MỘT SỐ BIỂU HIỆN THIẾU TRUNG THỰC

05:10, 28/02/2022 138
MỘT SỐ BIỂU HIỆN THIẾU TRUNG THỰC

MỘT SỐ BIỂU HIỆN THIẾU TRUNG THỰC

Tác giả: BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Biên dịch: Nguyễn Trung An - Vương Bảo Long; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

---o0o---

1. Kể về một chuyện không có thật. Đây là biểu hiện thiếu trung thực dễ gặp nhất. Có lẽ bạn đã nghe những câu chuyện về các cuộc chiến, trong đó số lượng tử vong được phóng đại lên nhiều lần nhằm cung cấp thông tin sai lệch, cốt để làm hài lòng cấp chỉ huy. Người đang nói dối biết rõ đó là lời nói dối. Những nhà quản lý vẫn hay nói với cấp trên rằng họ sẽ làm được việc này việc kia ngay cả khi họ biết mình không có khả năng. Nhân viên kinh doanh thường hứa hẹn những điều phi thực tế chỉ vì muốn bán được hàng. Người ta sử dụng hình thức nói dối này nhằm mục đích tạo cho mình vẻ ngoài tốt đẹp, tránh những hậu quả tiêu cực, hoặc để thoát khỏi trách nhiệm.

2. Vẽ nên ảo tưởng về điều không có thật. Những nhân viên tiếp thị qua điện thoại nói với sếp: “Tôi đã thực hiện 20 cuộc gọi”. Thực tế, họ chỉ nói chuyện với 10 người và để lại tin nhắn cho 10 người. Họ biết rõ rằng họ chỉ nói chuyện với 10 người và đó chính là số người mà họ thực sự gọi điện. Trên lý thuyết, họ có thể gọi cho cả ngàn người, nhưng chẳng nói chuyện với người nào cả. Và thực tế cũng coi như họ chưa gọi cho ai. Họ tự tạo ra ảo tưởng rằng mình đã hoàn thành một việc mà họ không hề làm.

3. Không kể hết sự thật. Một trong những lý do chính khiến người ta không trung thực là họ không muốn bị đánh giá là tệ hại hoặc xấu xa. Che giấu sự thật cũng là không trung thực. Tôi không có ý khuyên bạn nên phơi bày những điều xấu xa trước tất cả những người mà bạn gặp. Bạn phải vận dụng trí tuệ. Nhưng nếu bạn giữ lại thông tin nhằm thoát khỏi hậu quả thì bạn đã không trung thực rồi, cũng y như bạn nói dối vậy.

4. Giả vờ không biết. Trong công việc hay trong hôn nhân, bạn thường bỏ qua những điều gì? Các vấn đề vẫn đó, nhưng bạn hành động như thể chúng không tồn tại. Trung thực với chính mình cũng quan trọng như trung thực với người khác. Không phải bạn đang tự lừa dối mình, mà bạn đang cản trở bước tiến bộ của chính mình bằng những điều mà bạn biết không phải là sự thật, ngay cả khi chỉ mình bạn biết điều đó. Bạn biết rằng mình biết, vậy tại sao bạn không nói ra? Đừng cố lừa dối bất cứ ai, nếu bạn không muốn bị người khác lừa bạn.

CTV: Uyên Phương.


Bình luận