CHĂM SÓC

05:10, 24/04/2022 150
CHĂM SÓC

CHĂM SÓC

Tác giả: Susan Kaiser Greenland & Annaka Harris

Trích: 50 Trò Chơi Cho Đời Thảnh Thơi; Khánh Trang dịch; NXB Lao Động, Thaihabooks.

---o0o---

Một diễn viên nhào lộn và học trò của người đó được yêu cầu biểu diễn trên một cây tre trồng ở giữa quảng trường thị trấn. Trong lúc chuẩn bị, người diễn viên nói với học trò rằng: “Ta sẽ trèo lên cây trước. Em theo sau và đứng lên vai ta. Sau khi chúng ta đã lên cao, em sẽ giữ cho ta thăng bằng, còn ta sẽ giữ cho em thăng bằng.” Nghe có vẻ là một lời đề nghị hợp lý, phải không nào? Nhưng với người học trò thì không phải vậy. Cô nói: “Làm thế không được đâu ạ. Thầy phải chú ý giữ thăng bằng cho thầy, còn em sẽ chú ý giữ thăng bằng cho chính em. Nếu không, cả hai sẽ bị ngã và bị đau đấy.” Tuy cách nói có phần xấc xược, nhưng cô học trò đã nêu lên được một điểm quan trọng và tinh tế; cô chỉ có thể giữ được thăng bằng cho thầy khi đã giữ được thăng bằng cho bản thân trước. Các tiếp viên hàng không gợi nhắc chúng ta điều này mỗi khi bay. Khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, hành khách phải lưu ý hỗ trợ người khác bằng cách tự đeo mặt nạ ô-xy cho mình trước; tương tự như vậy, cô bé học việc lưu ý thầy dạy rằng chính mình cần giữ được thăng bằng trước. Cũng giống như với chánh niệm, thiền và các hoạt động sáng tạo khác, một số phẩm chất của sự cân bằng tương đối bí ẩn, khó hay thậm chí không thể miêu tả. Để biết mình đang ở trạng thái cân bằng, chúng ta phải cảm thấy mình cân bằng. Như cô bé học việc nói với thầy dạy, không ai có thể tìm kiếm sự cân bằng cho chúng ta – chúng ta phải tự tìm lấy nó.

Các bậc phụ huynh thường đặt nhu cầu của gia đình lên trước nhu cầu bản thân, dù rằng việc gạt những nhu cầu bản thân qua một bên cũng có cái giá của nó. Mượn lời thiền sư Thích Nhất Hạnh thì: “Nếu không biết cách chăm sóc và thương yêu bản thân, chúng ta sẽ không thể chăm sóc những người thân yêu của mình được.” Chúng ta có thể dễ dàng quên mất rằng chúng ta không giúp ích được gì cho ai nếu bản thân chúng ta mệt mỏi và kiệt sức. Căng thẳng, những cảm xúc mạnh và những yếu tố khác  sẽ làm giảm ngưỡng chịu đựng đồng thời khiến chúng ta cảm thấy mất cân bằng. Khi những trải nghiệm vốn bình thường có thể chịu đựng được giờ đây bắt đầu trở nên khó có thể chịu đựng nổi thì tức là hệ thần kinh đang gửi đi tín hiệu để nhắc chúng ta điều chỉnh lại và chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Để làm được điều đó cần đến những ranh giới lành mạnh giữa mọi người với nhau. Khi các chủ đề về chánh niệm và thiền định bị hiểu sai, bị hướng dẫn không đúng cách, chúng có thể làm phương hại đến sự phát triển của những ranh giới lành mạnh mà trẻ nhỏ và các bậc phụ huynh đều cần đến để cân bằng giữa gia đình, trường học, bạn bè, các lịch trình và công việc. Chỉ đơn thuần bảo ai đó rằng họ phải nhã nhặn, tử tế, biết ơn, hào phóng, biết cân bằng, hay chăm sóc tốt cho bản thân là chưa hữu ích, vì thậm chí việc này có thể gây bất bình cho những ai đang muốn được hướng dẫn cách phản ứng trước một tình huống khó khăn. Cuộc sống vô cùng phức tạp và không thể khái quát hóa hết lên như vậy. Trẻ nhỏ và phụ huynh cần có những công cụ chắc chắn để giúp bản thân nhận ra khi nào thì hành vi của người khác là vượt quá ranh giới cho phép và phải tự chăm sóc cho bản thân.

Khi được hiểu và hướng dẫn đúng đắn, các chủ đề và kỹ năng sống khai thác qua chánh niệm và thiền định sẽ nuôi dưỡng những ranh giới lành mạnh bằng cách phát triển nhận thức, mà theo định nghĩa trong từ điển Oxford English là “khả năng đánh giá”. Nhận thức là một trong những chủ đề trọng tâm của một nhãn quan thông thái và giàu lòng trắc ẩn. Thông qua bài tập về nhận thức, trẻ nhỏ và phụ huynh học cách để cao những khía cạnh như lòng từ bi, sự tri ân và sự chấp nhận hơn là tập trung vào kết quả – trong lời nói, hành động và những mối quan hệ của mình.

CTV: Mỹ Tiên


Bình luận