơ thể

- Trình bày

 

• Kỹ năng làm việc nhóm

- Kỹ năng trao đổi trong công việc

- Kỹ năng giải quyết vấn đề

- Kỹ năng giải quyết xung đột

 

• Kỹ năng tiếng Anh

• Kỹ năng tư duy phản biện

• Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian

• Kỹ năng liên tục học tập và cập nhật kiến thức mới

• Kỹ năng đọc và thu thập thông tin

• Kiến thức công nghệ

CTV: Thủy Tiên


Bình luận