THẾ GIỚI RỘNG LỚN HƠN

15:01, 18/10/2022 108
THẾ GIỚI RỘNG LỚN HƠN

THẾ GIỚI RỘNG LỚN HƠN

Tác giả: Roberta Edwards - Stephen Marchesi

Trích: Neil Armstrong là ai?; Linh Chi dịch; NXB Dân Trí.

--o0o---

Neil chỉ mới tròn 17 tuổi khi vào đại học. Đây là lần đầu tiên anh sống xa nhà. Anh có điểm số khá ổn, cũng giống hồi trung học. Nhưng anh không tập trung vào việc học, và các lớp khoa học rất khó. Anh miêu tả năm nhất của mình là “gần như quay cuồng”.

Sau hai năm học ở Purdue là ba năm trong Hải quân. Đây là thời điểm Neil Armstrong trở thành phi công. Anh đóng quân ở Pensacola, Florida và học lái máy bay chiến đấu một-động-cơ loại nhỏ.

Ở Pensacola, khóa huấn luyện bắt đầu với 20 chuyến bay ngắn gọi là “nhảy cóc”. Người hướng dẫn ngồi phía trước. Neil ngồi sau và điều khiển máy bay mặc dù ngồi ghế sau rất khó quan sát. Người ta chấm điểm cho mỗi chuyến bay. Sau đó Neil được bay một mình. Anh cũng được học các khóa về kỹ thuật hàng không giống như hồi ở Purdue.

Neil tốt nghiệp và được nhận huy hiệu “đôi cánh” từ trường huấn luyện bay vào tháng 8 năm 1950. Giờ anh đã là một phi công Hải quân có bằng lái. Anh vẫn còn hai năm học ở Purdue. Tuy nhiên, Neil đã không quay lại đại học như dự định.

Tại sao vậy?

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, đó là cuộc chiến kéo dài ba năm. Nó đã khiến Neil Armstrong phiêu bạt nửa vòng Trái đất.

Ở Triều Tiên, Neil Armstrong thuộc Phí Đoàn Chiến Đấu 51. Anh là một trong những phi công trẻ nhất. Phi đoàn chuyên lái những chiếc máy bay phản lực cất cánh từ tàu sân bay khổng lồ USS Essex. Nhiệm vụ của Neil là thả bom các cây cầu và tuyến đường sắt của địch, hoặc trinh sát để các máy bay khác sau đó tần công. Để thực hiện nhiệm vụ này, máy bay của Neil phải bay rất thấp. Trong chiến tranh Triều Tiên, Neil đã thực hiện 78 chuyến bay. Đây là công việc nguy hiểm và căng thẳng. Nhung Neil Armstrong không bao giờ mất bình tĩnh.

Trong một lần, Neil đang lái chiếc Con Báo (Panther) để rải bom tầm thấp trên một khu đồi Triều Tiên thì bất ngờ máy bay của anh bị bắn hạ. Neil mất lái và chiếc máy bay mất độ cao, lao xuống mặt đất. Ở độ cao 152,4 m, một phần của cánh phải máy bay bị một sợi cáp chăng ngang thung lũng (một loại bẫy thô sơ) xén đứt. May mắn thay, Neil lấy lại kiểm soát và bay về được khu vực an toàn. Nhưng máy bay bị hư hỏng nghiêm trọng không thể hạ cánh được. Neil bắt buộc phải bỏ lại máy bay. Chiếc dù lụa bung ra và anh đáp xuống an toàn trên một cánh đồng lúa. Hai ngày sau, anh trở lại tàu sân bay. Ngoại trừ một chiếc xương cụt bị gãy, Neil không hề hấn gì.

Gần 34.000 binh lính Mỹ đã tử trận trong chiến tranh Triều Tiên, nhưng Neil Armstrong trở về nhà với vô số huân chương. Giờ là lúc hoàn thành chương trình đại học và nhận bằng tốt nghiệp.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận