BỐN KHẢ NĂNG CỦA TRÍ TUỆ XÚC CẢM

09:27, 05/10/2021 244
BỐN KHẢ NĂNG CỦA TRÍ TUỆ XÚC CẢM

BỐN KHẢ NĂNG CỦA TRÍ TUỆ XÚC CẢM

JUSTIN BARISO

Trích: Trí Tuệ Cảm Xúc Trong Công Việc; Lương Huỳnh Trọng dịch; NXB Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.

–––––o0o–––––

Để hiểu được ý nghĩa toàn diện của Trí tuệ xúc cảm, tôi sẽ chia chúng ra thành bốn loại khả năng tổng quát.

Tự nhận thức là khả năng phân biệt, thấu hiểu được cảm xúc và tác động của chúng đến bản thân. Điều này nghĩa là bạn nhận ra được cách cảm xúc tác động đến suy nghĩ và hành động (và ngược lại), cũng như cảm xúc đã hỗ trợ hay cản trở bạn tiến đến mục tiêu như thế nào.

Tự nhận thức bao gồm khả năng nhận biết được các khuynh hướng cảm xúc, điểm mạnh và điểm yếu bản thân.

Tự kiểm soát là khả năng quản lý cảm xúc giúp bạn hoàn thành công việc, tiếp cận mục tiêu và mang lại lợi ích. Nó bao gồm cả khả năng tự làm chủ những phản ứng cảm xúc của bản thân.

Bởi vì cảm xúc liên quan đến những cảm nhận tự nhiên rất bản năng và bị tác động bởi các chất hóa học độc đáo trong não bộ, nên bạn không thể lúc nào cũng kiểm soát được chúng. Nhưng bạn có thể kiểm soát được hành vi (hoặc, kiềm chế hành động) dựa theo cảm xúc. Do đó, việc tự kiểm soát cảm xúc sẽ giúp bạn hạn chế nói và làm những điều khiến bạn phải hối tiếc, đặc biệt là trong những trường hợp bị cảm xúc chi phối.

Càng về sau, khả năng tự kiểm soát thậm chí sẽ còn giúp bạn chủ động xác định khuynh hướng cảm xúc của mình.

Nhận thức xã hội là khả năng tiếp nhận chính xác những cảm xúc của người khác và nhận ra cách chúng tác động đến hành động.

Khả năng nhận thức xã hội phát triển dựa trên sự đồng cảm, cho phép bạn nhìn nhận mọi việc từ quan điểm của người khác. Sự đồng cảm sẽ giúp bạn hiểu rõ nhu cầu, ước muốn của người đó, nhờ vậy tạo điều kiện để bạn đáp ứng tốt hơn, nâng cao giá trị tương tác. Khả năng nhận thức xã hội cũng cho bạn cái nhìn tổng quát về người khác và giúp bạn hiểu được vai trò của cảm xúc trong các mối quan hệ.

Quản lý mối quan hệ là khả năng tận dụng tối đa các mối quan hệ của bạn với mọi người.

Nó bao gồm khả năng tạo ảnh hưởng thông qua giao tiếp và hành động. Thay vì cố gắng ép buộc người khác làm gì đó, bạn có thể thấu hiểu và thuyết phục họ tự nguyện hành động.

Khả năng quản lý mối quan hệ cũng liên quan đến việc đem lại giá trị cảm xúc cho người khác. Dần dần, điều này sẽ giúp mối quan hệ giữa bạn và đối phương thêm đáng tin cậy và gắn kết hơn.

Mỗi loại khả năng đều có liên hệ với nhau và luôn bổ sung cho nhau, nhưng không phải lúc nào chúng cũng phụ thuộc lẫn nhau. Bạn có thể thể hiện rất tốt trong khía cạnh này nhưng lại rất tệ trong khía cạnh khác. Chẳng hạn, bạn có thể rất giỏi thấu hiểu cảm xúc của mình nhưng lại gặp phải khó khăn trong việc kiểm soát chúng. Chìa khóa để tăng cường Trí tuệ xúc cảm là đầu tiên bạn phải xác định được các đặc điểm và xu hướng cá nhân rồi sau đó có chiến lược để phát huy tối đa điểm mạnh và hạn chế tối thiểu điểm yếu của mình.

Hãy thảo luận qua đặc tính của khả năng nhận thức xã hội. Khả năng dự đoán và thấu hiểu cảm xúc của người khác sẽ giúp bạn tránh khỏi sự phản kháng không cần thiết, khiến bạn trở nên dễ mến và lôi cuốn hơn trong mắt người khác. Nhưng đặc tính đó cũng có thể là điểm yếu nếu nó giới hạn khả năng trình bày ý kiến hay ngăn cản bạn đưa ra các chỉ trích có tính xây dựng, vì bạn sợ không biết người khác sẽ phản ứng như thế nào.

Do đó, khả năng nhận thức xã hội chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi nó được dung hòa với ba khả năng còn lại. Khả năng tự nhận thức sẽ giúp bạn biết được khi nào cảm xúc của người khác ngăn bạn nói và làm những điều cần thiết. Khả năng tự kiểm soát liên quan đến việc chuẩn bị tâm thế cho những tình huống xấu và rèn luyện những thói quen thúc đẩy bạn hành động. Cuối cùng, khả năng quản lý mối quan hệ sẽ giúp bạn nói ra những điều cần thiết để hoàn thành mục tiêu, đồng thời gia tăng sức ảnh hưởng, giảm bớt cảm giác bị tổn thương và xây dựng được lòng tin.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận