TƯ DUY KHOA HỌC

05:00, 29/04/2024 74
TƯ DUY KHOA HỌC

TƯ DUY KHOA HỌC

Trích: Think Again - Dám Nghĩ Lại; Tác giả:Adam Grant; Nguyễn Đức Nhật dịch; NXB Dân Trí.

---o0o---

Nếu bạn theo nghiệp khoa học thì tái tư duy là yếu tố cơ bản của nghề. Bạn được trả lương để liên tục nhận biết về những giới hạn hiểu biết của mình. Bạn được kỳ vọng phải luôn hoài nghi về điều đã biết, say mê tìm hiểu điều chưa biết và làm mới góc nhìn của bản thân dựa trên các dữ liệu mới. Chỉ trong một thế kỷ vừa qua, việc ứng dụng những nguyên lý khoa học đã mang lại những tiến bộ đáng kinh ngạc. Các nhà sinh học tìm ra chất kháng sinh. Các nhà khoa học nghiên cứu tên lửa đã đưa con người lên mặt trăng. Các nhà khoa học máy tính đã xây dựng thế giới internet.

Nhưng “nhà khoa học” không đơn thuần là một chức danh nghề nghiệp. Nó là một khung tâm thức, một phương pháp tư duy khác với lối tư duy của người làm công việc thuyết giảng, luận tội người khác hay vận động chính trị. Chúng ta chuyển sang phương pháp tư duy của nhà khoa học khi tìm kiếm sự thật: chúng ta tiến hành các thí nghiệm để kiểm chứng một giả thuyết và khám phá tri thức. Các công cụ khoa học không độc quyền dành cho những người mặc áo choàng trắng làm việc với các ống nghiệm, và để vận dụng được các công cụ này, bạn không nhất thiết phải bỏ hàng năm trời cặm cụi với kính hiển vi và đĩa cấy tế bào. Các giả thuyết không chỉ tồn tại trong phòng thí nghiệm mà có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Những thử nghiệm có thể cung cấp dữ liệu cho chúng ta đưa ra các quyết định hằng ngày. Nhận ra điều này khiến tôi tự hỏi: liệu có cách nào huấn luyện cho mọi người ở các lĩnh vực khác tư duy như những nhà khoa học không, và nếu chúng ta làm được như vậy, họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn không?

Một nhóm bốn nhà nghiên cứu châu Âu gần đây đã quyết định tìm hiểu điều này. Họ mạnh dạn tiến hành thử nghiệm trên hơn một trăm doanh nhân khởi nghiệp người Ý ở các lĩnh vực công nghệ, bán lẻ, nội thất, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí và cơ khí chế tạo. Vì đa số doanh nghiệp của những người này vẫn chưa tạo ra được doanh thu, họ là nhóm đối tượng lý tưởng để kiểm tra việc dạy tư duy khoa học ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận cuối cùng.

Các nhà khởi nghiệp được mời đến Milan để tham dự chương trình tập huấn về khởi nghiệp. Qua khóa học bốn tháng, họ được học cách lập chiến lược kinh doanh, phỏng vấn khách hàng, lên ý tưởng sản phẩm khả dụng tối thiểu⁹, và sau cùng là tạo ra nguyên mẫu. Điều các đối tượng này không hề biết là họ được ngẫu nhiên xếp vào nhóm “tư duy khoa học” hoặc nhóm đối chứng. Nội dung huấn luyện cho cả hai nhóm giống nhau, chỉ khác là một trong hai nhóm được khuyến khích nhìn việc khởi nghiệp qua lăng kính của một nhà khoa học. Từ góc nhìn đó, họ xem chiến lược kinh doanh là một lý thuyết, các giả thuyết được đưa ra dựa trên kết quả phỏng vấn khách hàng, còn sản phẩm khả dụng tối thiểu và nguyên mẫu chính là các thí nghiệm để kiểm định các giả thuyết. Nhiệm vụ của họ là thực hiện nghiêm ngặt việc đo lường kết quả và đưa ra quyết định dựa trên kết quả cho thấy giả thuyết đúng hay sai.

Trong một năm sau đó, các công ty khởi nghiệp trong nhóm đối chứng tạo ra doanh thu trung bình không tới 300 đô-la. Còn các doanh nghiệp thuộc nhóm tư duy khoa học đạt doanh thu trung bình 12.000 đô-la. Họ tạo được doanh thu nhanh hơn gấp đôi và cũng thu hút khách hàng sớm hơn. Tại sao ư? Những người khởi nghiệp thuộc nhóm đối chứng có xu hướng trung thành với chiến lược và sản phẩm ban đầu họ nghĩ ra. Họ dễ dàng rao giảng về “sự đúng đắn” của các quyết định mình đã đưa ra trước đó, lên án những thiếu sót khi ai đó đề nghị giải pháp thay thế, và họ sẵn sàng vận động chính trị cho chính mình bằng cách tìm đến những chuyên gia có uy tín ủng hộ hướng đi hiện tại của họ. Nhóm khởi nghiệp được dạy lối tư duy của nhà khoa học thì trái lại – họ chuyển hướng thường xuyên gấp hai bình thường. Khi kết quả kiểm tra cho thấy giả thuyết của họ không đúng, họ biết đây là lúc cần tái tư duy để tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp.

Điều đáng ngạc nhiên về những kết quả này chính là chúng ta thường ngưỡng mộ các doanh nhân khởi nghiệp thành công hay những nhà lãnh đạo nổi tiếng vì tầm nhìn xa rộng và lập trường không lay chuyển của họ. Họ được xem là chuẩn mực của sự tự tin: quyết đoán và chắc chắn. Thế nhưng bằng chứng lại cho thấy khi các nhà doanh nghiệp cạnh tranh về giá sản phẩm trên thương trường, chiến lược tốt nhất thật ra lại là chậm rãi và không chắc chắn. Giống như những nhà khoa học đầy cẩn trọng, họ không vội vàng và đủ linh hoạt để thay đổi suy nghĩ của mình. Tôi đang bắt đầu nghĩ rằng tính quyết đoán đã được đề cao quá mức… nhưng tôi bảo lưu quyền thay đổi suy nghĩ của mình.

Bạn không nhất thiết phải là một nhà khoa học chuyên nghiệp thì mới có khả năng tư duy như một nhà khoa học. Tương tự, không có gì đảm bảo rằng một nhà khoa học chuyên nghiệp luôn sử dụng những công cụ tư duy mà họ được đào tạo. Các nhà khoa học có thể dần chuyển biến thành nhà truyền giáo khi họ trình bày những lý thuyết mà họ thuộc nằm lòng như thể thánh kinh và xem những ý kiến phản biện đã được cân nhắc kỹ lưỡng như sự báng bổ. Họ chuyển sang tư duy kiểu chính trị gia khi cho phép quan điểm của mình bị ảnh hưởng tính đại chúng hơn là tính xác thực. Họ chuyển sang kiểu tư duy của công tố viên khi quyết tâm vạch trần và hạ bệ thay vì mang tâm thế sẵn sàng khám phá. Sau khi đảo lộn cả nền vật lý bằng thuyết tương đối, Einstein lại là người phản đối cuộc cách mạng lượng tử: "To punish me for my contempt for authority, fate made me an authority myself". Đôi khi ngay cả những khoa học gia lỗi lạc cũng cần học hỏi để tư duy giống một nhà khoa học hơn.

---o0o---

CTV:MinhHoang


Bình luận