BIẾT ƠN VÀ BÁO ƠN

BIẾT ƠN VÀ BÁO ƠN

BIẾT ƠN VÀ BÁO ƠN

Tác giả: Nguyễn Thế Đăng

Trích: Con người toàn diện hạnh phúc toàn diện; NXB Từ điển Bách khoa.

---o0o---

“Vị này biết ơn, biết báo ơn, hiền hoà dễ sống cùng, thành thật, dịu dàng, không tạp loạn, không kiêu mạn, dễ dàng lĩnh hội ý kiến nói về mình, khéo nắm hiểu ý nghĩa trong lời của người nói.”

Đây là một câu trong hơn mười trang nói về Bồ-tát Đệ tứ địa trong phẩm Thập Địa của Kinh Hoa Nghiêm.

Biết ơn và biết báo ơn. Không ít người trong chúng ta ngạc nhiên khi thấy rằng biết ơn và biết báo ơn, điều ai cũng đã từng học từ tiểu học và những năm đầu trung học, lại phải đến tầng thánh thứ tư trong mười tầng thánh Bồ-tát mới thật sự nhận thức và làm được.

Điều này cũng nói lên rằng trên con đường tự hoàn thiện của con người, biết ơn và biết báo ơn là không thể tránh, và càng lên cao thì đức tính biết ơn, biết báo ơn càng sâu rộng thêm mà thôi. Biết ơn và biết báo ơn là một điều khiến người ta có thể xem đó để đánh giá sự trưởng thành của một con người hay của một xã hội.

Ở đây chúng ta chỉ thảo luận sự biết ơn và biết báo ơn ở mức độ con người bình thường của chúng ta, mặc dù biết rằng biết ơn và biết báo ơn cần phải được triển khai ở mức độ cao hơn và cao hơn nữa cho đến khi trở thành hoàn thiện.

Chúng ta đã học biết ơn và báo ơn từ nhỏ. Thế nhưng tại sao lớn lên hình như chúng ta đã quên nó, đến độ nó không hiện diện trong đời sống chúng ta nữa, nó không còn là động lực sống và mục đích sống của cuộc đời chúng ta nữa. Chúng ta đã không nuôi trồng, trưởng dưỡng (culturer) nó, thế nên chúng ta cũng có ít văn hoá (la culture).

Tại sao chúng ta không biết ơn? Chúng ta không thấy cần biết ơn, báo ơn bởi vì những ý tưởng sai lầm và không thật (vọng tưởng) che lấp cái nhìn của chúng ta. Chúng ta nghĩ sai lầm rằng chúng ta hiện hữu là tự mình, Sinh sống là tự mình, làm việc là tự mình, từ lúc sinh ra cho đến già chết chẳng có nhờ ai cả.

Nhưng sinh ra là nhờ cha mẹ. Được nuôi dưỡng và lớn lên thành người là do gia đình, xã hội và môi trường chung quanh. Chúng ta chẳng thể nào tự mình hiện hữu vào bất cứ lúc nào, từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Tất cả mọi thứ chúng ta có trong lúc này đây đều là từ người khác. Thiếu vài hơi thở vào là chết. Mà không khí thì tùy thuộc vào nhiều thứ, những cánh rừng, sự xả khói của xe cộ, nhà máy, sông, biển... Tất cả những thứ cần ta mà ta đang sử dụng và hưởng thụ đây, đều là do sự làm việc của mọi người trên trái đất, cây viết, cuốn sách, TV, internet, tách trà…

Chúng ta hiện hữu, nghĩa là chúng ta hiện hữu tuỳ thuộc vào tất cả mọi cái khác, mọi người khác, mọi điều kiện khác. Bất kỳ cái gì khác đó biến đổi, xuống cấp thì chúng ta phải biến đổi, xuống cấp theo. Tất cả cái chúng ta có, tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, nếm, ngửi, hiểu biết... đều bắt nguồn từ người khác, từ cái khác, Thậm chí việc biết ơn, báo ơn mà chúng ta đang thảo luận đây cũng chẳng thể nào có được nếu không có những người khác.

Nguyên nhân chính của sự không biết ơn là chúng ta lầm tưởng mình tự hiện hữu, không thấy rằng sự hiện hữu của mình luôn luôn do những cái khác, nhờ những cái khác, nghĩa là chúng ta không thấy sự thật duyên sanh.

