NHỮNG KỸ THUẬT CHUNG ĐỂ TRUYỀN CẢM HỨNG TƯ DUY VÀ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO

05:10, 21/04/2022 189
NHỮNG KỸ THUẬT CHUNG ĐỂ TRUYỀN CẢM HỨNG TƯ DUY VÀ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO

NHỮNG KỸ THUẬT CHUNG ĐỂ TRUYỀN CẢM HỨNG TƯ DUY VÀ Ý TƯỞNG SÁNG TẠO

Tác giả: Shozo Hibino

Trích: Tư Duy Đột Phá; Lâm Nguyễn Lan Chi - Nguyễn Thảo Nguyên dịch; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh.

---o0o---

Sáng tạo vẫn còn là một phạm trù bí ẩn nếu xét về phương diện quy trình chính xác mà người ta tạo ra ý tưởng mới. Tuy vậy, đã có một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi về nguồn gốc hình thành sự sáng tạo và cách thức hoạt động của nó, đó là khái niệm “liên kết hai chiều”. Thuyết này cho rằng tất cả ý tưởng và sự đột phá được sinh ra trong não bộ khi hai suy nghĩ, hai mô hình, hai hình ảnh, hai nhận thức, hay hai phát biểu bất kỳ bị tâm trí buộc giao thoa với nhau.

Ví dụ, bằng cách đặt một câu hỏi, bạn có thể buộc tâm trí mình phải nghĩ đến sự giao thoa giữa mục đích trọng tâm của bạn với bất cứ từ ngữ kích não nào. Chẳng hạn như, với từ “bậc thang”, bạn có thể hỏi “Làm thế nào có thể đạt được mục đích trọng tâm của chúng ta một cách lý tưởng bằng cách dùng một bậc thang?”. Bạn có thể chọn bất cứ từ ngữ ngẫu nhiên nào để liên tục đặt ra câu hỏi cơ bản đó – ví dụ: gạch, sư tử, ngựa vằn, lò nướng bánh, tàu vũ trụ, vv... - để “châm ngòi” cho ý tưởng mới. Mặc dù nghe có vẻ lạ, nhưng bằng cách nào đó, sự giao nhau chẳng theo logic như thế này lại kích thích tâm trí hướng đến hình thành những ý tưởng mới. Thật vậy, một câu hỏi có thể được lặp lại nhiều lần với nhiều người khác nhau và bạn sẽ nhận được những câu trả lời khác nhau.

Không ai hiểu nổi làm thế nào bộ não làm được điều này, nhưng thuyết liên kết hai chiều đã trở thành nền tảng cho nhiều kỹ thuật sáng tạo được sử dụng để kích thích nghĩ ra ý tưởng mới. Có hàng chục kỹ thuật khai thác sức mạnh của liên kết hai chiều để giúp con người đẩy những kết nối trong tâm trí của họ và tạo ra ý tưởng. Các kỹ thuật sáng tạo gồm có:

Sự tương đồng và ẩn dụ - Trong kỹ thuật này, bạn tìm ra ý tưởng mới bằng cách yêu cầu mọi người suy nghĩ về mục đích của họ theo kiểu như những phép ẩn dụ hay tương đồng. Mục đích của việc suy nghĩ ép buộc này là đặt mục đích trọng tâm và sự tương đồng, hay phép ẩn dụ vào cạnh nhau như là cơ sở để tạo ra một kết nối mới. Ví dụ, bạn có thể hỏi “Làm thế nào để hệ thống của chúng ta vận hành lý tưởng nếu nó hoạt động giống như các hệ thống của tàu không gian trong bộ phim Star Trek (hoặc một chiếc xe đạp mười số, một mạng nhện, vv...)?”. Một số chuyên gia sáng tạo còn cố gắng thúc đẩy các kết nối này bằng cách đi lang thang qua công viên, đến thăm viện bảo tàng, cửa hàng, hoặc đọc thơ, sách nghệ thuật, báo thể thao, xem các vở kịch và tạp chí thời trang để xem liệu có nảy sinh sự tương đồng này phép ẩn dụ nào có thể dẫn đến ý tưởng mới chăng. Dù làm gì đi nữa, mục đích là để cho tâm trí của bạn được đặt trước những từ ngữ khác và ý tưởng khác để có thể châm ngòi các kết nối.

So sánh - Kỹ thuật này sử dụng những ý tưởng và giải pháp từ lung lĩnh vực hoàn toàn khác để châm ngòi cho ý tưởng sáng tạo phục vụ cho mục đích của bạn. Cách làm là bạn chọn một lĩnh vực có thể có mục đích tương tự, sau đó áp dụng chúng vào hệ thống của bạn. “Làm thế nào để đạt được mục đích đăng ký chủ trì của chúng ta một cách lý tưởng nếu chúng ta có thể áp dụng các hệ thống mà công ty UPS dùng để theo dõi các kiện hàng vận chuyển của họ?”.

