THỜI THƠ ẤU Ở YASNAYA POLYANA VÀ NHỮNG HỒI ỨC VỀ MẸ

05:00, 22/06/2022 232
THỜI THƠ ẤU Ở YASNAYA POLYANA VÀ NHỮNG HỒI ỨC VỀ MẸ

THỜI THƠ ẤU Ở YASNAYA POLYANA

VÀ NHỮNG HỒI ỨC VỀ MẸ

Biên soạn: Rasmus Hoài Nam

Trích: Lev Tolstoy – Nhà Văn Hiện Thực Thiên Tài; NXB Thanh Niên, Tân Việt book.

---o0o---

Thế kỉ XIX, trên bầu trời văn học Nga xuất hiện một ngôi sao sáng. Đó chính là tiểu thuyết gia Lev Nikolayevich Tolstoy, ông không những là một nghệ sĩ hiện thực thiên tài mà còn là một con người vĩ đại trong lịch sử nhân loại.

Lev Nikolayevich Tolstoy sinh ngày 28 tháng 8 năm 1828 (tức ngày 9 tháng 9 theo lịch Quốc tế, trong một gia đình dòng dõi quý tộc lâu đời, ở điền trang Yasnaya Polyana gần tỉnh Tula.

Mặc dù là bá tước quý tộc nhưng ông có một tuổi thơ đầy biến cố. Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ mất khi ông chưa đầy hai tuổi. Cho đến mãi sau này, khi đã trở thành một nhà văn, dù có hình dung lại, Lev Tolstoy vẫn không thể nào tưởng tượng nổi gương mặt người mẹ yêu dấu của mình. Bảy năm sau (tức là vào năm 1837), cha ông  lại đột ngột qua đời. Kể từ đó, một người cô và sau đó là vợ chồng người chú trong họ tộc đã nuôi dưỡng mấy anh em ông cho đến khi trưởng thành.

Gia đình Tolstoy có năm người con, bốn trai và một gái, Lev Tolstoy là con thứ tư trong gia đình. Họ sống trong ngôi nhà lớn, có nhiều phòng với những chiếc cột hình tròn hai người ôm không xuể. Ngôi nhà nằm giữa trang viên mênh mông ở Yasnaya Polyana. Lev Tolstoy cũng như mọi người trong gia đình sống rất giản dị: anh em Tolstoy thường nằm ổ rơm, đắp chăn vải, không có ga trải giường... Những năm tháng tuổi thơ ấy đã hun đúc lên tinh thần cho Lev Tolstoy để rồi sau này ông trở thành người con vĩ đại của nước Nga.

Lev Tolstoy rất yêu thích trang viên rộng hơn 100 hecta ấy với cánh rừng già, cây cối và vườn táo rộng hơn 67 hecta. Chính Lev Tolstoy đã tự tay trồng những khoảng rừng quanh nhà mà vợ ông chính là người trợ giúp đắc lực. Ông nhớ đến cái chuông đồng lớn treo trên cây du già gần nhà, mỗi lần nó ngân vang như để mời gọi mọi người về dùng bữa. Ngày nay cái chuông đồng ấy vẫn còn nhưng nó đã bị vẹo một bên, vỏ cây du bao bọc lấy nó khiến du khách liên tưởng như cây cối đang tự che vết thương của chính mình.

Quang cảnh Yasnaya Polyana đã thay đổi rất nhiều. Trước kia, bao quanh Yasnaya Polyana là những khu rừng rậm rạp. Bìa rừng được bảo vệ như một thành chống lại người Tatar. Nay người ta đốn cây dở dang để lại gốc cao quá đầu người. Những gốc cây đó đổ nghiêng về nhiều hướng và mọc lên những nhánh ngoằn ngoèo. Cây phúc bồn tử, cây hồ đào mọc đan xen với những cây khác đổ ra bốn phía tạo nên những thành luỹ xanh rì, chằng chịt mà người ta gọi là luỹ rừng. Những luỹ rừng rộng một chiều mười, một chiều 15 ki-lô-mét bao quanh những quãng rừng thưa. Ở khu rừng thưa, người ta đào hố trồng cỏ dại. Phía sau luỹ rừng là làng mạc của nông dân và tiểu chủ quý tộc. Mọi sự xâm phạm vào luỹ rừng đều bị nghiêm cấm, kể cả việc nhặt một cành củi khô. Đội gác rừng cũng canh giữ ở đây. Trông xa, những luỹ rừng như một dải lụa xanh ngăn giữa Yasnaya Polyana và các con sông. Thành đá của tỉnh Tula đứng trên bờ sông Upa, Upa chảy vào Oka, sau dải sông Oka thơ mộng là tỉnh Serpukhov. Những luỹ rừng từ đó không còn vì nó được bán đi và người mua nó đã cải tạo thành các trang trại.

Toàn cảnh Yasnaya Polyana là một khu vườn lớn và rừng cây xanh tốt, sum sê bao quanh. Chủ nhân của nó sống trong ngôi nhà rộng nhưng đã cũ kĩ, tài sản quý nhất là sách được đặt trong tủ gỗ phong rẻ tiền. Ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng già ngút ngàn. Nơi đây có một con đường chạy qua đi về phía Nam nước Nga. Bao nhiêu đoàn quân đã để lại dấu chân ở nơi này để đi tiếp về con đường xa thẳm. Lev Tolstoy cũng muốn đi theo tiếng bước chân rầm rập của những đoàn quân nhưng Yasnaya Polyana còn níu kéo ông, khiến ông chưa thể ra đi.

Sự thiếu vắng tình thương yêu của mẹ ngay từ khi còn quá nhỏ không làm Lev Tolstoy vơi đi tình cảm đối với người mẹ thân yêu. Trong tiềm thức của ông, mẹ lúc nào cũng hiện lên với những cử chỉ âu yếm vỗ về nhưng không cụ thể rõ ràng mà như một vầng hào quang toả sáng khắp mọi nẻo đường ông qua. Năm 1903, khi đã là một nhà văn, Lev Tolstoy xúc động viết những dòng hồi ức về thời thơ ấu tràn đầy hạnh phúc: “Không chỉ có mẹ tôi, mà tôi còn thấy tất cả những nhân vật vây quanh thời thơ ấu của tôi - từ cha tôi cho đến những người đánh xe - đều là những người rất tốt. Có lẽ, tâm hồn thơ trẻ trong sáng của tôi như một tia nắng rực rỡ đã soi cho tôi thấy phẩm chất tốt đẹp nhất của những người xung quanh (lúc nào họ cũng có mặt) và tôi cảm thấy mọi người đều tốt, đều thật hơn là khi tôi nhìn thấy khuyết điểm của họ... “Càng ngược xa về dĩ vãng bao nhiêu tôi càng do dự bấy nhiêu, không biết nên viết hồi ức như thế nào. Tôi không thể miêu tả các sự kiện và các trạng thái tâm hồn một cách mạch lạc, vì tôi không nhớ mối liên hệ và trình tự của các trạng thái tâm hồn”.

Ngay từ khi còn nhỏ Lev Tolstoy đã bộc lộ là một cậu bé giàu tình cảm và có trí tưởng tượng rất phong phú. Ông thường cùng các anh chơi trò “anh em nhà kiến” và cùng các anh của mình mơ ước có một ngày sẽ đến được ngọn núi mọi người không nhìn thấy mà “ở đây người ta sống không quy luỵ, thẳng thắn, tự nhiên và cửa không bao giờ khoá".

Điều đó có nghĩa là trong tâm hồn thơ trẻ của mấy anh em chưa hề vướng bận một chút bụi bặm của cuộc đời, họ cùng mơ ước được vươn tới một chân trời chính trực nhưng tràn đầy tình thương yêu và lòng bác ái. Ngọn núi mơ ước đó nằm ở đâu, không một ai biết được. Trong trí tưởng tượng phong phú của anh em nhà Tolstoy thì có khi nó nằm ở sau cánh đồng lúa mạch vàng óng trải dài đến tận chân trời kia, có khi nó lại ở xa đến nỗi không thể nào nhìn thấy được. Chỉ biết rằng, nếu tất cả mọi người cùng đoàn kết, thương yêu nhau và cứ thể đi mãi, đi mãi thì cuối cùng cũng sẽ đến nơi. Lúc ấy Lev Tolstoy còn rất nhỏ. Ông không ngờ rằng sau này suốt cuộc đời mình, ông vẫn cố đi tìm cho bằng được con đường để đi đến một nơi có cuộc sống như ở ngọn núi tưởng tượng mà lúc tuổi thơ ông và các anh đã từng mơ ước.

Trong ngôi nhà của gia đình Tolstoy, cuộc sống trôi qua rất đỗi êm đềm. Anh em Tolstoy thường kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích đầy màu sắc li kì. Mấy anh em còn được nghe lão bộc trong gia đình kể chuyện. Cái giọng nói trầm trầm của lão bộc đặc biệt sôi nổi hơn khi kể về vị đại tướng già, ông ngoại của mấy anh em Tolstoy. Theo lời lão, ông ngoại của mấy anh em là một người nghiêm khắc, quy củ nhưng cũng không kém vẻ hóm hỉnh. Ông chăm sóc điền trang của mình một cách tỉ mỉ, cẩn thận, đánh vườn thành từng luống trước cửa nhà để trồng trọt các loại cây mà ông yêu thích. Nhờ công chăm sóc của ông mà cây du treo chiếc chuông đồng gần nhà có thân to hơn ba sải tay người ôm. Ông đặc biệt thích cây du ấy nên cho kê bộ bàn ghế dài để ngồi viết dưới gốc cây, xung quanh ông cho trồng những rặng bồ đề xanh mát. Dưới gốc cây này, mỗi buổi sáng vị công tước cùng với cô con gái thường thưởng thức những bản nhạc hay và nổi tiếng. Lão bộc già đặc biệt tự hào vì mình cũng là một thành viên trong dàn nhạc gồm tám người của gia đình Tolstoy. Sau những giây phút vui vẻ chào đón ngày mới đầy lãng mạn đó, các nhạc công tản đi mỗi người một việc, ai cũng có phận sự của mình: người thì đan bít tất, người thì ra vườn, người thì chăn gia súc...

Đêm đã về khuya, nhìn qua khung cửa sổ không còn thấy ánh sáng yếu ớt của các vì sao trên trời mà chỉ thấy ánh nến phản chiếu lung linh. Các anh lớn của Lev Tolstoy lúc nãy nằm nghe chuyện của lão bộc già, giờ đã ngủ từ lâu. Khi thấy lũ trẻ đã ngủ say, lão bộc già mới nhẹ nhàng tắt nến và rón rén bước ra khỏi phòng.

Mỗi buổi sáng, khi đi dạo, các anh lớn lại kể cho lũ em nghe về những câu chuyện nghe được đêm qua. Mọi chuyện qua đầu óc lũ trẻ đều trở nên khó hiểu và chúng lơ mơ biết rằng, ai cũng có một công việc, một niềm vui, nỗi buồn riêng. Và từ đó chúng mơ đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, thú vị hơn cuộc sống đang đều đều diễn ra quanh chúng mỗi ngày. Tuổi thơ của Lev Tolstoy cùng các anh và em gái đã trôi qua ở điền trang của gia đình như vậy đó.

CTV: Minh Hoàng


Bình luận