CHUYẾN ĐI NƯỚC NGOÀI ĐẦU TIÊN

21:30, 08/12/2022 201
CHUYẾN ĐI NƯỚC NGOÀI ĐẦU TIÊN

CHUYẾN ĐI NƯỚC NGOÀI ĐẦU TIÊN

Biên soạn: Rasmus Hoài Nam

Trích: Kể Chuyện Cuộc Đời Các Thiên Tài; “ANDERSEN”; NXB Thanh Niên.

---o0o---

Chiếc thuyền chạy bằng động cơ hơi nước đưa Andersen tới thành phố Lubeck, nước Đức. Từ đó, anh đi xe ngựa đến Hamburg. Trong mắt Andersen, đất nước này thật xinh đẹp, anh muốn được đi khắp mọi nơi, tới những thành phố, những vùng đất mà anh từng nghe tên khi còn bé. Rời Hamburg, anh đến thẳng Goslar và Leipzig. Trên đường anh say mê ngắm nhìn phong cảnh đẹp mê hồn của nước Đức.

Tại Dresden, nhờ có lá thư giới thiệu của Ingemann, anh có cơ hội làm quen với Johann Ludwig Tieck. Ông là nhà thơ, nhà văn, dịch giả và nhà phê bình người Đức, đồng thời là một trong những người sáng lập của phong trào Lãng mạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Tieck hồ hỏi hỏi anh về những người bạn của ông ở Copenhagen. Lúc tiễn anh ra về, Tieck nắm chặt tay Andersen, rồi chúc anh đi đường may mắn. Ông còn ân cần dặn dò:

- Khi quay về đất nước Đan Mạch xa xôi, đừng quên tôi, cậu Andersen nhé! Hãy bước tiếp con đường mình đã chọn một cách kiên cường và luôn hứng khởi. Nếu có bị giới phê bình chê bai thì cậu cũng đừng bao giờ nản lòng. Và nhờ cậu chuyển lời chào của tôi đến ông Ingemann cùng nhiều người bạn Đan Mạch khác. Tôi mong cậu sẽ quay lại nước Đức vào một dịp nào đó. Chúc cậu luôn mạnh khoẻ và luôn được các nàng thơ ban cho nhiều cảm hứng sáng tác!

Tạm biệt ông Tieck, Andersen tìm tới địa chỉ của nhà thơ Adelbert von Chamisso. Trước chuyến đi, giáo sư Ørsted đã viết một lá thư giới thiệu Andersen với nhà thơ này.

Tuy nhiên, Andersen tới nơi thì mới biết ông Chamisso vừa chuyển đến Berlin mấy hôm trước vì căn nhà của ông xảy ra hoả hoạn. Dù vậy, anh vẫn quyết tâm phải gặp được nhà thơ. Anh cố gắng hỏi hàng xóm xung quanh và may mắn hỏi đúng người biết nơi ở mới của ông tại Berlin. Ngay lập tức, Andersen lên đường tới địa chỉ đó.

Cuối cùng, sau nhiều khó khăn, anh đã tìm thấy và gặp được nhà thơ Chamisso. Ông tiếp đón anh rất nhiệt tình. Nói chuyện với ông, Andersen rất ngạc nhiên khi biết tiểu sử khác thường của nhà thơ.

Nhà thơ Adelbert von Chamisso không phải người Đức, ông vốn là một bá tước người Pháp. Vì nhiều lí do, ông sang Đức sinh sống và kết hôn với một cô gái người Đức xuất thân từ một gia đình thường dân. Họ có với nhau bảy đứa con, tuổi xấp xỉ chỉ cách nhau vài ba năm.

