MỞ CÁNH CỬA RA

05:23, 22/05/2022 193
MỞ CÁNH CỬA RA

MỞ CÁNH CỬA RA

Tác giả: BARBARA OAKLEY, Ph.D.

Trích: A Mind For Number – Cách Chinh Phục Toán Và Khoa Học; Trần Thị Minh Hiếu, Nguyễn Thị Kim Phụng dịch; NXB Thế Giới, Alphabooks.

---o0o---

Xác suất bạn mở tủ lạnh và thấy một con zombie đang ngồi đan tất là bao nhiêu? Hẳn cũng bằng việc một cô bé đa cảm và yêu ngôn từ như tôi rốt cuộc lại trở thành một giáo sư kỹ thuật.

Hồi mới lớn, tôi cực kỳ ghét toán và khoa học. Tôi thi trượt nhiều khóa học toán và khoa học ở trường trung học, và chỉ bắt đầu học lượng giác – chính xác là học phụ đạo môn lượng giác - vào năm 26 tuổi.

Khi còn là một thiếu niên, ngay cả khái niệm đơn giản như giờ đồng hồ với tôi cũng khá là vô lý. Tại sao kim ngắn lại chỉ giờ? Lẽ ra phải là kim dài chứ, vì giờ quan trọng hơn phút mà? Đồng hồ đang chỉ 10 giờ 10? Hay 1 giờ 50? Lúc nào tôi cũng bối rối! Tệ hơn chuyện xem đồng hồ là chuyện xem ti vi. Ở cái thời chưa có điều khiển từ xa, tôi thậm chí còn chẳng biết đâu là nút để bật tivi. Vậy nên tôi chỉ xem ti vi khi có anh trai hay chị gái ở bên. Họ không chỉ biết cách bật ti vi mà còn có thể chỉnh tới kênh chiếu chương trình mà chúng tôi muốn xem. Thật tuyệt!

Và tôi chỉ có thể kết luận, khi nhìn vào khả năng kỹ thuật, cũng như điểm số toán và khoa học yếu kém của mình, là tôi không được thông minh cho lắm. Ít nhất là không thông minh theo hướng đó. Lúc ấy tôi đã không nhận ra, nhưng chính bức chân dung tự họa bản thân như một kẻ không có tài năng và kỹ thuật, khoa học và toán học đã vận vào cuộc đời tôi. Vấn đề của với môn toán chính là điểm gốc rễ. Bấy giờ tôi nghĩ những con số và các phương trình không khác những bệnh dịch chết người là bao - tức là cần phải tránh xa bằng mọi giá. Tôi không nhận ra rằng có những thủ thuật trí tuệ đơn giản khiến tôi tập trung hơn vào toán học, hữu ích không chỉ cho những người không giỏi toán, mà cho cả những người vốn đã khá môn này. Hồi đó, tôi chưa biết rằng kiểu suy nghĩ của tôi là điển hình ở những người tin rằng họ không thể nào học toán và khoa học. Giờ đây, tôi nhận ra vấn đề của mình bắt nguồn từ hai cách nhìn nhận thế giới hoàn toàn khác nhau. Vào thời điểm đó, tôi chỉ biết một cách – và kết quả là tôi trở thành con trâu trước tiếng đàn toán học.

Theo như người ta vẫn dạy trong các hệ thống trường học Mỹ, toán học có thể là một bà mẹ thánh thiện. Nó phát triển rất logic và tuyệt vời, đi từ phép cộng sang phép trừ, phép nhân và phép chia. Rồi cứ thế bay vút lên thiên đường của vẻ đẹp toán học. Nhưng toán cũng có thể là một mụ dì ghẻ độc ác. Mụ ta sẽ chẳng tha thứ nếu bạn lỡ bỏ qua bất kỳ bước nào trong chuỗi logic - và việc này lại rất khó tránh khỏi. Chỉ cần một cuộc sống gia đình biến động, một giáo viên không-còn-nhiệt-tình, hoặc một trận ốm kéo dài – khoảng một hoặc hai tuần ở ngay thời điểm quan trọng cũng có thể loại bạn khỏi cuộc chơi. Hoặc, như trường hợp của tôi, chỉ đơn giản là không có hứng thú hay biểu hiện tài năng nào cả!

Năm lớp bảy, tai họa xảy đến với gia đình tôi. Bố tôi mất việc sau một chấn thương lưng nghiêm trọng. Vậy là anh chị em tôi phải chuyển đến một trường công lập tồi tàn, nơi giáo viên toán bản gắt hay bắt chúng tôi ngồi hàng giờ trong tiết trời nóng nực học vẹt mấy bài toán cộng và nhân. Càng vô ích khi Ông-Thầy-Cáu-Kỉnh không chịu giải thích chút nào. Ông ta hẳn phải thích thú lắm khi thấy chúng tôi mò mẫm như vậy.