Nguyên tắc - Gần như mọi phạm trù trên cõi đời này đều có một bộ nguyên tắc trong đó mô tả những điều kiện mong muốn và những giải pháp lý tưởng cho các thành phần khác nhau của hệ thống thuộc phạm trù đó. Chẳng hạn như, khi thiết kế một nhà bếp thì bạn cần xem xét kế hoạch mặt bằng bố trí, cấu trúc, phòng chống tai nạn, bồn rửa, v.v... Trong kỹ thuật sáng tạo này, bạn sẽ đặt những nguyên tắc thiết kế nhà bếp bên cạnh mục đích của bạn xem chúng có thể giao thoa thế nào. Việc này có thể tạo ra những câu hỏi như “Kế hoạch mặt bằng cho nhà bếp mới của bạn sẽ trông như thế nào? Bồn rửa phải ra sao? Ta sẽ cần kiểu tổ chức ý tưởng không gian đó dùng nhà bếp nào?.

Liên kết tự do – Thế nào thì bạn cũng đã từng nghe nói về liên kết tự do, kỹ thuật dựa trên liên kết hai chiều này cho rằng bất kỳ ý nghĩ, vật thể hay tầm nhìn về viễn cảnh nào cũng có thể giao thoa với ý nghĩ khác, mục đích khác như là một mầm mống tạo ra ý tưởng mới. Liên kết tự do thường được thực hiện một cách thoải mái, chỉ đơn giản bằng cách suy nghĩ một cách phóng khoáng về thật nhiều ý tưởng sử dụng những từ ngữ ngẫu nhiên trong một quyển từ điển, hay vẽ hình ra giấy để kích hoạt một chuỗi các kết nối trong tâm trí. Cứ thỏa sức tưởng tượng viển vông về những câu trả lời “hoàn hảo” cũng là cách tốt để giải phóng các liên kết, chẳng hạn như mơ mộng về một giải pháp mà thời gian bằng không, hay làm hài lòng khách hàng 100%. Bạn cũng có thể sử dụng những bản báo cáo hay dự đoán chính thống của những người chuyên về lĩnh vực tương lai để từ đó kích thích sự giao thoa giữa một ý tưởng mang tính tương lai với mục đích của bạn. Ví dụ, làm thế nào để tỷ lệ giảm dần số ước tính có thể dẫn tới đạt mục đích X của chúng ta một cách lý tưởng?

Cảm hứng dựa trên công nghệ và khoa học viễn tưởng - Kỹ thuật này liên quan đến việc áp dụng những công nghệ trong tương lai, thậm chí những ý tưởng khoa học viễn tưởng, như là một sự vay mượn trong tâm trí để giao thoa với mục đích của bạn. Hãy đóng vai một nhà văn thuộc thể loại khoa học viễn tưởng được giao công việc viết về cách lý tưởng để đạt được mục đích của bạn. Nếu công nghệ sinh học có thể thay đổi cấu trúc phân tử của một loại vật liệu bạn đang xử lý thì sao nhỉ? Nếu bạn có thể đặt một con chíp vi tính vào trong sản phẩm của bạn thì sao, nó sẽ hoạt động thế nào? Nếu bạn có thể cho đóng băng sản phẩm của mình trong mười năm thì sao? Hay hệ thống của chúng ta sẽ hoạt động thế nào trong môi trường trạm không gian vũ trụ, trên mặt trăng, hay trên sao Hỏa?

Kỹ thuật này sẽ kích thích bạn phải theo sát tất cả các nghiên cứu mới nhất trong cả lĩnh vực vật lý lẫn xã hội (bao gồm khoa học viễn tưởng). Tất cả những kết quả này đều có thể được xem là lĩnh vực “công nghệ”. Mỗi một ý tưởng trong những công trình đó sẽ được dùng như một câu hỏi để bạn xem xét các mục đích trọng tâm và mục đích lớn hơn của mình - “Một con người - máy tính thì hoạt động thế nào?”, “Làm thế nào để một chương trình huấn luyện rủi ro danh tiếng có thể triển khai được cho ngân hàng này?”, “Kỷ nguyên của cách tiếp cận quản lý trừu tượng - thể hiện này có thể giúp gì cho việc đạt mục đích của chúng ta?”.

Hình tượng - Kỹ thuật sáng tạo này sử dụng một trong những tiêu chí đánh giá mục đích (MPAs) mà bạn đã xác định trong giai đoạn Khai triển Mục đích để mường tượng xem giải pháp đó sẽ trông như thế nào một khi nó đã hoàn toàn đạt được - “Một nút giao các con đường trông sẽ thế nào nếu tiêu chí đánh giá mục đích của bạn là số vụ tai nạn giao thông bằng không?”, “Hệ thống xử lý đơn hàng nào sẽ sử dụng hết 100% của từng loại nguồn lực (nhân công, giấy tờ, thời gian chạy máy tính, v.v...)?”. Sau đó, lần lượt làm tương tự như vậy với mỏi MPAs của bạn. Chính các giải pháp mà bạn mường tượng ra hay các tiêu chí của mục đích sẽ giúp kích thích ý tưởng cho việc vươn tới tương lai lý tưởng.

