HAI HỆ THỐNG

05:10, 27/06/2022 124
HAI HỆ THỐNG

HAI HỆ THỐNG

Tác giả: DANIEL KAHNEMAN

Trích: Tư Duy Nhanh Và Chậm – Nên Hay Không Nên Tin Vào Trực Giác?; Công ty Sách Alpha.

---o0o---

Vài thập kỷ trở lại đây, các nhà tâm lý học đã dành rất nhiều công sức để nghiên cứu về hai hình thức thức tư duy của con người, thông qua ví dụ về bức hình một người phụ nữ giận dữ và ví dụ về một phép tính nhân mà họ đã gán cho chúng rất nhiều dấu hiệu. Tôi tiếp thu những thuật ngữ vốn được hai nhà tâm lý học Keith Stanovich và Richard West đề xuất và sẽ đưa chúng vào hai hệ thống tư duy là Hệ thống 1 và Hệ thống 2.

Hệ thống 1 hoạt động theo cơ chế tự động và mau lẹ, với rất ít hoặc hầu như không cần cố gắng và không tự động kiểm soát.

Hệ thống 2 huy động sự chú ý đến những hoạt động tư duy đòi hỏi sự nỗ lực, bao gồm những phép tính phức tạp. Cơ chế hoạt động của Hệ thống 2 thường gắn với những kinh nghiệm chủ quan, sự lựa chọn và tập trung của chủ thể.

Thuật ngữ Hệ thống 1 và Hệ thống 2 đã được sử dụng rộng rãi trong ngành Tâm lý học nhưng trong cuốn sách này, tôi sẽ tiếp tục đào sâu vấn đề này, bạn đọc có thể đọc sách như xem một vở kịch tâm lý với hai nhân vật chính là hai hệ thống này.

Khi nghĩ về bản thân, chúng ta thường nhận ra mình gần với Hệ thống 2, là một con người ý thức và duy lý, có đức tin, luôn suy nghĩ chín chắn trong từng hành động khi phải đưa ra những quyết định và lựa chọn. Hệ thống 2 luôn nghĩ rằng nó chính là nguồn gốc của hành động, tuy nhiên, Hệ thống tự động 1 mới là “người hùng” của vở kịch tâm lý này. Tôi mô tả Hệ thống 1 như là những ấn tượng và cảm xúc thụ động ban đầu là nguồn gốc chính hình thành những niềm tin và lựa chọn cẩn trọng của Hệ thống 2. Cơ chế tự động của Hệ thống 1 hình thành lên những ý tưởng với những khía cạnh phức tạp đáng kinh ngạc nhưng Hệ thống 2 chậm chạp mới có khả năng cấu trúc lại những suy nghĩ đó tuần tự theo từng bước. Tôi cũng mô tả những tình huống mà Hệ thống 2 giành quyền kiểm soát, thắng thế và tự do thúc đẩy, liên kết với Hệ thống 1. Bạn đọc cũng sẽ thử suy nghĩ về hai hệ thống như những nhân vật với những khả năng, hạn chế và những chức năng riêng biệt.

Chính bởi sự phức tạp đó, xin giới thiệu một số ví dụ về những hoạt động tự động làm nên Hệ thống 1:

Phát hiện ra một đồ vật nằm xa hơn so với các đồ vật khác. Định hướng nơi phát ra một âm thanh lạ.

Hoàn thành câu “bánh mì và…”

Nhăn mặt khi xem một bức ảnh gớm ghiếc.

Nhận ra sự thù nghịch trong một giọng nói.

Trả lời câu hỏi 2 + 2 = ?

Đọc chữ trên những tấm biển hiệu lớn.

Lái xe trên một con đường vắng.

Đi một nước cờ đỉnh cao (nếu bạn là một kỳ thủ lão luyện). Hiểu nghĩa những câu đơn giản.

Nhận ra cụm từ “một người nhu mì và gọn ghẽ,” ám chỉ người thuộc loại nghề nghiệp nào.

Tất cả những hiện tượng trí não này đi kèm với hình ảnh người phụ nữ giận dữ, đều diễn ra một cách tự động và không đòi hỏi phải nỗ lực. Khả năng Hệ thống 1 còn bao gồm cả những kỹ năng bẩm sinh của loài người cũng như của các loài động vật khác. Chúng ta sinh ra đều được chuẩn bị để nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biết các đồ vật, định hướng sự chú ý, lảng tránh sự mất mát và khiếp sợ những con nhện chân đầy lông. Những hoạt động trí não khác trở nên nhanh và tự động nhờ việc chúng thường xuyên được luyện tập. Hệ thống 1 còn học cách liên kết các ý tưởng (ví dụ: "Thủ đô của nước Pháp là gì?"), nó cũng học được những kỹ năng như đọc và hiểu những sắc thái khác nhau trong những tình huống xã hội khác nhau. Một vài kỹ năng như tìm ra những nước cờ “độc” chỉ có thể có ở những kỳ thủ cao cường. Những kỹ năng chơi cờ cơ bản còn lại thì ai cũng có thể có cả. Khả năng phát hiện một sự tương đồng với một khuôn mẫu nghề nghiệp đòi hỏi sự hiểu biết rộng rãi về ngôn ngữ, văn hóa và may mắn là hầu hết chúng ta cũng đều có những khả năng này. Tri thức được lưu trữ trong bộ nhớ và chúng ta truy cập vào nó mà không cần huy động sự cố gắng cũng như phải có sự tập trung cao độ.

