PHỤ NỮ CÓ NÊN HỌC NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH?

09:28, 30/08/2023 214
PHỤ NỮ CÓ NÊN HỌC NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH?

PHỤ NỮ CÓ NÊN HỌC NGÀNH KHOA HỌC MÁY TÍNH?

Tác giả: John Vu

Trích: DEPARTURE - KHỞI HÀNH; Dịch: Ngô Trung Việt; First New.

---o0o---

      Hỏi: Mọi người đều bảo em ĐỪNG học khoa học máy tính. Họ nói lập trình không phải nghề phù hợp cho phụ nữ. Họ nói nhiều người đã phải chuyển sang học ngành khác vì không theo nổi lớp lập trình. Điều đó làm em lo lắng khi chọn học ngành khoa học máy tính. Xin thầy cho em lời khuyên.

       Đáp: ĐỪNG nghe họ. Bản thân họ KHÔNG biết họ đang nói gì đâu.
       Nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới là một phụ nữ. Ada, công tước xứ Lovelace (1815-1852), người đã giúp nhà phát minh Charles Babbage xây dựng cỗ máy tính đầu tiên - Analytical Engine. Ada là người đã viết chương trình cho máy tính này, bà ghi chép các phương pháp thực hiện các thuật toán trong sổ tay của mình. Bà mô tả cách bà ra lệnh cho máy tính lặp lại các lệnh nhiều lần trong công thức tính (ngày nay chúng ta gọi nó là “vòng lặp”). Để tôn vinh đóng góp của bà, Hiệp hội Máy tính đã đặt một ngôn ngữ lập trình theo tên bà ấy: “Ada”.

             Nhà lập trình máy tính thứ hai trên thế giới cũng là một phụ nữ, Grace Murray Hopper (1906-1992). Một hôm máy tính không làm việc. Mọi người không biết phải làm sao mãi cho tới khi bà Hopper tìm thấy một con bọ nhỏ bị mắc kẹt vào rơ-le điện tử của mạch máy tính. Sau khi bỏ con bọ đó ra, máy tính làm việc trở lại. Bà Hopper chép sự cố này vào sổ tay: “Tôi đã bắt bọ cho máy tính”. Kể từ đó trở đi, mọi “lỗi máy tính” đều được gọi là “bug” (bọ) và sửa lỗi được gọi là “debug” (bắt bọ). 

            Trong Thế chiến II, Bộ Ngoại giao Anh đã tổ chức một nhóm các nhà khoa học dưới dự lãnh đạo của Max Newman và Alan M. Turing nhằm phá mã quân sự bí mật của Đức quốc xã. Mã này rất phức tạp, khó mà phá được. Một hôm, Max Newman thất vọng phàn nàn rằng “Không người đàn ông nào trong số những nhân viên của tôi biết người Đức đang làm gì”. Thư ký của ông ấy, một người phụ nữ, tình nguyện: “Sao ông không để tôi thử xem?”. Max đồng ý để bà ấy thử. Thay vì làm việc một mình theo cách của đàn ông, bà ấy thành lập một nhóm phụ nữ, cùng nhau nghe và giải mã các thông điệp quân sự của người Đức. Họ phát triển các thuật toán đặc biệt như “Bombes” và “Robinsons” để trợ giúp cho việc phá mã. Họ được coi là tổ lập trình đầu tiên trong lịch sử máy tính, chủ trương phát triển phần mềm theo nhóm thay vì làm việc độc lập.

            Sau Thế chiến II, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Philadelphia đã phát triển máy tính điện tử đầu tiên - máy ENIAC. Mặc dù phần lớn các nhà khoa học làm việc trên phần cứng đều là đàn ông nhưng hệ điều hành lại được trao cho một nhóm gồm sáu nhà toán học nữ: Kathleen McNulty, Frances Bilas, Betty Jennings, Elizabeth Snyder, Ruth Lichterman và Marlyn Wescoff. Đây là tổ lập trình viên thứ hai trên thế giới. Về sau, Betty Jennings làm việc với Grace Hopper để phát triển phần mềm biên dịch đầu tiên cho UNIVAC I. Vài năm sau, Grace Hopper và một người phụ nữ khác có tên là Lois Haibt hợp tác với nhau để tạo ra ngôn ngữ lập trình FORTRAN.

             Mọi người thường cho rằng các ngành trong lĩnh vực công nghệ không phải ngành nghề phù hợp dành cho phụ nữ. Nhưng những dữ liệu thu thập được lại chỉ ra rằng phụ nữ làm việc trong lĩnh vực này có khả năng làm tốt hơn đàn ông, đặc biệt trong việc làm chủ và quản lý các dự án. Một báo cáo đã phỏng vấn trên 600 phụ nữ và đàn ông - những người đang làm việc trong ngành công nghiệp công nghệ - và rút ra những kết luận sau:

               “Phụ nữ giỏi hơn đàn ông trong việc quản lý con người. Họ biết thông cảm và có khả năng xây dựng các mối quan hệ trong lĩnh vực kỹ thuật/công nghệ tốt hơn đàn ông. Nhân viên kỹ thuật/ công nghệ thường là người có giáo dục cao, họ không thích bị ra lệnh. Không như các đồng nghiệp nam giới, các nữ quản lý thường khuyến khích thay vì ra lệnh. Điều đó giải thích lý do tại sao nhiều công ty do nữ làm chủ không gặp những vấn đề như nhân viên chuyển việc hoặc bỏ việc làm.

