NIỀM VUI CỦA LÒNG VỊ THA

06:02, 08/05/2021 588
NIỀM VUI CỦA LÒNG VỊ THA

NIỀM VUI CỦA LÒNG VỊ THA

CHRISTOPHE ANDRÉ, ALEXANDER JOLLIEN, MATTHIEU RICARD – BÀN VỀ CÁCH SỐNG

---o0o---

ALEXANDER: Dostoyevsky hài hước kể rằng yêu thương cả nhân loại thì dễ hơn là chịu đựng hàng xóm. Thế mà tình yêu thể hiện trong chính cái cụ thể. Lòng tốt đích thực ôm trọn cả nhân loại. Luôn có cái nguy cơ làm quá đối với người bất hạnh đang trải qua một thử thách khủng khiếp mà quên mất người gánh chứng bệnh kinh niên từ nhiều năm. Đừng đợi gặp những tai ương cũng như đòn số phận mới động lòng. Ta có thể đến gần người khác ngay lúc này. Ai nói nhất thiết phải đợi những đại họa đổ sầm xung quanh mới đánh thức được lòng từ bi của ta? Hành động bình thường nhất có thể in dấu sự rộng lượng bao la: cách chào hỏi, cách trả lời điện thoại, để tâm đến người khác… Mọi thứ đều trở thành tu tập. Sáng ra lúc mặc quần dài vào, rất đơn giản, ta có thể tự hỏi dành ngày hôm nay cho ai.

        MATTHIEU: Khi ta nói đến lòng vị tha, từ bi, đoàn kết, những tình cảm tốt đẹp nói chung, ta gặp, đúng vậy, đủ mọi kiểu định kiến. Chẳng phải lòng vị tha là dành cho những kẻ yếu đuối, đám người có khuynh hướng hy sinh ngu ngốc, bọn không biết nghĩ cho mình trước hay sao? Thực tại, khắc nghiệt như vậy, chẳng phải được kết từ những bản ngã đắc thắng, những đam mê vô độ, những giận dữ tàn phá hay sao? Có người nghĩ rằng lòng vị tha chỉ là một phận sự mà gia đình hay giáo hội khắc sâu trong trí não ta một cách giả tạo: cần phải tốt vì mọi người nói ta vậy, vì kinh sách dạy như vậy. Người khác lại nghĩ rằng ta chỉ có thể thực sự vị tha nếu điều đó làm ta trả giá, nếu nó kéo theo những hy sinh đau đớn. Ngay khi ta thấy niềm vui ở đó thì nghĩa là nó có gì khuất tất.

        ALEXANDER: Những hành động nho nhỏ lặp lại mỗi ngày giúp tôi nhiều hơn hàng lô quyết tâm không bao giờ thực hiện. Phúc – Âm cho ta thấy rằng không có tình yêu nào lớn hơn là dâng đời mình cho người khác. Làm sao để, không nhất thiết phải tử vì đạo, tôi có thể đáp lại lời kêu gọi này mỗi ngày? Những kẻ hoài nghi mới làm tôi khó chịu khi họ nhầm lòng vị tha là khờ khạo. Đời anh, Matthieu ạ, làm tôi tin điều ngược lại. Rồi còn những bậc thánh nhân hy sinh đời mình cho người khác thì sao? Không phải ích kỷ dẫn đến hạnh phúc mà chính là cái cam kết này, lòng quảng đại trải qua trong niềm vui và tự do.

        Một sự khinh miệt nào đó làm hoen ố tâm lý học tích cực, như thể những kẻ vỡ mộng, những kẻ chán chường, những kẻ bào chữa cho bất hạnh, rất có lý. Không phải chúng ta làm kẻ mơ mộng hiền lành mà là tin ở sức mạnh của lòng quảng đại. Các tiến bộ xã hội, sự đấu tranh với bất công luôn được dẫn dắt bởi những trái tim nhiệt huyết muốn nhổ bỏ cái xấu. Tôi không chắc sự dửng dưng của kẻ hoài nghi dẫn dắt được bao nhiêu…

        Khi đi các phương tiện vận tải công cộng, tôi thường nói với bọn trẻ: “Cố mà nhận ra người bĩu môi nhiều nhất và tự hỏi ta có thể làm gì cho họ”. Bài tập có thể buồn cười, thế nhưng còn gì đơn giản hơn là mỉm cười, giữ cửa, nhường chỗ cho người lớn tuổi, không bao giờ chịu thua cơn giận?

        Cảm ơn Christophe, vì nhắc là có một khuynh hướng gần như không cưỡng lại được thường kéo ta tới chỗ ích kỷ. Nếu ta cứ buông xuôi, đó là khởi đầu của kết thúc… Đúng vậy, mọi hành động nhỏ nhoi này cho phép lùi xe, đổi hướng từng li đến lòng quảng đại.

        Ở viện, các thầy cô khuyên tôi tập để có tự chủ, độc lập, nhưng khi tôi thấy họ xa cách như vậy, tôi không tìm thấy can đảm để dấn bước trên con đường tiến bộ. Trái lại, những người làm tôi đến gần niềm vui nhất cũng là những người yêu thương tôi nhất. Không phải bằng một tình yêu ấm áp, màu mè, mà lành mạnh, mạnh mẽ, hoàn toàn. Về khoản này, thầy tôi tưới cho tôi mỗi ngày những giáo huấn sáng rạng. Có lần thầy xem tôi là “tên đại ngố”. Trong lời thầy, tôi tìm thấy sự dịu dàng, lòng tốt vô bờ cho tôi sức mạnh từ bỏ ngay lập tức những lỗi lầm, những thành kiến, chấp trước dai dẳng. Thầy không có gì giống với thói kẻ cả hay sự tàn nhẫn hoành hành khắp nơi. Từ Seoul về lại, tôi xem ti vi thì nhận thấy rất nhiều người viết thời luận đưa ra một ví dụ đáng thương. Trước kia, nhà phê bình đánh giá một cuốn sách và nếu họ không đánh giá nó cao lắm, họ đưa ra các lý lẽ. Ngày nay, ta nói rằng đây là mốt: phun lời độc địa về mọi người, tẩy xóa họ trước công chúng trong một loại niềm vui giả tạo lây lan, niềm vui của tay đấu bò cắm dao vào sườn nạn nhân. Cần cấp bách khôi phục lòng vị tha, nhân từ, để chấm dứt trận đấu bò tinh thần đáng sợ này. Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt, ta không thoát được, vậy sao còn thêm một lớp nữa và sa vào cái ác?

        Trong cuốn Suy ngẫm, Marcus Aurelius đưa ra một công cụ rất có ích cho tôi: “Vừa sáng ra, hãy tự dặn trước mình: ‘Mình sẽ gặp một kẻ hớ hênh, một kẻ vô ơn, một kẻ xấc láo, một kẻ gian giảo, một kẻ ghen ghét, một kẻ khó gần.’” Cần chuẩn bị cho điều đó. Thêm một bước nữa thì tôi sẽ có thể xem mỗi gặp gỡ như cơ hội trời cho để mình thay đổi. Sát cánh với tha nhân trở thành một dịp để lột hết mọi lớp áo, từ bỏ mọi vai trò. Để làm ta sẵn sàng cho người khác, chỉ cần tự nhắc mình về phép lạ của cuộc đời. Có hôm, một thầy tu cho tôi bài giảng khai sáng: “Hãy hình dung anh có bao nhiêu phần triệu dịp để mặt ở đời này những người thân, bạn bè, gia đình? Anh có nhận thấy phép lạ hằng ngày này không? Giống như là, trong vũ trụ bao la này, có một nhà ga xuyên ngân hà và anh đã tình cờ gặp mọi người ở đó. Những khoảnh khắc đó thoáng qua, ngắn ngủi. Đừng phung phí chúng cho những trách móc vô ích. Đừng mất thời gian cho giận dữ. Ta hãy vui cái khoảng dừng ngắn ngủi này trong nhà ga và rộng lòng với mọi người du hành.”

        Khi chúc các con ngủ ngon, tôi thích nhắc mình là tôi đang ôm những người một ngày nào sẽ chết đi. Tôi nhớ món quà đặc biệt trao cho tôi, và tôi nhấm nháp niềm vui thỉnh thoảng bầu bạn với chúng trong nhà ga xuyên ngân hà bao la. Tôi cũng cố thay đổi cái nhìn để xem mỗi gặp gỡ, có vẻ bình thường là vậy, như một phép lạ, một nơi học hành. Và tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước sự phong phú của con người. Trên tàu điện, tôi tự nhủ mình sẽ không bao giờ còn gặp lại người vô gia cư này bên doanh nhân kia nữa. Khoảnh khắc này sẽ không xảy ra nữa. Nhắm mắt trước những cái hào phóng hằng ngày là đi bên lề niềm vui và sống nửa vời.

