TÔI CAY NGHIỆT VỚI NGƯỜI KHÁC VÀ CẢ BẢN THÂN

05:00, 19/10/2022 103
TÔI CAY NGHIỆT VỚI NGƯỜI KHÁC VÀ CẢ BẢN THÂN

TÔI CAY NGHIỆT VỚI NGƯỜI KHÁC VÀ CẢ BẢN THÂN

Tác giả: Brené Brown

Trích: Sự Liều Lĩnh Vĩ Đại; NXB Khoa Học Xã Hội.

Cũng giống như người cha trong câu chuyện về cậu con trai nghệ sĩ hay vị huấn luyện viên đã cho các cầu thủ của mình cảm giác không mấy dễ chịu, phụ nữ cũng có thể rất khó chịu khi nói về những người phụ nữ khác. Chúng ta cay nghiệt với người khác bởi chúng ta cũng cay nghiệt với chính bản thân mình. Đó chính là cách thức vận hành của phán xét. Tìm một ai đó để nói xấu, phán xét hoặc chỉ trích đã trở thành một cách để thoát khỏi mạng lưới hoặc để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cái hộp của chính chúng ta. Nếu họ không giỏi hơn tôi về một khía cạnh nào đó, thì tôi nghĩ khả năng sống sót của tôi sẽ cao hơn.

Steve và tôi từng gặp một người làm nghề cứu hộ kiêm huấn luyện viên bơi lội. Nguyên tắc quan trọng trong cứu hộ đó là sử dụng bất cứ phương tiện nào có thể để cứu người trước khi phải tự mình nhảy xuống và cố kéo ai đó lên khỏi mặt nước. Ngay cả khi bạn là người bơi rất giỏi và người bạn đang muốn cứu chỉ nhỏ con bằng nửa bạn, thì những người trong cơn tuyệt vọng cũng làm mọi cách để cứu bản thân, bao gồm cả việc nhấn chìm bạn xuống, trong nỗ lực sống sót. Điều tương tự cũng đúng với phụ nữ và mạng lưới hổ thẹn. Chúng ta quá tuyệt vọng để thoát khỏi và tránh xa hổ thẹn đến mức chúng ta thường xuyên khiến những người xung quanh mình trở nên tuyệt vọng hơn.

Điều nực cười (và có lẽ là tự nhiên) đó là nghiên cứu cho chúng ta biết rằng chúng ta phán xét người khác ở những lĩnh vực mà chúng ta bị tổn thương dẫn tới hổ thẹn, đặc biệt là ta sẽ chọn những người kém cỏi hơn để tấn công. Nếu cảm thấy khả năng dạy dỗ con cái của tôi đủ tốt, tôi sẽ không có hứng thú đi phê phán lựa chọn của người khác. Nếu tôi cảm thấy hài lòng về cơ thể của mình, tôi sẽ không tốn công đi khắp nơi để chế giễu cân nặng hay vẻ bề ngoài của người khác. Chúng ta cay nghiệt với người khác bởi chúng ta sử dụng họ như bàn đạp để thoát khỏi vũng lầy nhận thức về sự hổ thẹn của bản thân. Điều đó thật đau đớn và vô giá trị, nếu như bạn nhìn vào văn hóa kiêu chảnh của các nữ sinh trong các trường trung học, điều này giống như dịch bệnh. Chúng ta đã truyền lại nguyên vẹn kỹ thuật sinh tồn này cho con em của mình.

Trong các bài phỏng vấn của tôi với giáo viên, những nhà quản lý giáo dục, tôi phát hiện ra hai hình mẫu nổi lên trực tiếp phản ánh vấn đề này. Hình mẫu đầu tiên liên quan đến thể chất và chuẩn mực, đó là những bậc cha mẹ thường tham gia vào các hành vi lộng quyền hoặc ham thích vị trí cao bằng cách hạ thấp người khác thì con em họ cũng thường có hành vi tương tự. Khi đề cập tới các nữ sinh trung học, một câu hỏi thường xuyên nổi lên trong các cuộc phỏng vấn là “Phụ huynh của các em không thất vọng vì hành vi ứng xử của con gái mình; họ tự hào vì chúng nổi tiếng.” Một giám thị so sánh hành vi này với câu hỏi mà các ông bố thường hỏi khi nghe tin con trai mình đánh lộn, “Ít nhất thì nó cũng thắng chứ?”

