CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC

CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC

CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH NHÀ KHOA HỌC

Tác giả; Deborah Hopkinson - Nancy Harison

Trích: Charles Darwin là ai?; Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hồng Hoa, Nguyễn Hằng Hà dịch; NXB Dân Trí.

---o0o---

Charles có nhiều thời gian để rèn giũa cách suy nghĩ như một nhà khoa học. Chuyến đi dự tính chỉ hai năm nhưng lại kéo dài đến năm năm. Trong khoảng thời gian ấy, Charles chỉ dành 18 tháng trên biển. Quãng thời gian còn lại, anh lên bờ thám hiểm hoặc săn bắn. Đó là những lúc tàu Beagle đang neo đậu để vẽ hải đồ.

Ở Nam Mỹ, Charles thực hiện bảy chuyến đi dài, vượt hàng trăm cây số trên lưng ngựa. Ngoài ra, Charles còn tham gia hàng chục chuyến đi ngắn khác, kể cả đi săn. Vốn giỏi săn bắn, anh thường mang được thịt tươi về cho cả đoàn.

Bất cứ khi nào đi thám hiểm, Charles cũng ghi chú nhanh vào một cuốn sổ nhỏ rồi đến lúc về tàu mới chép lại thật cẩn thận vào nhật ký. Anh cũng dần hoàn thiện bộ sưu tập động thực vật của mình. Anh quan sát những sinh vật nhỏ bé dưới kính hiển vi vô cùng tỉ mỉ.

Anh ép khô và bảo quản mẫu vật trong thùng, hộp và giả gỗ do thủy thủ làm; rửa sạch và đánh số thứ tự từng mẫu xương.

Charles học được nhiều điều từ Thuyền trưởng FitzRoy và các sĩ quan khác. Anh thấy họ ghi chép nhật ký hành trình rất kỹ lưỡng. Charles cũng cố gắng ghi chú thật chi tiết. Đó chính là cách giúp nhà khoa học trưởng thành. Trong bất cứ thí nghiệm nào, nhà khoa học cũng đều phải chú tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất.

Để bắt được những sinh vật biển và những loại thực vật nhỏ bé, Charles đã tự làm một chiếc lưới và thả dưới đuôi tàu. Anh rất tự hào về phát minh này và vẽ phác lại mô hình vào nhật ký. Thỉnh thoảng trong những lúc không quá say sóng, Charles còn giúp mọi người bắt cá cho bữa tối.

Vào tháng 9 năm 1832, sau chín tháng lênh đênh, Charles đã có phát hiện lớn đầu tiên. Một ngày khi đang cùng Thuyền trưởng FitzRoy đi trên thuyền nhỏ thám hiểm bờ biển Argentina, Charles nhận thấy thứ gì đó trông giống một đống xương lớn bị vùi trong gò đất sét và sỏi. Liệu đó có phải là hóa thạch?

Ngày hôm sau, Charles đem cuốc quay trở lại và đào bới hàng giờ liền. Anh tìm thấy hóa thạch của ít nhất ba động vật lớn. Một trong số đó có cái đầu khổng lồ.

Charles chưa từng thấy bất cứ sinh vật nào có xương lớn đến vậy. Thế nhưng, chúng lại gọi cho anh liên tưởng đến loài ta-tu nhỏ sống ở gần đó. Phải chăng hóa thạch này thuộc về một loài động vật có họ với loài ta-tu ngày nay?

Việc chuyển những hóa thạch lớn này về tàu rất khó khăn. Thủy thủ phải dùng đến cả ròng rọc và dây thừng. Đến cuối ngày, Charles dù mệt rã rời nhưng rất mãn nguyện. Anh đoán đó là bộ xương của loài sinh vật đã tuyệt chủng từ lâu.

Charles không biết chính xác tại sao hay bằng cách nào mà chúng tuyệt chủng. Nhưng chắc chắn những hóa thạch này nắm giữ những bằng chứng quá khứ quan trọng. Về sau, chúng sẽ giúp anh nắm được cách thức mà quần thể hay nhóm động vật thay đổi theo thời gian.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận