TÂM TRÍ HAM ĐỌC

15:17, 15/04/2024 78
TÂM TRÍ HAM ĐỌC

TƯ DUY KHI ĐỌC

Tác Giả: Richard Paul - Linda Elder

Trích: Cẩm Nang Tư Duy ĐọcNhóm Dịch Thuật - Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, Năm 2015.

-------o0o-------

Bạn có một tâm trí. Nhưng bạn có biết tâm trí của bạn hoạt động thế nào không? Bạn có ý thức được những định kiến và tiên kiến của mình không? Bạn có ý thức được tư duy của bạn phản chiếu tư duy của những người xung quanh bạn ở chừng mực nào không? Bạn có ý thức được rằng trong chừng mực nào tư duy của bạn bị ảnh hưởng bởi tư duy trong nền văn hóa của bạn? Ở chừng mực nào bạn có thể bước ra ngoài khuôn khổ tư duy hàng ngày của mình để bước vào khuôn tư duy của những người suy nghĩ khác bạn? Bạn có khả năng hình dung ra được một số niềm tin của mình là sai không? Bạn dùng tiêu chuẩn nào để đánh giá những niềm tin cá nhân của mình? Bạn có ý thức gì về cách nâng cấp chất lượng cho những niềm tin cá nhân của bạn không?

Để đọc được tác phẩm của người khác, bạn phải thâm nhập vào tâm trí của họ. Để thâm nhập vào tâm trí của người khác, thì bạn tự khám phá tâm trí của mình – cả điểm mạnh và điểm yếu của nó – cho tốt trước đã. Để đọc được tâm trí của mình, bạn phải học cách làm thế nào để tư duy ở cấp độ hai – tức, làm sao tư duy về tư duy của mình trong khi bạn đang tư duy từ bên ngoài tư duy ấy. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể ở ngoài tư duy của mình được?

Để làm được việc này, trước hết, bạn phải hiểu rằng mọi tư duy đều có tám cấu trúc cơ bản. Mỗi khi tư duy, ta đều tư duy vì một mục đích bên trong một góc nhìn cụ thể dựa trên những giả định vốn sẽ dẫn tới những hàm ý và hệ quả khác nhau. Chúng ta sử dụng các khái niệm, ý niệm, lý thuyết để diễn giải dữ kiện, sự kiện thực tế và các trải nghiệm để trả lời các câu hỏi, giải quyết các khó khăn và xử lý các vấn đề.

Khi hiểu được tám yếu tố cơ bản của tư tưởng, ta sẽ có những công cụ tri thức đầy sức mạnh cho phép chúng ta tư duy tốt hơn. Ta hiểu rằng bất kỳ khi nào ta suy luận về bất cứ điều gì, các yếu tố này luôn có sẵn trong các hoạt động của tâm trí chúng ta.

Do đó, khi đọc tức là bạn đang lập luận thông qua văn bản. Bạn đọc có mục đích, sử dụng các khái niệm – hoặc các tư tưởng – và các giả định của bản thân. Bạn đang đưa ra các lập luận và tư duy từ một quan điểm cá nhân. Cùng lúc đó, văn bản mà bạn đọc cũng chính là sản phẩm từ suy luận của ai đó. Vì thế, bạn nhận ra rằng, bên trong văn bản chính là mục đích, là những nghi vấn, giả định, khái niệm,… của tác giả. Bạn càng hiểu rõ lập luận của mình trong chính viễn tưởng của mình, bạn càng hiểu rõ lập luận của những người khác. Càng hiểu chuỗi lập luận của người khác bao nhiêu, bạn càng hiểu chuỗi lập luận của chính mình bấy nhiêu.

Khi bạn có thể lập luận tới lui một cách hiệu quả giữa nội dung bạn đang đọc với điều bạn đang tư duy, bạn sẽ nối kết điều bạn tư duy với những gì bạn đọc và ngược lại. Bạn sẽ có khả năng thay đổi tư duy của mình nếu lôgic ở điều bạn đọc làm mở mang tư duy của bạn, và bạn cũng có khả năng từ chối tiếp nhận những tư tưởng mới khi bạn không thể dung hòa chúng với những tư tưởng của chính mình. Bạn sẽ nhận ra rằng có thể một số niềm tin của mình là sai lầm.


Bình luận