Soạn kịch bản - Đây là kỹ thuật giúp sáng tác ra những câu chuyện hay tường thuật về một sự kiện, một sự việc trong tương lai. Chỉ cần suy nghĩ về quy trình của mình trong khi bạn vẽ nên một câu chuyện hay để kể với mọi người và minh họa cho những ý tưởng của mình. Kỹ thuật này có thể áp dụng với ba cấp độ kịch bản: đầu tiên là mô tả tương lai đã được cài đặt giải pháp lý tưởng thứ hai là mô tả Giải pháp Tương lai đã cài đặt; thứ ba là mô tả những hành động cần thiết để hiện thực hóa kịch bản thứ hai. Công cụ công nghệ và khoa học viễn tưởng vừa nêu ở trên cũng có thể giúp ích trong kỹ thuật này.

Giả vờ - Hữu ích cho các vấn đề cá nhân hay vấn đề gia đình, công cụ sáng tạo này kết hợp các kỹ thuật kịch bản, hình tượng liên kết tự do và công nghệ viễn tưởng. Mục tiêu là bạn phải giả vờ cứ như những trở ngại mà bạn tin rằng có thật đều không còn đúng nữa - “Bạn sẽ đạt mục đích như thế nào nếu trúng số Mega Ball và nhờ vậy có đủ tiền để giải phóng bản thân khỏi tất cả gánh nặng và có thể thoải mái đi đâu cũng được trong vòng mười năm?”, “Bạn sẽ đạt các mục đích xã hội và từ thiện của mình như thế nào nếu bạn được quảng cáo miễn phí trên các kênh truyền hình?”. Cứ làm bộ rằng bất cứ giới hạn hay trở ngại nào mà bạn có trước đó cũng đều biến mất hết.

Tình huống lịch sử hay tiểu sử danh nhân - Phương pháp lịch sử này dựa trên việc suy nghĩ về một sự kiện đã qua và có một kết quả vượt trội, phi thường, và để cho sự kiện đó giao thoa với mục đích trọng tâm của bạn để tạo ra những ý tưởng mới. Phương pháp tiểu sử danh nhân khơi gợi cho bạn nghĩ về một nhân vật lỗi lạc và xuất chúng cụ thể nào đó mà bạn biết và hiểu được tính cách riêng của họ, sau đó tự hỏi bản thân “Kiểu giải pháp vượt trội nào mà ông ấy hay bà ấy (như Winston Churchill, Bill Gates, Steve Jobs,...) sẽ xây dựng để đạt được mục đích này?”. Đặt mình vào tình huống lịch sử hay vào vị trí của danh nhân đó để xem vấn đề có thể được giải quyết như thế nào.

Kịch bản về tình huống xấu nhất - Phương pháp này sẽ sử dụng mọi ý tưởng và ràng buộc tiêu cực mà bạn từng nghĩ đến trong đời. Thay vì xem chúng là rào cản cho giải pháp, bạn sẽ ý thức và nỗ lực để xây dựng kịch bản về trường hợp xấu nhất, từ đó xác định xem thật ra có những vấn đề hay trở ngại nào có thể phát sinh nếu hệ thống mới đã được cài đặt. Sau đó, bạn tiếp tục suy nghĩ đến cách xử lý những điểm trái ngược và rào cản này, mơ mộng viển vông về cách làm thế nào để loại bỏ chúng. Kịch bản xấu nhất sẽ kích thích câu hỏi “Một hệ thống lý tưởng nên được xây dựng thế nào để vượt qua được những hạn chế hay kết quả tiêu cực này?”, “Nếu chuyện không tưởng tượng nổi này xảy ra thật và chúng ta có thể loại bỏ được nó thì sao nhỉ?”.

Trợ giúp bổ sung - Nhiều kỹ thuật kể trên có thể được tăng cường nhờ những công cụ hỗ trợ trực quan. Ví dụ, bạn có thể dùng flash card, poster, đĩa CD với các tác phẩm minh họa để truyền cảm hứng tạo ý tưởng và đặt các hình ảnh đó bên cạnh các mục đích của bạn. Sử dụng các công cụ tìm kiếm và các bài viết blog trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết chung hay về kỹ thuật (như phát triển bền vững, các công cụ tài chính, công nghệ thông tin, hình ảnh não bộ,...) có thể cung cấp nhiều ý nghĩ, ý tưởng, bản đồ tư duy và nhận thức để đóng vai trò như là những động cơ kích thích ý tưởng.

CTV: Trịnh Thiện


Bình luận