KHI LẦN ĐẦU TIÊN THẤT BẠI TRONG ĐỜI

05:00, 07/07/2022 156
KHI LẦN ĐẦU TIÊN THẤT BẠI TRONG ĐỜI

KHI LẦN ĐẦU TIÊN THẤT BẠI TRONG ĐỜI

Tác giả: Hae Min

Trích: “Yêu những điều không hoàn hảo”. Người dịch: Nguyễn Việt Tú Anh. NXB: NXB Nhã Nam, NXB Thế Giới

---o0o---

 

  “Thưa thầy, con không đỗ vào bất kỳ trường đại học nào đã đăng ký nguyện vọng cả. Lúc này con cảm thấy mình tồi tệ lắm. Giờ con phải ôn thi lại, nhưng con không biết phải quyết tâm và bắt đầu lại như thế nào nữa.” “Con đã ôn thi vào biên chế giáo viên suốt ba năm nay. Những người bạn cùng ôn thi với con đều đã đỗ, chỉ còn lại mình con. Con không biết từ bây giờ mình phải làm gì nữa. Con không biết mình nên tiếp tục ôn thi hay nên tìm một con đường khác. Con phải làm sao đây?” “Tôi nghỉ việc để mở một hàng ăn, nhưng không được đông khách như dự kiến, cuối cùng tôi đành phải đóng cửa nhà hàng. Tôi không còn mặt mũi nào nhìn gia đình mình nữa. Kinh tế khó khăn nên chính bản thân tôi cũng cảm thấy mất hết tinh thần. Xin sư thầy hãy truyền cho tôi thêm sức lực.”

  Thất bại đầu tiên trong cuộc đời mỗi người đều rất đau đớn. Không một ai là ngoại lệ cả. Những người chưa quen với thất bại khi lập kế hoạch cho tương lai thường có ý nghĩ “biết đâu”. Tỷ lệ cạnh tranh cao nhưng biết đâu mình sẽ đỗ. Gần đây tình hình kinh tế không được tốt lắm nhưng nếu mình chăm chỉ biết đâu cửa hàng của mình sẽ thành công lớn. Họ thường tưởng tượng những điều như thế. Không nhiều người chuẩn bị sẵn phương án giải quyết cụ thể nếu họ thi trượt hay kinh doanh thất bát. Đặc biệt càng những trường hợp nỗ lực hết sức mình và chỉ tập trung vào một mục tiêu đã đặt ra, khi giấc mơ đổ vỡ, họ càng cảm thấy bế tắc hơn vì chưa từng nghĩ đến phương án nào khác. Ngoài ra những người hay được khen là học giỏi từ nhỏ, hoặc những người sống mà chưa từng gặp khó khăn, họ sẽ tuyệt vọng vô cùng khi gặp phải thất bại đầu tiên trong đời.

  Nhưng bạn có biết không? Những thất bại như hôm nay sẽ còn tìm đến hàng chục lần nữa trong cuộc đời bạn. Sẽ còn vô số chuyện không tiến triển theo kế hoạch mà bạn đã đặt ra. Và đã là con người thì bất kỳ ai cũng đều phải trải qua những lần nản lòng như thế cho đến tận lúc chết. Điều đó có nghĩa rằng thất bại hôm nay của bạn là điều hết sức bình thường. Hãy nhớ điều quan trọng nhất: không phải vì bạn đã thất bại một lần mà cả cuộc đời bạn trở thành kẻ thất bại. Bạn thất bại không phải vì bạn có nhiều khuyết điểm hay thua kém người khác. Thất bại chỉ là một bài học đáng quý để bạn nhận ra rằng mình đã chọn sai cách tiếp cận để đạt được thứ mình muốn. Vì vậy sau khi thất bại hãy bình tĩnh tự hỏi “Thất bại lần này đã đem lại bài học gì cho mình?” Phải tìm được câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân thất bại bạn mới có thể trưởng thành hơn. Nếu thiếu quá trình này khả năng bạn lặp lại thất bại tương tự sẽ rất lớn.

