SỰ YÊN LẶNG – HÃY TỰ TÌM LẤY HẠNH PHÚC

05:00, 12/11/2021 196
SỰ YÊN LẶNG – HÃY TỰ TÌM LẤY HẠNH PHÚC

SỰ YÊN LẶNG – HÃY TỰ TÌM LẤY HẠNH PHÚC

Tác Giả: DAININ KATAGIRI

Trích: Trở Về Yên Lặng; Người dịch: Thái An; NXB Hồng Đức.

---o0o---

“Buổi sáng, mặt trời mọc. Tôi chào đón. Tôi sẽ làm hết sức mình để sống ngày hôm nay”. Đây là một cuộc sống hàng ngày rất đơn giản. Hôm nay là hôm nay, ngày mai là ngày mai. “Buổi chiều tối, mặt trời lặn. / Nhìn vào sự rực rỡ của buổi chiều tối, tôi muốn ngồi yên lặng”. Trong buổi sáng có rất nhiều năng lượng để sống với mọi chúng sinh. Nên anh nói anh sẽ làm hết sức để sống với mọi chúng sinh. Đây là lời chào mừng bình minh của anh. Nhưng vào buổi tối, chúng ta không biết ngày hôm sau sẽ mang đến điều gì. Tôi từng nghe rằng khi nào một tù nhân được phục vụ bữa ăn đặc biệt vào buổi sáng, đó là ngày tù nhân bị hành quyết. Nếu không có bữa sáng đặc biệt, họ sẽ cảm thấy yên tâm. Họ có thêm một ngày nữa để sống. Nhưng vào buổi tối, họ không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau. Bởi thế, anh nói khi mặt trời lặn buổi tối, anh chỉ muốn ngồi yên lặng. Chẳng có gì cho anh làm. Tất cả những gì anh có thể làm là nếm trải nhiều hương vị: bi quan, lạc quan và một thứ gì đó hơn những điều ấy. Chúng ta không thể nói chích xác rằng đó là sự yên lặng, bởi lẽ yên lặng đích thực thì không có hương vị, nhưng lại đang hoạt động. Khi sự yên lặng xuất hiện trong cuộc đời anh, ít nhất có ba hương vị ở đó.

“Với một giấc mơ nhỏ trong tim, / tôi  ngủ như một chú chim bé bỏng. / Nếu có thời gian có, tôi muốn dành thời gian ấy / đọc một tập thơ cũ, một mình lặng lẽ suy tư”. Đây là tất cả những gì anh có thể làm. Nhưng anh luôn có một giấc mơ nhỏ, và với giấc mơ nhỏ ấy, anh có thể ngủ yên lặng như một chú chim bé bỏng. Trong cuộc đời mình, anh tìm thấy một chút hạnh phúc và diễn đạt nó như sự trân trọng mọi chúng sinh.

Tiếp theo, anh nói: “Chúng ta hãy tự tìm lấy hạnh phúc”. Hạnh phúc nhỏ bé này có giá trị to lớn. Không ai có thể cho ta hạnh phúc, không ai có thể cho ta sự hài lòng. Ngay giáo pháp của Phật cũng không bao giờ thật sự có thể cho ta sự hài lòng hay hạnh phúc. Hãy tự mình tìm lấy hạnh phúc. Tự mình không có nghĩa là biểu lộ bản ngã. Chúng ta không thể bằng biểu lộ bản ngã mà tìm được hạnh phúc chân thực. Anh đã trải qua nhiều sự việc trong đời, không có cơ hội nào cho anh biểu lộ bản ngã, vì “bị công kích, chà đạp, cắn môi kìm sự nóng giận”. Cuối cùng, điều cuộc đời anh biểu lộ là sự hạnh phúc. Vì lý do đó anh nói: “Hãy tự mình tìm lấy hạnh phúc”. Mỗi ngày hãy tiếp tục đi tới. Đây là hành động quả quyết của anh, bởi lẽ không có câu trả lời rõ ràng nào cho “tại sao” hay “làm thế nào”.

“Với nước mắt óng ánh như ngọc và tiếng cười như mặt trời” thực sự là một tuyên bố mâu thuẫn, vừa bi quan vừa lạc quan. Nước mắt óng ánh nghĩa là buồn. Nhưng trong nỗi buồn ấy, chúng ta phải thấy được mặt trời toả sáng. Nghĩa là chúng ta phải có tiếng cười. Gần đầu bài thơ, anh nói: “Tôi không mấy quan tâm về những điều khác ngoài tình yêu và sự chân thành, / mặt trời và một chút mưa lúc nọ lúc kia”. Mưa này là nước mắt trên khuôn mặt. Chúng ta không cần nhiều, vì nếu có nhiều mưa tức là quá buồn. Vì vậy, anh hy vọng có một lượng nhỏ. Nhưng trong nước mắt óng ánh như ngọc, phải có mặt trời toả sáng như tiếng cười. Rồi anh nói nếu chúng ta sống như vậy, thì chắc chắn một ngày nào đó, ta có thể yên lặng nhìn lại quá khứ, thấu suốt cuộc đời mình và mỉm cười. Chúng ta có thể cười với cuộc sống của mình, dù nó thế nào, dù ta đã tạo ra lỗi lầm gì, dù có thành công hay không.