Bọn trẻ lễ phép ra chào Andersen, anh thân mật nắm tay, chào đáp lại rất vui vẻ, khiến cho mấy đứa bé thấy anh thật gần gũi. Điều này hầu như không xảy ra với những người khách khác. Chúng quấn quýt bên Andersen, anh bế đứa bé nhất vào lòng và tỉ tê nói chuyện như một người bạn thân. Thấy cảnh đó, nhà thơ Adelbert von Chamisso xúc động lắm. Ông trải lòng với anh:

- Cậu Andersen này, bọn trẻ là niềm vui, là niềm hi vọng của cuộc đời tôi. Rất may là những ngày bom đạn đã qua rồi và ơn Chúa, mấy đứa con tôi được sống trong bình yên cả. Bây giờ, bọn trẻ phải được học hành tử tế, để sau này có một công việc tốt. Tôi đã mất bao nhiêu năm lăn lộn thời tuổi trẻ nên hiểu rất sâu sắc điều đó, cậu Andersen a. Tôi cũng may mắn được gặp gỡ và làm bạn với ông Ørsted, tôi rất thán phục và ngưỡng mộ ông ấy. Tôi có đọc truyện ngắn đầu tay của cậu, tôi nhận thấy ông Ørsted đã nói rất chính xác trong bức thư viết về cậu: “Hans Christian Andersen là một con người rất yêu đời, yêu thiên nhiên và là một người rất giản dị, ngay thẳng.” Vì vậy, tôi thực sự vui mừng khi được đón tiếp cậu dưới mái nhà tôi.

Ông Chamisso nói tiếng Đức rất tốt, nhưng giọng nói thỉnh thoảng vẫn hơi lơ lớ, chứng tỏ ông là một người Pháp chính gốc.

Hai người chuyện trò say sưa hàng tiếng đồng hồ về nhiều chủ đề. Đôi lúc, câu chuyện của họ bị ngắt quãng khi bọn trẻ đòi Andersen phân xử tranh cãi nho nhỏ giữa mấy đứa trẻ hoặc đòi anh kể một câu chuyện cổ tích mà chúng rất thích nghe.

Cả chủ và khách đang chuyện trò rôm rả thì vợ nhà thơ mời mọi người ngồi vào bàn ăn bữa tối. Bữa ăn rất vui vẻ, tiếng cười, tiếng nói vang lên không ngớt, bọn trẻ còn tranh nhau lấy thêm thức ăn cho Andersen. Nhìn cảnh đó, bà Chamisso lặng lẽ chống tay nhìn ngắm các con và người khách trẻ.

Sau đó, ông Chamisso mời Andersen vào phòng làm việc. Nhà thơ vui vẻ nói:

- Mời cậu vào đây. Ở trong này, hai chúng ta sẽ tha hồ bàn về thơ văn và sẽ không bị ai quấy rầy nữa. Tôi đã quy định bọn trẻ dứt khoát không được phép vào phòng làm việc của bố!

Nhà thơ dừng lời, với tay lấy trên giá xuống một tập giấy, rồi nói tiếp bằng một giọng tâm tình:

Cậu Andersen ạ! Tôi thích lối thơ giản dị, dễ hiểu, gần với dân ca. Chính vì thế, tôi dịch một số bài thơ tiếng Đức sang tiếng Đan Mạch và ngược lại mà không mấy khó khăn. Tôi từng ở Copenhagen một thời gian khá lâu nên tôi biết tiếng Đan Mạch khá tốt. Tôi sẽ đọc cho cậu nghe một bài thơ tôi mới dịch sang tiếng Đức. Sau đó, cậu kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời bài thơ nhé!

Ông Chamisso giờ mấy tờ giấy đang cầm trên tay, rồi rút ra một tờ:

- Đây, bài thơ đó đây rồi!

Ông cất giọng lên bổng xuống trầm lúc ngâm bài thơ. Khi nghe xong, Andersen thấy thật ngạc nhiên vì đây là một bài thơ anh đã viết từ khá lâu. Không ngờ, ông Chamisso đã dịch sang tiếng Đức rất hay.

