TRI THỨC VÀ KỸ NĂNG

20:47, 08/10/2022 151
TRI THỨC VÀ KỸ NĂNG

TRI THỨC VÀ KỸ NĂNG

Tác giả: Giáo sư John Vu

Trích: Bước Ra Thế Giới; Ngô Trung Việt dịch; NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, First New.

---o0o---

Giáo sư Trung Quốc đã hỏi tôi: “Khi nhiều sinh viên đạt được điểm cao hơn, điều đó có nghĩa là chúng tôi có sinh viên giỏi hơn, chương trình đào tạo tốt hơn? Làm sao chúng tôi đo được chất lượng thực sự của hệ thống giáo dục của chúng tôi?”. Tại bảo ông ấy: “Khi nhiều sinh viên đạt được điểm thi cao, tất nhiên nhà trường sẽ nhanh chóng kết luận rằng họ có chương trình đào tạo tốt hơn. Có thể điều đó đúng. Có thể trường có sinh viên giỏi, nhưng cũng có thể là chuẩn đang quá thấp”.

Ngày nay, một số trường vẫn đo chất lượng giáo dục của họ bằng số sinh viên qua được kỳ thi hay đạt được điểm cao. Tuy nhiên, cách đo lường chất lượng còn tùy thuộc vào văn hóa. Chẳng hạn như, nếu bạn hỏi một giáo viên ở Mỹ tại sao học sinh không học tốt môn Toán, người thầy ấy có thể nói rằng nó liên quan đến IQ. Cũng câu hỏi đó nếu được đặt ra ở Nhật, người thầy sẽ trách học sinh không học hành chăm chỉ. Còn thầy giáo ở Pháp sẽ nói rằng học sinh có nhiều tài năng khác nhau và toán học không phải là tài năng của người đó. Giáo viên ở Trung Quốc sẽ trách gia đình học sinh vì không ép con mình học Toán. Mỗi nơi nhìn chất lượng giáo dục từ các góc nhìn khác nhau.

Sinh viên ở châu Á học giỏi môn Toán vì chương trình giáo dục của họ tập trung nhiều vào môn này. Nhưng họ có thật sự giỏi toán không, bởi vì họ có rất ít phát minh và phát kiến nếu so sánh với Mỹ hay châu Âu? Câu trả lời có thể nằm ở cách dạy Toán. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, phần lớn người học phải ghi nhớ công thức và phương trình để vượt qua bài kiểm tra thay vì áp dụng các tri thức khoa học này.

Vào cuối những năm 1990, Công nghiệp CNTT của Ấn Độ nhận được nhu cầu lớn từ các Công ty phương Tây để giúp họ khắc phục sự cố Y2K. Nhưng ngành công nghiệp Ấn Độ lúc bấy giờ phải đối diện với vấn đề nghiêm trọng: cần thuê hàng trăm nghìn kỹ sư phần mềm, số lượng lớn hơn nhiều so với mức các trường đại học có thể cho “ra lò”. Năm 1999, chỉ có bảy mươi ngàn kỹ sư phần mềm tốt nghiệp mỗi năm. Chính phủ lập tức yêu cầu các trường đại học công của họ mở rộng đào tạo. Trong mười năm, các trường của Ấn Độ đã cho tốt nghiệp khoảng năm trăm ngàn kỹ sư phần mềm mỗi năm. Kết quả này là “ác mộng", với trên 70% số người tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, do đó không thể tìm được việc làm.

Ấn Độ buộc phải suy nghĩ lại về cách đào tạo nhân công của mình. Các công ty hàng đầu xây dựng hệ thống giáo dục riêng của họ để đào tạo nhân công của họ. Khi người tốt nghiệp đại học được thuê bởi các công ty như Infosys, Tata Consulting Services hay HCL Technologies, họ phải trải qua ba đến bốn tháng đào tạo kỹ năng trước khi bắt đầu làm việc. Họ không chỉ được dạy về kỹ năng kỹ thuật mà còn được dạy về quản lý khách hàng, trao đổi và xây dựng đội nhóm.

Chương trình của Infosys tốn hơn 6.000 đô-la cho mỗi sinh viên. Công ty chỉ 120 triệu đô-la để xây dựng trung tâm giáo dục ở Mysore, sử dụng hơn ba trăm giáo viên và có thể đào tạo mười ba ngàn năm trăm nhân viên cùng một lúc. Tata Consulting quản lý mười trung tâm đào tạo trên toàn Ấn Độ, có thể đào tạo ba mươi ngàn người cùng một lúc. Các công ty này yêu cầu mọi nhân viên phải trải qua một đến ba tuần đào tạo chính thức mỗi năm để học kỹ năng mới. Học tập suốt đời là yêu cầu bắt buộc để duy trì công việc của bạn. Nhân viên phải tham dự khóa đào tạo kỹ năng mới mỗi khi có sự thay đổi về nhu cầu của thị trường.

