THAY VÌ CHỤP LẠI 100%, HÃY CHÚ TÂM 1%

05:00, 15/10/2023 227
THAY VÌ CHỤP LẠI 100%, HÃY CHÚ TÂM 1%

THAY VÌ CHỤP LẠI 100%, HÃY CHÚ TÂM 1%

Tác giả: Astushi Innami

---o0o---

 

Đọc một cuốn sách chỉ để nhớ một dòng

“Sách là thứ tái hiện một cách trung thực nội dung bên trong”.

“Đọc sách là việc sao chép lại một cách trung thực nội dung ấy vào não của mình.”

Nếu bạn đồng ý với những khẳng định trên, thì hẳn là trong bạn vẫn tồn tại suy nghĩ: “Đọc sách chính là hành vi ghi nhớ nội dung và không được phép quên”.

Chắc sẽ có nhiều người suy nghĩ như bạn, và do vậy, có nhiều người cảm thấy căng thẳng khi phải cố nhớ cho được tất cả những gì mình đã đọc.

Thế nhưng, thật đáng tiếc, trong phần lớn các trường hợp, bạn sẽ quên hầu hết các nội dung mà bạn dự định sẽ đọc kỹ để ghi nhớ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn. Kết cục là, việc đọc sách với chủ đích nhồi nhét tất cả vào đầu như dự định thực sự là một công việc gây lãng phí thời gian nhất.

Bạn hãy cùng nhìn lại hoạt động đọc sách của chính mình. Trong số những cuốn khiến bạn cảm thấy “vô cùng cảm động” hoặc “chịu nhiều ảnh hưởng”, có phần nào là “phần mà bạn nhớ như in” dù chỉ một trang không?

May ra thì bạn sẽ nhớ được một hoặc hai câu, hoặc không thì chỉ “nhớ rằng đó là cuốn sách hay còn cuốn đó viết về cái gì thì không nhớ lắm nữa”, đúng không nào?

Đây chính là điều mà tôi muốn nói với bạn. Giá trị của việc đọc sách không phải là chụp lại 100% những gì sách viết mà chính là việc gặp được 1% giá trị xứng đáng.

Chướng ngại vật không phải là “tốc độ đọc chậm” mà chính là “ám ảnh đọc kỹ”. Đây chính là tư duy đọc sách căn bản.

Đây có lẽ là cảm giác chung của những người có thói quen đọc nhiều sách. Cả với những người luôn cảm thấy “mình là một người đọc sách chậm,” tôi cũng mong muốn trước tiên bạn hãy từ bỏ ám ảnh đọc kỹ đi.

Nguyên nhân của việc đọc sách chậm không nằm ở năng lực mà nằm ở việc bạn có nắm được cách đọc sách hay không.

Không có “người có thể đọc sách nhanh” và “người chỉ có thể đọc sách chậm”.

Chỉ có “người thoát được khỏi ám ảnh đọc kỹ” và “người chưa nắm được cách đọc sách” mà thôi.

Điều quan trọng nhất là kết quả. Sau khi đọc xong, kiến thức từ sách, dù chỉ một chút ít thôi cũng được, có đọng lại trong đầu bạn hay không. Chỉ cần ấn tượng với một điều gì đó trong cuốn sách thì việc đọc của bạn cũng đã được coi là thành công rồi. Đừng quá cố gắng bắt mình phải nhớ cho bằng hết nội dung sách.

Đừng quá kỳ vọng vào một lần đọc sách

Hãy thử suy nghĩ theo hướng này:

Giả dụ bạn đọc kỹ một cuốn sách trong vòng một tuần, sau đó một tháng bạn còn nhớ khoảng 1% nội dung trong sách. Cũng trong một tuần ấy, bạn đọc nhanh 10 cuốn và đến một năm sau vẫn còn nhớ được khoảng 10% kiến thức. Cách nào tốt hơn?

Tập hợp “những mảng nhỏ” từ nhiều cuốn sách để tạo thành “khối liên kết lớn”. Đó chính là ý tưởng mà hầu hết những người đọc sách chậm đều thiếu.

Những mảng nhỏ tập hợp lại, kết nối với nhau sẽ giúp bạn có một lượng kiến thức rộng lớn. Hình dung giống như trò chơi xếp hình Lego, các hình khối hoàn chỉnh đều được tạo nên từ những mảnh ghép nhỏ.

Việc đọc kỹ một cuốn sách không mang cho bạn một khối ghép hoàn chỉnh. Vậy nên hãy đọc nhanh thật nhiều cuốn sách để thu thập cho mình thật nhiều mảnh ghép trước đã.

Khi chơi Lego, nếu thiếu một miếng ghép bạn sẽ không thể tận hưởng được cảm giác hoàn thành, chiến thắng của trò chơi. Đọc sách cũng thế. Bạn qua là không tìm thấy niềm vui khi đọc sách chẳng do bạn có quá ít miếng ghép trong tay nên không thể lắp ráp được một hình khối hoàn chỉnh

--------

Trích: Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời; NXB Công Thương, THAIHABOOKS

CTV: Thủy Tiên

 

 

 


Bình luận