NHỮNG VỊ PHẬT THÍCH TRANH CÃI

06:03, 20/03/2021 774
NHỮNG VỊ PHẬT THÍCH TRANH CÃI

NHỮNG VỊ PHẬT THÍCH TRANH CÃI

DAN ZIGMOND - LÀM VIỆC NHƯ ĐỨC PHẬT

---oOo---

Khi Đã Hiểu Về Tình Yêu Của Đức Phật Đối Với việc nói sự thật, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Ngài lo nhiều về việc tranh luận. Một trong những trọng tội trong tăng quy của Ngài đó là “gây ly gián” trong Tăng đoàn – mà về cơ bản là để cho những tranh cãi trong nội bộ vượt ngoài tầm kiểm soát. Có vẻ Ngài đã chứng kiến kết cục bi thảm từ những trường phái tu hành và thiền định khác trên khắp Ấn Độ cùng thời và không muốn đệ tử của mình đi vào vết xe đổ của những trường phái đó. Ngài cũng hiểu rằng bất kỳ nhóm người nào khi ở bên nhau quá nhiều cũng chắc chắn sẽ có những bất đồng - nhất là khi họ đã cam kết nói sự thật, như Đức Phật đã buộc đệ tử của mình phải làm theo. Khi Ngài liệt kê năm “tội lớn” dẫn đến quả báo ngay lập tức ở địa ngục, việc để cho tranh cãi vượt ngoài tầm kiểm soát đến nỗi gây ra ly gián trong Tăng đoàn cũng nằm chung với tội giết mẹ. Ngài cho việc tranh cãi là xấu như thế đó.

Vậy nên, Đức Phật hiểu việc tìm những cách lành mạnh để bày tỏ sự bất đồng là điều sống còn đối với sự tồn tại cho cộng đồng đệ tử của mình. Các tăng ni phải học cách để bày tỏ sự bất đồng với nhau một cách tích cực và giải quyết tranh cãi trong tương thân tương ái. Điều này không chỉ đúng với nơi tu hành mà còn đúng với cả trong công việc. Một mức độ xung đột nhất định trong công việc là điều hiển nhiên, nhưng nếu không được chế ngự, nó sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tranh cãi có thể bắt đầu với những xung đột công việc” nhỏ, mà về cơ bản là sự bất đồng đối với cách hoàn thành một số phần công việc nào đó. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn khi những xung đột này dần tiến hóa thành “xung đột quan hệ” – hay nói cách khác là trở nên mang tính thù vặt hơn.

Lời khuyên của Đức Phật đối với các tăng ni hàm chứa triết lý đúng đắn mà chúng ta có thể áp dụng trong công việc. Quan trọng nhất là: Hãy chơi đẹp. Như Đức Phật giải thích, khi có ai đó chất vấn bạn về điều gì, phản ứng đúng không bao giờ là “hãy vùi dập hắn ta, chọc quê hắn ta, tận dụng ngay cả những sai lầm nhỏ nhặt nhất.” Nói đơn giản, đừng làm kẻ bắt nạt. Đức Phật gọi bất kỳ ai dựa vào những thủ thuật ấy là người “không có khả năng để thảo luận”. Tôi hoàn toàn đồng ý.

Ngoài ra, điều cũng rất cần thiết là hãy tập trung vào ý kiến chứ không phải con người. Như chúng ta đã đề cập, Đức Phật rất đề cao sự thật. Cái quan trọng không phải ai đúng - mà là cái gì đúng. Mục tiêu của mọi cuộc bàn bạc hay tranh luận ở nơi làm việc không bao giờ nên là để “giành phần thắng”, mà là để khám phá sự thật.

Vì lý do này, sẽ chẳng có giá trị cụ thể nào trong việc cố giành lợi thế hùng biện hay khai thác những phát ngôn sai lầm không cố ý. Không cần quan tâm đến kỹ năng của đối phương, chúng ta nên tranh luận để bác bỏ phiên bản tốt nhất có thể của quan điểm đối lập. Chẳng hạn, khi hai người trong nhóm của tôi nảy sinh bất đồng, thỉnh thoảng tôi sẽ để họ trải qua một thử thách, trong đó mỗi người sẽ cố hết sức để tóm tắt quan điểm của người kia. Việc buộc bản thân phải nghĩ cho thông suốt về lập luận của đối phương và cố gắng thể hiện quan điểm đó một cách trôi chảy nhất có thể thường giúp tiết lộ những điểm mà cả hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung. Thậm chí bạn có thể thuyết phục chính mình thay đổi quan điểm!

