0,1 GRAM RADIUM TINH CHẤT QUÝ BÁU

05:10, 06/04/2022 300
0,1 GRAM RADIUM TINH CHẤT QUÝ BÁU

0,1 GRAM RADIUM TINH CHẤT QUÝ BÁU

Biên soạn: Ramus Hoài Nam

Trích: Marie Curie - Nhà nữ khoa học kiệt xuất; NXB:Thanh Niên.

---o0o---

Marie và Pierre quyết tâm phải tách đi radium và polonium nguyên chất. Để làm được điều đó, bắt buộc họ phải có rất nhiều nguyên liệu.

Marie đã tìm hiểu và phát hiện mỏ quặng ở thị trấn Joachimsthal (ngày nay là Jáchymov), thuộc vùng Bohemia (trước đây thuộc Áo, ngày nay thuộc Czech). Tại đây, họ khai thác pitchblende để tách uranium, rồi dùng uranium để chế tạo loại thủy tinh có màu vàng đẹp mắt, một sản phẩm nổi tiếng của vùng này. Vì thế, quặng pitchblende có giá rất đắt. Đối với hai nhà khoa học nghèo như Marie và Pierre, có hàng tấn quặng pitchblende để làm thí nghiệm thật sự là một giấc mơ. Nhưng khó khăn ấy không thể khuất phục được Marie, người từng đi dạy gia sư nhiều năm trời để dành dụm tiền sang Paris học và có cuộc sống thiếu thốn suốt thời sinh viên. Hai vợ chồng đặt toàn bộ số tiền tiết kiệm ít ỏi lên mặt bàn. Trong cuộc sống hằng ngày, họ không dám mua sắm gì cho bản thân, ngoài những sinh hoạt cần thiết nhất mà Marie đã ghi chi tiết vào cuốn sổ chi tiêu. Nhưng họ sẵn sàng đem số tiền bao năm thắt lưng buộc bụng để mua nguyên liệu phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Nếu dùng quặng pitchblende thì số tiền này chỉ đủ mua một tạ, nhưng công việc của họ cần đến cả tấn quặng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng họ nghĩ ra một giả thuyết. Nhà máy chỉ tách uranium, ngoài ra, họ không lấy thêm gì khác. Như vậy, polonium và radium mà họ cần tìm sẽ còn nguyên vẹn trong đống xỉ mà nhà máy thải ra. Khi uranium đắt đỏ đã được khai thác hết, xỉ quặng không còn giá trị đối với nhà máy nữa nên chắc chắn sẽ rất rẻ. Nhờ có sự giúp đỡ của Eduard Suess, một nhà địa chất ở Vienna (Áo), họ đã mua được xỉ quặng. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển xỉ quặng từ Bohemia về Paris rất cao. Sau đó, Nam tước Edmond de Rorthschild đã tài trợ tiền vận chuyển xỉ quặng về Pháp.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Để có thể chứa một lượng lớn sỉ quặng như vậy, Marie và Pierre cần một nơi làm việc rộng rãi hơn. Phòng thí nghiệm nơi họ phát hiện ra polonium và radium không còn phù hợp nữa. Hai nhà khoa học xin Đại học Sorbonne một phòng thí nghiệm to hơn, sạch sẽ hơn và có các trang thiết bị mới. Nhưng mọi cố gắng đều thất bại. Đại học Sorbonne từ chối. Cuối cùng, họ được ông hiệu trưởng trường Vật lý và Hóa học Công nghiệp cho mượn một nhà để xe cũ kỹ, bẩn thỉu, sàn nhà chỉ rải nhựa đường, trước đây từng là nhà để xác của Đại học Y khoa.

