KHÔNG THÍCH ĂN CƠM, VẬY PHẢI CHỊU ĐÓI RỒI!

20:02, 12/01/2022 85
KHÔNG THÍCH ĂN CƠM, VẬY PHẢI CHỊU ĐÓI RỒI!

KHÔNG THÍCH ĂN CƠM, VẬY PHẢI CHỊU ĐÓI RỒI!

Tác giả: TRẦN HÂN

Trích: Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Mỹ; Người dịch: Thanh Nhã; NXB Phụ Nữ.

---o0o---

Cậu bé Charlie - 4 tuổi hôm nay tỏ ra rất lạ, tính tình chẳng giống với ngày thường, lúc thì cậu nghịch thìa, lúc thì nghịch dĩa, thì ra là cậu không muốn ăn thức ăn trong đĩa, cuối cùng cậu nói: “Mẹ ơi! Con không thích ăn sandwich mẹ làm đâu”. Melen - Mẹ cậu bé nghe thấy vậy liền an ủi: “Con yêu à! Nếu vậy, con có thể ăn những thứ khác”. Nhưng Charlie không buồn để ý đến bàn ăn, phụng phịu nói: “Con không muốn ăn cơm, càng không muốn ăn sandwich mẹ làm!”. Nói xong, cậu liền bế thức ăn để vào thùng rác, Melen rất bực bội nói: “Nếu đã như vậy thì con đừng bao giờ ăn cơm nữa, con tự nhịn đói đi!”. Charlie liền đáp ngay lại bằng một câu đầy khiêu khích: “Vâng!”.

Đến tối, Melen vẫn làm sandwich, lúc này cậu bé Charlie đã rất đói. Cậu nhìn đĩa thức ăn của cha mẹ nài nỉ: “Mẹ ơi! Bây giờ con có thể ăn cơm được không?”. Mẹ nghiêm nghị nói: “Con đã đồng ý không bao giờ ăn cơm nữa mà!”. Nhưng cậu không nghe, liền trèo lên ghế, đưa tay ra kéo đĩa thức ăn, lúc đó, mẹ nhanh chóng kéo đĩa lại và nói: “Không được, con phải giữ lời hứa!”. Nghe thấy vậy, cậu bé Charlie liền òa khóc.

Sau đó, trong cả bữa cơm, dù Charlie cố nài nỉ đến thế này thì mẹ cũng không cho cậu ăn. Trước lúc ngủ, mẹ đến bên giường nhẹ nhàng nói với Charlie: “Nếu con đã biết cảm giác bị đói thế nào, thì lần sau không được tùy tiện ném sandwich đi, mẹ làm cũng không dễ dàng gì!”. Charlie liền mếu máo nói: “Mẹ ơi! Con sai rồi, sau này con không làm như vậy nữa!”. Lúc đó, mẹ mỉm cười vui vẻ nói với cậu: “Vậy được, tối nay con hãy ngủ ngoan, ngày mai lại có thể được ăn cơm!”. Nghe mẹ nói vậy, Charlie liền cười với hai hàng lệ long lanh, cậu hét lên: “Ngày mai, mình lại được ăn cơm rồi!”.

Có lẽ, qua ví dụ trên, bạn sẽ nghĩ, bà mẹ người Mỹ đó thật “độc ác, bỏ đói con hai bữa liền, mà còn đang trong thời kỳ phát triển, sao có thể đối xử với con như thế? Ở Mỹ, không bao giờ có chuyện cả gia đình dỗ một đứa trẻ ăn cơm bên bàn ăn. Bởi họ có thói quen rèn luyện tính độc lập cho trẻ ngay từ những chuyện nhỏ nhất, chứ không nuông chiều trẻ hay can thiệp vào chuyện của trẻ.

Trẻ còn nhỏ tuổi, thường hay nũng nịu hoặc giận hờn. Dù là ở quốc gia nào, cũng đều có hiện tượng trẻ không thích ăn cơm, nhưng các bậc cha mẹ người Mỹ sẽ không bao giờ dỗ dành con ăn bởi họ cho rằng ăn cơm là việc của con, con lựa chọn như thế nào thì cũng đều phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thái độ và suy nghĩ của họ đối với việc “ăn uống” của trẻ nhé?

