SINH NHẬT LẦN THỨ 12 VÀ NGƯỜI KHÁCH LẠ

05:10, 07/04/2022 154
SINH NHẬT LẦN THỨ 12 VÀ NGƯỜI KHÁCH LẠ

SINH NHẬT LẦN THỨ 12 VÀ NGƯỜI KHÁCH LẠ

Biên soạn: Ramus Hoài Nam

Trích: ALBERT EINSTIEN - Tuổi Thơ Gian Khó Và Cuộc Đời Khoa Học Vĩ Đại; NXB:Thanh Niên.

---o0o---

Thắm thoát đã đến sinh nhật lần thứ 12 của Einstein. Bà Pauline Koch chuẩn bị một bữa một bữa tiệc nhỏ mời một vài người thân và bạn bè của gia đình. Trong số những người đến dự tiệc có một vị khách lạ, dáng người tầm thước, khuôn mặt cương nghị với chiếc cằm bạnh đi cùng chú Jakob. Đó là Max Talmey – một sinh viên y khoa và là bạn của gia đình Einstein.

Một lần đến Munich, Max đã chủ động tìm gặp chú Jakob khi biết tin chú đang làm công nhân trong một xưởng sản xuất đồ điện dân dụng ở đây. Và thế là chú Jakob đã mời ngay người bạn này đến dự sinh nhật cháu mình. Trước khi đến đây, Max đã được nghe chú Jakob kể về chuyện Einstein thích thú như thế nào khi nhìn thấy chiếc la bàn. Vì vậy, quà sinh nhật mà vị khách đặc biệt này tặng cho Einstein cũng rất đặc biệt. Đó là cuốn sách về hình học Euclid trong mặt phẳng.

Khi buổi tiệc sinh nhật kết thúc, Einstein về phòng, bắt đầu mở món quà của chú Max. Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn sách, cậu bé 12 tuổi đã cảm thấy như mình đang được tiếp xúc với một điều kỳ diệu mà từ trước đến nay cậu chưa từng biết đến. Những ngày tiếp theo, Albert như bị cuốn vào thế giới của những định lý, những phép chứng minh vô hình nhưng lại vô cùng đúng đắn. Dần dần, Einstein bị hình học hấp dẫn đến cao độ. Cậu xem hình học Euclid trong mặt phẳng là cuốn sách gối đầu giường của mình và say mê nghiền ngẫm đến mức quên cả thời gian. Với năng lực tư duy hình học xuất chúng, Einstein đã tiến bộ nhanh chóng, và tài năng của cậu ngay lúc đó đã bộc lộ tạo nền tảng vững chắc cho con đường trở thành nhà bác học sau này. Những quan tâm đầu tiên của Einstein và toán học được khơi dậy bởi chú Max Talmey đã tạo cho Einstein những phẩm chất cần thiết về tư duy trong sáng, về tính hệ thống của tư duy logic. Nói một cách cụ thể hơn, hầu hết những mệnh đề trong hình học đều được chứng minh bằng những phép tính logic bất di bất dịch để dẫn đến những định lý mà sau này người ta chỉ việc áp dụng nó mà không cần phải đăn đo về tính chính xác và độ tin cậy. Nó thật sự phù hợp với tình yêu tính xác thực mãnh liệt của cậu bé Albert. Cũng từ đó, Albert không đam mê văn học như trước nữa mà chuyển sang đọc và tìm tòi những điều mới mẻ và lý thú trong những cuốn sách về khoa học tự nhiên. Cậu tìm mọi cách để nhờ chú Jakob giúp mình làm quen với chú chỉ để được nghe chú nói chuyện về khoa học.

Sau vài lần tiếp xúc, chú Max nhận thấy ở Einstein có sự ham học hỏi, tìm tòi và niềm yêu thích đặc biệt đối với khoa học tự nhiên mà những đứa trẻ cùng trang lứa không hề có. Lâu dần, chú cũng quý mến Einstein và đồng ý cho cậu mượn rất nhiều sách khoa học như: “Định luật bảo toàn năng lượng”, “Định luật di truyền”, “Nguồn gốc muôn loài”, “Sức mạnh và vật chất”,...