Tất cả những điều này sẽ đưa chúng ta đến chủ đề về các cuộc họp. Hầu như chẳng có ai nhìn lại một ngày làm việc của bản thân và nghĩ: “Ôi, ước gì có nhiều cuộc họp hơn.” Tuy vậy, họp hành vẫn là một phần không nhỏ trong cách làm việc của nhiều tổ chức lớn. Và họp hành chắc chắn là nơi hầu hết những cuộc tranh luận tại nơi làm việc kết thúc.

Giống như rất nhiều điều khác trong cuốn sách này, chúng ta có thể có quá nhiều cũng như quá ít các cuộc họp. Vấn đề của việc họp hành quá nhiều rất hiển nhiên: Không ai có thời gian để làm tất cả những việc đã được quyết định trong các cuộc. Việc học hành quá nhiều cũng có thể khởi động một cái vòng tròn lẩn quẩn. Tôi từng làm việc ở một công ty nơi mọi người lúc nào cũng đi họp. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ có thể bắt gặp một người ngồi tại bàn làm việc của anh ta, nên cách duy nhất để nói chuyện với người đó là lên lịch cho một cuộc họp khác. Số cuộc họp tăng lên theo cấp số nhân và vấn đề chỉ càng trở nên tệ hơn.

Việc họp hành quá ít có vẻ chỉ là một cách nói ngược về mặt từ ngữ, nhưng trên thực tế tình trạng này có xảy ra và cũng gây nên những rắc rối. Tôi cũng từng làm việc tại một công ty khởi nghiệp không hề lên lịch họp hành, và chỉ có duy nhất một phòng họp cho cả công ty. Một hệ quả vui vẻ là chúng tôi đều có rất nhiều thời gian tự do để làm những công việc nghiêm túc, đòi hỏi nhiều tư duy. Và rất dễ để tìm gặp một người cụ thể khi tôi cần nói chuyện với họ. Nhưng lại rất khó để nói chuyện với nhiều người một lúc. Bạn có thể thử tập hợp mọi người bạn cần trong một cuộc họp đột xuất, nhưng sẽ có ngẫu nghiên một vài người đang bận làm việc khác mà không hề biết họ được yêu cầu có mặt trong cuộc họp đặc biệt không được lên lịch trước này. Khi không lên kế hoạch trước cho những cuộc thảo luận (hay nói cách khác là không lên lịch họp), chúng ta sẽ không bao giờ chắc chắn liệu mình có thể có đủ mọi người mình cần cùng lúc hay không.

Hầu hết các cuộc họp sẽ rơi vào một trong hai thể loại sau: đưa ra quyết định và chia sẻ thông tin. Nhìn chung, các cuộc họp đưa ra quyết định sẽ là những phiên thảo luận chủ động có sự tham gia của toàn bộ (hay ít nhất là hầu hết) những người góp mặt, trong khi các cuộc họp chia sẻ thông tin thường mang tính bị động nhiều hơn, khi có lẽ chỉ có một người nói và phần còn lại sẽ lắng nghe. Một số người sẽ cho rằng thể loại cuộc họp thứ hai đã trở nên vô nghĩa và email hay các phương tiện kỹ thuật số khác sẽ tốt hơn cho những giao tiếp một chiều, nhưng tôi không đồng ý. Vẫn có điều gì đó đặc biệt khi được nghe thông tin trực tiếp từ một đồng nghiệp. Giao tiếp bằng văn bản sẽ đánh mất một mức độ sắc thái và cảm xúc nhất định, thậm chí cả video và những thứ tương tự cũng thế. Về mặt nào đó, mọi bài giảng của Đức Phật có thể được xem là các cuộc họp thuộc thể loại thứ hai, và đó là những cuộc họp mang nhiều giá trị tới mức các đệ tử của Ngài đã ghi nhớ tất cả những gì Ngài nói!

Quy mô của các cuộc họp có thể quá lớn hoặc quá nhỏ. Trong một cuộc họp đưa ra quyết định, nguy cơ thường là quy mô của cuộc họp quá lớn. Nguyên tắc dựa trên kinh nghiệm là bạn nên mời tất cả mọi người cần có mặt để đưa ra quyết định, nhưng không được nhiều hơn. Lý do phải khắt khe ở đây đó là chất lượng của một cuộc thảo luận sẽ nhanh chóng giảm đi khi có quá nhiều người tham dự. Những cuộc đối thoại hai người rất hiệu quả – mỗi người có thể nêu ra luận điểm của bản thân và hồi đáp người kia ngay lập tức. Khi có ba người tham gia, quá trình đối đáp qua lại sẽ trở nên bất tiện hơn và mọi thứ từ đây sẽ chỉ tệ đi mà thôi. Càng nhiều người tham gia thì càng khó để giữ cho cuộc họp đi đúng hướng.