Ăn cơm là việc riêng của trẻ

Trong quan niệm của cha mẹ người Mỹ, ăn uống là việc của trẻ. Trẻ thích ăn gì, có muốn ăn cơm hay không, cha mẹ đều phải tôn trọng sự lựa chọn của con. Trẻ có đói bụng hay không thì chỉ có trẻ mới biết, nếu vì ham chơi hoặc kén ăn mà không ăn no thì trẻ phải tự chịu đói. Nếu một lần bị đói, cảm thấy khó chịu thì lần sau trẻ sẽ không để xảy ra chuyện bỏ bữa nữa.

Người Mỹ không bao giờ nghĩ cho trẻ “ăn uống” là một nhiệm vụ “nan giải” trong quá trình nuôi dưỡng con. Nếu con không ngoan ngoãn ăn cơm, thì con phải tự chịu trách nhiệm, con hoàn toàn không thể đổ lỗi cho cha mẹ được. Ở Mỹ, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp cảnh tượng cha mẹ vì muốn con ăn no mà ra sức dỗ dành chúng ăn cơm. Bởi họ hiểu rằng, làm như vậy sẽ không còn được cho bé thói quen ăn uống đúng giờ mà ngược lại, còn khiến con càng ngày càng bướng bỉnh, ỷ lại hơn.

Tự mình quyết định việc ăn uống

Ở Mỹ, trẻ biết tự ăn cơm từ nhỏ, chỉ cần trẻ đến tuổi có thể tự ăn cơm, cha mẹ còn sẽ không xúc cho con nữa. Sau khi ăn cơm, cha mẹ còn rèn luyện cho con thói quen biết bỏ dao, dĩa của mình vào chậu rửa bát. Như vậy, từ nhỏ, cha mẹ người Mỹ đã giáo dục con nhận thức việc ăn hay không là do bé tự quyết định. Trong quan niệm của người Mỹ, con ăn cái gì, ăn như thế nào đều do chúng tự quyết định, cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều. Nếu con không thích ăn rau, họ cũng không ép con ăn, nếu con cảm thấy không ngon miệng, họ cũng sẽ không miễn cưỡng ép buộc. Với người Mỹ, những chuyện con có thể tự quyết định, cha mẹ đều để cho con lựa chọn.

Tự chịu hậu quả của việc không ăn cơm

Qua ví dụ trên chúng ta có thể thấy, Charlie không ăn cơm nên phải tự chịu hậu quả: bị đói, cậu phải tuân thủ lời hứa với mẹ là mãi mãi không ăn cơm và một lần nữa lại bị đói... Qua bài học này, Charlie đã hiểu để khỏe mạnh nhất định phải ăn cơm, có chịu đói như thế, lần sau cậu mới không để xảy ra sự việc tương tự. Cậu bé Charlie đã phải chịu để bụng đói khi không ăn cơm, vứt bánh sandwich và bị mẹ mắng. Qua cách giáo dục như thế, cậu bé mới có thể dễ dàng sửa chữa lỗi lầm và rút kinh nghiệm cho bản thân.

Người Mỹ thích lấy những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống để giáo dục con cái. Nếu con cái không ăn cơm, cha mẹ sẽ không dùng biện pháp ép buộc, mà để con thấy hậu quả của việc không ăn cơm, từ đó giáo dục, sửa chữa thói quen không tốt của trẻ.

Qua đây, có thể thấy, phương pháp giáo dục của cha mẹ người Mỹ rất hiệu quả, họ vừa giúp con hiểu ý nghĩa của việc ăn cơm đúng giờ, lại vừa bồi dưỡng được ý thức độc lập cho con. Do đó, những bậc cha mẹ chúng ta nên học tập phương pháp giáo dục này để giúp con biết tự lập và tự hoàn thiện mình

CTV: Phúc Đoan

 

Bình luận