        Từ lâu niềm vui đã đánh thức trong tôi một kiểu cảm giác có lỗi dai dẳng. Như thể hạnh phúc làm tôi xa những người đau khổ, như thể tôi coi thường họ khi được khỏe mạnh hơn. Ngày nay, tôi hiểu rằng không phải kẻ băn khoăn thái quá, đờ đẫn vì những vết thương, là người giúp sức được nhiều nhất cho người đang chịu thử thách. Nhiệm vụ của tôi còn là vận dụng mọi thứ để diệt sạch trong lòng cái khiến tôi thấy cay đắng và buồn bã.

        Chiêm ngưỡng tất cả những gì đẹp đẽ trong đời mình làm tôi vui và tạo nguồn lực cho tôi. Thế nhưng, tôi vừa đặt tay lên những món quà này thì niềm vui rời bỏ tôi gần như ngay tức khắc. Thưởng thức mà không tham luyến là toàn bộ thách thức. Ta có thể cho thứ ta chưa được nhận, và đó là một trong những cái cao cả của con người: một người cha không được cha mẹ yêu có thể phủ phê cho con mình tình thương vô điều kiện. Nghệ thuật từ bi thực hành trong hiện tại.

        CHRISTOPHE: Theo tôi thấy, lòng vị tha là ở chỗ để tâm đến nhu cầu của người khác và hành động để giúp đỡ họ. Nó nằm ở đầu nguồn khổ: không cần chờ người này khổ mới ở bên họ và làm điều tốt cho họ, họ cần điều đó là đã đủ. Thái độ này diễn ra mà không trông đợi có qua có lại, hàm ơn, lợi ích, ngay cả nếu các lợi ích này có và ta quý chúng thì điều đó cũng không làm mất giá trị lòng vị tha, không làm vẩn đục nó. Nhưng, nếu được, đây không nên là động cơ ban đầu.

        Còn về lòng từ bi, đó là tỏ ra quan tâm đến khổ đau của người khác, mong muốn nó vơi đi và muốn chữa nó.

       

MỐI BẬN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC TỪ ĐÂU RA?

        CHRISTOPHE: Ngày nay ta biết rằng con người đã được “gắn cáp” thấu cảm; trong bản tính ta đã biết cảm nhận nỗi khổ của người khác. Nhưng có lẽ lòng bi cần rèn luyện thêm – Matthieu thì giỏi hơn tôi về đề tài này. Cách đây đã lâu, tôi kinh ngạc khi xem một phim tài liệu về loài thú, câu chuyện của hai anh em bao bờm trong công viên ở châu Phi. Chúng lớn lên bên nhau, nô đùa, rượt đuổi. Nhưng ngày nọ, một con sư tử cái tấn công một con và làm nó gãy xương chậu bằng một cú thúc hàm. Nó gần như bị liệt và trở thành gánh nặng khi săn bắt cũng như đối với sinh tồn của cả hai. Mới đầu, bao bờm còn khỏe rất lo lắng: nó liếm anh nó, cố an ủi, nhưng, được một thời gian, nó đành tấn công con kia, rồi bỏ nó lại. Tôi có cảm giác như đã thấy sự khác nhau giữa thấu cảm và từ bi: con bao bờm có thấu cảm cho anh trai bị liệt, nhưng nó không đến mức từ bi, cái này không đủ mạnh để nó muốn ở lại bên anh, giúp anh, tha đồ ăn đến cho anh, dẫu rằng, về lâu dài, chuyện đó cũng không thay đổi được gì nhiều.

        MATTHIEU: Chắc con bao bờm bị một kiểu mệt mỏi thấu cảm. Tôi có nghe nói về một trường hợp khác có hậu hơn, trường hợp một con voi bị dứt vòi vì mắc bẫy và nó không tự kiếm ăn được nữa. Rất nhanh, một con voi khác bắt đầu tha đến cho nó những cây sậy mềm mại, đút luôn vào miệng cho nó. Khi vết thương thành thẹo, con voi bị thương nhận thấy rằng nó không còn nhổ những cây cỏ dai được nữa, rằng nó chỉ còn sống nhờ cây sậy mềm. Cái diễn ra sau đó thật đáng ngạc nhiên: cả đàn (thường là một chục con có con cái đi đầu), mà thường di chuyển liên miên, từ bỏ những chuyến đi xa để ở lại trong những vùng có nhiều sậy mềm. Bầy voi không muốn bỏ rơi đồng loại bị thương, cũng không muốn kéo nó theo đến những chỗ nó không ăn được nữa.