Bạn thường có thể chỉ ra liệu một cuộc họp có quy mô quá lớn hay không nếu có người nào đó không tham dự hoặc những tranh luận cứ diễn ra một cách lẩn quẩn. Khi thấy điều này xảy ra, tốt hơn hết là nên tạm hoãn và đề xuất một cuộc họp có quy mô nhỏ hơn để làm rõ vấn đề cụ thể đó, rồi mới tiếp tục.

Trong một cuộc họp chia sẻ thông tin, nguy cơ thường gặp đó là cuộc họp có quy mô quá nhỏ. Trong những cuộc họp này bạn muốn tập hợp tất cả những người cần biết thông tin sắp được chia sẻ. Vì thường chỉ có một hoặc vài người truyền đạt, việc tăng thêm người tham gia thường chỉ là tăng số lượng người nghe và làm cho cuộc họp hiệu quả hơn, chứ không kém đi. Trong những tình huống này, bạn nên hào phóng với những lời mời họp của mình.

Một vấn đề phổ biến đó là không xác định rõ cuộc họp bạn sắp tổ chức thuộc loại gì, hay tổ chức một cuộc họp có tính chất của cả hai thể loại trên, mỗi loại một chút. Bạn sẽ phải đương đầu với những áp lực mang tính mâu thuẫn của việc muốn tổ chức một cuộc họp có quy mô vừa lớn, vừa nhỏ cùng lúc, Có lẽ, đôi khi tốt nhất là nên chia những cuộc họp lưỡng tính này làm hai: một cuộc họp nhỏ để đưa ra quyết định và một cuộc họp lớn để truyền đạt quyết định đó đến một nhóm đông đảo hơn.

Nhiều người xem lời mời họp là sự xác nhận đối với địa vị của họ trong công ty. Suy cho cùng, nếu một cuộc họp đưa ra quyết định chỉ giới hạn đối tượng tham gia trong một nhóm nhỏ nhất có thể, thì việc được mời tham gia một cuộc họp như thế chứng tỏ bạn là người quan trọng, thậm chí không thể thiếu. Tôi chắc chắn là đã cảm thấy như thế suốt nhiều năm. Tôi đã đấu tranh để tham dự những cuộc họp mà tôi cho là quan trọng, và tỏ ra luyến tiếc vì những cuộc họp mà mình không được góp mặt. Đây là một lý do khiến cho các cuộc họp có quy mô lớn quá múc - chúng ta không muốn làm tổn thương cảm giác của bất kỳ ai khi bỏ rơi họ. Giáo viên trường mẫu giáo của các con gái tôi có một câu nói: “Luôn có chỗ cho một người nữa.” Đó là tinh thần bảo bọc nhau tuyệt vời trong các tình huống ngoài xã hội - và tôi đã cố làm theo câu nói này! – nhưng sẽ rất tệ nếu áp dụng vào các cuộc họp.

Càng tiến xa trên con đường sự nghiệp, tôi càng cảm nhận rõ hơn điều ngược lại về những lời mời họp. Bây giờ, bất kỳ cuộc họp nào tôi tránh được đều là một thắng lợi nho nhỏ. Nếu mọi người đưa ra được quyết định mà không cần tôi góp mặt, tức là tôi đã hướng dẫn và trao quyền cho họ thành công. Chắc chắn là tôi đang làm đúng. Tôi chỉ muốn được mời tới những cuộc họp nơi sự hiện diện của tôi là thật sự cần thiết và ngay cả sau đó, tôi hy vọng sẽ sắp xếp mọi thứ sao cho lần tiếp theo, họ không còn cần tôi nữa.

Trong những năm gần đây, tôi cũng xây dựng một số nguyên tắc nền tảng cho bản thân trong các cuộc họp. Thứ nhất, không bao giờ ngắt lời bất kỳ ai – hoặc cố gắng phát biểu, Nói thì dễ hơn làm nhiều! Nhiều công ty và tập thể đều có thói quen ngắt lời, nên nếu bạn chờ để mở lời trước khi lên tiếng thì bạn sẽ chẳng thể nói được gì cả. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng một cách chủ động để không ngắt lời mọi người, đồng thời tìm những cách khác để ra hiệu rằng tôi muốn là người phát biếu tiếp theo. Việc ngắt lời người khác trong các cuộc họp rất dễ lây lan, nhưng ngạc nhiên thay, việc chờ đến lượt cũng có thể dễ lây lan không kém. Khi bạn ngừng ngắt lời, bạn sẽ thấy những người cũng ngừng ngắt lời theo.