Một tuần sau khi cho Einstein mượn sách, chú Max rất ngạc nhiên khi thấy cậu bé Einstein và chú Jakob đến tìm mình. Max mời hai chú cháu vào nhà. Chú vừa rót nước mời khách vừa nửa đùa nửa thật:

- Thế nào anh bạn nhỏ? Chắc là lại chán ngấy mấy cuốn sách dày cộp của chú rồi chứ gì?

Nhưng Einstein đã phủ nhận câu hỏi của chú bằng một câu hỏi khác:

- Dạ thưa chú Max, chú có thể giải thích thêm cho cháu về hiện tượng phóng điện trong môi trường chân không của Faraday được không ạ?

Chú Max vô cùng sửng sốt trước câu hỏi đường đột của Einstein, chú tròn mắt hỏi lại:

- Cháu hỏi gì cơ? Hiện tượng phóng điện trong môi trường chân không của Faraday ư? Cháu hiểu gì về những thứ ấy?

Einstein bình thản trả lời:

- Thưa chú, cháu đã đọc chu kỳ của nguyên tố, những bí mật về vật chất của nhà khoa học Mendeleev. Cháu rất thích chúng và hiểu được phần nào mặc dù chúng trừu tượng. Còn về hiện tượng phóng điện, cháu cũng tìm hiểu kỹ trong môi trường tự nhiên, nếu điện tích âm gặp điện tích dương sẽ gây ra hiện tượng phóng điện. Ví dụ như trong cơn mưa, một đám mây mang điện tích âm gặp một đám mây mang điện tích dương thì sẽ tạo nên sự phóng điện. Còn trong môi trường chân không tại sao cũng có hiện tượng này thì cháu không thể nào hiểu được, mặc dù cháu đã cố gắng. Cháu rất mong được chú giải thích thêm cho!

Đến lúc này, chú Max mới thật sự tin vào tai mình, tin rằng những điều mình vừa nghe được thực sự là của Einstein nói ra sau khi đã đọc những cuốn sách mà mình cho mượn. Chú nhận ra rằng, nếu được bồi dưỡng tốt, nhất định Einstein có thể tạo ra kỳ tích. Thế là từ đó, trong thời gian còn làm việc tại Munich, cứ cuối tuần chú sẽ đến tận nhà Einstein ba tiếng đồng hồ từ 6 đến 9 giờ để giải đáp cho Einstein những thắc mắc của cậu khi đọc sách.

Đây thật sự là một cơ hội tốt đối với Einstein. Vì vậy, cậu cố gắng dành thật nhiều thời gian nghiên cứu những cuốn sách mà chú Max cho mượn. Tất cả những nghi vấn và thắc mắc trong quá trình đọc, cậu bé mười hai tuổi ấy đều ghi lại một cách tỉ mỉ, cẩn thận vào một cuốn vở ô li nhỏ. Cuối tuần, cậu lại lần lượt nêu ra những điều chưa hiểu để chú Max giải thích cặn kẽ. Những buổi học "ngoại khóa” như vậy theo quy định là chỉ đến 9 giờ tối, nhưng có hôm hai thầy trò say mê đến mức khi ngẩng đầu lên đã là 12 giờ đêm. Và rồi Einstein dùng mọi cách để chú Max ngủ lại qua đêm. Đương nhiên sau đó Max cũng biết là mình đã bị mắc lừa bởi chú không thể chợp mắt được một giây phút nào khi mà cậu bé Einstein cứ khơi sâu mãi vào niềm đam mê khoa học của chú bằng những câu hỏi lý thú khiến chú không sao dứt ra được.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chú Max, Einstein đã có những nhận thức rất mới mẻ về các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán học. Lòng say mê toán học của cậu mỗi lúc một mãnh liệt và thành quả của nó là trong những năm học phổ thông, cậu học rất giỏi toán, nhưng ở các môn học khác, học lực chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, các thầy cô giáo cũng không mấy chú ý đến cậu.

CTV: Trịnh Thiện


Bình luận