BẠN CÓ CAN ĐẢM?

05:00, 12/04/2023 87
BẠN CÓ CAN ĐẢM?

BẠN CÓ CAN ĐẢM?

Tác giả: Luise Rinser

Trích:Chấp Nhận Cuộc Đời; Lược dịch: Nguyễn Hiến Lê;NXB Hồng Đức

---o0o---

Năm nào thảm kịch đó cũng tái diễn: một vài thanh niên muốn leo lên ngọn núi nguy hiểm nào đó rồi vì không đủ kinh nghiệm mà bỏ mạng: lăn xuống vực hoặc kiệt sức, lạnh quá, chết cóng. Họ can đảm, dám mạo hiểm đấy, nhưng chẳng ai khen họ cả.

Một em bé té xuống một dòng sông cuồn cuộn đương mùa mưa lũ. Một người liều mạng nhảy xuống ráng vớt em, dù chẳng vớt được mà có bị chết đuối chăng nữa, thì cũng vẫn được mọi người khen.

Năm 1942, hai sinh viên trường đại học Munich, tên là Sophie và Hans Scholl, rải truyền đơn đả đảo Hitler. Họ chẳng biết rằng sớm muộn gì cũng bị phát giác, mà hành động của họ chẳng có chút hi vọng gì lật đổ được chế độ. Quả nhiên, sau đó cả hai đều bị xử tử. Vậy họ điên chăng? Họ hi sinh đời họ một cách vô ích chăng? Bây giờ người ta ngưỡng mộ họ là hai anh hùng, nêu gương can đảm cho đồng bào.

Ở một trường trung học nọ, không hiểu lẽ gì, cả một lớp trẻ mười hai tuổi hùa vào ngược đãi một bạn học. Tình cảnh em này càng đánh thương vì cha mẹ mới bị sạt nghiệp. Đứa con trai thứ ba của tôi bèn đứng ra bênh vực em, can đảm chống lại cả đám kia, bất chấp sự thù oán của chúng.

Vài ví dụ đó chứng tỏ rằng khi mọi việc đáng liều mới liều thì hành động của ta mới được khen là can đảm. Bọn thanh niên leo núi thiếu kinh nghiệm trên kia không phải là can đảm mà chỉ là vô ý thức. Bạn hỏi tôi: vậy đứng về phương diện thực tế mà xét thì hai sinh viên Đức cũng đáng chê là dại dột, nếu không thì cũng ít nhất là táo bạo, vì tay không mà đòi bắt cọp?

Không, tôi không nghĩ vậy, vì họ hành động, hi sinh như vậy để kích động các người khác dùng những phương pháp thích hợp hơn tiếp tục cuộc tranh đấu mà họ đã cổ vũ. Ở thời đó, người ta cho họ là “khinh suất” đấy, nhưng sau này người ta thấy sự khinh suất ấy cao cả, rất sáng suốt, vì chính nhờ họ mà dân tộc Đức không bị dư luận thế giới miệt thị quá. Các vị anh hùng, các vị thánh thường bị một số người không hiểu nổi tầm quan trọng hành động liều lĩnh của họ, nên cho họ là điên khùng. Nhưng có một thứ điên khùng mà lại rất thông minh. Chúng ta biết rằng can đảm thì cần phải thông minh (hễ ngu ngốc thì rất ít khi can đảm), nhất là cần đừng tính toán lợi hại, hơn thiệt cho riêng mình, nghĩa là cần phải hi sinh. Người nào hành động theo lương tâm mình là người đó can đảm.

Bẩm sinh có người can đảm, có kẻ nhút nhút nhát. Một số người có thể thành can đảm được, nhưng vì một sự giáo dục sai lầm hay vì một hoàn cảnh, kinh nghiệm tai hại nào đó mà hóa ra nhút nhát, không dám mạo hiểm một chút gì cả, luôn luôn lựa chọn con đường an toàn nhất, không phải đụng đầu với một cái gì “đau đớn” cả. Những kẻ đó sợ phải liều thân. Sợ tới cái mức tránh mọi sự giao thiệp có thể làm cho họ hơi đau khổ hơn một chút: chẳng hạn sợ phải thất vọng, li biệt mà không dám cưới vợ, thành thử không có con; ai ra lệnh gì, hoặc đưa ý kiến gì họ cũng vâng vâng dạ dạ tỏ vẻ cực kì nhu thuận, hòa hảo chứ không muốn đưa ý kiến của mình ra sợ phải tranh biện để bênh vực nó; họ có bất đồng ý kiến với ai, thù oán ai thì giữ kín trong lòng chứ không dám biểu lộ ra. Hồng y giáo chủ Mercier đã nói câu thâm thúy lạ thường này:

“Có những kẻ không bao giờ lầm lỡ môt điều gì cả, vậy mà suốt đời lầm lỡ chứ”.

Ông muốn bảo rằng thà cứ liều đi, dù có lầm lỡ cũng còn hơn là luôn luôn tìm sự yên ổn.

Sống một cuộc đời chân chính thì phải biết liều, sẵn sàng chịu sự trầy da tróc vảy, cứ đừng dè dặt, sợ sệt.

Nhưng như vậy, sự can đảm chỉ là một đức cần thiết trong vài trường hợp đặc biệt nào thôi ư? Có phải ai cũng có thể lật đổ một bạo chúa hoặc cứu vớt một em nhỏ té xuống sông được đâu. Với lại hình thức đó của sự can đảm chưa chắc là hình thức cao nhất. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chúng ta như được một làn sóng nhiệt tâm nâng đỡ, lòng ta bừng bừng lên mà dễ có những hành động gan dạ.

Chẳng hạn, tháng hai năm 1945, tôi bị công an Đức Quốc Xã lấy khẩu cung liên tiếp trong tám giờ, và lúc đó tôi nổi đóa, muốn chửi vào mặt họ. Hành động như vậy là can đảm đấy vì coi thường cái chết. Nhưng tôi nén được lòng. Có phải vì hèn nhát không? Không, vì trong trường hợp đó mà hi sinh tính mạng là điều vô lí. Tôi đã vì các con tôi mà lựa chọn con đường tiếp tục sống: vì chúng mà tôi chịu ở trong khám, lo lắng và tủi nhục nuốt hết nỗi đắng cay của bọn Đức Quốc Xã đối xử với tôi mà chúng gọi là “kẻ thù dân tộc”, kẻ bị dân tộc ruồng bỏ.

Như vậy thì không nhất định phải làm một hành động nguy hiểm mới là can đảm; nhiều khi cứ tiếp tục sống cũng là can đảm. Vâng, kiên nhẫn đương đầu với sự bất ý, những khó khăn, thử thách hàng ngày, chống cự lại với những nỗi rầu rĩ, chán nản, thất vọng, đừng để cho nó xâm chiếm ta, thái độ đó cần nhiều can đảm lắm mới được. Nhiều người ngày nào cũng vậy, hễ bừng mắt dậy là phải can đảm chiến đấu với cuộc đời. A! Giá có thể nằm dài ở giường mà đừng biết gì tới.

Can đảm không phải là một đức lâu lâu mới dùng tới khi phải làm một điều nguy hiểm. Can đảm là một thái độ căn bản đối với đời sống: thái độ của người tin ở đời mà tự nhủ: “Khó khăn gì cũng sẽ vượt được”.

MinhHoang


Bình luận