ĐỊNH NGHĨA TRÍ TUỆ XÚC CẢM

20:53, 05/12/2021 155
ĐỊNH NGHĨA TRÍ TUỆ XÚC CẢM

ĐỊNH NGHĨA TRÍ TUỆ XÚC CẢM

Tác giả: JUSTIN BARISO

Trích: EQ Trí Thông Minh Xúc Cảm Trong Công Việc; Lương Huỳnh Trọng Nghĩa dịch; NXB Đại Học Kinh Tế Quốc Dân.

---o0o---

Trước khi Daniel Goleman xuất bản cuốn sách Emotional Intelligence (tạm dịch: Trí tuệ xúc cảm) vào năm 1995, cũng đã có một số ít người từng nghe đến thuật ngữ này. Trong giới học thuật, nó vẫn là khái niệm mới - hai nhà tâm lý học John D. Mayer và Peter Salovey đưa ra giả thuyết rằng tương tự với việc con người sở hữu nhiều loại năng lực trí tuệ, họ cũng có các kỹ năng cảm xúc đa dạng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của mình.

Nhưng tất cả mọi thứ đều thay đổi khi tạp chí TIME nhấn mạnh khái niệm này trên trang bìa vào ngày 2 tháng 10 năm 1995 bằng tiêu đề in đậm và nổi bật: “EQ của bạn là gì?

Emotional Intelligence lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của New York Times suốt một năm rưỡi và được dịch sang 40 ngôn ngữ. Harvard Business Reviews mô tả khái niệm này như “cuộc cách mạng” và “phá vỡ khuôn mẫu”. Sự phát triển đột ngột đã khiến nhiều người phải suy xét lại quan điểm của mình về hành vi trí tuệ và cảm xúc. Tuy nhiên, dù vào thời điểm đó thuật ngữ “Trí tuệ xúc cảm” vẫn còn khá mới, ý tưởng về nó đã được hình thành từ lâu.

Suốt nhiều thế kỷ, các nhà lãnh đạo và triết gia đã khuyên những người ủng hộ mình nên để ý tới cách cảm xúc tác động đến hành vi. Vào đầu những năm 1980, nhà tâm lý học lừng danh Howard Gardner đã đưa ra lý thuyết rằng trí tuệ không chỉ bao gồm một khả năng chung chung duy nhất, mà con người sở hữu nhiều loại “trí tuệ, người này có thể vượt trội hơn người khác về mặt nào đó. Các trí tuệ này bao gồm khả năng thấu hiểu cảm xúc của chính mình, vai trò của chúng trong cách ứng xử trí tuệ nội tâm cũng như khả năng thông hiểu hành vi cảm xúc của người khác (trí tuệ tương tác).

Tuy vậy, Goleman, Mayer, Salovey và những người khác lại giúp chúng ta thấu hiểu hơn về cảm xúc. Khi lĩnh vực nghiên cứu Trí tuệ xúc cảm phát triển, các nhà khoa học bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu sâu hơn để mang những hiểu biết mới mẻ đến với thế giới.

Vậy chúng ta nên định nghĩa Trí tuệ xúc cảm như thế nào? Trong bài báo gốc của mình, Mayer và Salovey mô tả như sau:

Trí tuệ xúc cảm là khả năng kiểm soát cảm giác và cảm xúc của bản thân cũng như người khác, phân biệt được các loại cảm xúc và sử dụng chúng để điều chỉnh suy nghĩ và hành động của mình.

Theo định nghĩa, Trí tuệ xúc cảm thật sự nhấn mạnh đến việc áp dụng vào thực tiễn. Nó không đơn thuần là kiến thức về cảm xúc và cách chúng hoạt động mà là khả năng vận dụng nguồn thông tin để điều chỉnh hành vi và các mối quan nhân nhằm đạt kết quả mong muốn.

Nói đơn giản: Trí tuệ xúc cảm là khả năng khiến cảm xúc trợ giúp thay vì chống lại bạn.

Trong thực tế cuộc sống thì điều đó có nghĩa là gì?

Giả sử trong cuộc trò chuyện, bạn không thấy hài lòng nhưng phải giữ thái độ hòa nhã, rồi đột nhiên bạn bắt đầu tranh luận hết sức căng thẳng. Ngay khi nhận ra tình cảnh trở nên xấu đi, bạn liền cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình. Thậm chí bạn tự ngăn bản thân đừng nói và làm những điều có thể gây tiếc nuối sau này.

Hoặc nếu bạn thấy đối phương nói năng và hành xử kỳ lạ, dù họ đang biểu hiện cảm xúc thái quá thì bạn vẫn giữ bình tĩnh. Sau đó bạn cố gắng giải quyết tình hình bằng cách từ từ chuyển sang chủ đề khác. Nếu thấy phải tiếp tục cuộc trao đổi, bạn sẽ cho đối phương ổn định lại trạng thái, trong khi đó bạn vẫn suy nghĩ cẩn thận cách tiếp cận vấn để ổn thỏa nhất.

Trọng tâm của những ví dụ này không phải là khuyên bạn nên lảng tránh mọi xung đột hay tranh luận gay gắt, mà bạn cần học cách xác định khi nào chúng xảy ra để không vô tình chạm trán cũng như giải quyết chúng theo hướng tiêu cực. Trí tuệ xúc cảm cũng liên quan đến việc thấu hiểu những suy nghĩ và cảm xúc từ góc nhìn của người khác, nhờ vậy trước khi bạn nêu lên quan điểm của mình, bạn cũng sẽ không bị đối phương phản bác.

Nhưng chúng ta chỉ mới chạm đến bề nổi mà thôi.

Trí tuệ xúc cảm là khả năng khiến cảm xúc trợ giúp thay vì chống lại bạn.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận