DẠY DỖ NGƯỜI TRÍ THỨC KIÊU NGẠO

08:30, 02/02/2023 188
DẠY DỖ NGƯỜI TRÍ THỨC KIÊU NGẠO

DẠY DỖ NGƯỜI TRÍ THỨC KIÊU NGẠO

 

Tác giả: Cộng đồng Sống Tử Tế

Trích: Khiêm Nhường - Người khiêm nhường như lúa chín cúi đầu; NXB Thông Tin và Truyền Thông.

---o0o---

Saccaka là con trai của dòng dõi quyền quý, chàng có rất nhiều cơ hội học tập. Được kế thừa sự thông minh của ba mẹ nên Saccaka học rất nhanh, chàng cũng say mê nghiên cứu các kinh sách từ nhiều tôn giáo và lĩnh vực nên chàng có tri thức rất uyên bác. Bên cạnh đó, chàng còn có biệt tài hùng biện rất sắc bén, nên rất nhiều học giả khá e dè khi nói chuyện với chàng. Dần dần, không còn ai thắng nổi Saccaka khi lý luận bất kỳ vấn đề gì, tiếng tăm của Saccaka vang dội khắp vương quốc. Saccaka còn được nhà vua mời vào hoàng cung để dạy học cho các ông hoàng. Và thế là Saccaka sinh ra kiêu ngạo, xem thế gian như cỏ rác. Chàng vô cùng kiêu căng tự phụ về sở học của mình đến nỗi chàng còn sắm một sợi dây da to bản cột bụng lại. Mọi người xúm lại hỏi tại sao, Saccaka cười đáp:

- Chữ nghĩa, thiên kinh, vạn quyển... chúng sống nhung nhúc dầy đặc ở trong này! Nếu không cột lại, ta sợ một lúc nào đó sẽ vỡ bụng ra mà chết!

Khi nghe tin bậc thầy Buddha Gotama trí tuệ hơn người đi ngang qua đây thì Saccaka nóng lòng muốn gặp Gotama, thề phải đánh bại một phen mới hả lòng vì anh cho rằng các đạo lý mà Gotama tìm ra không đáng một xu.

 

 

Hôm ấy, Saccaka tuyên bố trước mọi người: “Ta không thấy một bậc tu hành nào hay bà-la-môn nào dù là giáo phái chủ, giáo phái sư hoặc là bậc thầy lỗi lạc tự xưng mình là Phật, thánh phương nào chăng nữa, một khi đối đáp với ta, chẳng có ai là không hồi hộp, run sợ! Thậm chí, nếu ta chất vấn cây cột thì nó cũng sợ hãi, rung chuyển, toát mồ hôi hột!”.

Có nhiều người khuyên nhủ Saccaka nên bớt kiêu căng, vì danh tiếng trí tuệ bậc nhất của thầy Gotama không phải là hư danh nhưng điều đó lại làm anh phấn khích hơn.

Rồi cũng đến ngày Saccaka gặp mặt thầy Gotama. Tịnh xá nơi thầy Gotama và các học trò trú ngụ sao mà thanh bình và mát mẻ đến thế. Thoáng nhìn khung cảnh tĩnh lặng, lòng Saccaka gợn lên nỗi sợ hãi mơ hồ nhưng y trấn tĩnh lại ngay.

Chào đón Saccaka là một thầy tu trẻ tuổi, không cần để Saccaka giới thiệu, vị thầy tu đã mỉm cười nói với anh: “Thưa ngài đại hùng biện Saccaka Aggivessana! Đức Tôn Sư đang ở kia, dưới một cội cây to ngay khu rừng trước mặt. Dường như đức Đạo Sư của chúng tôi đã biết đến sự thăm viếng vui vẻ này!”

Thêm một lần nữa, Saccaka thoáng sợ hãi, tái mặt. Cả tên tộc, tên hiệu và cả ý đồ tranh biện, chàng chưa xưng ra, chưa nói lên mà một thầy tu tầm thường như thế này cũng đã biết rồi!

Đã thế, vị thầy tu trẻ còn nói tiếp: “Ngài hãy thít chặt lại sợi dây nịt bụng thêm một tí nữa! Những cái gọi là chữ nghĩa, thiên kinh, vạn quyển ở trong ấy dường như chúng đang náo động, lúc nhúc không yên!”