Bài thơ thật sự cho ta thấy sự yên lặng là gì từ cái nhìn của con người, và chúng ta có thể nếm trải những hương vị nào. Nó là một sự trộn lẫn của bi quan, lạc quan và huyền bí. Nhưng hãy nhớ, ở những mức độ sâu xa nhất của đời sống con người, sâu xa hơn cả ba hương vị này, vẫn có một nỗi đau mơ hồ khôn nguôi, một cảm giác không hài lòng. Rất khó thoát khỏi nỗi đau này. Nó không hẳn là đau khổ, nhưng là một tiếng khóc thầm bên trong. Nó luôn ở đó. Hãy nhớ, đây là lý do Đức Phật nói đời là khổ. Không phải cảm giác khổ thông thường. Nó hoàn toàn khác biệt. Không có cách nào khác để trải nghiệm nỗi khổ thực sự sâu xa này mà không có ba hương vị lạc quan, bi quan và huyền bí. Đây là sự yên lặng từ cái nhìn của con mắt loài người.

Từ con mắt pháp giới hay con mắt Phật, yên lặng tức là đúng như-nó-đang-là, hay nói cách khác, mọi-thứ-chỉ-như-chính-nó. Rất im lặng. Giáo pháp của Đức Phật luôn nói tới điều này. Nếu chúng ta muốn biết mình là ai và chạm đến bản chất đích thực, yên lặng sâu xa của cuộc sống, chúng ta phải là như mình thật sự là. Bằng cách nào? Toạ thiền, tất cả là vậy. Vì thế mà toạ thiền rất quan trọng với chúng ta.

Khi chúng ta toạ thiền, hai hương vị có đó. Một rất sắc bén, xuyên thấu ảo tưởng, khổ ải, đau đớn và bất kỳ cảm xúc nào như một thanh kiếm sắc nhọn. Đây được gọi là trí huệ. Nhưng trong trí huệ phải có từ bi. Từ bi là thấy đời sống con người về lâu dài. Từ bi không phải là một thứ chúng ta cố gắng tạo ra; không thể tạo ra từ bi. Từ bi đến từ công phu tu tập được tích luỹ trong một thời gian rất dài. Nó tự nhiên xảy ra.

Hương vị thứ hai của sự yên lặng nhìn dưới con mắt Phật là chấp nhận mọi chúng sinh chỉ như họ là; mọi thứ chỉ như chính nó. Không dễ cho chúng ta thấy mọi thứ chỉ như chính nó. Chúng ta cần liên tục làm bản thân sáng bóng như gương. Chúng ta cần làm tinh tế đời sống tâm linh của mình với mọi chúng sinh. Nếu không, chúng ta không thể thấy như-chính-nó dù chỉ một vật.

Yên lặng có nghĩa là làm thế nào chúng ta quan tâm đến những khía cạnh thông thường của đời sống con người? Đây là điều quan trọng. Chẳng hạn, nếu toạ thiền khiến ta buồn ngủ, đó là bởi thái độ của ta đối với toạ thiền. Nếu lười biếng hoặc trong vô thức có sự ác cảm với toạ thiền, chúng ta dễ ngủ khi thực hành, đó là điều rất tự nhiên. Mấu chốt là làm thế nào xử trí vấn đề hoàn toàn con người này. Chúng ta phải nếm trải đắng cay của việc buồn ngủ khi toạ thiền, nhưng đồng thời vẫn có thể nếm trải một điều gì đó lớn lao và lạc quan thông qua chính việc ngủ khi toạ thiền. Do một thời gian dài đã ngủ khi toạ thiền, một ngày nào đó, chúng ta có thể thức dậy, một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thời toạ thiền tốt đẹp. Thái độ căn bản của chúng ta là không nên bị cuốn đi bởi việc ngủ khi toạ thiền cũng như bởi kỳ vọng có thời toạ thiền tốt.