Không thấy sự thật duyên sanh nên càng sống chúng ta càng quy mọi sự về mình, tự làm mình là trung tâm của đời sống. Đau đớn thay, đó là một trung tâm biệt lập, tách lìa, và do đó, xung đột với đời sống chung quanh. Càng sống chúng ta càng củng cố cái ta vọng tưởng này. Nó vọng tưởng vì nó nghĩ rằng nó tự hiện hữu, độc lập và cô lập. Đó là thái độ chấp vào cái ta, và do đó, cái của ta, mà đạo Phật gọi là không hiểu biết, vô minh. Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng ta phải tỉnh táo nhận ra thái độ quy ngã này và dần dần thay và duyên sanh. Sống bằng cái thấy duyên sanh là sống một cách khách quan, không mê lầm. Tôi cô độc người ta đối xử không tốt với tôi, cuộc đời bất công với tôi, tôi khổ đau, tôi thất vọng… mọi xúc cảm tiêu cực đều do sự cố chấp không thấy duyên sanh, đều do không có trí huệ nhận ra đời sống là duyên sanh. Đời sống là duyên sanh nên trung tâm của đời sống là ở khắp tất cả.

Điều thứ hai khiến chúng ta không cảm thấy biết ơn là chúng ta không có tình thương. Lòng chúng ta nông cạn và khô khan như một sa mạc.

Tình thương là sự liên kết thực sự giữa người này và người khác, giữa con người và thế giới. Không có tình thương sẽ không có một sự nối kết nào cả, không có một sự thông thương, trao đổi, thông cảm, thông đồng nào cả. Nghĩa là không có sự sống, không có sinh hoạt. Nếu tất cả mọi người, mọi vật đều biệt lập với nhau thì làm sao thực sự có gia đình, xã hội, thế giới? Khi chúng ta biệt lập, xa lạ với mọi người, mọi vật thì đó cũng là lúc chúng ta biệt lập, xa lạ với chính bản thân chúng ta.

Cho nên để có một thế giới hài hoà, một nhóm người chung sống hài hoà, chúng ta phải có tình thương. Chúng ta phải tìm ra và bơm hút mạch nước tình thương lên mỗi ngày, để sống với người này người khác, để sống với thế giới sự vật và máy móc vô hồn càng lúc càng chiếm nhiều chỗ trong thế giới này. Cho đến lúc tình thương là một hiện hữu thực sự và thường trực, một hiện hữu nền tảng cho cuộc sống nảy nở, phát triển, trổ bông, thì lúc đó chúng ta mới thực sự sống trong một thế giới có sự sống. Cho đến khi tình thương bao trùm mọi hiện hữu và chuyển hoá thế giới vô tri vô giác thành hoạt trường của sự sống, khi ấy chúng ta mới biết ý nghĩa và mục đích của đời sống và của chính chúng ta.

Có thể nào những phản ứng của giác quan và ý thức của chúng ta là những phản ứng của tình thương? Đó là đời sống đích thực.

Chúng ta không biết ơn vì chúng ta thiếu trí huệ và tình thương. Khi có trí huệ và tình thương, sức mạnh của chúng cho phép chúng ta đủ sức báo ơn. Trí huệ và tình thương không phải là một vài ý tưởng cao đẹp khi có khi không, mà chúng là những thực tại luôn luôn hiện diện, như là nền tảng của cuộc đời chúng ta. Biết ơn và báo ơn là một phương diện của thực tại trí huệ và tình thương.

Trí huệ và tình thương càng sâu thẳm và bao la thì sự biết ơn và báo ơn càng sâu thẳm và bao la.Và như thế, đời sống chúng ta trở thành sâu thẳm và bao la. Lúc ấy cuộc sống chúng ta là một lời cám ơn bất tận với toàn bộ đời sống. Khi chúng ta biết ơn thế giới thì chúng ta có thế giới và chúng ta là thế giới. Đó là hạnh phúc.

Tóm lại, nhờ trí huệ thấy biết duyên sanh, chúng ta thấy biết đời sống như một toàn thể bất khả phân và nhờ tình thương nối kết được với đời sống như một sự sống muôn ngàn hình trạng, chúng ta có sự biết ơn và báo ơn. Ngược lại, nhờ đi từ sự biết ơn và báo ơn mà chúng ta chứng nghiệm đời sống như một toàn thể, toàn thể của trí huệ và tình thương. Khi biết và sống đời sống như một toàn thể, chúng ta thoát khỏi một cái ta tù túng, nặng nề và lừa dối. Khi ấy biết ơn và báo ơn là một biểu lộ của tự do và niềm vui.

CTV: Công Hiếu


Bình luận