MẸ TERESA

MẸ TERESA

MẸ TERESA

Tác giả: VIRENDER KAPOOR

Trích: PQ Chỉ Số Đam Mê; Mai Hương dịch; NXB Công Thương.

---o0o---

Một trong những căn bệnh thống khổ nhất là khi bạn chẳng là ai trong mắt mọi người.

- Mẹ Teresa

Toàn bộ bí mật của nghệ thuật lãnh đạo nằm ở chỗ khơi gợi và thúc đẩy mọi người cùng làm việc vì một mục tiêu định trước - mục tiêu hay tầm nhìn mà bản thân nhà lãnh đạo đã nắm bắt được. Nếu John F. Kennedy được người Mỹ và nhân dân thế giới ủng hộ nhờ vào sức thu hút và niềm tin tưởng của một lãnh tụ thì Mẹ Teresa với sự tận tụy và những cống hiến không mệt mỏi đã thôi thúc rất nhiều người chung tay vì nhân loại, điều mà không mấy ai để tâm đến. Bà chính là thí dụ hoàn hảo nhất cho nghệ thuật lãnh đạo tận tụy – một phong cách không hề khoa trương hay đao to búa lớn. Đó là kiểu lãnh đạo bằng cách làm gương cho mọi người, lãnh đạo bằng niềm đam mê và tận tâm cống hiến để giúp đỡ những người nghèo nhất trong số người nghèo.

Nếu bạn không thể giúp đỡ được một trăm người cùng một lúc thì trước hết hãy lo cho một người đã.

- Mẹ Teresa

Sinh ra ở Macedonia vào năm 1910, Mẹ Teresa đã rời bỏ quê hương, tham gia vào Hội Ái hữu Loreto, một cộng đồng nữ tu Ai-len hoạt động ở Ấn Độ. Bà dạy học tại trường cấp ba St. Mary ở Kolkata trong hơn 15 năm nhưng những trận đói và nỗi khổ sở của người dân mà bà bắt gặp bên ngoài bức tường của nhà tu kín đã khiến bà xúc động sâu sắc đến độ bà xin rời khỏi nhà tu kín và cống hiến cả cuộc đời mình để giúp đỡ những người sống ở đáy nghèo khổ ở Kolkata. Không có một đồng kinh phí tài trợ, bà tự mở trường cho trẻ em ở khu ổ chuột. Các tình nguyện viên khắp nơi nhanh chóng chung sức với bà, họ bắt đầu nhận được trợ giúp tài chính từ một vài người. Bà thành lập Quỹ thiện nguyện vào năm 1950 với sứ mệnh hàng đầu là yêu thương và săn sóc những người neo đơn, không nơi nương tựa. Đến năm 1990 tổ chức này đã có hơn một triệu cộng tác viên tại hơn 40 quốc gia.

Theo lời của Mẹ Teresa, sứ mệnh của bà là: “chăm sóc người đói rách, vô gia cư, người tàn tật, người mù, người bị xã hội xa lánh, chối bỏ.” Khởi đầu với 12 thành viên ở Kolkata, ngày nay tổ chức của bà đã có hơn 4000 nữ tu sĩ điều hành các trại trẻ mồ côi, nhà tế bần cho người mắc AIDS và các trung tâm từ thiện trên toàn thế giới, chăm sóc cho những người tị nạn, liệt, mù, nghiện rượu, những người vô gia cư do thiên tai như lũ lụt, bệnh dịch và nạn đói ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh, Ba Lan, Úc và Bắc Mỹ. Bà đã xây một mái nhà chung cho những người tuyệt vọng. Tính đến năm 1996, tổ chức của bà đã thực hiện được hơn 517 đợt trợ giúp ở hơn 100 quốc gia. Một ngày sau khi Mẹ Teresa qua đời, Giáo hoàng John Paul II đã phát biểu:

Người truyền giáo từ thiện: Đây chính là cụm từ dùng để gọi tên Mẹ Teresa và trên thực tế, chẳng có gì phải bàn cãi khi THới bà là nhà truyền giáo vĩ đại nhất thế kỷ 20. Chúa đã tạo ra người phụ nữ giản dị này, người sinh ra ở một trong những đất nước nghèo nhất châu Âu và được lựa chọn để truyền phúc âm đen toàn thế giới, không phải bằng lời lẽ phô trương sáo rỗng mà bằng biểu hiện yêu thương mỗi ngày dành cho những người ở tận cùng nghèo đói. Một sứ mệnh truyền đi bằng thứ ngôn ngữ phổ biến nhất, ngôn ngữ của tình yêu thương - một ngôn ngữ bất chấp mọi rào cản và dành nhiều hơn cho những người bị xa lánh nhất.

