THÔI MIÊN CẢM XÚC – BÍ MẬT CỦA MỌI MỐI QUAN HỆ THÀNH CÔNG

08:04, 11/04/2022 167
THÔI MIÊN CẢM XÚC – BÍ MẬT CỦA MỌI MỐI QUAN HỆ THÀNH CÔNG

THÔI MIÊN CẢM XÚC – BÍ MẬT CỦA MỌI MỐI QUAN HỆ THÀNH CÔNG

Tác giả: ROY GARN

Trích: Tử Huyệt Cảm Xúc; dịch giả: Phan Nguyễn Khánh Đan; NXB Hà Nội.

---o0o---

Chỉ mới cách đây vài phút thôi, trong khi bạn mở quyển sách này, hẳn là bạn đang suy nghĩ đến vấn đề nào khác, đúng chứ?

Vậy thì ngay bây giờ, bạn đang nghĩ gì nào? Ý tôi là ngay tại giây phút này!

Thôi nào. Bạn nên thành thật với bản thân mình. Hãy làm ơn ngừng đọc và trả lời câu hỏi của tôi một cách trung thực.

Hẳn là bạn đang bận suy nghĩ về một vấn đề nào khác trước khi đọc đến câu hỏi của tôi phải chứ? Chính xác là thế! Luôn có điều gì đó tung hoành trong đầu chúng ta, từng giây từng phút một!

Tôi thường đặt câu hỏi, “Bạn đang nghĩ về điều gì?” như một cách để bắt đầu bài giảng của mình trong các khóa huấn luyện, các buổi họp nhóm và trò chuyện cá nhân. Và các câu trả lời tôi nhận được thì muôn hình vạn trạng, nhưng điều thú vị nhất chính là phần lớn chúng chả liên quan gì đến chủ đề buổi học ngày hôm đó cả!

Trong một lớp học ca tối ở thành phố New York, một nữ học viên tóc hung hung cao ráo đã trả lời câu hỏi đó như sau: “ Tôi đang nghĩ đến cái đèn phòng ngủ ở nhà”. Khi tôi hỏi vì sao, chị ta nói tiếp: “ cái đèn đó đang chiếm trọn đầu óc tôi đến nỗi tôi không thể tập trung nghe bài giảng của thầy được. Thầy thấy đó, tôi đi tàu điện ngầm đến đây, và khi nhìn thấy cửa tàu điện đóng lại, tôi mới sực nhớ ra là mình chưa tắt đèn ngủ trước khi đi. Ông xã tôi kĩ tính và tiết kiệm lắm. Ổng mà về nhà thấy cái đèn bật sáng choang trong khi tôi đang đi vắng thế này, ổng sẽ nổi trận lôi đình mất!”

Một học viên nam mặc com-lê xanh chỉnh tề trả lời rằng: “Sếp tôi muốn tôi phải làm xong một bản báo cáo quan trọng trước bốn giờ chiều ngày mai. Tôi đang không biết làm thế nào để hoàn thành nó kịp thời hạn đây!” Một phụ nữ chừng năm mươi tuổi có vẻ ngoài tròn trịa thì trả lời rằng: “ Hôm qua tôi có mua một chiếc đầm dạ hội màu xanh lá cây rất đẹp để mặc cho buổi tiệc quan trọng tối nay. Tôi hy vọng là nó không quá chật!”

Một phụ nữ khác chừng ba mươi tuổi chưa chồng thì không giấu nổi sự lúng túng. Cô trả lời một cách thành thật rằng cô đang nghĩ về cú điện thoại của một bà dì vào tối hôm trước. “Dì ấy muốn làm mai cho tôi với ông hàng xóm của dì ấy.”

Một quý ông tóc hoa râm và có giọng nói trầm thì trả lời với vẻ lo lắng rằng: “ Tôi sắp đi gặp một anh bạn cũ; anh ta nợ tôi bốn mươi đô-la đã hơn một năm mà vẫn chưa trả. Tôi không biết nên nhắc khéo anh ta thế nào sao cho không phải mất lòng nhau!” Trong một buổi học khác, một anh chàng trẻ tuổi tóc hoe, vai ngang và đến từ miền nam đã trả lời tôi rằng: “ Ngồi trong này ngột ngạt quá. Tôi đang nghĩ lẽ ra mình nên rời khỏi đây để đi hẹn hò với cô nàng xinh đẹp mà tôi vừa gặp hôm qua, như thế sẽ thú vị hơn nhiều.”

