JOHN F. KENNEDY

05:10, 23/05/2022 252
JOHN F. KENNEDY

JOHN F. KENNEDY

Tác giả: VIRENDER KAPOOR

Trích: PQ Chỉ Số Đam Mê – Sức Mạnh Quyền Năng Nhất Tạo Nên Thành Công; Mai Hương dịch; NXB Công Thương, Thaihabooks.
---o0o---

 

Nỗ lực và lòng can đảm là không đủ nếu thiếu mục đích và định hướng.

- John F. Kennedy

John F. Kennedy (JFK) đã tạo nên sức ảnh hưởng to lớn đối với nền chính trị và cuộc sống của người dân Hoa Kỳ. Ông đã có ảnh hưởng tích cực đến nhiều chính trị gia nổi tiếng như Richard Nixon, Lyndon Johnson, Jimmy Carter, thậm chí cả Ronald Reagan trong suốt nhiệm kỳ tổng thống cũng đã thực hiện nhiều công việc theo cách của Kennedy. Ở mức độ nào đó, ông cũng đã ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho Bill Clinton.

John F. Kennedy bị một kẻ giấu mặt bắn lén và qua đời vào ngày 22 tháng 11 năm 1963. Theo cuộc bình chọn của đài ABC ông là vị tổng thống vĩ đại thứ hai của mọi thời đại. Theo kết quả cuộc thăm dò quần chúng do Viện Gallup Hoa Kỳ tổ chức, trong suốt thời gian làm tổng thống, ông được 70% dân chúng tín nhiệm. Ông đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn bằng cách khuyến khích người dưới quyền cũng như nhân dân nỗ lực hết mình. Kennedy đã thành công đáng kể khi truyền tầm nhìn và đam mê của chính ông cho người dân Hoa Kỳ. Người ta thường nói rằng khủng hoảng tạo ra lãnh đạo, tuy nhiên có nhiều nhà lãnh đạo không thể nào đứng vững trước các cuộc khủng hoảng. Khi John F. Kennedy tuyên thệ làm Tổng thống vào thập niên 1960, cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ đang ở vào thời kỳ đỉnh điểm. Lúc đó nước Mỹ đã mất đi thế độc quyền về năng lượng hạt nhân – người Nga đã chế tạo được bom khinh khí vào năm 1953. Đối thủ hàng đầu và khó lường nhất của Kennedy là Nikita Khrushchev, người đứng đầu Liên bang Xô Viết. Dưới sự lãnh đạo của ông, người Nga đã khiến cả thế giới sửng sốt khi phóng thành công tàu vũ trụ Sputnik. Tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ vào thời Kennedy lên làm Tổng thống là 7% và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm chưa tới 3%, trong khi người khổng lồ Xô Viết đạt được mức tăng trưởng 10%. Đế chế Anh và Pháp đã mất chỗ đứng, thời kỳ thống trị của các nước này đã lùi vào quá vãng khi mà hơn 20 nước thuộc địa giành được độc lập. Người cộng sản toàn tâm toàn ý Fidel Castro lên nắm quyền ở Cuba. Nước Mỹ lúc này đang mò mẫm tìm lối đi. Đây là thời kỳ khó khăn đối với người Mỹ, và Kennedy phải đứng mũi chịu sào.

Mọi thứ sẽ không thể hoàn thiện trong vòng một trăm ngày đầu tiên, cũng không thể hoàn thiện trong một ngàn ngày đầu tiên hay trong quá trình tồn tại của chính quyền này, thậm chí có thể trong suốt cuộc đời chúng ta trên hành tinh này. Nhưng chúng ta hãy cứ bắt đầu.

- John F. Kennedy

Với tư cách là nhà lãnh đạo, ông đã vạch ra đường hướng cho người Mỹ và cả thế giới trong thời kỳ khó khăn – một đường hướng mà mọi người Mỹ sẽ luôn tự hào. Kennedy có một tầm nhìn rõ ràng, nhờ đó ông có thể truyền đạt cho người dân theo cách dễ hiểu nhất. Ông đã phác thảo bức tranh đại cục quá hoàn hảo đến độ người dân cả nước đều đoàn kết ủng hộ ông. Đây chính là vai trò quan trọng nhất của người lãnh đạo. John F. Kennedy tin tưởng rằng lúc bấy giờ, người Mỹ phải coi chừng Xô Viết. Hai thập kỷ trước nước Anh và toàn thể châu Âu đã vô cùng hoảng hốt trước sức mạnh của người Đức. Ông không muốn lịch sử lặp lại. Nếu nước Mỹ muốn tránh tình cảnh thảm khốc từng xảy đến với Anh vào năm 1940, các chính trị gia người Mỹ phải ý thức về trách nhiệm của chính mình. Ông viết: “Ai ai cũng sẽ phải tỉnh giấc khi ngôi nhà bén lửa. Những gì chúng ta cần là chuẩn bị người canh giữ và báo động ngay khi ngọn lửa vừa nhen, nhưng có một cách tốt hơn là đừng để ngọn lửa đó có cơ hội cháy lên.”

