VỀ SỰ BẤT HẠNH

06:01, 24/05/2021 345
VỀ SỰ BẤT HẠNH

VỀ SỰ BẤT HẠNH

365 NGÀY CHIÊM NGHIỆM THIỀN ĐỊNH ĐỂ SỐNG ĐỜI HẠNH PHÚC – DALAI LAMA THỨ 14

–––––o0o–––––

Tại sao các quốc gia công nghiệp hóa, chúng ta nhận thấy rằng vẫn còn có rất nhiều người bất hạnh. Họ có được tất cả mọi thứ họ cần, họ hưởng mọi điều kiện cần thiết cho một đời sống tiện nghi. Tuy nhiên, họ vẫn không hài lòng với số phận của mình. Họ đánh mất niềm hạnh phúc bằng lòng ganh tị của mình hoặc vô số những lý do khác. Một số người vẫn luôn lo lắng về cơn đại hồng thủy, trong khi một số khác lại tin rằng ngày tận thế sắp đến hồi xuất hiện. Những người như thế này tự tạo ra đau khổ cho chính mình bởi vì họ không thể suy nghĩ một cách lành mạnh được. Chỉ cần họ thay đổi lối suy nghĩ và lối nhìn nhận mọi việc của mình thì những đau khổ dằn vặt này sẽ tự nhiên biến mất. Có nhiều người có những lý do chính đáng để đau khổ, chẳng hạn như trong trường hợp họ bị đau bệnh trầm kha hoặc thất nghiệp hoặc là nạn nhân của các tai họa hoặc bị lạm dụng. Tuy vậy, họ thường có khả năng đối mặt với điều này. Thực ra, họ có thể và nên tự chăm sóc chính mình, họ nên đứng lên và phản kháng lại những bất công này; họ có thể nổ lực hết mình trong công việc nếu họ có đủ thực phẩm hoặc nơi ăn chốn ở. Về mặt tinh thần, họ có thể trau dồi một thái độ hoàn toàn tích cực.

Chính thái độ tinh thần của chúng ta là yếu tố quyết định mức độ đau khổ của chính mình. Ví dụ, nếu một người bị bệnh thì phản ứng hữu ích duy nhất là anh ta cần phải thực hiện tất cả những gì có thể để hồi phục sức khỏe: tìm đến bác sĩ, áp dụng một phương thức điều trị nào đó, tập thể dục thường xuyên v.v… Nhưng nhìn chung, chúng ta thường tự phức tạp hóa hoàn cảnh của mình bằng cách lo nghĩ thái quá về nó, việc này chỉ khiến cho tinh thần chúng ta thêm thống khổ và thể xác của chúng ta thêm đau đớn mà thôi. Nếu chúng ta mắc phải một căn bệnh trầm kha, chúng ta thường nhìn nhận nó theo cách tiêu cực nhất. Nếu chúng ta bị chấn thương đầu, chúng ta tự nghĩ rằng, “Đây là điều tồi tệ nhất xảy ra với mình. Giá mà chấn thương này xuất hiện ở chân mình thì hay biết mấy”. Thay vì tự nói với chính mình rằng có hàng ngàn người khác cũng đang chịu chấn thương giống như mình, nếu không muốn nói là nghiêm trọng hơn, chúng ta lại luôn cảm thấy tự thương tiếc cho chính mình giống như thể chúng ta là người duy nhất trên thế gian này đang chịu đau khổ vậy.

Sẽ tốt hơn nếu chúng ta suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại. Ví dụ, nếu đôi tay của chúng ta bị tàn phế, chúng ta có thể suy nghĩ rằng, “Mình không còn sử dụng được đôi tay nhưng ít nhất thì đôi chân của mình cũng còn có thể giúp mình được”. Và nếu đôi chân của chúng ta bị hư hại, chúng ta có thể suy nghĩ rằng “Đôi chân mình không còn vận động được nữa nhưng mình có thể sử dụng xe lăn và mình vẫn có thể viết lách và làm việc bằng đôi tay của mình”. Những suy nghĩ như thế này cũng đủ để giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng. Dù hoàn cảnh của bạn có như thế nào thì bạn cũng cần phải suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, đặc biệt ngày nay khi kỹ thuật hiện đại có thể cho chúng ta nhiều lý do để hy vọng. Tôi không thể tìm ra được bất kỳ một ví dụ nào cho thấy rằng việc thay đổi thái độ quan điểm suy nghĩ của chúng ta lại không thể giúp chúng ta giảm thiểu được những đau khổ do hoàn cảnh ngoại vi. Khi bạn đối mặt với những đau đớn về thể xác, bạn có thể suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, bạn cần giữ những suy nghĩ tích cực này trong tâm hồn mình và rồi chắc chắn nó sẽ giúp bạn khuây khỏa những buồn phiền trong lòng.