          CHRISTOPHE: Vậy nên trong tiến hóa của các loài chắc hẳn đã có một lúc mà năng lực từ bi xuất hiện, đâu đó giữa con bao bờm và con voi! Loài linh trưởng có được các khả năng này. Có nhiều công trình về đề tài này, nhất là một nghiên cứu về nhóm khỉ đầu chó trên một hòn đảo gần Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu đã quan sát một con nhỏ sinh ra không có chân. Trong một loài không có lòng trắc ẩn, nó khó thoát chết vì nó không đem lại gì cho nhóm. Vậy mà, ở đó, dẫu nó có một cấp rất thấp trong thứ bậc, những con khỉ khác cũng nuôi nó ăn, có tính đến sự chậm chạp của nó khi di chuyển và chứng tỏ sự quan tâm cụ thể và lâu dài, vì nó đã sống sót lâu hơn nhiều so với trường hợp nó chỉ có một mình.

         Về phần mình, tôi đến với lòng bi nhờ hạnh phúc. Vì là bác sĩ, tôi luôn có mục tiêu giúp bệnh nhân cảm thấy hạnh phúc hơn, điều đó nhân tiện cũng giúp tôi cảm thấy vui hơn. Suy nghĩ của tôi về từ bi từ lâu đã bị che mờ vì ban đầu, nó có vẽ gây xáo trộn cho hạnh phúc bởi đó là nhận vào mình một nỗi khổ của người khác. Nhưng nếu ta nghĩ kỹ, nhận khổ của người khác làm ta xa rời những hạnh phúc ích kỷ và hạnh phúc mù quáng, mà về lâu dài, là giả tạo. Từ bi là công cụ rất tốt để làm chín muối các khả năng được hạnh phúc và dẫn ta đến cái tôi gọi là “hạnh phúc sáng suốt”, hay “chín chắn”, nghĩa là một hạnh phúc không làm ta cô lập trong bong bóng cơ hội, mà giúp ta tiếp xúc với biển khổ thường trực chảy qua kiếp người.

        Tự nhiên vốn rất khéo, vì hạnh phúc cho ta năng lượng cần để giúp kẻ khác, để hành động, để thay đổi thế giới. Chuyện này khá logic đối với những công trình viết về những mối liên hệ giữa hạnh phúc và chú ý: hạnh phúc mở rộng thế giới quan của ta, trong khi đó đau khổ thu hẹp tiêu cư chú ý của ta. Thế nhưng, khi mở tiêu cự này, ta thấy những chuyện xảy ra quanh mình, nhất là bất hạnh, và ta đi về phía khổ. Nói cách khác, nếu ta hạnh phúc, ta không cần tránh xa để khỏi khổ, và ta sẽ có nhiều dịp hơn để đến an ủi kẻ khác.

         Một trong ba cô con gái của tôi có nhiều năng lực từ bi khiến nó khổ theo một cách nào đó. Khi đó thấy một người chực khóc: “Con thấy đau lòng quá!” Nhiều năm trước, trong một lần sang Nhật, chúng tôi đến viếng một đền Thiền tông, ở đó có một bà cụ mới chúng tôi trà xanh matcha với đầy đủ nghi lễ. Cả năm người chúng tôi đều có một chén trà xanh, nhưng ba cô con gái của tôi không thích trà xanh… Hai đứa lớn nhấp trà rồi, không muốn làm buồn lòng, đẩy tách ra. Bà này vắng mặt năm phút để tìm bánh quy cho chúng tôi thì cô thứ ba quay qua tôi nói: “Ba ơi, ba uống giùm chén của con! Con không muốn làm bà buồn!” Nó lo sao để không làm buồn lòng dù chỉ một chút người đã tử tế mời chúng tôi trà. Tôi bèn uống hết mấy chén trà, sung sướng vì tôi thích trà matcha!