Tầm nhìn của ông hứa hẹn: “Hòa bình – cho người Mỹ và cho cả thế giới.” Trên thực tế ông đã trở thành người bảo vệ đứng canh cho cả đất nước. Vào ngày 5 tháng 11 năm 1960, John F. Kennedy phát biểu rằng: “Bản thân tôi biết được điều gì sẽ xảy đến đối với một đất nước “say ngủ” quá lâu. Tôi đã chứng kiến nước Anh tự lừa mị bản thân họ trước Thế chiến thứ hai trong khi Winston Churchill cố sức đánh thức họ nhưng vô vọng; và trong khi nước Anh ngủ say, Hitler đã chiêu quân. Nếu trong thập niên 60 này chúng ta cũng ngủ quá lâu thì Khrushchev cũng sẽ “chôn sống” tất cả chúng ta. Đó là lý do mà bất cứ vị tổng thống nào tiếp theo cũng phải là một vị tổng tư lệnh của khối liên minh vĩ đại vì tự do.”

Công việc của người lãnh đạo là chỉ ra cho nhân dân biết được họ đang ở đâu và họ cần tiến đến đâu. Kennedy đã thực hiện công việc này một cách xuất sắc. Với một đất nước, mà bất cứ hành động nào của bạn cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, việc tham khảo ý kiến người khác là một ý hay và Kennedy đã thường xuyên thực hiện điều này. Ông hiểu rõ rằng khi cục diện trở nên quá rộng lớn, không thể có chuyện làm theo mệnh lệnh của một người. Nhưng nhờ lối diễn đạt sáng rõ, tầm nhìn của ông trở nên đơn giản, dễ hiểu và dễ ghi nhớ. Bài diễn văn của Kennedy trong buổi lễ nhậm chức đã đặt một dấu mốc lịch sử quan trọng, bài diễn văn mở đầu như sau: “Từ lúc này và từ nơi đây, hãy để những lời này truyền đi, đến với bè bạn cũng như kẻ thù, rằng ngọn đuốc đã được truyền tay cho một thế hệ người Mỹ mới, những người sinh ra trong thế kỷ này, được chiến tranh tôi luyện, được nền hòa bình khổ công giành được tạo tính kỷ luật, tự hào về những truyền thống của tiên tổ, không muốn chứng kiến hoặc chấp nhận để những quyền con người mà đất nước đã thừa nhận bị hủy hoại dần dần, những quyền mà ngay hôm nay chúng tội tuyên thệ ở quê nhà cũng như trên toàn thế giới…”

Lời kết của bài diễn văn cũng không kém phần âm vang và là lời kêu gọi xả thân vì đất nước cũng như vì nhân loại: “Và vì thế, những người bạn của tôi trên đất Mỹ: Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc. Những người bạn của tôi trên toàn thế giới: Đừng hỏi nước Mỹ có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi chúng ta có thể làm gì cho nền tự do của loài người.”

Bài diễn văn này đã làm lay động tận sâu thẳm trái tim mọi người, và những lời cuối là những lời đáng nhớ nhất. Đây chính là cách Kennedy truyền tầm nhìn cho người Mỹ. Người thành thật và đam mê cũng chính là người có thể phá vỡ quy tắc. Nhà lãnh đạo để lại ấn tượng cho mọi người là có khả năng đặt câu hỏi về các quy tắc sẵn có và thường tạo nên những biến cải đáng kể. Trong suốt cuộc Thế chiến thứ nhất, Winston Churchill – với vai trò bộ trưởng bộ hải quân đã ban lệnh rằng mọi tàu thuyền trong Hải quân Anh phải sử dụng dầu hỏa thay vì than đá – dù rằng nước Anh giàu than đá và nghèo dầu mỏ! Họ đã dũng cảm xới tung mọi thứ và sắp xếp lại theo hướng đúng đắn.

Thời điểm để sửa chữa mái nhà là khi mặt trời rọi xuống.

- John F. Kennedy

Câu thần chú thành công của Kennedy chính là hãy tạo nên sự thay đổi lớn lao. Những điểm sau rất đáng được lưu tâm:

• Hãy dũng cảm

• Đứng vững trên đôi chân của mình

• Có sẵn tâm thế ứng xử linh hoạt - bạn có thể xem xét và đánh giá góc nhìn của mình.

John F. Kennedy cũng bộc lộ tính cách kiên cường đáng nể. Ông coi mỗi thử thách là một cơ hội, luôn kiên tâm bám đuổi thử thách và tìm lối thoát khi có sự cố.

Vai trò đại úy hải quân phụ trách con tàu của Hải quân Hoa Kỳ trong suốt Thế chiến thứ hai là một trải nghiệm lớn lao giúp ông tôi luyện nghị lực và tính kiên cường. Chiếc tàu có số hiệu PT – 109 của ông bị tàu khu trục của quân Nhật va vào và ông phải dầm mình trong nước suốt nhiều ngày liền, điều này khiến cho căn bệnh ở lưng của ông trầm trọng hơn. Cuối cùng, ông và toàn bộ binh lính phải bơi hàng dặm liền đến hòn đảo gần đó để giữ lấy tính mạng. Bất chấp tình trạng sức khỏe lúc bấy giờ, Kennedy phải làm việc nhiều giờ liền, lúc nào cũng trong tình trạng “trực chiến”. Kennedy từng phải vật lộn với những trận đau lưng, trong thời kỳ đương nhiệm Tổng thống Hoa Kỳ, ông thường xuyên phải cầu cứu đến sự trợ giúp của thuốc giảm đau, nhập viện nhiều lần, thỉnh thoảng phải dùng mạng khi đi lại trong Nhà Trắng.

Một thanh niên nếu không có được những phẩm chất của người lính thì khó mà kiếm sống được.

- John F. Kennedy

“Sức thu hút của lãnh tụ” (Charisma) là từ có gốc Hy Lạp, xuất phát từ “uy tín” hay là một khả năng “thiên bẩm”. Người ta có thể cảm nhận được sức hút này ngay khi một đứa trẻ chào đời. Hoặc là bạn sở hữu nó, hoặc là không. Trong chừng mực nào đó, điều này hoàn toàn đúng đắn. Kennedy là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Trên thực tế, ông từ một chàng thanh niên hay ngượng ngùng, bối rối

đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo có sức thu hút nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông đã cho mọi người thầy nâng cao sức thu hút của một lãnh tụ hoàn toàn có thể được.

Chẳng hạn ông thường xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình với vẻ giản dị và thư thái, nhưng luôn dành thời gian nhẩm đi nhẩm lại các câu trả lời, đặt giả định về các câu hỏi “xoáy” và những trường hợp tương tự. Để lãnh đạo hiệu quả, phong cách của bạn không thể tách rời tính thực tế. Nếu chỉ có phong cách thôi thì không đủ - đầu óc thực tế cũng là một yếu tố cần thiết. Có lẽ ông học được điều này từ Adoft Hitler, người độc hành như một chiến binh trong cuộc Thế chiến thứ nhất và sau này trở thành nhân vật có sức lôi cuốn quần chúng trong lịch sử hiện đại, Hitler tập luyện, nhẩm đi nhẩm lại và tận dụng ngôn ngữ cơ thể, chất giọng lên bổng xuống trầm để thu hút người nghe. Ông đã nỗ lực tận độ cho mọi hoạt động.

John F. Kennedy học được rằng muốn gây ảnh hưởng đến người khác thì bạn phải xây dựng một hình ảnh, bạn phải chân thành đam mê điều đang theo đuổi và quan trọng là phải làm cho người nghe hiểu được bức thông điệp và bị thuyết phục. Ông đã làm chủ được nghệ thuật giao tiếp. Quan điểm của ông là trước hết, bạn phải tin tưởng vào bức thông điệp hay tầm nhìn của bản thân bạn. Thứ ông quan tâm trên hết chính là tầm nhìn của ông - đó là làm cho thế giới trở nên an toàn – và ông hoàn toàn tin tưởng điều này. Điều thứ hai người ta học được ở ông chính là khi nói cần nhắm vào người nghe chứ không nên thao thao bất tuyệt. Điều này có nghĩa bạn phải thẳng thắn và cất lời từ con tim. Để bộc lộ niềm đam mê và sự chân thành, đôi lúc Kennedy làm mẫu. Bản thân John F. Kennedy là người rất bộc trực. Tôi cảm thấy những người chân thành, tự tin và đam mê công việc đều cố gắng để giữ vững tính chính trực. Nuôi dưỡng tính chính trực chính là một phần không thể thiếu của nghệ thuật lãnh đạo.

Ông tìm hiểu cách quản lý các phương tiện truyền thông và trên thực tế đã biến nó thành một lợi thế – điều ít người làm được. Ông luôn bộc lộ sự nhiệt tình, xuất hiện đầy hứng khởi (bất chấp căn bệnh đau lưng tồi tệ) với một dáng hình gầy nhưng chắc khỏe. Lòng nhiệt tình của ông truyền cảm hứng nếu như không muốn nói là lây lan cho mọi người. Nói ngắn gọn, ông chính là mẫu hình hoàn hảo cho một nhà quản lý có trách nhiệm và giàu đam mê, một người truyền được niềm đam mê và tầm nhìn của bản thân cho người dưới quyền cũng như toàn thể nhân dân.

Bạn sẽ không bao giờ biết được thứ gì sẽ đánh gục bạn. Một phát đạn có lẽ là cách hoàn hảo nhất.

- John F. Kennedy

Thật không may khi lời này ông vào số phận của ông. John F. Kennedy chết do bị bắn.

CTV: Công Hiếu


Bình luận