Nhiều năm đã trôi qua, tôi đã nghe hằng hà cơ số câu trả lời như thế cho câu hỏi “ Bạn đang nghĩ về điều gì ngay lúc này?” từ các học viên của mình. Và bạn có ngạc nhiên không khi phần lớn những câu trả lời chẳng ăn nhập gì đến bối cảnh lúc đó, hay chủ đề, hay bài giảng mà tôi sắp trình bày cho họ?

Không. Chả có gì đáng ngạc nhiên cả.

Về cơ bản, tất cả chúng ta bất kể già trẻ gái trai, đều không ngừng suy nghĩ miên man về đủ thứ chuyện trên đời trong cuộc sống hàng ngày: từ những mối quan tâm, thái độ và nhu cầu cá nhân cho đến những nỗi lo lắng, thú vui, hy vọng, nỗi sợ những mong muốn và hồi ức khác nhau của mỗi người. Còn với những khoảng thời gian còn lại trong ngày, tâm trí chúng ta thường trong trạng thái trống rỗng hoặc mù mờ nhằm mục đích làm dịu cảm xúc.

Những điều trên cho thấy mọi người hoàn toàn có thể lắng nghe bạn, vấn đề chỉ là họ không thích mà thôi.

Hẳn là bạn đã từng ít nhiều trải nghiệm tình huống đại loại thế này: Một người nọ nói với bạn rằng, “ Tôi đã bảo anh phải làm như thế này kia mà. Bộ anh không nhớ à?” Và bạn trả lời, “Thực lòng là tôi không nhớ mình đã nghe anh nói như thế!”

Người kia nói thật và bạn cũng chẳng nói dối. Vấn đề chỉ đơn giản là: bạn đã không nghe người kia nói gì vì lúc đó, tâm trí bạn đang bận rộn với mớ bòng bong những mối lo toan khác. Vì vậy mà bạn đã không nhớ gì cả.

Bạn bắt đầu lo lắng ư? Không cần phải thế.

Việc kiểm soát những phản ứng của bản thân sao cho người khác phải lắng nghe và thuận theo những ngôn từ và hành động của bạn trong mọi hoàn cảnh cũng là một nghệ thuật cần phải được học hỏi và rèn luyện chứ không tự nhiên mà có.

Vì sao ư?

Vì khả năng làm cho người khác phải lắng nghe bạn có thể trở thành vốn quý một thứ vũ khí lợi hại giúp bạn gặt hái thành công và làm được mọi điều mình muốn trong cuộc sống.

Kỹ năng này giúp bạn cải thiện và nâng tầm phong thái, tính cách và quyền uy của bản thân trong các cuộc giao tiếp và thuyết phục. Mức độ thành công của bạn trong cuộc sống, trong các mối quan hệ cá nhân trong công sở cũng như trong sự nghiệp – thậm chí trong cả sức khỏe của bạn – phụ thuộc vào khả năng vận dụng và phát huy nghệ thuật này của bạn trong mọi hoàn cảnh như thế nào.

Kỹ năng làm cho người khác phải lắng nghe mình sẽ giúp bạn dễ dàng thành công trong mọi việc, hạnh phúc trong tình yêu-hôn nhân và hình thành một thái độ sống tích cực.

Một khi thành thạo nghệ thuật này, bạn cũng sẽ dễ được thăng tiến, biết cách gia tăng doanh thu cho công ty và thu nhập cho bản thân. Mọi người sẽ yêu quý bạn, còn bạn sẽ có một cuộc sống thoải mái và thú vị hơn.

Làm thế nào để bạn làm chủ được kĩ năng tuyệt diệu này?

Bạn có thể làm được điều đó ngay bây giờ!

Bạn nên bắt đầu từ đâu?

Hãy nhớ, đầu óc của tất cả chúng ta luôn bận rộn với những mối bận tâm khác nhau, và chúng là những “ông ba bị” đáng ghét đang kìm hãm cuộc sống và thành công của chúng ta.

Vì sao chúng ta thất bại trong giao tiếp?

Trong giao tiếp hàng ngày của con người, cứ 100 từ được thốt lên thì 99 từ không được lắng nghe...mặc dù khả năng đọc của mọi người đều bình thường và như nhau.

Liệu đối phương có thực sự lắng nghe khi chúng ta đang nói?

Thông thường thì đối phương sẽ nhìn thẳng vào mắt chúng ta để nghe chúng ta nói – nhưng chúng ta chẳng thể nào biết được họ đang nghĩ gì trong đầu. Họ chỉ cần vô tình hoặc cố tình nghĩ đến dù chỉ là một mối bận tâm nào khác ngoài những gì chúng ta nói, tình trạng đàn gảy tai trâu là khó tránh khỏi.

Khả năng xuyên thủng hàng rào những mối bận tâm để thâm nhập tâm trí của bất kì ai chính là quyền năng vô song mà chúng ta có thể và nên sở hữu để thành công trong cuộc sống.

Một khi chúng ta biết cách thâm nhập được vào tâm trí của mọi người, chúng ta sẽ giao tiếp hiệu quả hơn, kinh doanh thành công hơn, yêu đời hơn, hạn chế được nguy cơ tự tử của bản thân và người khác, đánh bại được kẻ cướp, làm cho người khác phải phá lên cười trước mọi câu chuyện tếu lâm mình kể, làm cho khán giả phải vỗ tay trước màn trình diễn của mình, tận hưởng hạnh phúc trong tình yêu và xử lý được mọi phản ứng yêu-ghét của dư luận.

Cách duy nhất để vận dụng hành động hoặc ngôn từ nhằm phá vỡ hàng rào những mối bận tâm của bất kì ai trong bất kỳ tình huống nào chính là sử dụng thuật thôi miên cảm xúc.

Thôi Miên Cảm Xúc là gì?

Thôi miên cảm xúc là khả năng thúc đẩy và xui khiến người khác phải lắng nghe mình.

Giao tiếp bằng thuật thôi miên cảm xúc chính là chiếc chìa khóa tối thượng của bạn để thành công!

Ngày hôm đó, tôi là một trong những hành khách đầu tiên của một chiếc xe buýt chạy vào giờ cao điểm, bác tài xế Tom nhận ra tôi.

“Lại thêm một đêm tôi thở dài ngao ngán vì không biết làm thế nào để yêu cầu hành khách dạt ra hai bên rìa xe buýt và chừa lối đi ở giữa cho người mới lên xe” – bác Tom chán nản – “ Tôi đã thuyết phục họ đến khản cổ suốt hơn mười lăm năm lái xe nhưng chẳng ai nghe!”

Nghe đến đây, tôi cười thầm trong bụng, đề nghị bác tài xế đăng kí một khóa huấn luyện thôi miên cảm xúc cho tôi đứng lớp.

Một tuần sau đó, chính tôi cũng phải ngạc nhiên trước sự tiến bộ của bác Tom trong việc lĩnh hội thuật thôi miên cảm xúc mà tôi giảng dạy.

Bác Tom là học viên có thái độ học tập nghiêm túc nhất trong khóa học. Bác không chỉ áp dụng thuật thôi miên cảm xúc trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ, mà còn sử dụng thành thạo kỹ thuật này trong những tình huống khó khăn hoặc nan giải.

Hai tháng trôi qua. Trong một buổi tối nọ, tôi lại có cơ hội được ngồi chiếc xe buýt của bác Tom.

“Muốn biết tôi làm thế nào để khiến bà con phải dạt ra hai bên rìa xe chứ?” – bác cười khi nhìn thấy tôi.

Hiển nhiên là tôi muốn biết.

Với một nụ cười ấm áp, bác Tom nói lời chào một cách thân thiện và niềm nở với mọi hành khách lên xe.

Và trong khi hành khách cứ mải mê lấp đầy khoang trước và lối đi giữa của xe buýt vì những mối bận tâm xa xăm trong đầu họ, bác tài xế quay đầu lại. Bằng một giọng nói trầm ấm, bác yêu cầu hành khách:

“ Hai bên rìa xe buýt còn rất nhiều chỗ trống, mọi người hãy ngồi ở đó cho thoải mái nhé, những người bạn của tôi!”

Các hành khách đều nghe thấy và di chuyển ngay lập tức!

Là con người, chúng ta giao tiếp với nhau bằng ngôn từ và hành động.

Khi được lồng ghép trong ngôn từ hoặc hành động của chúng ta, thuật thôi miên cảm xúc có thể làm nên nhiều điều kì diệu. Nó có thể dẫn đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hàn gắn một mối quan hệ đổ vỡ, khởi đầu một chiến dịch bán hàng hiệu quả, bắt đầu một cuộc tranh luận bổ ích, hoặc giúp bác tài xử lí thành công một vấn đề nan giải!

CTV: Đăng Khoa


Bình luận