Saccaka hối hả bước nhanh cùng nỗi hoang mang của mình. Chưa gặp được thầy Gotama mà Saccaka đã bủn rủn tay chân rồi. Thầy Gotama đây rồi, ở nơi ngài, bất cứ cái gì tỏa ra từ ngài cũng đều toát ra sự trong sạch, thanh khiết, từ hòa, tinh giản, oai nghiêm, định tĩnh, trầm hùng khiến ai nấy cũng say mê chiêm ngưỡng. Nhuệ khí của Saccaka lúc này dường như chỉ còn một cái nắm tay, mồ hôi của chàng ở đâu túa ra. Anh từ từ, nhè nhẹ hít một hơi sâu đầy phổi để lấy lại sự tỉnh táo, an ổn rồi cất giọng ngang tàng cố hữu: “Tôi cùng hội nhóm hoàng tộc đến đây để hỏi về đạo lý. Xin ông hãy vui lòng trả lời cho những câu hỏi phải lẽ của chúng tôi!”

Thầy Gotama thản nhiên gật đầu cho phép

Saccaka cất tiếng hỏi: “Ngài thường chỉ dạy cho các học trò của mình điều gì?”

Gotama trả lời: “Ta dạy rằng, thân xác vật chất con người được cấu tạo bởi năm yếu tố hợp lại: sinh lý, cảm giác, tri giác, tâm lý và nhận thức. Các yếu tố này luôn thay đổi không ngừng theo quy luật và con người cũng như mọi sự vật luôn có mối liên quan nhau, được gọi là vô thường. Chính vì thế con người và tất cả sự vật tùy điều kiện mà sinh ra, chứ con người hay sự vật không có quyền với sự sinh ra và mất đi của mình, cũng như các sự vật khác. Hay có thể nói là năm yếu tố kia vốn có lại là không gọi là vô ngã”.

 

 

Saccaka tỏ vẻ kiêu ngạo: “Thật là mê muội, quan điểm của tôi thì ngược lại hoàn toàn vì nhờ có năm yếu tố, nương nhờ vào đó mà người ta ăn, nói, đi, đứng, nghĩ suy, làm việc để tạo ra những khổ vui, thiện ác trên đời này. Muôn loài thảo mộc nương nhờ bởi đất mà tồn tại như thế nào thì muôn loài nương nhờ nơi năm yếu tố để tồn tại, sinh trưởng như thế ấy. Vật lý – sinh lý, cảm giác, tri giác, tâm lý, nhận thức chính là của ta. Muôn loài nương nhờ vào đó để tồn tại, tạo tác cảnh giới và làm nên thế giới. Nếu toàn bộ thân xác này là không phải ta, của ta thì muôn loài làm sao hiện hữu hở thầy Gotama?”

Gotama cười mỉm ôn tồn: “Ví dụ về thân xác, nếu nó là ta, sở hữu của ta thì ta có đủ quyền quyết định rồi. Vậy khi 

cái thân này bệnh, ta có quyền bảo nó đừng bệnh không? Khi cái thân này già, ta có quyền bảo nó đừng già không? Khi cái thân này chết, ta có quyền bảo nó đừng chết không? Nếu ta chẳng thể nào bảo nó đừng già, đừng bệnh, đừng mất đi thì hóa ra ta hoàn toàn bất lực, đã bị tước mất quyền sở hữu, đã thấy rõ nó không phải là ta, là của ta nữa rồi!”. Lúc này thì Saccaka cảm thấy xấu hổ quỳ xuống sẵn sàng đón nhận những lời mỉa mai. Thế nhưng, Gotama thấu hiểu nên nhẹ nhàng đỡ Saccaka dậy và nhẹ nhàng khuyên bảo anh nên thực hành bỏ tính kiêu ngạo thì sẽ trở thành người thành công lớn. Điều này khiến Saccaka càng thêm nể phục vị thầy tu này bội phần.

Từ đó trở đi, Saccaka tu tâm dưỡng tính, sống bình dị và khiêm nhường hơn rất nhiều nên anh được mọi người quý mến.

CTV: Thiện Nhân

 

 

 

 

 


Bình luận