Thậm chí nếu bạn chịu đau khổ do một hoàn cảnh nghiêm trọng kéo dài nào đó thì vẫn có một cách để giúp bạn không nhất định phải trở nên tuyệt vọng. Nếu bạn là một tính đồ Phật giáo, bạn cần tự nói với chính mình rằng: “Mong cho bệnh tật này sẽ tẩy sạch những hành vi tiêu cực của mình trong quá khứ. Mong sao qua đau khổ này mình có thể gánh vác luôn cả những đau khổ khác của mọi người”. Bạn cần nghĩ rằng có vô số những sinh linh khác đang chịu đau khổ giống như bạn và bạn hãy cầu nguyện rằng đau khổ của bạn có giúp khuây khỏa phần nào những đau khổ của họ. Nếu bạn không có được sức mạnh để suy nghĩ theo cách này thì tốt nhất bạn cần ý thức rõ rằng bạn không phải là người duy nhất chịu đau khổ và nhiều người khác trong hoàn cảnh giống như bạn sẽ giúp bạn chịu đựng và vượt qua được khó khăn của mình.

Nếu bạn là một tín đồ Thiên chúa giáo và bạn có niềm tin rằng Chúa Trời là đấng tạo hóa của toàn vũ trụ, bạn hãy tự giúp mình khuây khỏa bằng suy nghĩ “Mình không muốn chịu đau khổ này nhưng ắt hẳn có một lý do nào đó trong việc này bởi vì Chúa Trời, với lòng từ bi của mình, đã tạo ra mình trong đời sống này”. Nếu bạn không có bất kỳ một niềm tin tín ngưỡng nào cả, bạn có thể suy nghĩ rằng dẫu bạn có bất hạnh đến đâu, bạn vẫn không phải là người duy nhất chịu đau khổ theo cách này.

Có một số loại đau khổ xuất hiện một cách đột ngột và không thể tránh khỏi, chẳng hạn như việc mất đi những người thân yêu của mình. Trong trường hợp này, dĩ nhiên, không có cách nào để cố gắng thay đổi được những nguyên nhân cấu thành nó. Trong hoàn cảnh này chúng ta không thể làm gì để thay đổi cả. Và đây là lý do tại sao bạn nên xem nỗi thất vọng là một điều vô nghĩa, việc buồn phiền trong trường hợp này chỉ khiến cho mọi việc thêm tồi tệ. Ở đây, tôi đang nghĩ đến những ai không có bất kỳ một niềm tin tín ngưỡng nào cả. Điều qua trọng là chúng ta cần phải thấu hiểu những đau khổ của mình, chúng ta cần khám phá xem chúng bắt nguồn từ đâu và nếu có thể thì chúng ta cần phải giải quyết những nguyên nhân cấu thành chúng. Thường thì, chúng ta không nghĩ rằng bản thân mình cũng góp phần tạo ra những đau khổ của chính mình. Lúc nào cũng thế, chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác hoặc những yếu tố khác về những đau khổ của bản thân mình. Xét một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng giống như những cậu học trò nhỏ thi hỏng và sau đó không chấp nhận rằng nếu chúng học hành chăm chỉ hơn thì chúng có thể vượt qua kì thi. Chúng ta tức giận khi chúng ta nghĩ rằng hoàn cảnh xung quanh lúc nào cũng gây trở ngại cho mình. Nhưng mọi việc sẽ càng thêm tồi tệ khi chúng ta lúc nào cũng nhồi nhét những suy nghĩ tiêu cực như thế này, không phải vậy sao?

Nhiều xung đột trong nhân loại và trong gia đình của chúng ta, đó là chưa kể đến những xung đột giữa các quốc gia và giữa các cộng đồng, kể cả những xung đột trong lòng từng cá nhân – tất cả những xung đột và mâu thuẫn này đều bắt nguồn từ những ý tưởng và quan điểm đối kháng nhau mà trí não của chúng ta tạo ra. Thế nên, thật tiếc thay, chính trí não của chúng ta đôi khi cũng tạo ra những trạng thái bất hạnh trong tâm hồn. Xét ở góc độ này, trí não trở thành một nguyên nhân tạo ra những đau khổ của nhân loại. Tuy nhiên, xét cho cùng thì trí não là một công cụ hữu ích giúp chúng ta có thể vượt qua được tất cả những xung đột và mâu thuẫn này.

–––––o0o–––––

Trích: 365 Ngày Chiêm Nghiệm Thiền Định Để Sống Đời Hạnh Phúc

Tác Giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14

Dịch Giả: Lê Tuyên

NXB: Hồng Đức in năm 2017

Ảnh: Nguồn Internet


Bình luận