Năm 1979 bà được tặng giải thưởng Nobel vì hòa bình “nhờ đóng góp cho công cuộc đấu tranh chống nạn đói và cảnh nghèo khổ - những thứ làm nên mối đe dọa đối với nền hòa bình”. Bà từ chối không đến dự tiệc đãi những người giành giải Nobel và đề nghị chuyển 6000 đô la giải thưởng cho người nghèo ở Kolkata; bà nói rằng số tiền này giúp bà cung cấp thực phẩm cho hàng trăm người trong một năm! Bà phát biểu rằng giải thưởng mang tầm quốc tế rất quan trọng bởi chúng giúp bà trợ giúp những người cần giúp đỡ trên thế giới. Bà cũng được nhận giải thưởng Bharat Ratna vào tháng 3 năm 1980.

Khi được hỏi: “Chúng ta có thể làm những gì để phát triển nền hòa bình thế giới?” câu trả lời của bà vô cùng giản đơn: “Hãy trở về nhà và yêu thương gia đình của chính bạn.” Năm 1982, bà đã thuyết phục được người Israel và người Palestine - lúc này đang giữa cuộc chiến – tạm ngừng bắn nhau đủ lâu để giải cứu 37 bệnh nhân bị tàn tật từ một bệnh viện bị phong tỏa ở Beirut. Bà đến tận nơi để giúp người đói ở Ethiopia, các nạn nhân nhiễm phóng xạ do vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl và các nạn nhân của vụ động đất ở Armania. Sau gần 40 năm hoạt động ở Ấn Độ, bà trở về quê hương vào năm 1991 để mở một Hội Ái hữu từ thiện ở Tirana, Albania. Theo điều tra của Viện Gallup, Mẹ Teresa là người duy nhất nhận được sự ngưỡng mộ của hết thảy mọi người, và vào năm 1999 bà được vinh danh là người đáng tôn kính nhất của thế kỷ 20. Bà từng có lần nói rằng: “Sự cô đơn và cảm giác bị chối bỏ chính là cơn đói tàn tệ nhất trên đời.”

Bà mất năm 1997 ở tuổi 87, phần lớn cuộc đời bà dành để giúp đỡ những người cần đến bà nhất. Chính phủ Ấn Độ đã cử hành quốc tang - hình thức long trọng vốn dành cho thủ tướng hay chủ tịch nước để tưởng nhớ công ơn của bà đối với người nghèo thuộc mọi thành phần tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ. Lễ tang bà đơn giản nhưng hết sức trọng thể, có cả hoàng hậu, các nhất phẩm phu nhân và chủ tịch tỉnh tham dự. Thậm chí những người nghèo nhất, những người tàn tật cũng đến bày tỏ tấm lòng thành kính với Mẹ Teresa - người đã dành trọn cuộc đời giúp đỡ họ. Giây phút xúc động nhất đám tang là khi một người điếc bị liệt hết sức khó nhọc tiến lại chỗ quan tài, đưa bàn tay run run lên quan tài. Trước sự ra đi của bà, cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Javier Perez de Cuellar đã phát biểu: “Bà chính là Liên Hiệp Quốc.”

Một số người so sánh cống hiến của Mẹ Teresa với những nỗ lực của Công nương Diana. Thế giới của Diana khá xa cách trong khi thế giới của Mẹ Teresa lại rất gần với những người thấp cổ bé họng. Diana dấn thân trong khi Mẹ Teresa chỉ đơn thuần yêu mến cuộc đời, cuộc đời của những người khác. Mẹ Teresa là nhà lãnh đạo thầm lặng truyền nhiệt hứng cho những người sát cánh bên bà nhờ hành động, sự quan tâm và tình thương của mình.

Đừng đợi phải có người dẫn dắt, hãy tự làm một mình, với từng người một.

- Me Teresa

CTV: Đăng Khoa


Bình luận