         Tôi còn một kỷ niệm khác về lòng từ bi rất đau lòng cho thấy thỉnh thoảng một sự máy móc nổi lên trong chúng ta. Người bạn thân nhất của tôi qua đời trong tai nạn xe máy, đây là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất đời tôi. Hai chúng tôi đi nghỉ mát ở Bồ Đào Nha, người chạy trước người chạy sau, khi thì anh ta, khi thì tôi. Khi ra khỏi làng, anh ta chạy trước tôi và bắt đầu vượt lên một nông dân kéo xe bò bằng chiếc Mobylette. Bất thần, người nông dân rẽ sang trái mà không báo trước, không nhá đèn. Bạn tôi va vào cái xe bò, ngã lộn nhào khủng khiếp rối đâm sầm vào bụi rậm. Người nông dân cũng ngã. Tôi dừng mô tô, chạy tới chỗ anh bạn. Khi người nông dân, đứng chắn lối đi của tôi, thấy tôi tới, tôi nghĩ là anh ta đang sợ bị tôi đánh – khi đó tôi thậm chí còn không tức giận, mà chỉ bàng hoàng. Anh ta chia tay ra để cho tôi thấy mình cũng bị thương. Và vậy là, như thằng ngu, tôi dừng để nhìn tay anh ta. Tôi cười với anh ta để trấn an, rồi tôi đi tiếp để giúp bạn. Tôi mất mười giây để nhìn một vết thương nhỏ trong khi bạn mình sắp chết: anh ta bị xuất huyết nội, có lẽ do đứt quai động mạch chủ, anh ta đi rất nhanh, tôi chỉ vừa kịp nói với anh ta và ôm anh ta. Tôi rất đáng trách. Cái làm tôi ngạc nhiên khi nhớ lại là kiểu máy móc này: tôi nhìn vết thương của người đã làm bạn mình chết, thay vì đẩy anh ta qua để đi cho nhanh. Tôi ở trong chế độ lái tự động, đây không phải một đức tính tốt vào lúc đó mà là một thói quen: người ta đưa tôi xem vết thương, tôi nhìn. Tại sao tôi không biết phân biệt trước sau?

         Vả chăng đó là một câu hỏi tôi muốn đặt ra cho Matthieu. Chögyam Trungpa thỉnh thoảng nói về “lòng từ bi ngu ngốc”. Tôi thấy có vẻ khủng khiếp khi gắn hai từ này với nhau, tôi thấy không có lòng từ bi nào là ngu ngốc. Điều tôi đã chứng tỏ cho người nông dân Bồ Đào Nha này là không phù hợp, có lẽ vậy, nhưng tôi thấy rằng ta làm bẩn lòng từ bi bằng lối diễn đạt “lòng từ bi ngu ngốc” này. Thế nhưng, nó thường xuất hiện trên các blog, các trang Phật giáo và trong vài giáo huấn.

           MATTHIEU: Ví dụ anh nêu ra rất cảm động. Daniel Batson và các nhà tâm lý học khác có nói về lòng vị tha không phù hợp với nhu cầu thật của người khác, thậm chí là lòng vị tha bệnh lý. Có lần ông đưa ra ví dụ sau: “Hình dung rằng anh đang ở Ấn Độ, anh gặp một nhóm trẻ em và ở bên chúng một lúc trong ngày. Trong số chúng, một đứa có cái đầu thông minh, nó làm anh cười suốt và không rời anh nửa bước. Chiều lại, trước khi về, anh cho nó một mố quà đẹp, và anh chỉ cho mấy đứa kia chút ít gì thôi.” Batson xem rằng, trong trường hợp này, lòng vị tha không thích hợp vì anh ta không tính đến nhu cầu được anh giúp bọn trẻ. Đúng ra rất có thể một đứa trẻ khác cần được anh giúp nhiều hơn đứa anh đã cho món quà vì anh thấy nó dễ thương.

            Theo thiển ý của tôi, trong kiểu xử sự này, lòng vị tha không có liên can, mà là những yếu tố ghép vào nó làm biến tính nó: sự thiên vị, thiếu suy xét cho cả lũ trẻ có mặt và tầm nhìn ngắn hạn.

            Còn về cái ta thỉnh thoảng gọi là “lòng vị tha bệnh lý” khi dựa vào những người hy sinh hơn cái họ có thể cho về mặt cảm xúc và vật chất, từ đó có nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe thể xác và tinh thần của họ, thì ở đây lòng vị tha cũng không thuộc bệnh lý. Đúng hơn ở đây là một nỗi đau thấu cảm sinh ra từ chuyện ta đánh giá cao các khả năng giúp người khác của mình, và cuối cùng phải chìm nghỉm dưới những tác động mà khổ của người khác gây ra cho cảm nhận của mình.

---o0o---

Trích “Bàn về cách sống”

Tác giả: Christophe André, Alexandre Jollien, Matthieu Ricard

Người dịch: Thiên Nga

NXB Hà Nội, 2018

Ảnh: nguồn internet


Bình luận