Một vài hoạt động trí não trong danh sách trên diễn ra một cách hoàn toàn tự động không cần bất cứ sự tập trung nào. Bạn không thể ngăn việc mình có thể hiểu những câu nói đơn giản bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình hay nhận ra âm thanh lạ bất chợt xuất hiện phát ra từ nơi nào, cũng như bạn không thể ngăn cản bản thân biết được phép cộng 2 + 2 = 4 hay nghĩ đến Paris khi có ai đó nhắc đến thủ đô của nước Pháp. Những hoạt động khác, ví dụ như nhai kẹo cao su dễ bị quy là hành động có chủ ý của chúng ta nhưng thông thường đây lại là hành động theo hướng tự động. Việc kiểm soát sự tập trung, chủ động bị chi phối bởi hai hệ thống. Định hướng nơi phát ra âm thanh thông thường là thao tác không chủ ý của Hệ thống 1, nhưng ngay sau đó lập tức dịch chuyển thành sự tập trung có chủ đích của Hệ thống 2. Có thể bạn sẽ chủ ý ngăn cản mình hướng sự tập trung về phía âm thanh ầm ĩ phát ra hoặc một lời nhận xét ác ý trong một bữa tiệc đông người, nhưng dù cho bạn không quay đầu lại, thì sự chú ý của bạn ngay từ đầu đã bị hướng về phía đó, ít nhất là trong chốc lát. Tuy nhiên, bạn có thể chuyển hướng sự chú ý khỏi một mục tiêu không mong muốn, trước hết là bằng việc bạn sẽ hướng sự tập trung của mình sang một mục tiêu khác.

Các hoạt động của Hệ thống 2 rất đa dạng nhưng chúng có một điểm chung: Chúng đều đòi hỏi sự chú ý và sẽ kết thúc khi bạn không còn tập trung nữa. Dưới đây là vài hoạt động thuộc cơ chế hoạt động của Hệ thống 2:

Dỏng tai lên đợi tiếng súng ra hiệu bắt đầu một cuộc đua.

Tập trung chú ý vào những chú hề trên sân khấu xiếc.

Tập trung để lắng nghe tiếng nói của một người nhất định trong một căn phòng đông đúc và ồn ào.

Tìm kiếm một phụ nữ tóc bạc.

Lục trong trí nhớ tên của một ca khúc được truyền tải bởi một giọng hát hay rất cuốn hút.

Duy trì tốc độ đi bộ nhanh hơn tốc độ đi bộ bình thường của bạn. Điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho phù hợp với tình huống xã hội cụ thể.

Đếm số lần xuất hiện của chữ cái a trong một trang dày đặc chữ.

Cho ai đó biết số điện thoại của bạn.

Đậu xe trong một ô hẹp (dành cho hầu hết mọi người trừ nhân viên gara).

So sánh hai chiếc máy giặt dựa trên giá trị sử dụng của chúng. Điền bảng kê khai thuế.

Kiểm tra tính hợp lý của một lập luận logic phức tạp.

Trong tất cả những tình huống trên, bạn buộc phải tập trung chú ý và hiệu quả thường kém, thậm chí là tệ hại nếu bạn không sẵn sàng hoặc sự chú ý của bạn bị chuyển hướng sang các chủ đề không thích hợp. Hệ thống 2 có khả năng thay đổi cách thức hoạt động của Hệ thống 1, bằng cách lập trình tự động những chức năng chú ý và ghi nhớ thông thường. Ví dụ, trong khi đang chờ đợi một người họ hàng ở một nhà ga đông đúc, bạn có xu hướng chỉ nhìn vào những người phụ nữ tóc bạc hoặc những người đàn ông rậm râu, đó là cách nâng cao khả năng phát hiện được người bạn đang chờ đón từ khoảng cách xa. Bạn cũng có thể hướng bộ nhớ của mình tìm kiếm tên của những thủ đô bắt đầu bằng chữ cái N hoặc tên của những cuốn tiểu thuyết hiện thực của Pháp. Và khi bạn thuê một chiếc xe hơi của sân bay Heathrow ở London, người lái xe có thể nhắc bạn nhớ rằng: “Ở̉ đây chúng tôi lái xe bên phía trái đường.” Trong tất cả những tình huống ấy, bạn được yêu cầu làm một điều gì đó khác so với cách thông thường mà bạn vẫn hay làm và bạn sẽ nhận thấy rằng sự cố gắng duy trì hàng loạt những yêu cầu như vậy đòi hỏi bạn phải nỗ lực hơn bình thường.

Cụm từ hay được sử dụng “tập trung chú ý” là để chỉ một năng lượng: Bạn phải sử dụng sự chú ý tạm thời của bản thân, đổi lại bạn có thể phán đoán được các hoạt động và nếu bạn cố gắng sử dụng vượt quá khả năng chú ý của mình, bạn sẽ thất bại. Đó chính là dấu hiệu của những hoạt động đòi hỏi sự chú ý mà chúng có sự tương tác qua lại lẫn nhau, đó là lý do vì sao bạn rất khó hoặc không thể xử lý vài vấn đề phức tạp diễn ra cùng một lúc. Bạn không thể vừa tính nhẩm phép nhân 17 x 24 trong lúc cố rẽ trái khi đang lái xe trên một con đường đông người qua lại, thực tế là bạn cũng không nên thử. Bạn có thể làm vài việc cùng một lúc nhưng chỉ là những việc đơn giản và không bị thúc ép. Có thể sẽ vẫn an toàn khi bạn góp chuyện vài câu với hành khách khi đang lái xe trên một đoạn cao tốc vắng và rất nhiều bậc phụ huynh thú nhận với đôi chút hối lỗi rằng họ có thể vừa đọc truyện cho con nghe vừa nghĩ đến một vấn đề khác.

Tất cả mọi người đều được cảnh báo về khả năng tập trung sự chú ý tạm thời, xét về hành vi xã hội, khả năng của chúng ta tương thích với những giới hạn này. Ví dụ, khi một người tài xế đang lái xe vượt một chiếc xe tải trên một đoạn đường hẹp, những hành khách nhạy cảm nhận ra và lập tức ngừng trò chuyện. Họ hiểu rằng làm phân tán sự chú ý của tài xế vào lúc này không phải là việc làm đúng đắn và đồng thời mong rằng bác tài xế tạm thời không nghe thấy những gì họ nói.

Tập trung cao độ vào một nhiệm vụ có thể khiến người ta tạm thời thực sự đui mù, ngay cả với những tác nhân mà bình thường vẫn thu hút được sự chú ý của họ. Bằng chứng gây kinh ngạc nhất đã được Christopher và Daniel Simons chỉ ra trong cuốn sách The Invisible Gorilla (Tạm dịch: Chú khỉ đột vô hình) của mình. Họ tiến hành sản xuất một đoạn phim ngắn về trận đấu của hai đội bóng chày, một đội mặc áo trắng và một đội mặc áo đen. Sau đó, yêu cầu người xem đếm số vận động viên mặc áo trắng mà không cần để ý đến những vận động viên mặc áo đen đang đi lại trên sân thi đấu. Nhiệm vụ này rất khó khăn và cực kỳ cuốn hút. Đến giữa đoạn phim, một người phụ nữ mang trên mình bộ đồ của một con khỉ đột xuất hiện, chạy ngang qua sân vận động, vừa đi vừa đấm thùm thụp vào ngực. Người phụ nữ mặc bộ đồ khỉ đột xuất hiện trong vòng 9 giây. Hàng ngàn người xem đoạn phim và khoảng một nửa trong số đó không hề phát hiện ra điều gì bất thường. Nhiệm vụ đếm và đặc biệt là yêu cầu đếm các cầu thủ của một đội và phớt lờ các cầu thủ đội còn lại đã tạo ra sự mù quáng tạm thời. Không một ai không bị gắn vào nhiệm vụ kia khi xem đoạn phim mà không phát hiện ra người phụ nữ mặc bộ đồ con khỉ đột. Nhìn và định hướng là những chức năng tự động của Hệ thống 1 nhưng chúng bị phụ thuộc vào sự định vị của một số sự chú ý đối với các kích thích có liên quan. Các tác giả nhấn mạnh rằng quan sát có giá trị nhất trong nghiên cứu của mình đó là ai cũng nhận thấy kết quả này thực sự đáng kinh ngạc. Thực tế thì tất cả những người không nhìn thấy người phụ nữ mặc bộ đồ khỉ đột lúc đầu đều chắc chắn là không hề có người phụ nữ mặc bộ đồ khỉ đột nào hết, họ không thể tưởng tượng nổi rằng, mình đã bỏ qua một sự kiện độc đáo đến vậy. Nghiên cứu “Chú khỉ đột vô hình” đã minh họa cho hai thực tế quan trọng về đầu óc của chúng ta: Chúng ta có thể mù trước sự thật hiển nhiên và chúng ta cũng mù trước sự mù quáng của chính bản thân mình.

 

CTV: Công Hiếu


Bình luận