Nhìn từ con mắt Phật, yên lặng là sự biểu hiện trọn vẹn toàn bộ nhân cách của chúng ta, trong đó ta đã hấp thu ba hương vị lạc quan, bị quan và huyền bí. Chúng không bao giờ nổi lên vì đã bị hấp thu tất cả. Chúng đơn thuần trở thành năng lượng cho chúng ta. Sự yên lặng này rất khác với yên lặng từ cái nhìn của con người. Theo con mắt loài người, sâu xa trong đời sống của chúng ta có một nỗi đau mơ hồ khôn nguôi hay sự suy tư mà chúng ta không thể gạt bỏ. Nó rất dai dẳng, và chúng ta rất dễ vấp phải nó. Nó nằm ngoài ý thức hay vô thức. Nó vốn dĩ đã ở đó. Nhưng nhìn từ con mắt Phật hay giáo pháp Thiền tông, yên lặng chính là sự biểu hiện trọn vẹn toàn bộ nhân cách của chúng ta. Toàn bộ nhân cách có nghĩa là nhân cách cá nhân của chúng ta được biểu hiện cùng toàn bộ pháp giới. Mọi chúng sinh khác được chứa đựng trong nhân cách của chúng ta. Thế nên, khi chúng ta biểu lộ toàn bộ nhân cách của mình, đó không chỉ là nhân cách cá nhân, nà đồng thời thông qua nhân cách này, chúng ta có thể cảm nhận toàn bộ pháp giới. Đó là lý do tại sao chúng ta nhận thức được sự khoan dung, chịu đựng và từ bi.

Nếu hỏi người viết bài thơ này rằng anh cảm thấy gì về cái chết của mình, có thể anh sẽ nói: “Tôi không muốn chết”. Câu “tôi không muốn chết” chỉ như một lời chào, cũng giống như khi chúng ta nói chào buổi sáng. Không có động lực nào đằng sau những lời của anh, chỉ đơn giản “tôi không muốn chết”. Vậy thôi. Nhưng với chúng ta, chúng ta muốn suy nghĩ về ý nghĩa đằng sau điều đó. Chúng ta luôn tìm cách diễn dịch hoặc giải mã những gì mọi người nói, những gì các thiền sư nói. Nhưng với anh, nó chỉ như nó là. Chỉ có vậy. Đây là sự yên lặng đích thực.

Đọc bài thơ này, ta luôn có một cảm giác khôn nguôi sâu xa, một hương vị. Có một bài thơ khác, cũng cho ta thấy hương vị này. Bài thơ được viết bởi Miazawa Kenji ở tuổi ba mươi sáu. Ông là một nhà thơ lớn của Nhật Bản thời hiện đại, cũng là một Phật tử rất nghiêm túc. Đây là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông.

chẳng khuất phục trước mưa

chẳng khuất phục trước gió

cũng chẳng khuất phục

trước tuyết bay cái nóng mùa hè

với một cơ thể kiên cường

như vậy

không tham lam

không bao giờ giận giữ

luôn mỉm cười yên lặng

ăn một miếng rưỡi bánh gạo nấu

và bột dâu, và một chút rau

mỗi ngày

trong mọi việc, không xét tới bản thân

nhìn rõ nghe rõ hiểu rõ

và không quên

sống trong bóng răm

của những cây thông trên cánh đồng

trong một túp liều nhỏ

lợp bằng cỏ

nếu phía đông

có một đứa trẻ bệnh

đến chữa cho nó

nếu phía bắc

có người mẹ mệt mỏi

đến mang giúp bà

những bó lúa

nếu phía nam

có người đang chết

đến và nói

bạn không cần sợ

nếu phía bắc

có một cãi cọ bay tranh chấp

đến nói không đáng đâu

dừng lại đi

trong cơn hạn hán

nhỏ nước mắt

trong mùa hè lạnh

đi tới đi lui

bị mọi người quên mất

gọi là “người vô tích sự”

chẳng được khen ngợi

cũng chẳng nghĩ tới đau khổ

người như vậy

là người tôi muốn trở thành

Đây là một cuộc sống rất huyền bí, giống như một dòng nước. Dẫu vậy, ở đó vẫn có một hương vị không thể xoa dịu, không thể định hình. Đây là nỗi khổ của con người.

Phật giáo dạy rằng chúng ta phải ngay lập tức đi qua khổ ải con người sâu xa này, và để trái tim mình chạm vào. Khi ấy, chúng ta sẽ trải nghiệm sự yên lặng. Những là người Phật tử, chúng ta có trách nhiệm làm điều gì đó hơn thế. Phải chuyển hoá sự yên lặng theo con mắt loài người thành sự yên lặng theo con mắt Phật. Lúc ấy, ta mới có thể biểu lộ cuộc sống của mình như mình thật sự là. Trước mỗi khoảnh khắc của cuộc đời, chúng ta đối mặt với nó, xuyên thấu nó, thực hành nó. Đây không phải là sự ích kỷ. Không phải là cái nhìn hạn hẹp. Nó là sự yên lặng đã chấp nhận mọi chúng sinh như những gì thuộc về đời mình.

CTV: Thành Nhân


Bình luận