Andersen rất cảm động, anh bồi hồi kể:

- Thông qua bài thơ này, cháu muốn kể lại một sự kiện có thật ở đất nước cháu. Khi cháu ba tuổi, quân Pháp theo lệnh của Napoleon kéo đến Đan Mạch. Trong đội quân đó có cả những người lính Tây Ban Nha. Khi biết tin ở nước họ đã nổ ra cuộc chiến tranh du kích chống lại quân Pháp xâm lược, những người lính Tây Ban Nha đồng loạt phản chiến. Họ đòi được trở về quê hương mình để tham gia cuộc chiến tranh du kích. Lập tức, chỉ huy Pháp đã đàn áp họ vô cùng dã man. Nhiều người bị xử bắn ngay sau khi bị tuyên án. Chính mắt cháu đã nhìn thấy một người lính bị bắn gục. Cảnh tượng này khiến cháu vô cùng xúc động. Đồng thời, nó cũng in sâu trong tâm trí cháu, khiến đến tận bây giờ, cháu vẫn không thể nào quên.

Ông Chamisso liền hỏi:

Như vậy nghĩa là các bài thơ của cậu bao giờ cũng dựa trên một sự kiện có thật à? Đó mới là điều quan trọng nhất. Khi đọc bài thơ này, chính tôi cũng nghĩ rằng tác giả đã dùng ngôn ngữ của thơ ca để kể lại một câu chuyện có thật mà chính anh ta từng chứng kiến.

Andersen khiêm tốn đáp lại:

- Thưa ngài Chamisso, chính ngài đã làm cho một bài thơ bình thường của cháu trở nên hay hơn nhiều. Hơn nữa, nhờ có ngài, bài thơ ấy không còn bó hẹp ở phạm vi Đan Mạch nữa, mà được nhiều người Đức biết tới.

Nhà thơ Chamisso gạt đi:

Không, không! Tôi không có tài đến mức như cậu nói đâu, cậu Andersen a. Trước đây, tôi cũng làm những bài thơ nói về một vấn đề, một sự kiện. Nhưng muốn viết được một bài thơ như thế phải có những cảm xúc mạnh mẽ. Tôi được người Đức kính trọng bởi họ coi tôi là một nhà thơ lớn. Nhưng tôi biết mình chưa thật xứng đáng được như vậy vì tôi tự thấy mình vẫn còn kém cỏi, thiếu nhạy bén. Nhưng dù sao, bây giờ, tôi đang được sống với những gì mà tôi trân trọng và yêu quý. Tôi nghĩ rằng rồi đến một ngày, cậu cũng sẽ chán cái cảnh nay đây mai đó, phiêu bạt không một nơi cố định. Lúc đấy, cậu chỉ muốn quay về quê nhà, sống một cuộc sống yên bình mà thôi. Rồi nhà thơ nói tiếp :

- Bản thân tôi còn là một nhà thực vật học nên tôi còn chuyên tâm nghiên cứu về thiên nhiên. Những khi tôi cần trao đổi về một chủ đề nào đó, tôi sẽ gặp mấy người bạn già. Ít nữa, tôi sẽ giới thiệu cậu với họ, điều này sẽ rất có lợi cho cậu đấy!

Những ngày sau, Andersen đến thăm và làm quen với nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Mọi việc của anh ở Berlin đều thuận lợi nhờ được nhà thơ Chamisso tận tình quan tâm, giúp đỡ. Về sau, nhà thơ trở thành người bạn gắn bó với Andersen suốt cuộc đời.

Sau đó, Andersen lên tàu quay về Đan Mạch.

Về đến Copenhagen, anh liền hào hứng viết lại những gì xảy ra trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình và đặt tên cuốn sách là: “Shadow Pictures: From a Journey to the Harz Mountains, Saxon Switzerland, etc. etc. in the Summer of 1831” (tạm dịch: “Những bức tranh bóng tối: Từ chuyến du hành đến dãy núi Harz, công viên quốc gia Saxon Switzerland ... vào mùa hè 1831”).

CTV: Đăng Khoa


Bình luận