KIẾP SỐNG

05:00, 23/08/2023 324
KIẾP SỐNG

KIẾP SỐNG

Tác giả: Nguyên Phong

Trích: Muôn Kiếp Nhân Sinh; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, First News.

---o0o---

Theo quan niệm của Phật giáo thì sự sống con người được hình thành bằng ba thực thể: sinh lực, hơi ấm và tàng thức. Sinh lực giúp người ta sống, hơi ấm là sự chuyển động của sinh lực tạo ra năng lượng và tàng thức ảnh hưởng đến đời sống của mọi người theo luật Nhân quả. Khi sinh lực cạn dần, người ta sẽ già và chết. Khi chết, hơi ấm mất đi và cái cuối cùng ra đi là tàng thức. Nó sẽ dẫn dắt người ta đi vào đời sống ở kiếp khác.

Vì trong đời sống hàng ngày con người tạo nghiệp tốt hay xấu qua hành động, lời nói và ý nghĩ, nên những chủng tử của nghiệp lực này được lưu trữ trong tàng thức. Một số chủng tử hoạt động không ngừng, ảnh hưởng qua bảy thức trên, tạo thành tính tình, năng khiếu, thói quen của một cá nhân vì bất cứ hành động nào (nghiệp nhân) cũng tạo ra những phản lực (nghiệp quả).

Tuy nhiên, một số chủng tử tiềm ẩn trong tàng thúc không phát động ngay mà chờ đến thời điểm thuận tiện khác nên con người tiếp tục trải qua kiếp sống này đến kiếp sống khác. Khi có đủ duyên, những chủng tử này phát động theo luật Nhân quả dưới một dạng thức khác Thể xác có thể là một con người, hay cũng có thể là một con vật do sự dẫn dắt của nghiệp lực.

Theo quan niệm của Phật giáo, kiếp sống hiện nay chẳng phải là kiếp sống đầu tiên hay cuối cùng, mà chúng ta đã sống hàng trăm, hàng triệu kiếp sống trước đây và sẽ có vô số những kiếp sống sau nữa. Kiếp sống con người thì có hạn, kéo dài cao lắm là tám chục hay một trăm năm, nhưng tàng thức thì không bao giờ hết, kéo dài liên tục và đó chính là vòng luân hồi vô tận mà Đức Phật đã chỉ rõ trong giáo lý của Ngài.

Dĩ nhiên các bậc thánh nhân thì khác, vì họ đã được giải thoát khỏi sự chi phối của nghiệp lực. Họ đã biết cách tu hành để chấm dứt vòng sinh tử luân hồi, và đó chính là mục đích tối hậu mà Đức Phật đã nhận ra và truyền dạy cho loài người. Sứ mệnh của Phật giáo là được giải thoát khỏi sự chi phối của vòng Luân hồi.

CTV: Thúy An


Bình luận