             Phụ nữ có kỹ năng lắng nghe giỏi hơn đàn ông. Họ có trực giác tốt. Họ biết khi nào nên ngừng nói và lắng nghe khách hàng. Họ có khả năng lắng nghe và nắm bắt nhu cầu của khách. Về căn bản, phụ nữ không bao giờ quên cái gì, cho dù là từng chi tiết nhỏ. Phần lớn đàn ông không có khả năng lắng nghe tốt vì họ nghĩ họ đã biết mọi thứ rồi. Họ ít chú ý tới bình luận của khách hàng và thường bỏ lỡ nhiều chi tiết. Trong kinh doanh công nghệ, chính những chi tiết là thứ xác định thành công hay thất bại.

            Phụ nữ có khả năng làm nhiều thứ cùng lúc (đa nhiệm). Họ có thể vừa trả lời điện thoại vừa hồi đáp email vừa viết tài liệu cùng lúc một cách dễ dàng mà vẫn hiệu quả. Phần lớn đàn ông chỉ có thể làm một việc trong một khoảng thời gian nhất định và không thể ứng phó với nhiều thay đổi dồn dập ập đến vào cùng một lúc.

           Phụ nữ sẵn lòng học những điều mới và linh hoạt hơn khi cần thay đổi. Đàn ông kiêu ngạo vì họ nghĩ rằng họ đã biết mọi thứ, họ không thích học cái mới và ít có khả năng bắt kịp những diễn tiến mới.

           Phụ nữ thích làm việc nhóm trong khi đàn ông có xu hướng thích làm việc một mình. Phụ nữ thường tìm lời khuyên từ mọi người và giúp đỡ lẫn nhau trong khi đàn ông có xu hướng tự giải quyết vấn đề, hiếm khi nhờ người giúp đỡ và thường phạm sai lầm.

          Với tư cách là chủ doanh nghiệp, phụ nữ thường kiên nhẫn hơn trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngược lại, đàn ông thường quyết định vội vàng. Họ không muốn chờ đợi và thường không cân nhắc kỹ về hậu quả.”

            Phần lớn các công việc liên quan đến ngành CNTT đều yêu cầu các kỹ năng liên quan đến con người. Phụ nữ có ưu thế trời sinh trong việc này. Đây là lý do tại sao nữ bao giờ cũng quản lý dự án tốt hơn nam.

          Dựa trên những điều tôi vừa liệt kê ở trên, tôi cho rằng bạn không cần phải lo lắng về chọn lựa của bạn. Tôi tin phụ nữ có thể học tốt và có khả năng để chứng minh rằng không có sự khác biệt nào giữa đàn ông và phụ nữ trong việc theo đuổi tri thức kỹ thuật/công nghệ.

           Sinh viên của tôi nói với tôi: “App di động là câu chuyện của quả khứ rồi, câu chuyện của ngày hôm nay là Internet vạn vật (IoT). Chúng em đang gấp rút xây dựng app kết nối các trang thiết bị, máy móc và con người rồi phân tích và xử lý những thông tin này để tạo ra giá trị mới”. Chẳng hạn, sinh viên của tôi đã tạo ra “IoT apps” nhằm thu thập dữ liệu từ các container vận chuyển cho công ty đánh cá. App này giúp cho công ty theo dõi vị trí, nhiệt độ của thùng hàng trong suốt quá trình vận chuyển từ thuyền cả tới thị trường. Nó thu thập dữ liệu từ các cảm biến được lắp trong container và giám sát bất kỳ sự thay đổi nào có thể ảnh hưởng tới sản phẩm bên trong; vì nếu nhiệt độ tăng lên đến một mức nào đó thì cá sẽ bị hỏng và không thể bán được. Còn một nhóm khác tạo ra thiết bị đeo có thể đọc các hoạt động của người (điện tâm đồ, nhịp tim, nhịp thở và mức hoạt động) rồi gửi dữ liệu cho điện thoại di động để cảnh báo người sử dụng thiết bị trong trường hợp có bất cứ sự thay đổi bất thường nào (thường dùng cho người có khả năng đột quỵ hay người có bệnh đau tim); nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng, thiết bị này sẽ liên hệ với xe cứu thương hoặc bác sĩ của người dùng thiết bị.

            “Internet vạn vật” hay công nghệ kết nối vạn vật thông qua việc thu thập và gửi dữ liệu qua mạng là cơ hội vô cùng lớn cho các doanh nghiệp. Dựa trên kết quả của nhiều khảo cứu, mọi người sẽ mua những sản phẩm này để phục vụ cho nhu cầu và mục đích riêng của họ. Đây là xu hướng phát triển công nghệ chuẩn bị bùng nổ, cũng như app di động vài năm trước.

             Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối với nhau và mọi công ty đều cần được kết nối với mạng lưới chung nếu họ muốn cạnh tranh và tồn tại. Công nghệ đã thay đổi cách doanh nghiệp vận hành. Khi công nghệ thay đổi, nhiều cơ hội sẽ được mở ra cho các nhà doanh nghiệp, những người có thể nhận diện và tận dụng ưu thế của công nghệ.

CTV: Quân


Bình luận