LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI HỌC THI

05:00, 19/11/2021 160
LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI HỌC THI

LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI HỌC THI

Tác Giả: JONATHAN K. FOSTER

Trích: Dẫn Luật Về Trí Nhớ; Người dịch: Thái An; NXB Hồng Đức

---o0o---

Trí nhớ phụ thuộc rất nhiều vào sự diễn đạt rõ ràng, sự đều đặn và trật tự trong suy nghĩ của chúng ta. Nhiều người kêu ca vì thiếu khả năng nhớ, trong khi khiếm khuyết nằm ở sự đánh giá; những người khác vì nắm bắt tất cả lại không giữ được gì.

Thomas Fuller

Chọn một môi trường không có quá nhiều yếu tố gây xao nhãng, để có thể tập trung vào thông tin mục tiêu hơn là vào những yếu tố gây xao nhãng trong môi trường. (Hãy nhớ lại tầm quan trọng của sự chú ý và mã hóa nội dung mục tiêu một cách thích hợp để nhớ lại về sau, như đã nói trong chương này). Tuy thế, người ta thường thấy âm nhạc có thể giúp tạo ra một môi trường thư giãn, thích hợp cho học tập, dĩ nhiên (vì những lý do có lẽ liên quan tới sự xao nhãng) một đoạn nhạc quen thuộc có lẽ hữu ích hơn một đoạn nhạc mới. Một điểm liên quan là cố gắng mã hóa thông tin theo cách càng chủ động càng tốt. Ví dụ khi đọc một cuốn sách giáo khoa, hãy tưởng tượng bản thân mình đang chất vấn tác giả. Cố gắng liên hệ những gì đang được nói với những gì đã biết.

Hãy nghĩ tới mối quan hệ qua lại giữa các khái niệm, dữ kiện và nguyên lý khác nhau trong lĩnh vực đang học (điều này không chỉ hữu ích khi ghi nhớ một nội dung để chuẩn bị cho thi cử, mà còn giúp trả lời những câu hỏi trong chính kỳ thi ấy).

Hãy nghĩ khái quát về những chủ đề đang học và cố gắng tưởng tượng việc áp dụng chúng vào những vấn đề trong đời sống hàng ngày, những vấn đề mà mình gặp phải.

Hãy liên hệ nội dung mới với bản thân, với những quan tâm riêng của mình theo cách càng phong phú và chi tiết càng tốt. Khi ấy, rất có thể việc tái hiện thông tin sẽ tốt hơn trong khung cảnh thi cử.

Liên quan tới điểm vừa nói: cố gắng học chủ động thay vì bị động. Người ta thường nói cách tốt nhất để học một môn là dạy nó, vì để chuyển tải thông tin tới một người khác, phải có khả năng tái hiện nó - không chỉ theo cách thụ động, mà còn với sự hiểu biết. Nói khác đi, đừng chuyển sang học nội dung khác ngay khi có thể nhận ra câu trả lời đúng, mà chỉ khi có thể tức thời tái hiện câu trả lời mà không cần nhắc nhở, và có thể giải thích nội dung một cách dễ hiểu cho bản thân hoặc người khác. (Tham gia nhóm học tập cùng những người khác có thể hữu ích cho kiểu học này).

Việc tổ chức thông tin có hai tác dụng: i) bằng cách cấu trúc những gì đang được học, việc nhớ lại một phần thông tin có thể giúp nhớ lại toàn bộ, và ii) bằng cách liên hệ nội dung mới học với kiến thức đã biết, việc lĩnh hội nội dung mới sẽ dễ hơn.

Rèn giũa cũng quan trọng - không thể hoàn toàn thoát khỏi những tác động của “giả thuyết tổng thời gian”: (xét mọi thứ khác không đổi), mức độ học lệ thuộc vào mức độ rèn giũa. Điều này đúng dù đang học các sự kiện, lý thuyết, những vận động trong một bài nhảy, hay một ngoại ngữ. Tuy nhiên, như đã thấy trong chương này, việc gom sự rèn luyện vào một buổi học marathon duy nhất (chẳng hạn nhồi nhét cho một kỳ thi) không phải là cách hiệu quả - ít một và thường xuyên mới là chiến lược học tốt hơn (sử dụng những kỹ thuật như sự khôi phục cách quãng).

Sử dụng có hiệu quả những khoảng thời gian rảnh rỗi trong cuộc sống (ví dụ, khi đang đợi xe bus và có bài cần học). Ghi chép chọn lọc vào sổ, hoặc sử dụng lap-top, PDA hay điện thoại di động để lưu lại những ghi chú ngắn gọn, hoặc tạo ra những liên tưởng và bản đồ tư duy, làm mới trí nhớ về nội dung cần nhớ.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, Bransford và đồng nghiệp đã đặt sự chú trọng lớn vào “những tiến trình xử lý hợp chuyển” (transfer-appropriate processes) hoặc “nét riêng mã hóa” (encoding specificity). Nguyên lý này nói rằng điều quan trọng trong một nhiệm vụ học tập là cách nó “chuyển” kiến thức sang tình huống kiểm tra. Theo quan điểm này, nên tham gia những hoạt động trong đó sự học tập giống với những gì sẽ cần để thực hiện trong một bài kiểm tra hay kỳ thi, qua đó tối đa hóa năng lực nhớ lại sau này.

Cũng liên quan đến điều trên, đừng học khi mệt, và hãy xem lại bài nhiều nhất có thể khi đang ở trong một khung cảnh vật lý và cảm xúc tương tự như những gì có khả năng gặp vào thời điểm thi (ví dụ, ngồi ở một cái bàn đơn giản). Và khi tỉnh táo, sẽ chú ý đến thông tin tốt hơn, mã hóa nhân tố kích thích phong phú hơn so với khi mệt mỏi.

Liên quan đến sự nhất quán về khung cảnh vật lý và cảm xúc, như đã thấy ở Chương 3 rằng một thay đổi khung cảnh có thể tác động bất lợi lên sự nhớ lại. Đôi lúc việc cố gắng tái tạo trong đầu khung cảnh đã học (ví dụ thông qua hình ảnh) có thể có tác dụng củng cố sự nhớ lại sau này.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, hãy cân nhắc sử dụng hình ảnh thị giác và thuật nhớ (chẳng hạn những gì đã phác họa trong chương này) để tăng cường trí nhớ.

Thông điệp chung ở đây là, trí nhớ tốt đòi hỏi mức độ chú tâm, động lực và tổ chức cao, và điều ấy đến lượt nó lại phụ thuộc vào quan tâm cá nhân.

CTV: Đăng Khoa


Bình luận