Nhà xe không có gì, ngoài vài cái bàn gỗ đã hỏng, một cái bếp lò cũ cùng một cái bảng đen mà Pierre rất thích viết lên đó. Ở đó cũng không có ống thông khí để đưa các khí độc từ những thí nghiệm thoát ra ngoài. Để tránh bị ngạt vì khí độc, Marie và Pierre phải thực hiện công việc ngoài trời. Nhưng khi thời tiết không thuận lợi, họ buộc phải làm trong nhà, mở tất cả các cửa sổ. Không chỉ có thế, mùa nắng, mái nhà bằng kính khiến nhà xe biến thành nhà kính, nóng như thiêu như đốt, mùa đông tuyết rơi thì lạnh thấu xương, trong phòng lại không có lò sưởi. Nhất là hôm nào trời mưa thì thật khốn khổ, mái dột khiến nước mưa chảy xuống khắp nơi, xuống sàn, xuống bàn làm việc, hai vợ chồng phải đánh dấu những chỗ dột để không đặt các dụng cụ thí nghiệm vào đó.

Đó chỉ là những yếu tố ngoại cảnh. Còn công việc của họ ra sao? Hai vợ chồng nghèo, không có phụ tá nên phải tự tay làm hết mọi công đoạn. Cô Marie yếu ớt ngày nào giờ đang đứng suốt ngày ở ngoài trời để quấy quặng đang sôi bằng một thanh sắt cao quá đầu người. Để không ảnh hướng đến công việc, nhiều hôm, họ ăn bữa trưa đạm bạc ngay tại nhà xe. Cuộc sống thiếu thốn, khó nhọc, nhưng đó là những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời họ. | Những chuỗi ngày làm việc mệt nhọc cứ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Hai vợ chồng nhà Curie vẫn không nản chí, không bận tâm đến khó khăn, vất vả. Họ phân chia công việc như sau: Marie đóng vai trò là một nhà hóa học, phụ trách phần tách radium, Pierre đảm nhận vai trò là một nhà vật lý, tập trung nghiên cứu về các tia liên quan đến sự phóng xạ.

Marie viết về những năm tháng ấy như sau: “Thời gian Nó chúng tôi dốc hết tâm trí vào lĩnh vực mới mở ra trước mắt nhờ một khám phá không ngờ tới. Mặc bao khó khăn, trở ngại về điều kiện làm việc, chúng tôi vẫn cảm thấy rất vui sướng. Hai người suốt ngày ở phòng thí nghiệm, thường ăn những bữa trưa đạm bạc. Trong cái nhà xe tiều tụy có một sự yên tĩnh lạ thường. Thỉnh thoảng, trong khi theo dõi một thí nghiệm đang tiến hành, tối hoặc Pierre đi đi, lại lại, hết nói chuyện công việc hiện tại lại bàn đến tương lai. Ấm lòng biết bao cốc trà nóng uống bên cạnh bếp lò những khi trời lạnh. Cuộc sống chúng tôi hướng tới một mục đích duy nhất, như trong giấc mơ...

Khách khứa rất ít. Trong số các nhà vật lý và hóa học, thỉnh thoảng có người đến xem chúng tôi làm thí nghiệm, hoặc đến hỏi ý kiến Pierre, anh có tiếng là thông thạo về vật lý. Và mỗi lần thường có những cuộc đàm thoại trước bảng đen, sau này, ai nấy còn ghi nhớ mãi. Nó kích thích sự chăm chú đến khoa học và hăng say làm việc, mà không làm gián đoạn dòng suy nghĩ và không phá vỡ bầu không khí yên lặng và tĩnh tâm của phòng thí nghiệm.”

Kể từ ngày nỗ lực phân tách polonium và radium, Marie không còn hay viết thư tâm sự về công việc, ước mơ, dự định của mình với những người thân ở Ba Lan. Cô gái giàu tình cảm với cha, với chị Bronia ngày nào giờ đây trầm lắng hẳn đi. Có lẽ cô nghĩ rằng những người thân dù có thương yêu, nhớ nhung cô bao nhiêu đi nữa cũng không thể hiểu được công việc lớn lao, nhưng thầm lặng mà cô đang làm. Những lá thư thưa thớt hơn và nếu viết thì chỉ nhắc đến nỗi nhớ người thân, cũng như đề cập đến những sinh hoạt hằng ngày của đôi vợ chồng với một đứa con gái, không hề có một dòng nào nói về công việc, về các khó khăn. Lúc này, Marie chỉ có một người duy nhất có thể chia sẻ với cô mọi thứ. Đó là Pierre, người bạn, người đồng nghiệp, người chồng tuyệt vời mà số phận đã ban tặng cho cô.

Công việc dần dần có tiến triển. Trong hai năm 1899 và 1900, Pierre và Marie lần lượt đăng các báo cáo về quá trình nghiên cứu của mình: Marie viết hai, Pierre viết một và ba báo cáo do cả hai cùng viết. Trong Đại hội Quốc tế về Vật lý tổ chức tại Paris năm 1900, một bản báo cáo về phóng xạ của họ được giới khoa học hết sức chú ý.

Vợ chồng nhà Curie vẫn kiên trì làm việc trong điều kiện thiếu thốn, nghèo nàn. Hết tấn xỉ quặng này đến tấn xỉ quặng khác tiếp tục được chuyển từ Áo đến Pháp và Marie đã làm việc đầy nhẫn nại. Suốt bốn năm ròng rã, mỗi ngày, cô vừa là nhà khoa học, thợ chuyên môn, kỹ sư và kiêm cả lao công. Mấy tấn xỉ quặng pitchblende giờ chỉ còn lại những cục lớn, nhỏ chất đầy trên mấy chiếc bàn cũ kỹ trong nhà xe tiêu điều.

Cần có một phòng thí nghiệm sạch sẽ với những dụng cụ an toàn được chống rỉ, chống nóng, chống bụi. Trong nhà xe đổ nát, làm gì có những điều kiện ấy. Cả tuần đun nấu, chắt lọc tốn bao công phu và sức khỏe mới làm sạch được phần nào những thói quặng Cô đặc đang chất đống trên bàn. Nhưng chỉ một cơn giông nổi lên là tất cả công lao ấy lại như bị đổ xuống sông, xuống biển. Căn nhà trống toác, dột nát, gió thổi bụi bay khắp nơi.

Nhiều lần như thế, Pierre thấy Marie quá cực nhọc nên đâm ra chán nản. Anh khuyên vợ hãy dừng công trình nghiên cứu tại đây, thu thập toàn bộ vật liệu và tài liệu lại chờ đến khi có điều kiện tốt hơn hãy làm tiếp. Tuy nhiên, những nỗ lực thuyết phục của Pierre với Marie đều vô ích. Xưa nay, nếu cô đã quyết định làm việc gì thì phải làm cho bằng được, bất chấp ngoại cảnh.

Với kiến thức của một nhà vật lý trẻ tuổi, ít kinh nghiệm, Marie vẫn kiên trì làm việc. Vướng chỗ nào, cô lại dừng công việc, tìm đọc tài liệu để tham khảo. Trước sự quyết tâm của vợ, Pierre lại xiêu lòng. Anh cùng người vợ kiên định của mình tiếp tục công việc đã định.

Một buổi tối tháng Bảy năm 1902, Marie bế bé Irène về phòng ngủ. Cô ngồi ở đầu giường, ngắm nhìn gương mặt thơ ngây của con, chờ đến khi tiếng thở đều đều cất lên, mới nhẹ nhàng ra ngoài. Pierre đang nóng lòng đợi vợ từ nãy. Tối nay, Marie cũng không ngồi cắt may hoặc khâu áo cho con như mọi khi. Hai vợ chồng đã có một dự định. Pierre chở vợ trên chiếc xe đạp cũ đến nhà xe, nơi họ vừa rời khỏi đó mấy tiếng đồng hồ.

Trong đêm tối, hai vợ chồng vui sướng tột độ khi nhìn thấy ánh sáng xanh đẹp mắt phát ra từ radium. Họ mải mê ngắm thành quả lao động vất vả, cực nhọc của mình suốt bốn năm ròng rã mà không hề thấy chán.

Sau bao năm tháng lăn lộn trong “cuộc chiến” thiếu thốn đủ mọi trang thiết bị, đầy cam go, thử thách, cuối cùng, Marie và Pierre đã tách được 0,1 gram radium nguyên chất. Họ cũng tính được trọng lượng nguyên tử của nó là 225. Giờ đây, tất cả giới khoa học trên toàn thế giới phải chính thức công nhận sự tồn tại của radium là có thực. Hai nhà khoa học đã giúp họ nhìn thấy, sờ được và đo đạc được nó.

CTV: Minh Hoàng


Bình luận