BỐN GIAI ĐOẠN GIÁO DỤC

20:50, 09/07/2022 157
BỐN GIAI ĐOẠN GIÁO DỤC

BỐN GIAI ĐOẠN GIÁO DỤC

Tác Giả: R.K Pruthi

Trích: Nền Giáo Dục Ấn Độ Cổ Đại; Thích Thuận Châu dịch Việt; Thư Viện Hoa Sen.

---o0o---

Đầu tiên, như chúng ta đã biết về những đứa trẻ thông thạo kinh Phệ-đà (Veda); chúng được dạy về tôn giáo; được đào tạo theo kinh điển thiêng liêng bằng đức tin và thực hành hàng ngày các nghi lễ tôn giáo của mình. Thế nên, chúng ta thấy rằng Ramachandra không chỉ được đào tạo kỹ lưỡng về kiến thức kinh điển, mà còn được thực hiện Sandhyā vào buổi sáng và buổi tối. Do đó, đào tạo về các nhiệm vụ tôn giáo bên ngoài, cũng như trong việc học hỏi thực hành thiêng liêng đều cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh. Dưới bàn tay khôn ngoan của thầy, ngài Ramachandra đã biết được khoa học vĩ đại về tự thân, bí mật của hòa bình; bản chất tinh thần của người thầy đã được đào luyện và phát triển như một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo, đây chính là lưu ý đầu tiên của nền giáo dục cổ đại.

Yếu tố thứ hai là, các Tập sinh được rèn luyện về đạo đức, rèn luyện đạo đức về bản chất cũng giống như tâm linh. Tập sinh được dạy phải ngoan ngoãn, tôn kính, trung thực, dũng cảm, nhã nhặn, yêu thương kính trọng cha mẹ và thầy, không ích kỷ, biết quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh. Nếu “một người có ý nguyện vì lợi ích của người khác.” được xem là vinh dự của giáo dục đạo đức cho Tập sinh.

Yếu tố thứ ba, rèn luyện về trí tuệ. Tập sinh được dạy về các ngành khoa học khác nhau và được hướng dẫn về nhiều lĩnh vực kiến thức gồm cả lý thuyết và thực hành. Trí tuệ là yếu tố thứ ba của bản chất con người, được kết hợp đào tạo cùng với tinh thần và đạo đức.

Yếu tố cuối cùng đó là rèn luyện cơ thể, đây là phần rèn luyện thể chất nhắm vào mức độ chú ý và tập trung. Các Tập sinh được huấn luyện tham gia các trò chơi và các bài tập nam tính mạnh mẽ như cưỡi ngựa, lái xe, uyển chuyển và tinh vi trong việc quán sát và săn bắt các loài động vật để phục vụ nhu cầu của con người. Nền giáo dục được đưa ra khá toàn diện vì mặt về thể chất và tinh thần của con người đều được đào tạo thích hợp. Kết quả là khi các Tập sinh bước ra thế giới, họ là một thành viên đóng vai trò cho sự hùng mạnh của một quốc gia, với tư cách là một công dân ưu tú với đầy đủ các phẩm tính rất ngoan đạo, có đạo đức, có học thức và mạnh mẽ. Bốn đặc điểm lớn này đã đánh dấu kết quả cho nền giáo dục Ấn Độ cổ đại.

Giáo dục ở phương Tây

Chúng ta phải làm những gì có tính thiết thực chứ không phải chỉ trên lý thuyết, không hứa hẹn tương lai với những việc ta phải làm ngay bây giờ.

Chúng ta đã biết rằng, nỗ lực khôi phục lại lý tưởng cổ xưa đã và đang được thực hiện ở nơi chính mình. Chính trường cao đẳng này (trường cao đẳng Ấn Độ giáo Trung ương), trong hội trường mà tôi đang nói, có những người nguyện sẽ khôi phục lại loại hình giáo dục cổ xưa, đào tạo bốn yếu tố theo bản chất tự nhiên, sẽ chỉ có ở Ấn Độ của tương lai, mặc dù không nổ lực tái tạo lại hoàn toàn các mô hình cũ.

Đó là lý tưởng mà chúng ta phải thấy, và chúng ta phải tái tạo lại linh hồn của giáo dục trong trang phục hiện đại, thích ứng với thời đại. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng vương quốc Anh, nền giáo dục theo bốn yếu tố này đang được áp dụng ngay cả trong các trường công lập và Đại học. Nếu bạn đến bất kỳ trường công lập nào của Anh, bạn sẽ thấy rằng học sinh bắt đầu công việc của mình mỗi ngày với việc thờ phượng Chúa và đọc thánh kinh Cơ đốc. Mọi học sinh đều được dạy về đức tin, lòng tôn kính và được đào tạo về những lý tưởng đạo đức nhất định. Chúng ta sẽ thấy rằng không chỉ tôn giáo được dạy cùng với đạo đức, mà cả những phương pháp rèn luyện tốt về thể chất cũng được đưa ra và được nhấn mạnh trong các trường công lập lớn. Mọi học sinh được đào tạo bằng cách vui chơi, rèn luyện cơ thể, hoạt động chân tay và tăng cường sự săn chắc của cơ thể. Và nếu đến trường Harrow, Eton, Rugby hoặc Winchester, chúng ta sẽ thấy nền giáo dục bốn yếu tố ở đó, mặc dù tất nhiên là theo truyền thống Cơ đốc. Trên nguyên tắc, lý tưởng Giáo dục cổ đại đang được thực hiện, khiến cho con người yêu nước cũng như phát triển toàn diện, đã khẳng định kế hoạch giáo dục nền tảng cơ bản là đúng đắn và hợp lý.

Trong khi học sinh nuôi dưỡng tình yêu tôn giáo cũng chính là họ đang nuôi dưỡng lòng yêu nước. Nếu đến nhà nguyện của trường Harrow, chúng ta sẽ thấy trên những bức tường được trang trí bằng những tấm đồng thau, khắc tên của những học sinh trường Harrow đã từng phục vụ tốt cho đất nước của họ. Vì vậy, khi học sinh thờ phượng Chúa, họ nhìn thấy trước mắt mình tên của những học sinh Harrow ngày xưa cũng đã từng ngồi nơi đây như họ, những học sinh như người đã hy sinh mạng sống của mình trong những lúc Vương quốc và Đất nước cần đến, hy sinh cho Tổ quốc là những người đã đưa tên tuổi của nước Anh lên cao trong số các quốc gia.

Không một học sinh nào vào trong nhà nguyện mà không nhận được một số cảm hứng để sống anh hùng, hàn gắn tình yêu đất nước vào tôn giáo của mình. Lý tưởng của các chàng trai được hun đúc, từ đó sẽ có lòng yêu nước lớn dần, lòng tự hào về mảnh đất quê hương và trở nên xứng đáng là công dân của đất nước mình, đây chính là nên giáo dục mà chúng ta cần phải phục hồi.


Bình luận