CỨ BÌNH TĨNH

05:00, 15/02/2023 203
CỨ BÌNH TĨNH

CỨ BÌNH TĨNH

Tác giả: Luise Rinser 

Trích:Chấp Nhận Cuộc Đời; Lược dịch: Nguyễn Hiến Lê;NXB Hồng Đức

---o0o---

Bạn đã tập lái xe hơi chưa? Còn nhớ buổi đầu ra sao chứ? Mình cứng đơ ngồi trên chiếc nệm, nắm chặt lấy tay lái; bạn chăm chú nghĩ tới cử động sắp làm, loay hoay tới nỗi máy kẹt, không chạy được nữa. Tại sao thần kinh bạn căng thẳng như vậy? Tại bạn không vững bụng, sợ có một cử động nào vụng về trước mặt người dạy lái xe. Nếu người này thông minh thì tức đã bảo bạn: “Cứ ngồi cho thoải mái, đừng nắm quá chặt cái tay lái, cứ bình tĩnh thở, với lại tôi ngồi bên cạnh mà ngại cái gì?”

Nhiều người cũng mắm môi mắm lợi lái cuộc đời họ như bạn lái xe hơi hồi đó. Tại sao? Tại sao họ sợ. Sợ những nỗi khó khăn nó xảy ra hoài (phần nhiều là bất thần), sợ lầm lẫn, sợ thất bại. Họ có tham vọng muốn làm cái gì cũng hoàn hảo, mà chỉ tin ở sức mình thôi. Họ không chịu tự nhận là kẻ tập sự, học nghề, nên không tự phó thác cho một “hướng dẫn viên”. Tinh thần họ căng thẳng, môi họ mím lại, mắt họ ngó trừng trừng, tư thế họ cứng đơ, cử chỉ họ vụng về. Những kẻ khốn khổ đó hầu hết là nạn nhân một nền giáo dục gia đình lầm lẫn: ngay từ hồi nhỏ, cha mẹ họ đã nhồi vào óc họ rằng hễ có nghị lực là làm được những việc oanh liệt, mà quên không dạy cho họ điều cốt yếu này: biết tin cậy vào “hướng dẫn viên”.

Nhưng hướng dẫn viên đó là ai?

Ở gần Bắc Cực và Nam Cực, có những tảng băng lớn vô cùng, nổi lềnh bềnh trên biển, người ta gọi là băng đảo (iceberg). Những tảng băng đó chỉ có một phần nhỏ nổi trên mặt nước, còn phần lớn chìm ở dưới. Con người cũng vậy, có một phần ý thức hiện ra ngoài và một phần vô thức không hiện ra: tôi gọi phần trên là hiện thức, phần dưới là tiềm thức. Cái “ngã” tự ti, cái “ngã” hiện thức chỉ là một phần nhỏ của toàn thể cái “ngã”. So sánh cái “ngã” của ta với một cái cây thì phần hiện thức của cây, cành và lá còn phần tiềm thức là rễ ăn sâu ở dưới đất. Chính phần tiềm thức này chứa và phân phối các sinh lực của ta. Chính nó phát ra cái mà ta gọi là bản năng, trực giác, năng lực sáng tạo; ta nằm mộng, linh cảm, tiên tri được cũng là nhờ nó.

Nó sáng suốt hơn phần hiện thức của chúng ta. Trên đường đời ta tiến dễ dàng hơn, nếu ta tin cậy nó mà đừng day tay mắm miệng bắt ý chí của ta gắng sức quá mức (…) Các y sĩ, các nhà trị bệnh bằng tâm lí và các mục sư thường thấy các bệnh nhân hoặc tín đồ phàn nàn và hỏi như vầy: “Tôi đã gắng sức làm mà không có kết quả, tôi tuyệt vọng rồi. Biết làm sao bây giờ?”. Và luôn luôn các vị đó đáp lại đại ý như sau: “Đừng làm gì nữa”. Như vậy không có nghĩa là phải an phận, buông xuôi, mà có nghĩa là cứ tiếp tục chiến đấu bằng cách ngược hẳn lại, đừng lo lắng, co rút lại nữa, mà cứ bình thản cho gân cốt dãn ra. Nói cách khác là đừng bắt trí óc, nghị lực phải căng thẳng mà cứ hoàn toàn tin cậy ở “hướng dẫn viên” của mình và tin ở tiềm thức của mình.

Mới rồi tôi nằm mơ thấy mình sắp chết, đang hoảng hốt, thì bỗng nghe thấy có ai bảo: “Cứ thản nhiên, đừng lo sợ”. Tôi nghe lời và thấy mình như ở trên một con tàu lênh đênh trên làn nước phẳng lặng của một con sông rộng, trôi tới những miền tối tăm, bí mật, mà không sợ sệt, không đau đớn, êm như ru. Hễ nằm mơ thấy chết thì luôn luôn là một dấu hiệu sắp có sự thay đổi. Cái tiềm thức của tôi lần đó đã khuyên tôi cứ tin ở một sức mạnh lớn hơn, để mặc nó chỉ huy đời tôi.

Làm một công việc gì, tới khi thấy bí, gắng sức hoài mà không có lối thoát, thì tôi bỏ ngay công việc đó mà làm công việc khác cho tới hết ngày. Sáng hôm sau, sự khó khăn hôm trước tự nó giải quyết xong vì trong khi cái hiện thức của tôi ngủ thì cái tiềm thức của tôi vẫn tiếp tục làm việc. Trong đời tôi, mỗi lần gặp một vấn đề đặc biệt gai góc nào, tôi cũng dùng phương pháp đó (tôi phải thú thực rằng tôi phải khó nhọc mới tập áp dụng nó được): sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết tâm bỏ mặc nó, không thắc mắc về nó nữa. Như vậy không có nghĩa rằng tôi “xô lùi” vấn đề lại, để có ảo tưởng rằng mọi sự đã được giải quyết thỏa đáng; trái lại tôi nhận ra rằng tôi không thể giải quyết được nó bằng những phương tiện của tôi, và tôi giao vấn đề cho “hướng dẫn viên” của tôi. Thế là tôi được bình tĩnh và đó là bước đầu tiên tiến tới giải pháp được rồi, vì có bình tĩnh thì mới sẵn sàng nhận được sự giúp đỡ của người khác hay của hoàn cảnh.

Khi tôi bảo rằng “tiềm thức” có thể giúp đỡ ta được là tôi nói theo tâm lí học. Xét theo một khía cạnh khác thì có thể gọi sức mạnh đó là thần phù hộ cho mình, là Thượng Đế; nhưng Thượng Đế và tiềm thức không hoàn toàn như nhau, (…).

CTV:Minh Hoàng


Bình luận