Một hình mẫu khác, chỉ xuất hiện trong vài năm gần đây, đó là độ tuổi của trẻ khi chuyện này bắt đầu xảy ra. Khi tôi bắt đầu công việc này, bắt nạt không phải là một đề tài nóng hổi, nhưng là một nhà nghiên cứu về sự hổ thẹn, tôi đã lường trước rằng xu hướng này sẽ phát triển. Trên thực tế, tôi đã viết một bài báo bình luận về vấn đề bắt nạt và chương trình truyền hình thực tế cho Houston Chronicle trong hơn 10 năm qua. Thời ấy, sự tập trung của tôi hướng vào độ tuổi thành niên bởi dữ liệu cho thấy tuổi dậy thì là độ tuổi bắt đầu có những hành vi này. Trong vài năm trở lại đây, tôi được nghe kể về những cô bé, cậu bé mới bước vào trường cấp hai cũng đã có những hành vi này.

Làm sao chúng ta có thể xóa bỏ những kiểu hành xử tệ hại này? Có lẽ bằng việc quyết định (và chứng minh cho lũ trẻ) rằng việc hạ thấp người khác, những người cũng có những rắc rối nhưchúng ta không phải là một giải pháp để thoát khỏi sự hổ thẹn. Ví dụ, nếu chúng ta đang trong một cửa hàng tạp hóa, và khi đẩy xe hàng ngang qua một bà mẹ có đứa con đang gào thét lăn lộn dưới đất, ném đầy kẹo xuống sàn, chứng kiến cảnh này chúng ta có một lựa chọn. Hoặc chúng ta chọn cách lợi dụng hoàn cảnh ấy để tỏ ra rằng mình giỏi hơn bà mẹ đó, rằng bà ta đang vướng phải cái mạng nhện mà chúng ta không bao giờ sa vào, chúng ta đảo mắt thể hiện thái độ không hài lòng và đi tiếp. Hoặc trao cho bà mẹ đó một nụ cười để thể hiện rõ ràng ý kiến “chị không cô đơn – tôi cũng từng rơi vào cảnh này”, bởi chúng ta biết tâm trạng của người mẹ đó. Sự cảm thông đòi hỏi một chút tổn thương, và chúng ta có nguy cơ nhận lại ánh mắt “đừng có chõ mũi vào việc của người khác”, nhưng điều đó đáng làm. Nó không chỉ nới lỏng cái mạng lưới của người mẹ đó mà còn nới lỏng cả mạng lưới mà chính chúng ta sẽ sa vào trong lần tới, khi dưới sàn vương vãi những viên kẹo và đứa trẻ chính là con cái của chúng ta – tôi dám cược với bạn là sẽ có lúc như thế.

Điều khiến tôi hy vọng về việc chúng ta sẵn lòng đưa tay hỗ trợ lẫn nhau đó là ngày càng có nhiều người, cả đàn ông và phụ nữ mà tôi gặp sẵn lòng đón nhận nguy cơ bị tổn thương và chia sẻ những câu chuyện thích ứng với sự hổ thẹn của họ. Tôi thấy điều này trong những chương trình tư vấn chính thức và không chính thức, từ những người bình thường đang viết blog và chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với mọi người. Tôi thấy điều này trong các trường học và chương trình, không chỉ ngày càng không khoan nhượng với những học sinh bắt nạt người khác, mà còn đưa giáo viên, các nhà quản lý và phụ huynh ra nhận lấy trách nhiệm của mình trong những hành vi này. Người lớn được yêu cầu trở thành hình mẫu của sự Toàn Tâm, thứ mà họ rất muốn nhìn thấy ở con cái của mình.

Có một sự chuyển biến lặng lẽ đang diễn ra từ “quay lưng lại với người khác” sang “quay mặt lại với nhau”. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chuyển đổi ấy cần đến sự thích ứng với hổ thẹn. Nếu chúng ta sẵn lòng liều lĩnh vĩ đại và mạo hiểm sự tổn thương của mình với người khác, lòng tự tôn sẽ có đủ sức mạnh giải phóng chúng ta.

CTV:Minh Hoàng


Bình luận