  Chắc hẳn các bạn sẽ cảm thấy buồn cười khi nghe chuyện nhà sư gặp khó khăn vì xin việc làm. Nhưng thực ra tôi đã từng thất bại đau đớn trong quá trình xin làm giảng viên đại học ở Mỹ. Sau khi kết thúc khóa tiến sĩ, tôi đã tìm đọc các thông tin tuyển dụng và nộp đơn xin làm giảng viên ở một vài nơi. Tôi may mắn vượt qua vòng 1, vòng hồ sơ, rồi vòng 2, vòng phỏng vấn học hội, của sáu trường. Nhưng sau khi tham gia tuyển vòng 3, phỏng vấn tại trường, trường đại học tôi muốn tới làm việc nhất lại là trường đầu tiên thông báo đánh trượt tôi. Trước đó tôi chưa từng gặp thất bại nào lớn trong đời cả. Khi được báo tin tôi đã cảm thấy rất tổn thương và tuyệt vọng. Dù vẫn còn lịch hẹn phỏng vấn ở vài nơi nữa, nhưng khi ấy, nghĩ mình là kẻ thất bại, tôi bắt đầu nghi ngờ năng lực của bản thân và muốn bỏ cuộc ngay lập tức. Tôi chán chường và chỉ muốn ngủ vùi cả ngày.

  Vài hôm sau, một sáng tôi thức dậy từ rất sớm và dành thời gian ngẫm lại tại sao mình không được trường đại học ấy chọn. Trước đó tôi chỉ nghĩ rằng nếu tôi cho họ thấy hình ảnh tốt nhất của mình, tự khắc họ sẽ chọn tôi. Nhưng tôi đâu ngờ đó chính là một suy nghĩ quá đỗi ngây thơ và sai lầm. Trường đại học ấy muốn ứng cử viên chứng tỏ mình là người có năng lực phù hợp nhất với yêu cầu của họ chứ không phải người cho họ thấy sự cố gắng cùng hình ảnh tốt nhất của mình. Nghĩa là tôi đã quá thiếu sót trong việc tìm hiểu điều đối phương thực sự muốn. Khi lên kế hoạch cho việc gì đó, để kế hoạch thành công ta cần đặt xuất phát điểm ở nhu cầu của đối phương chứ không phải bản thân mình. Phải thông qua thất bại ấy tôi mới nhận ra sự thật rằng mình đã quá coi nhẹ điều này. Sau lần đó, khi đi phỏng vấn vòng 3 tại các trường đại học khác, tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ lưỡng xem các trường cần điều gì ở người mà họ sẽ tuyển làm giảng viên và không lâu sau đó tôi đã nhận được tin vui từ một trường.

  Có phải bạn đang cảm thấy đau khổ vì thi trượt đại học? Vậy thì đừng chỉ quyết tâm mơ hồ rằng chỉ cần mình chăm chỉ học hành là được, mà hãy tìm hiểu nguyên nhân cụ thể vì thói quen xấu nào mà thành tích học tập của bạn không tiến bộ. Có phải bạn đang mất phương hướng sau khi trượt kỳ thi công chức? Hãy thề trước mặt gia đình mình rằng bạn sẽ thử thi lại một lần nữa, nếu vẫn không đỗ bạn sẽ tìm một hướng khác để đi. Khi bạn xác định đó là lần cuối cùng, bạn sẽ sống chết cố gắng vì điều đó, và giả như sau này có đi con đường khác bạn cũng sẽ không phải hối hận rằng “Phải chi lúc ấy mình cố gắng thêm chút nữa.“ Có phải bạn đang tuyệt vọng vì chuyện kinh doanh không như ý? Vậy hãy tỉnh táo tìm nguyên nhân dẫn đến thất bại từ chính bản thân mình thay vì đổ lỗi cho người khác. Hãy tìm ra nguyên nhân rõ ràng, có thể là bạn chọn sản phẩm không nổi bật, hoặc mắc sai lầm khi phân tích nhu cầu thị trường, hoặc chọn sai vị trí cửa hàng, hoặc lỡ mắc lỗi trong các mối quan hệ kinh doanh. Nếu bạn muốn bắt đầu lại, hãy đầu tư thời gian nhiều hơn gấp hai, gấp ba lần để có thể phân tích và chuẩn bị mọi thứ kỹ càng hơn.

  Đừng quên rằng thất bại là điều mà ai cũng sẽ phải trải qua, và những lần nếm trải thất bại chính là những cơ hội quý báu để bạn tích lũy kinh nghiệm cuộc sống, từ đó giúp bản thân trở nên thận trọng và thông thái hơn. Tôi sẽ luôn ủng hộ những thất bại của các bạn.

CTV: Minh Khuê


Bình luận