Thứ hai, trong các cuộc họp đưa ra quyết định, tôi cố gắng đảm bảo rằng mọi người đều được nói và không ai được độc chiếm cuộc thảo luận cả. Suy cho cùng, nếu cuộc họp được tổ chức đúng đắn ngay từ đầu, mọi người ở đó đều cần tham gia; nếu không, họ sẽ chẳng được mời tới làm gì. Không nên có những người chỉ đơn thuần ngồi nhìn trong một cuộc họp đưa ra quyết định tốt.

Tuy nhiên, cũng không ít lần các bạn sẽ thấy một hoặc hai người nào đó độc chiếm cuộc thảo luận, và nhiều người không hề nói gì cả. Tất nhiên, rất có khả năng đó không phải là những người phù hợp để mời đến cuộc họp - trong trường hợp này có lẽ bạn sẽ muốn đề xuất lên lịch tổ chức một cuộc họp khác với quy mô nhỏ hơn như đã đề cập ở trên. Nhưng vấn đề thường xuyên hơn cả là những tiếng nói cần thiết phải rất khó khăn mới cất lên được. Tôi cố gắng khuyến khích những thành viên trầm lặng hơn của các cuộc họp lên tiếng. “Tôi cho là chúng. ta chưa được nghe ý kiến của...” là một cách hay để tạo không gian cho những người khác phát biểu.

Thứ ba, tôi cố gắng làm theo những nguyên tắc về sự bất đồng mà chúng ta đề cập ở phần đầu của chương này. Mục tiêu của cuộc họp là đưa ra quyết định đúng, không phải là để thỏa mãn cái tôi của bất kỳ ai. Việc rốt cuộc ai đúng không quan trọng miễn là chúng ta đi tới kết luận tốt nhất. Việc tranh luận các cuộc họp không nên mang tính cá nhân. Khi rời cuộc họp, không nên có ai cảm thấy mình bị người khác công kích trực tiếp, và ngay cả những người bị cho là “thua” trong cuộc tranh luận cũng nên cảm thấy mình được lắng nghe.

Cuối cùng, chúng ta không được trở nên quá ám ảnh với sự hoàn hảo. Thường thì sẽ có lợi cho mọi người hơn khi đưa ra một quyết định tốt ngay bây giờ thay vì đưa ra quyết định tốt nhất sau này. Một lần nữa, trong một căn phòng toàn những người thông minh, thiện chí thì ngay cả quyết định tốt thứ hai có lẽ vẫn tốt và gần như chắc chắn là đủ tốt rồi.

Các cuộc họp, bất chấp tiếng tăm chẳng mấy tốt lành về chúng, vẫn có thể cực kỳ hiệu quả. Tăng đoàn khởi thủy của Đức Phật tổ chức các cuộc họp hai lần mỗi tháng vào ngày trăng mọc và ngày trăng tròn để đọc lại giới luật và thú nhận những vi phạm mới mắc phải. Tất cả tăng ni đều tham dự, và mọi người đều góp tiếng nói của họ trong cuộc thảo luận.

Hầu hết chúng ta có thể sẽ không sống được ở công sở với chỉ một cuộc họp mỗi hai tuần, nhưng chúng ta có thể cố gắng đảm bảo rằng mọi cuộc họp mình tham dự đều cần thiết và hiệu quả. Chúng ta có thể cam kết lắng nghe người khác, và không quá bảo thủ với quan điểm của chính mình.

Tôi không quen bất cứ ai thật sự thích thú việc đấu tranh với đồng nghiệp. Tôi chắc chắn không. Đức Phật tin rằng “Chúng sinh mong ước sống không oán ghét, không chống đối nhau hay hận thù nhau” và thay vào đó “họ mong ước sống trong an bình”. Tôi cho đó cũng là điều mà bạn nghĩ trong phần lớn cuộc đời.

Bất kỳ một tập thể vững mạnh gồm những con người tận tâm nào cũng sẽ bao gồm những quan điểm khác nhau. Ngay cả những người giác ngộ dường như cũng bất đồng với nhau một lúc nào đó – như bạn sẽ thấy nếu từng tham dự một cuộc họp của các bậc tôn sư Đạo Phật. Nhưng bạn vẫn có thể sống trong an bình ngay cả khi bất đồng với đồng nghiệp. Chỉ cần ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản này, bạn sẽ không bao giờ để cho những tranh cãi ở nơi làm việc vượt quá tầm kiểm soát của mình.

---oOo---

Trích: "Làm Việc Như Đức Phật"

Tác giả: Dan Zigmond

Hoàng Long dịch

NXB: Khoa Học Xã Hội, 2020

Ảnh: nguồn internet


Bình luận