Kết quả là ngành CNTT của Ấn Độ đã phát triển từ gần như không có gì vào năm 1990 lên đến trên 90 tỉ đô-la vào năm 2011. Năm công ty hàng đầu tăng trưởng 30% đến 40% mỗi năm, từ năm 2003 đến năm 2009. Khi lợi nhuận của họ tăng lên, tiền lương nhân viên cũng tăng lên. Khi nhiều người được sử dụng có lương cao hơn, những công ăn việc làm khác được tạo ra để hỗ trợ cho những người này, và cuối cùng là nền kinh tế được cải thiện.

Ngày nay, các kỹ sư Ấn Độ đang thiết kế động cơ máy bay, các cấu phần của xe hơi và nhà máy chế tạo, các bộ vi xử lý thế hệ tiếp theo, các sản phẩm viễn thông và thiết bị y tế cho các công ty phương Tây. Ấn Độ đang cố thay đổi hình ảnh “lao động chi phí thấp” thành “lao động có kỹ năng cao”.

Làm sao Ấn Độ có thể đi từ hệ thống giáo dục yếu và biến sinh viên của họ thành các chuyên viên cấp thế giới? Câu đơn giản là họ thay đổi cách đo lường chất lượng đào tạo số lượng sinh viên tốt nghiệp (cách đo của chính phủ) sang kỹ năng và công việc (cách đo của ngành).

Sinh viên Ấn Độ hiểu rằng ngày nay họ không cạnh tranh trong thị trường lao động địa phương, mà họ phải cạnh tranh với mọi sinh viên trên thế giới và điều đó khuyến khích họ học tập. Họ hiểu rất rõ rằng với toàn cầu hóa, bất kỳ ai cũng có thể kiếm được việc làm tốt hơn, lương tốt hơn bằng việc phát triển tri thức và kỹ năng tốt hơn. Một người quản lý nói với tôi: “Chúng tôi không còn được nhắc đến với chi phí thấp nữa. chúng tôi có những kỹ năng mà mọi nước đều cần nhưng không có. Bây giờ, các nước phát triển cần đến chúng tôi và họ không thể làm gì nếu không có chúng tôi. Đó là ưu thế của chúng tôi”.

Kỹ năng khác với tri thức. Kỹ năng là áp dụng tri thức để tạo ra kết quả mong muốn. Nhân công có kỹ năng là người có thể tạo ra những kết quả mong muốn bằng việc có tri thức đặc biệt và kinh nghiệm thực hành. Trường học cung cấp tri thức cần thiết, nhưng chỉ qua làm việc thực tế thì sinh viên mới phát triển được kỹ năng của họ. Đó là lý do tại sao ở Mỹ và một số nước Tây Âu, sinh viên đại học thường làm việc vào mùa hè để thu được những kỹ năng quan trọng đó.

Ngày nay, phần chính của việc quản lý là quản lý kỹ năng. Quản lý kỹ năng bao gồm thu nhận và phát triển kỹ năng nhân công để họ có thể thực hiện công việc một cách hiệu quả. Một khi kỹ năng làm việc được xác định, người quan lý có thể lựa chọn nhân công cho công việc dựa trên các kỹ năng vì dựa vào bằng đại học. Chẳng hạn như, phỏng vấn việc làm ở Microsoft hay Google thường đòi hỏi các ứng cử viên giải quyết một số vấn đề về lập trình và thiết kế.

Quản lý kỹ năng bao gồm việc đo lường hiệu năng của nhân công thông qua một số công cụ đánh giá. Công ty tiến hành đào tạo một số nhân công tiềm năng, rồi chọn người giỏi nhất dựa trên việc họ làm tốt như thế nào với những thách thức trong quá trình đào tạo.

Người chủ công ty và những người quản lý cấp cao bao giờ cũng muốn biết công ty vận hành tốt thế nào, loại kỹ năng nào họ có và loại kỹ năng nào họ sẽ cần để họ có thể lập kế hoạch cho sự tăng trưởng trong tương lai của công ty. Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này, có nhân công có kỹ năng là yếu tố mấu chốt cho sự thịnh vượng.


Bình luận