Ở thời điểm đó, không chỉ thấy toán học không có bất kỳ ứng dụng nào mà tôi còn ghét toán ra mặt. Các môn khoa học cũng chẳng khá hơn. Trong thí nghiệm hóa học đầu tiên của tôi, giáo viên đã chọn cho nhóm chúng tôi một hóa chất khác với các nhóm còn lại. Rồi ông buông lời chế nhạo khi chúng tôi loay hoay lấp liếm dữ liệu để có được kết quả giống mọi người. Khi hai vị phụ huynh đầy thiện chí thấy bảng điểm yếu kém của tôi, họ hối thúc tôi nhờ giáo viên phụ đạo trong giờ, nhưng có vẻ tôi đã biết việc này là vô ích. Đằng nào thì, toán với khoa học đều vô dụng cả. Nhưng vị thần Môn học Bắt buộc đã quyết tâm tọng mớ kiến thức toán và khoa học vào họng tôi bằng được. Và, cách tôi chiến thắng họ là từ chối tiếp thu bất cứ điều gì được dạy, và kiên quyết thi rớt mọi bài kiểm tra. Không gì đánh bại được chiến thuật này của tôi!

Dù vậy, tôi cũng có những sở thích khác. Tôi thích lịch sử, nghiên cứu xã hội, văn hóa, và đặc biệt là ngôn ngữ. May thay, những môn học này đã giúp vớt vát điểm số của tôi.

Ngay khi tốt nghiệp trung học, tôi ghi danh nhập ngũ vì ở đó người ta trả tiền để ta học một ngôn ngữ khác. Tôi học tiếng Nga rất giỏi (là một ngôn ngữ tôi chọn bừa) nên giành được học bổng của Chương trình Huấn luyện Sĩ quan Dự bị. Rồi tôi đến Đại học Washington để học cử nhân ngôn ngữ và văn chương vùng Slav, và tốt nghiệp xuất sắc. Tôi nói tiếng Nga như cháo cháy - ngữ điệu hay đến nỗi đôi khi người ta nhầm tôi với người bản xứ. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để đạt đến trình độ này - cứ có gì tôi càng giỏi thì lại càng thích làm. Và khi càng thích những gì mình làm thì tôi lại càng dành nhiều thời gian cho chúng. Thành công củng cố mong muốn thực hành; ngược lại, thực hành thường xuyên giúp tôi thành công hơn.

Tuy nhiên, trong một diễn biến không tưởng nhất, tôi lại bị bổ nhiệm làm thiếu úy Quân đoàn Thông tin Hoa Kỳ. Đột nhiên họ trông đợi tôi sẽ trở thành một chuyên gia về vô tuyến, cáp và các hệ thống chuyển mạch điện thoại. Thật là một bước ngoặt! Tôi, từ trên đỉnh thế giới, một chuyên gia ngôn ngữ, kẻ kiểm soát được vận mệnh của mình, đã bị ném vào một thế giới công nghệ mới, nơi mà tôi “đơ như khúc gỗ”.

Khỉ thật!

Tôi bị buộc ghi danh vào khóa toán học định hướng điện tử (“đội sổ” cho xong), rồi lật đật sang Tây Đức, và trở thành trung đội trưởng đáng thương của đội thông tin liên lạc. Tôi nhận thấy quân đội đang cần những sĩ quan và binh sĩ có khả năng thực về công nghệ. Họ là những người giải quyết vấn đề giỏi nhất, và những gì họ làm đều giúp mọi người hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi bắt đầu nhìn lại sự nghiệp và nhận ra mình đã theo đuổi những đam mê nội tại mà chẳng chịu mở lòng để phát triển những cái mới. Hậu quả là tôi đã vô tình tự giới hạn bản thân. Nếu tiếp tục ở lại trong quân đội, khả năng kỹ thuật nghèo nàn sẽ kìm tôi ở mãi vị trí “công dân hạng hai”.

Mặt khác, nếu rời quân ngũ, liệu tôi có thể làm gì với tấm bằng ngôn ngữ và văn chương Slav? Chẳng có mấy việc làm cho các chuyên gia tiếng Nga. Về cơ bản, tôi sẽ phải cạnh tranh để giành các công việc kiểu thư ký cấp thấp với hàng triệu cử nhân khác. Một người theo chủ nghĩa thuần túy có thể lập luận rằng nếu như đã xuất sắc trong cả việc học lẫn quân đội rồi thì tôi hoàn toàn có thể tìm được cơ hội việc làm tốt hơn, nhưng anh ta có lẽ không biết rằng thị trường việc làm đôi khi lại vô cùng khốc liệt.

May thay, đã có thêm một lựa chọn khác thường cho tôi. Một trong những lợi ích tuyệt vời của việc phục vụ trong quân ngũ là tôi có tiền trợ cấp theo Đạo luật GI để trang trải các chi phí học tập trong tương lai. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi sử dụng khoản tiền ấy để làm điều không tưởng và cố gắng tự đào tạo lại mình? Liệu tôi có thể lập trình lại bộ não của mình, từ kẻ sợ toán thành người yêu toán? Từ kẻ ghét công nghệ thành cuồng công nghệ?

Tôi chưa từng nghe có ai làm điều tương tự như vậy trước đây, và chắc chắn nó không đến từ hố sâu sợ hãi mà tôi đang đắm chìm. Rõ ràng việc thành thục toán và khoa học quá đỗi xa lạ với tính cách như của tôi. Nhưng, các đồng nghiệp trong quân đội đã cho tôi thấy những lợi ích rõ ràng của việc đó.

Nó trở thành một thách thức không thể cưỡng lại.

Tôi đã quyết định đào tạo lại bộ não của mình.

(Còn tiếp)

CTV: Cao Nhiên


Bình luận