CỦ HÀNH

05:00, 13/05/2022 141
CỦ HÀNH

CỦ HÀNH

Tác giả: NGỌC LINH

Trích: Kỹ Năng Sống Dành Cho Học Sinh – Học Cách “Cho Và Nhân” Sự Báo Đáp Bất Ngờ; NXB Thế Giới.

---o0o---

Nhà văn Dostoevsky thường hay biết cách làm tôi cảm động. Vào một đêm khuya tôi đọc “Anh em nhà Karamazov”, Dost đã kể cho tôi nghe một câu chuyện với nội dung như sau:

Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn bà vô cùng độc ác bị chết. Khi còn sống bà ta chỉ biết làm điều ác chứ chưa bao giờ làm một việc thiện nào. Quỷ hồn bắt bà ta đi rồi ném vào trong biển lửa. Vị thiên sứ hộ mệnh của bà ta nghĩ: “Mình nhất định phải tìm ra một việc thiện của bà ta để dễ bề đi xin Thượng đế tha tội cho bà ta”. Rốt cuộc vị thiên sứ cũng nhớ ra được một việc thiện của bà ta rồi tâu lên Thượng đế: “Muôn tâu Thượng đế, người đàn bà này đã từng nhổ một củ hành trong vườn rau cho một người phụ nữ ăn xin”. Thượng đế liền trả lời: “Vậy thì bây giờ nhà ngươi hãy mang củ hành đó tới biển lửa, thả xuống để kéo bà ta lên. Nếu có thể kéo bà ta ra khỏi biển lửa thì hãy đưa bà ta lên thiên đường, nếu củ hành đó bị đứt, người đàn bà đó sẽ phải ở dưới biển lửa mãi mãi. Thiên sứ vội vàng mang củ hành tới biển lửa, thả củ hành đó xuống cho người đàn bà kia rồi nói: “Này, người đàn bà kia, nhà ngươi hãy bám chặt vào đây để ta kéo lên”. Thiên sứ bắt đầu cẩn thận kéo bà ta lên, chỉ còn một chút nữa thì kéo lên được nhưng những tội nhân khác nhìn thấy có người đang kéo bà ta thì vội vàng bám lấy bà ta để được kéo lên cùng. Người đàn bà kia vốn là một người độc ác nên bà ta đã dùng chân đạp những người còn lại và nói: “Người ta đang kéo ta lên, không phải kéo chúng mày, đó là củ hành của ta, không phải của chúng mày”. Bà ta vừa nói hết câu thì củ hành liền bị dứt.

Trong câu chuyện này Dost đã chỉ ra rằng: “Nếu một người đã làm việc thiện, cho dù chỉ là việc cho đi một củ hành nhỏ bé, tình yêu của Thượng đế cũng giống như ánh mặt trời tỏa sáng khắp mọi nơi vậy, nó sẽ chỉ lối cho bạn đi tới con đường chân lý”.

Đến đây, tôi nhớ lại một người bạn học cũ của tôi. Một hôm đang đi trên đường, cô nhìn thấy dây giày của một cụ già bị tuột, cô liền nghĩ, nếu cụ già kia đi lại không cẩn thận sẽ bị giẫm lên dây giày, như vậy thật nguy hiểm, thế là cô liền cúi xuống buộc lại dây giày giúp cụ già kia, không những thế cô còn dìu cụ băng qua đường hầm. Khi chia tay, cụ già đã hỏi tên và xin địa chỉ của cô nhưng cô chỉ nói tên đơn vị công tác của mình, không ngờ cụ già lại tìm được đơn vị công tác của cô thật. Bất ngờ một hôm cụ già gọi điện cho cô và cho biết là mình vừa bị ngã. Cô liền vội vàng mua một ít quà rồi chạy tới nơi cụ đang sống. Thế ra cụ chỉ bị ngã nhẹ chứ không có gì nguy hiểm cả. Lúc này, cụ già liền lấy ra chiếc máy ảnh Minolta và một chiếc đồng hồ nhập khẩu của mình, yêu cầu cô nhất định phải nhận lấy.

Trò chuyện về điều này, một đồng nghiệp của tôi tỏ thái độ không đồng tình và cho rằng: “Người bạn của cậu chẳng qua chỉ là gặp người thích hợp vào đúng thời điểm thích hợp nhất mà thôi”. Người đồng nghiệp của tôi thậm chí còn tỏ ra bất bình và nói: “Làm người tốt chẳng bao giờ nhận được báo đáp đâu. Như tôi đây này, khi tên X gặp khó khăn tôi đã cho hắn ta vay mười triệu, bây giờ mỗi tháng hắn kiếm được vài nghìn đôla nhưng chưa bao giờ nhắc tới chuyện trả tiền cho tôi, tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức tìm việc cho người ta, bây giờ họ lại chẳng bao giờ nhớ tới tôi, tôi đã giúp đỡ...”.

Tôi không thể im lặng được nữa. Tôi đã định nói với người đồng nghiệp của tôi rằng: “Cậu sai rồi. Sở dĩ cậu không thể cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ người khác là vì cậu và cô bạn học của tôi khác biệt về bản chất, hai người có cách nhìn nhận khác nhau về “củ hành” trong câu chuyện của Dost. Khi bạn học của tôi mang “củ hành” cho cụ già không quen biết kia, cô không hề nghĩ sẽ đòi lại; còn mỗi khi cậu đưa “một củ hành” cho người khác, cậu luôn nghĩ: “Đó là củ hành của tôi, nhất định tôi phải lấy lại nó”. Cứ nhìn quanh chúng ta sẽ thấy thực ra có rất nhiều người cũng giữ cách nghĩ như vậy. Thế nên không khó để giải thích vì sao có rất nhiều người không quản ngại khó khăn gian khổ, tận tâm tận lực giúp là người thân, bạn bè và những người mà mình quen biết. Nhưng khi có một người xa lạ chỉ cần một sự giúp đỡ nho nhỏ thì họ lại tỏ ra lãnh đạm và bỏ qua.

Suy ngẫm

Không nên để sự cho đi biến thành sự đòi hỏi, cũng đừng làm cho việc thiện trở thành cuộc trao đổi vụ lợi. Giúp đỡ người khác không cần phải được báo đáp, bởi vì việc giúp đỡ người khác cũng chính là sự thăng hoa về đạo đức, sự hoàn thiện về nhân cách của chính bản thân mình. Còn khi giúp đỡ người khác mà cần phải được báo đáp thì chỉ làm cho chúng ta phải mang thêm những gánh nặng mà thôi.

---o0o---

CTV: Quất Khánh 


Bình luận